Bộ GD&ĐT lên tiếng về đề trắc nghiệm Toán truyền trên mạng
Trước băn khoăn của dư luận về việc hiện nay trên mạng xã hội lan truyền nhiều bộ đề thi trắc nghiệm môn Toán, Bộ GD&ĐT khẳng định đây không phải đề thi minh họa chính thức.
Bộ GD&ĐT cho biết đầu tháng 10 sắp tới sẽ chính thức công bố đề thi minh họa trên website. Thời gian này, để có bộ đề thi trắc nghiệm và chuẩn hóa với yêu cầu đánh giá và phân loại học sinh, Bộ cần thời gian chuẩn bị, sử dụng thử và điều chỉnh.
Bộ GD&ĐT đang phối hợp ĐH Quốc gia Hà Nội rà soát, đánh giá, chuẩn bị đề thi cho phù hợp mục đích của kỳ thi THPT quốc gia, đồng thời bổ sung ngân hàng câu hỏi để xây dựng đề thi minh họa cho kỳ thi năm tới.
Cũng theo Bộ GD&ĐT, hình thức câu hỏi trắc nghiệm hay tự luận không ảnh hưởng cách dạy và học. Dù thi theo hình thức nào, học sinh cũng phải nắm vững kiến thức, kỹ năng mới tìm hay chọn được đáp án đúng và nhanh nhất.
Gần 10 năm nay, các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học đều thi theo hình thức trắc nghiệm, giáo viên và học sinh vẫn sử dụng SGK hiện hành để dạy và học, cho kết quả tốt. Từ đó, Bộ GD&ĐT cho rằng chương trình SGK hiện hành không ảnh hưởng việc thi theo hình thức trắc nghiệm hay tự luận.
Thí sinh dự thi THPT quốc gia. Ảnh: Anh Tuấn.
Bộ GD&ĐT đánh giá việc thi Toán bằng hình thức trắc nghiệm có thể mới với Việt Nam nhưng nhiều nước phát triển trên thế giới đã áp dụng từ lâu.
Ví dụ, ở các bài thi SAT hay ACT của Hoa Kỳ, mỗi bài thi có khoảng trên 50 câu hỏi Toán bằng hình thức trắc nghiệm. Hàng năm, mỗi bài thi này thu hút hàng triệu lượt thí sinh tham gia dự thi để ứng tuyển vào khoảng 1.800 trường đại học của Hoa Kỳ.
Video đang HOT
Bộ GD&ĐT khẳng định hình thức thi trắc nghiệm hoàn toàn có thể kiểm tra được tư duy logic và sáng tạo của học sinh. Các chuyên gia đã tính toán thí sinh phải trải qua bao nhiêu bước mới giải được đề? Thí sinh mất tối thiểu bao nhiêu thời gian? Nếu có những cách giải sáng tạo để thu ngắn các bước tư duy và thời gian, thí sinh có thực sự có năng lực bậc cao không?
Trước đó, Bộ GD&ĐT báo cáo Chính phủ đề án thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học cao đẳng năm 2017, với 3 điểm khác biệt lớn so với năm 2016.
Cụ thể, kỳ thi THPT quốc gia 2017 dự kiến giao về các Sở GD&ĐT chủ trì, cả nước sẽ chỉ còn một cụm thi ở các tỉnh. Các trường đại học, cao đẳng cử người về hỗ trợ coi thi và có trách nhiệm giám sát. Từ năm 2020 trở đi, vai trò giám sát của các trường đại học, cao đẳng không còn.
Bộ GD&ĐT sẽ tổng hợp một số môn thành bài thi tổng hợp trắc nghiệm. Tất cả chỉ còn 5 bài thi là Toán, Ngữ Văn, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Trừ Ngữ Văn vẫn thi bằng hình thức tự luận, các môn còn lại thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan.
Bộ GD&ĐT cũng dự kiến từ năm 2017, các trường đại học, cao đẳng xét tuyển theo một phương thức hoặc kết hợp các phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở THPT, kết quả các bài thi THPT quốc gia, sơ tuyển kết hợp thi tuyển bằng các bài thi đánh giá năng lực chuyên biệt, xét tuyển bằng kết quả đánh giá năng lực chuyên biệt của trường (hoặc nhóm trường) khác.
Theo Zing
Nữ sinh gửi Bộ Giáo dục tâm thư: Làm ơn đừng thay đổi thi cử
"Làm ơn Bộ GD&ĐT đừng thay đổi liên tiếp kỳ thi. Chúng con học đã áp lực, cộng thêm việc luôn phải nghe ngóng thêm thông tin để biết cách ôn tập", Phương Thảo viết.
Gần đây, cộng đồng Facebook lan tỏa bức thư của một học sinh viết gửi Bộ GD&ĐT sau dự thảo thi tuyển sinh 2017. Trao đổi với Zing.vn, Phương Thảo cho biết hiện em học lớp 12 tại TP.HCM.
Bức thư của Thảo nhanh chóng nhận được gần 10.000 lượt like (thích) và hơn 4.000 lượt chia sẻ. Một luồng ý kiến đồng cảm với học sinh này, cho biết họ cũng là "nạn nhân", "chuột bạch", khi chỉ còn 9 tháng nữa sẽ bước vào kỳ thi. Luồng dư luận khác lại cho rằng, cách làm của Bộ GD&ĐT giảm áp lực cho học sinh.
Bạn Ngọc An viết: "Bộ GD&ĐT nên có sự thay đổi nhưng phải cho học sinh biết rõ lộ trình ít nhất 3 năm để yên tâm học tập. Bộ luôn nói không gây sốc cho giáo viên và học sinh nhưng mình nghe dự thảo còn... trên cả sốc".
Thành viên Nguyễn Thế Tùng chia sẻ: "Cách thay đổi phương thức thi của ĐH Quốc gia Hà Nội trước đây đã báo hiệu sự thay đổi. Các bạn không nên quá lo lắng, hãy tập trung học thật tốt vì học sinh cả nước đều thi một phương thức chứ đâu phải riêng mình bạn?".
Bức thư của Phương Thảo như sau:
Thưa Bộ GD&ĐT, thực sự con không biết các bác có đọc bức thư này hay không, nhưng con vẫn muốn chia sẻ một số điều còn băn khoăn.
Năm nay, con là học sinh cuối cấp chuẩn bị thi THPT. Con biết Bộ GD&ĐT muốn đổi mới, cải cách, cải thiện để kỳ thi tốt hơn, giáo dục tốt hơn nhưng làm ơn hãy lắng nghe ý kiến của những người trong cuộc, đó là thầy cô và học sinh.
Bức tâm thư nhận được nhiều bình luận khác nhau. Ảnh chụp màn hình.
Để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia, chúng con đã định hướng, chọn môn thi và khối thi, chuẩn bị tâm lý từ cuối năm lớp 11. Vậy tại sao chúng con đang học chương trình SGK từng môn mà tới lúc thi lại làm bài có nhiều môn? Sự thay đổi này khiến thầy cô và chúng con đều không chuẩn bị kịp.
Đặc biệt, với môn Toán, thầy cô dạy theo tự luận sẽ có cách trình bày khác, còn nếu làm theo trắc nghiệm sẽ có kỹ năng giải nhanh hơn cho kịp thời gian. Phương án này sẽ làm cho học sinh chúng con và giáo viên thay đổi 180 độ.
Đúng là trong khoa học tự nhiên có cả 4 môn Toán, Lý, Hóa, Sinh nhưng thưa Bộ GD&ĐT: Một nhà kinh doanh có nhất thiết phải học môn Sinh? Một bác sĩ có cần thiết phải giỏi Vật lý? Vậy, việc cho thêm môn vào bài thi sẽ làm mất thời gian mà thôi.
Cách thi như vậy sẽ dẫn đến việc chúng con không chỉ học chương trình SGK để biết thêm kiến thức, mà còn phải học để thi. Chúng con không chỉ học tất cả môn và ôn trọng điểm các môn phải thi, mà còn phải học nhồi nhét những môn không liên quan ngành nghề.
Trước đây, chúng con không phải học lệch mà học những thứ có ích. Thứ nhất, học để có công việc ổn định, thứ hai để trở thành người có ích cho đất nước.
Con mong Bộ GD&ĐT hiểu kiến thức là vô tận, không thể bắt chúng con nhồi nhét quá nhiều vào cùng một lúc. Đó có thể gọi là những tri thức có ích bị đè bẹp dưới một đống tri thức khác mà lúc cần những thứ ấy không thể sử dụng ngay được.
Con nghĩ, sẽ là sai lầm khi bắt một con người phải hoàn hảo tất cả những khía cạnh. Ai cũng có thế mạnh riêng của người đó.
Làm ơn, Bộ GD&ĐT đừng tiếp tục thay đổi kỳ thi vội vàng nữa. Chúng con rất áp lực, cộng thêm việc luôn phải nghe ngóng xem thông tin sẽ thay đổi như thế nào để biết cách ôn tập mà "xoay chuyển" theo.
Thưa Bộ GD&ĐT, con muốn hỏi: Tại sao cách thi tuyển của nước ta luôn thay đổi mà vẫn chưa hoàn thiện được? Vậy, thay vì làm chặt chẽ việc thi THPT thì hãy làm chặt những kỳ thi lên lớp để có thể tuyển chọn học sinh kỹ hơn. Điều này sẽ giảm bớt phần nào cho những học sinh cuối cấp, Bộ GD&ĐT cũng không cần đổi mới nhiều nữa.
Con mong Bộ GD&ĐT hãy đọc tâm sự của con!
Theo Zing
'9 tháng không kịp chuẩn bị cho thi trắc nghiệm môn Toán' Theo tiến sĩ Đỗ Tiến Thành, thi trắc nghiệm môn Toán kiểm tra được hầu hết kiến thức cơ bản của học sinh, tuy nhiên chương trình học hiện nay chưa phù hợp hình thức này. Nếu kỳ thi THPT quốc gia 2017 áp dụng thi trắc nghiệm môn Toán, sẽ có nhiều lợi ích như kiểm tra được kiến thức cơ bản,...