Bộ GD&ĐT lên tiếng về đề xuất dẹp hội phụ huynh để chống lạm thu
Theo Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, Bộ GD&ĐT sẽ nghiên cứu bỏ quy định hội cha mẹ học sinh thu tiền để không có tình trạng lách luật khi lạm thu.
Sáng 22/9, chia sẻ với báo chí về vấn đề đang được dư luận quan tâm, Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết Ban đại diện cha mẹ học sinh rất cần thiết vì có chức năng phối hợp, kết nối giữa nhà trường và gia đình trong quá trình giáo dục học sinh.
Tuy nhiên, theo bà Nghĩa, cần xem xét hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh để đảm bảo đúng hiệu quả và phát huy đúng vai trò chức năng của mình.
Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa cho biết sẽ tăng cường thanh, kiểm tra để có biện pháp chấn chỉnh việc thực hiện đúng theo quy định điều lệ của ban đại diện cha mẹ học sinh.
Có thể xóa bỏ quy định cho hội phụ huynh thu tiền
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa chỉ ra thực tế hiện nay, một số nơi phụ huynh chưa làm đúng quy định tại điều lệnh mà Bộ GD&ĐT đã ban hành ở Thông tư số 55/2011/TT-BGDĐT ngày 22/11/2011. Đây là trách nhiệm của ban đại diện cha mẹ học sinh và hiệu trưởng.
Sắp tới, Bộ GD&ĐT sẽ tăng cường thanh, kiểm tra để có biện pháp chấn chỉnh việc thực hiện đúng theo quy định điều lệ của ban đại diện cha mẹ học sinh. Từ đây, hội có sự kết nối để quản lý, giáo dục học sinh cùng nhà trường sao cho tốt hơn.
Thứ trưởng Nghĩa thông tin những vấn đề về học sinh hoặc các hoạt động nâng cao chất lượng học tập, nhà trường cần thông báo cho hội phụ huynh biết, cùng trao đổi thông tin cụ thể. Trách nhiệm của phụ huynh và nhà trường là cùng nhau xây dựng môi trường giáo dục tốt cho các cháu. Không nên biến tướng hội phụ huynh thành tổ chức để lạm thu trong nhà trường.
Về việc có nên xóa bỏ quy định hội phụ huynh được phép thu tiền hay không, bà Nghĩa cho biết: Hội phụ huynh được thu hội phí theo quy định điều 10. Trước những biến tướng như hiện tại, Bộ GD&ĐT nghiên cứu có thể bỏ quy định này để tránh hiện tượng lách luật. Việc phụ huynh muốn đóng góp phải trên tinh thần tự nguyện chứ sẽ không còn quy định.
Video đang HOT
Đề xuất vay tiền thay thu tiền phụ huynh
Theo GS Nguyễn Minh Thuyết – Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể – tại nhiều nơi, ban phụ huynh đã làm rất tốt công việc của mình, đồng thời giám sát việc của nhà trường, thay mặt phụ huynh để kiến nghị bảo vệ quyền lợi cho học sinh. Tuy nhiên, một số nơi vẫn còn tồn tại phụ huynh là cánh tay nối dài của ban giám hiệu để thu tiền. Đó là hành động không đúng, cần chấn chỉnh.
GS Nguyễn Minh Thuyết trả lời báo chí sáng 21/9. Ảnh: Quyên Quyên.
“Chúng ta cần hiểu thế nào là lạm thu? Luật giáo dục quy định ngoài học phí không được thu bất kỳ khoản nào khác liệu có thực hiện được không? Học phí của học sinh chỉ có 30.000 đồng đến 40.000 đồng mỗi tháng. Nhà trường còn phải làm các dịch vụ cho học sinh, đơn giản nhất như giữ xe, nếu không thu thì lấy đâu tiền thuê giữ xe.
Điều này dẫn đến việc, quy định vẫn cấm, kẽ hở thu vẫn có, nên nhiều nơi thu quá dẫn đến lạm thu. Về cơ sở vật chất, có một điều rất vô lý là các nhiều trường năm nào cũng thu tiền điều hòa khi học sinh và phụ huynh có nguyện vọng. Nhưng điều hòa cả chục năm mới hỏng, vậy có thể sử dụng cách vay tiền của hội phụ huynh, sau đó khi học sinh ra trường thì trả lại tạo nên sự sòng phẳng”, GS Nguyễn Minh Thuyết nói.
Ngoài ra, xoay quanh vấn đề lạm thu, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng học phí ở các cấp hiện tại là tượng trưng khi dừng ở chục nghìn mỗi tháng. Ông đề xuất nên tăng học phí, điều này cần chính phủ và các cơ quan địa phương quy định.
Tuy nhiên, theo GS Nguyễn Minh Thuyết, tương lai có thể hướng tới các cấp học cao nên thu học phí cao hơn, vì họ đã có nghề nghiệp. Còn lại, Nhà nước đầu tư cho các cấp miễn phí từ tiểu học đến THCS.
Thư ngỏ về việc đóng góp của ban đại diện cha mẹ học sinh và phản đối của phụ huynh. Ảnh: NVCC.
Theo Zing
Đảm bảo học sinh vùng bão không thiếu sách vở đến trường
Đến thăm thầy trò vùng bị thiệt hại do bão số 10, Thứ trưởng GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa yêu cầu các trường đảm bảo sách vở để các em đến lớp.
Sáng 21/9, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa dẫn đầu đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đến Quảng Bình thăm hỏi, động viên giáo viên và học sinh các trường bị thiệt hại do bão số 10.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa thăm hỏi học sinh tại trường Mầm non xã Quảng Phú. Ảnh: Văn Được.
Làm việc với ngành giáo dục tỉnh Quảng Bình, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa truyền đạt ý kiến của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, yêu cầu cán bộ ngành giáo dục địa phương tập trung khắc phục hậu quả do bão số 10 gây ra.
"Ngành giáo dục tỉnh phải cử cán bộ đến các điểm trường thăm hỏi gia đình giáo viên, học sinh. Phải đảm bảo để các em học sinh vùng bão không thiếu sách vở đến trường", bà Nghĩa phát biểu.
Bộ Giáo dục cũng đề nghị ngành giáo dục các tỉnh chú trọng bảo đảm vệ sinh để các em không bị mắc dịch bệnh. Cán bộ, viên chức, giáo viên ở nơi ít thiệt hại chung tay chia sẻ, giúp đỡ nơi bị thiệt hại nhiều.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa yêu cầu quan tâm đặc biệt đến những học sinh nghèo, hoàn cảnh khó khăn bị thiệt hại do bão, tạo điều kiện để các em an tâm đến trường.
Bà Nghĩa cũng nhấn mạnh chỉ đạo của Bộ GD&ĐT tuyệt đối không để các trường học thu các khoản sai quy định, gây bức xúc cho phụ huynh học sinh.
Thứ trưởng GD&ĐT thăm khu nhà nội trú của Trường THPT Quang Trung, ngôi trường bị thiệt hại nặng nhất do bão số 10 gây ra ở Quảng Bình. Ảnh: Văn Được.
Đến thăm trường THPT Quang Trung (huyện Quảng Trạch), đoàn công tác vào khu nhà nội trú của giáo viên, thăm hỏi, tìm hiểu đời sống của thầy cô giáo.
Trao tặng trường THPT Quang Trung 50 triệu đồng, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa động viên thầy cô nhanh chóng khắc phục hậu quả của bão, trước mắt huy động ngân sách xây lại tường, lợp phần mái 17 phòng nội trú giáo viên bị tốc mái.
Trong chuyến thăm và làm việc tại Quảng Bình, Thứ trưởng Bộ GD & ĐT đã trao 500 triệu đồng hỗ trợ khẩn cấp cho ngành giáo dục tỉnh để khắc phục hậu quả do bão số 10 gây ra.
Bão số 10 gây thiệt hại ước tính gần 8.000 tỷ đồng trên toàn tỉnh Quảng Bình, ngành giáo dục cũng bị ảnh hưởng rất nặng nề. Toàn tỉnh có 7 trường bị sập hoàn toàn 11 phòng học cùng gần 600 phòng khác bị hư hỏng, trên 46.000 m2 mái nhà lớp học bị tốc mái, 6.800 hàng rào bị sập, cơ sở vật chất nhiều trường bị hư hỏng.
Phần mái của khu nhà 3 tầng của trường THPT Quang Trung bị bão thổi bay toàn bộ ngói lợp. Ảnh: Văn Được.
"Ngành giáo dục Quảng Bình gặp nhiều khó khăn với con số thiệt hại ước tính trên 205 tỷ đồng. Chúng tôi mong các giáo viên, phụ huynh học sinh cùng chung tay để đảm bảo việc học của các em được tiếp tục, thuận lợi sau bão", ông Đinh Quý Nhân, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Bình nói.
Theo Zing
Ông bố ở Sài Gòn gửi đơn đến Chính phủ kiến nghị dẹp hội phụ huynh Cho rằng lạm thu diễn ra trong trường học núp bóng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh, ông Võ Quốc Bình đã gửi đơn tới Văn phòng Chính phủ kiến nghị dẹp bỏ hội phụ huynh. Ngày 21/9, chia sẻ với Zing.vn, ông Võ Quốc Bình có con đang theo học tại trường Tiểu học Hòa Bình, quận 1, TP.HCM,...