Bộ GD&ĐT không ‘buông tay’ mô hình VNEN
Ông Nguyễn Đức Hữu, Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Tiểu học khẳng định Bộ GD&ĐT không “buông tay” mà chung tay khắc phục khó khăn để triển khai VNEN hiệu quả hơn.
- Ngân hàng Thế giới vừa công bố báo cáo nghiên cứu đánh giá tác động của VNEN, sau đó dư luận đã có những nhận định khác nhau về báo cáo này, thậm chí có những ý kiến không đồng tình. Quan điểm của ông về báo cáo này như thế nào?
- Tôi cho rằng thông tin trong báo cáo đã đưa ra được những đánh giá tác động của phương pháp giáo dục theo VNEN đối với các chủ thể tham gia bao gồm hiệu trưởng, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và đó là nguồn thông tin quan trọng.
Ông Nguyễn Đức Hữu – Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT). Ảnh: Vietnamnet
Với phương pháp nghiên cứu khoa học, những số liệu thu thập thể hiện trong báo cáo là khách quan. Tuy nhiên, việc phân tích, rút ra nhận định vẫn ít nhiều mang tính chủ quan của người đánh giá.
Trong báo cáo này, căn cứ những số liệu nghiên cứu, các chuyên gia phân tích khá sâu và có đánh giá thỏa đáng, nhưng nếu những vướng mắc, hạn chế trong quá trình triển khai phương pháp giáo dục theo VNEN được phân tích một cách sâu sắc hơn, cụ thể hơn để đưa ra cách giải quyết, báo cáo sẽ hoàn thiện hơn.
- Thực tế, bên cạnh nhiều địa phương triển khai thành công, nhưng cũng có một số tỉnh đang phản đối VNEN. Theo ông, đâu là khó khăn, vướng mắc nhất trong việc triển khai VNEN hiện nay và giải pháp đưa ra là gì?
- Bản chất của phương pháp giáo dục theo VNEN là thực hiện phương thức lấy hoạt động học của học sinh làm trung tâm trong quá trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông hiện hành.
Video đang HOT
Thực tế triển khai thời gian qua cho thấy, khi áp dụng VNEN, đa số trường đã chuẩn bị đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, đặc biệt là năng lực của cán bộ quản lý, đội ngũ giáo viên và đã tổ chức thực hiện một cách linh hoạt, sáng tạo, đạt hiệu quả tích cực.
Tuy nhiên, một số nơi do nhận thức chưa đầy đủ, chưa làm tốt công tác truyền thông để cha mẹ học sinh và xã hội hiểu rõ về phương pháp giáo dục theo VNEN; chưa chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, về tập huấn, bồi dưỡng giáo viên…
Trong khi đó, việc triển khai còn rập khuôn, máy móc, tổ chức hoạt động học của học sinh một cách hình thức nên kém hiệu quả, một bộ phận học sinh không đạt được kết quả học tập như mong muốn, gây băn khoăn, lo lắng cho cha mẹ học sinh và dư luận xã hội.
Khó khăn lớn nhất và cũng là nguyên nhân chính dẫn tới vướng mắc trong việc triển khai VNEN là do việc tập huấn, bồi dưỡng giáo viên về phương pháp dạy học tích cực theo VNEN còn hạn chế và nhất là ở những địa phương triển khai mở rộng, cán bộ quản lý, giáo viên chưa thực sự sẵn sàng.
Để giải quyết vấn đề này, hiện nay, bộ đang tiếp tục triển khai các khóa tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên về phương pháp, kỹ thuật dạy học, trong đó chú trọng tập huấn qua mạng, nâng cao vai trò “tự học” và “thực hành” theo tinh thần “tập huấn tại công việc” mà bộ đã chỉ đạo trong những năm qua.
- Có ý kiến cho rằng Bộ GD&ĐT đã “buông tay” với VNEN? Chỉ đạo của Bộ GD&ĐT với VNEN như thế nào trong thời gian tới?
- Tôi không đồng ý với ý kiến cho là Bộ GD&ĐT “buông tay” với VNEN. Thời gian qua, trước các ý kiến phản ánh về những khó khăn, vướng mắc khi triển khai VNEN, Bộ GD&ĐT đã có những chỉ đạo sát sao và quyết liệt. Trong đó, bộ yêu cầu các địa phương khi triển khai phải đảm bảo các điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, đồng thời thực hiện trên tinh thần tự nguyện.
Mới đây nhất, để chuẩn bị cho năm học mới 2017-2018, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương, cơ sở giáo dục rà soát các điều kiện triển khai phương pháp giáo dục theo VNEN, trong đó khẳng định, những trường chưa đủ điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên sẽ dừng triển khai và chỉ lựa chọn một số thành tố tích cực của phương pháp giáo dục này để áp dụng.
Tôi muốn khẳng định, Bộ GD&ĐT sẽ không “buông tay” mà sẽ chung tay cùng các cơ sở giáo dục khắc phục khó khăn, vướng mắc, triển khai có hiệu quả hơn phương pháp giáo dục theo VNEN, đồng thời chuẩn bị tốt cho việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Việc đổi mới luôn phải đối diện với những khó khăn, vướng mắc về nhiều mặt, trong đó không tránh khỏi sẽ có những ý kiến, quan điểm khác nhau. Bộ GD&ĐT luôn trân trọng và lắng nghe ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, các chuyên gia giáo dục và các tầng lớp nhân dân để tiếp tục rà soát, hoàn thiện chủ trương và giải pháp nhằm thực hiện tốt nhất mục tiêu đổi mới của ngành.
Theo Zing
Hà Tĩnh dừng mô hình VNEN bậc THCS
UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có quyết định dừng mô hình trường học mới VNEN đối với bậc THCS và lớp 1, trở lại dạy theo chương trình giáo dục phổ thông những năm trước.
UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có cuộc họp đánh giá kết quả áp dụng mô hình trường học mới VNEN để lên phương án cho năm học mới.
Sau khi nghe báo cáo, đánh giá mặt tích cực và hạn chế của mô hình trường học mới (VNEN), Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Khánh thống nhất dừng triển khai mô hình đối với bậc THCS, trở lại học theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành từ năm học mới 2017-2018.
Một lớp học VNEN được triển khai trên địa bàn Hà Tĩnh. Ảnh: P.T
Với bậc tiểu học, tỉnh không triển khai thêm các lớp học mới VNEN. Với những lớp đang học chương trình này, tỉnh giao chủ tịch các huyện, thành phố, thị xã rà soát, đánh giá tổng số học sinh mỗi lớp học không quá 30 em. Cơ sở vật chất lớp học phải đảm bảo quy định Bộ Giáo dục. Còn giáo viên thì phải tập huấn, đủ tiêu chuẩn dạy VNEN.
Khi đủ điều kiện, nhà trường sẽ lấy ý kiến tự nguyện của phụ huynh và giáo viên, tiến hành bỏ phiếu kín theo quy chế. Với các lớp học đảm bảo và đạt 2/3 phiếu đồng ý trở lên, các huyện, thành phố, thị xã phải báo cáo sở GD&ĐT cho phép tiếp tục triển khai chương trình VNEN.
Theo báo cáo, mô hình trường học mới VNEN được triển khai tại một số cấp học ở Hà Tĩnh từ năm học 2012-2013. Mô hình này sau đó được nhân rộng ra 129/260 trường tiểu học, 32/150 trường THCS, 15/44 trường THPT trên địa bàn.
Một nhóm học sinh tự học, thảo luận theo phương cách học của VNEN. Ảnh: P.T
Sau một thời gian áp dụng, nhiều trường nhận thấy mô hình có bất cập nên đề xuất xin bỏ mô hình và được chấp thuận như THCS Nam Hồng (thị xã Hồng Lĩnh), THCS Nam Hà (TP Hà Tĩnh).
Tháng 7/2016, tỉnh Hà Tĩnh thông báo dừng triển khai đại trà mô hình trường học mới VNEN, chỉ triển khai ở những lớp, trường đã thí điểm trong các năm học trước.
Trường học mới tại Việt Nam (gọi tắt VNEN) xuất phát từ mô hình trường học mới (EN) được thực hiện tại Colombia. EN được các chuyên gia giáo dục quốc tế từ các nước có nền giáo dục tiên tiến hỗ trợ và phát triển. Mô hình này sớm đạt được nhiều thành công và nhân rộng khắp châu Mỹ La-tinh.
Ở Việt Nam, với mô hình VNEN, giáo viên đặt vấn đề đưa ra các tình huống để từng nhóm học sinh trao đổi, thảo luận cùng phương cách giải quyết vấn đề. Giáo viên chỉ bổ sung thêm dữ kiện, gợi ý để học sinh tự chủ động, phát huy điểm mạnh của từng học sinh.
Theo Zing
Giám đốc Sở xin lỗi vì mô hình học VNEN Ngày 11-7, HĐND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu tổ chức khai mạc kỳ họp thứ Năm- HĐND tỉnh Khóa VI. Chiều cùng ngày, tại phiên thảo luận, các đại biểu đã cho ý kiến về tình hình kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh,; thu chi ngân sách 6 tháng đầu năm 2017 và phương hướng, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm...