Bộ GD&ĐT không biên soạn tài liệu ôn thi THPT quốc gia
Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, một số cán bộ thuộc Bộ GD&ĐT tham gia viết sách tham khảo ôn thi THPT quốc gia với tư cách cá nhân, không liên quan chỉ đạo chuyên môn của bộ này.
Những ngày qua, dư luận phản ánh trên thị trường xuất hiện nhiều sách tham khảo, luyện thi trắc nghiệm cho học sinh. Cán bộ của một đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT được cho là tham gia làm những sách này.
Không phát hành tài liệu hướng dẫn ôn thi
Theo thứ trưởng Bùi Văn Ga, Bộ GD&ĐT không tổ chức biên soạn và không chủ trương phát hành tài liệu hướng dẫn ôn tập cho các kỳ thi.
Bộ cũng đã có văn bản chỉ đạo địa phương nghiêm cấm nhà trường, cán bộ quản lý giáo dục các cấp và giáo viên lạm dụng vị trí công tác của mình để thực hiện hoặc ép buộc mua sách hướng dẫn kiểm tra, đánh giá, luyện thi hoặc bắt học sinh học thêm, luyện thi dưới bất kỳ hình thức nào. Bộ sẽ tổ chức thanh kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm.
Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga. Ảnh: Bộ GD&ĐT.
Cũng theo ông Ga, ngay sau khi có phản ánh việc một số sách ôn thi xuất hiện trên thị trường có tên tác giả là cán bộ đang công tác tại đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT, bộ đã kiểm tra và khẳng định rằng những người này chỉ tham gia với tư cách cá nhân như các tác giả khác, không liên quan việc chỉ đạo chuyên môn của các đơn vị chức năng thuộc Bộ GD&ĐT. Nội dung của những sách trên cũng chỉ có giá trị tham khảo.
“Việc cán bộ của Bộ GD&ĐT tham gia xuất bản sách nói trên, dù với tư cách cá nhân, cũng không phù hợp chủ trương của bộ. Vì thế, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu những cá nhân này nghiêm túc kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Bộ sẽ xem xét và có hình thức xử lý phù hợp nếu có vi phạm”, ông Bùi Văn Ga cho biết.
Thứ trưởng GD&ĐT cũng đề nghị các nhà xuất bản thận trọng hơn trong việc phát hành tài liệu có sự tham gia của cán bộ đang làm việc tại Bộ GD&ĐT để tránh hiểu nhầm không đáng có.
Tài liệu ôn thi tốt nhất là sách giáo khoa và sách bài tập
Video đang HOT
Chia sẻ thêm về vấn đề liên quan việc chọn sách tham khảo để ôn thi THPT quốc gia, ông Bùi Văn Ga khẳng định trong tổ chức dạy học cũng như ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD&ĐT chỉ đạo các sở GD&ĐT yêu cầu giáo viên đảm bảo chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình giáo dục phổ thông.
Năm 2017, Bộ Giáo dục quy định nội dung đề thi nằm trong trong chương trình lớp 12. Như vậy, tài liệu để ôn thi THPT quốc gia tốt nhất là sách giáo khoa và sách bài tập.
Nở rộ sách tham khảo, tài liệu ôn thi. Ảnh: Tiền Phong.
Giáo viên cần hướng dẫn học sinh ôn tập để nắm vững kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa; biết cách tham khảo, phân loại câu hỏi, bài tập trong sách bài tập để luyện kỹ năng vận dụng kiến thức vào giải quyết các loại câu hỏi, bài tập.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cũng khuyên học sinh cần lưu ý những câu hỏi trong đề thi minh họa.
Đề thi kỳ thi THPT quốc năm 2017 được xây dựng theo quy trình khoa học, khách quan, nghiêm ngặt và đặc biệt được thử nghiệm cẩn thận để chuẩn hóa.
Nếu học sinh sử dụng tài liệu luyện thi và các bộ câu hỏi, đề thi trong tài liệu ôn tập không đảm bảo chất lượng sẽ ảnh hưởng không tốt việc học tập, ôn tập và kết quả kỳ thi THPT quốc gia.
Theo Tiền Phong, từ lâu, Bộ GD&ĐT không phát hành tài liệu ôn tập hướng dẫn thi tốt nghiệp (khi còn 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH) và thi THPT quốc gia.
Thế nhưng, năm nào, NXB Giáo dục Việt Nam cũng phát hành bộ sách này. Điều đáng nói là quy trình phát hành khép kín, có công văn gửi tới từng Sở GD&ĐT.
Một số tác giả của những cuốn sách này lại đang công tác tại đơn vị được Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ tổ chức ra đề thi.
Theo Zing
Huy động giáo viên giỏi làm đề thi THPT quốc gia 2017
Bộ GD&ĐT đang lập ban soạn thảo đề thi trắc nghiệm cho các môn thi THPT quốc gia, huy động thầy cô giáo giỏi trong cả nước cùng tham gia.
Ngày 6/11, Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết kế hoạch chi tiết cho công tác làm đề thô, đề cho học sinh thi thử đã được thực hiện nhằm tiến tới chuẩn hóa đề các môn trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2017.
Tháng 5/2017, có ngân hàng đề đủ lớn
Việc làm này bảo đảm đến tháng 5/2017 sẽ có một ngân hàng đề thi đủ lớn và chất lượng để mỗi thí sinh có một mã đề thi riêng.
Theo ông Bùi Văn Ga, Bộ GD&ĐT đã đưa ra hàng rào kỹ thuật để bảo đảm tính an toàn, nghiêm túc, khách quan cho kỳ thi THPT quốc gia năm 2017.
Đối với các môn thi theo hình thức trắc nghiệm, bộ sẽ cho mỗi thí sinh làm một đề thi riêng nên dù có ngồi cạnh thì cũng không thể nhìn bài nhau được.
Sau khi thí sinh thi xong, việc chấm thi sẽ được thực hiện bằng máy với độ chính xác cao nên loại trừ những tiêu cực cũng như khắc phục được sự thiên vị trong quá trình chấm thi.
Trong quá trình coi thi, ngoài những cán bộ quản lý, giáo viên các Sở GD&ĐT, trường THPT, Bộ GD&ĐT cũng cử giảng viên các trường ĐH, CĐ xuống các địa phương để phối hợp thực hiện công tác coi thi.
"Đây là yếu tố rất quan trọng để bảo đảm các trường ĐH, CĐ có thể lấy kết quả của kỳ thi THPT quốc gia phục vụ cho công tác tuyển sinh", ông Ga nói.
Thí sinh ôn bài trước khi bước vào phòng thi THPT quốc gia 2016. Ảnh: Tấn Thạnh /Người Lao Động.
Chú trọng độ khó tương đương của câu hỏi
Nói thêm về đề thi vốn đang là vấn đề khiến nhiều người lo lắng, PGS.TS Nguyễn Phương Nga - Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam - cho biết theo quy trình, Bộ GD&ĐT sẽ phải xây dựng ma trận đề thi chung, rồi mỗi môn học với mỗi kỳ thi sẽ lại có ma trận đề thi riêng.
Khi xây dựng ma trận, nhóm chuyên gia sẽ xác định số lượng câu hỏi cho một đề thi, mức độ dễ - khó của đề. Người viết câu hỏi (là các thầy cô giáo hoặc các nhà chuyên môn) sẽ dựa vào ma trận để quyết định hỏi kiến thức gì, ở phần nào, bao nhiêu câu hỏi.
Sau khi đã soạn xong câu hỏi cho một chương (hoặc một phần, một môn), nhóm giáo viên làm đề thi của từng môn đó sẽ cùng nhau phân tích từng câu hỏi và xem độ khó của chúng đã tương đương nhau chưa.
Bước tiếp theo, họ đem câu hỏi để thử nghiệm trực tiếp với người học. Sau bước thử nghiệm sẽ có một nhóm chuyên gia khác nhập câu hỏi vào phần mềm chuyên dụng để đánh giá độ khó dễ và độ tin cậy từng câu hỏi.
Theo bà Nga, căn cứ vào kết quả phân tích của phần mềm, người tạo đề thi lựa chọn các câu hỏi đo cùng độ khó dễ và kiến thức kỹ năng cho vào một ô.
Khi làm đề, phần mềm sẽ nhặt ra mỗi ô từ một đến một số câu hỏi theo phương pháp ngẫu nhiên, từ đó máy sẽ chạy ra một loạt đề với độ khó tương đương nhau như yêu cầu của Bộ GD&ĐT.
Nhóm GX không tổ chức thi thêm
Dù phương án thi của Bộ GD&ĐT có nhiều thay đổi, để giữ ổn định công tác tuyển sinh, nhóm trường GX (gồm 12 trường ĐH dùng chung phần mềm xét tuyển: Bách khoa Hà Nội, Kinh tế Quốc dân, Xây dựng, Ngoại thương, Thủy lợi, Giao thông Vận tải, Mỏ Địa chất, Thăng Long, Công nghiệp Hà Nội, Công nghệ Giao thông Vận tải, Học viện Ngân hàng, Học viện Chính sách và Phát triển) đã thống nhất năm 2017 tiếp tục lấy điểm thi THPT quốc gia để xét tuyển.
Ông Nguyễn Phong Điền - Trưởng Phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, đơn vị chủ trì nhóm GX - cho biết năm 2017, nhóm dự định mở rộng khoảng trên 20 trường ĐH để cùng xét tuyển. Các trường trong nhóm thống nhất không tổ chức thi thêm mà chỉ lấy điểm thi THPT quốc gia để xét tuyển chung.
Theo ông Điền, năm 2016, nhóm GX đã tránh được thí sinh "ảo" rất tốt, hầu hết các trường đều tuyển sinh đạt trên 95% chỉ tiêu đề ra.
Theo Yến Anh / Người Lao Động
Đề thi minh họa 2017: Khó lấy điểm 8 Theo đánh giá của nhiều giáo viên THPT, số câu hỏi khó trong đề thi minh họa 2017 giảm nhưng áp lực về thời gian làm bài tăng khiến các em khó đạt điểm cao. Chiều 5/10, Bộ GD&ĐT công bố đề thi minh họa THPT quốc gia 2017 với 14 môn. Trừ Ngữ văn, các môn khác sẽ thi theo hình thức...