Bộ GD&ĐT giải thích vì sao học sinh phải học chương trình nặng
“Chương trình học của học sinh nặng bởi 2 lý do: Cách sắp xếp chương trình hiện hành còn cồng kềnh, có sự trùng lặp kiến thức; Cách truyền tải, phương pháp dạy học của giáo viên, có thói quen dạy những cái gì đã viết trong sách…”
PGS. TS Nguyễn Xuân Thành, Phó vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT đã có những chia sẻ với Dân trí như vậy về chuyên môn chương trình giáo dục phổ thông và năng lực của đội ngũ giáo viên trước yêu cầu của chương trình, sách giáo khoa (SGK) mới.
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành (Ảnh: Moet)
Phóng viên: Thưa ông, từ lâu chúng ta đã rất quen tai với câu “chương trình giáo dục của chúng ta nặng”. Là một người làm chuyên môn, ý kiến của ông về điều này?
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành: Đúng là chương trình, bộ SGK hiện hành rất nhiều người, kể cả các chuyên gia phát biểu chương trình Việt Nam nặng hơn so với thế giới. Chúng ta chỉ mới nói chung chung là nặng thôi, nói trẻ con học không có tuổi thơ vì nặng nhưng cần phải biết là nặng cái gì, nặng như thế nào.
Nếu tách từ lõi ra, chương trình của ta so với các nước phương Tây liệt kê ra mình không nhiều hơn, hoặc có chăng thì xê dịch một chút nhưng ở mức tương đương. Khối lượng tương đương nhưng người ta sắp xếp vào cái vali nhẹ nhàng thì mình do xếp không đúng cách nên phải nhét vào thùng cotton.
Phóng viên: Ông có thể nói cụ thể hơn về điều này?
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành: Chương trình của chúng ta nặng bởi hai lý do: Trước hết do cách sắp xếp chương trình hiện hành còn cồng kềnh, có sự trùng lặp kiến thức. Trong bản thân một môn từ cấp nọ lên cấp khác còn có sự lặp lại theo hình xoắn ốc. Nhiều kiến thức bên dưới học rồi, lên trên lại học lại.
Chúng ta quá quan tâm đến tính logic hình thành mạch kiến thức. Khi đó, xuất hiện các kiến thức kết nối hàn lâm, vượt quá các yêu cầu cần thiết. Sự trùng lặp giữa môn nọ với môn kia, do quá quan tâm đến logic. Như môn Lý cũng cần điện phân để ghép nối vào, môn hóa cũng cần điện phân để ghép nối, rồi môn công nghệ cũng vậy…
Và cái rất lớn gây nặng thêm đó là cách truyền tải, phương pháp dạy học. Lẽ ra một chủ đề cứ khoán cho giáo viên 3 – 4 tiết, thì chúng ta lại cắt ra yêu cầu dạy chỗ này 1 tiết đầu, cái kia 1 tiết sau, 1 tiết sau nữa… Trong một tiết ấy, giáo viên cũng phải đặt vấn đề, học kiến thức mới, luyện tập, vận dụng… chỉ tầm 10 phút một hoạt động và các tiết sau, cũng chủ đề đó lại lặp lại các hoạt động như vậy.
Video đang HOT
Chương trình phổ thông Việt Nam nặng vì sắp xếp và phương pháp dạy học chưa hợp lý (Ảnh minh họa)
Còn một cái nặng nữa là từ bản thân người thầy khi dạy học theo thói quen là dạy những cái gì đã viết trong sách. Dùng SGK soạn giáo án; sách viết để cho người đọc hiểu, GV lại làm động tác là diễn đạt lại những thứ viết trong sách, vô hình chung GV đang chen giữ HS và SGK làm mất năng lực đọc hiểu của người học, tăng tải. Trong khi, điều cần diễn giải là vì sao, như thế nào lại bị xem nhẹ hơn.
Tiếp cận chương trình mới, Bộ quyết tâm thay đổi những hạn chế này. Đặc biệt là việc tập huấn cho giáo viên thay đổi phương pháp, họ đang dần hiểu rõ. Nhưng hiểu rõ là một chuyện nhưng để làm được là chuyện khác. Như lái xe, ai cũng biết đi vào số 1, số 2 thế nào nhưng khi chạy ra đường, chạy “ngọt” là không dễ. Nhưng vì vấp, quệt mà bắt dừng lại thì… mãi mãi sẽ không chạy được xe. Đang từ thói quen này sang thói quen kia chắc chắc giáo viên cần thì giờ, cần sự chuẩn bị thích nghi.
Phóng viên: Về góc độ một người làm công tác chuyên môn, ông có yên tâm về chất lượng đội ngũ trước yêu cầu của chương trình mới? Đây là vấn đề rất nhiều người băn khoăn hiện nay, vậy theo ông làm cách nào để truyền động lực cho người thầy?
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành: Đối với vấn đề đổi mới, về nhận thức, cách thức làm giáo viên họ đã biết. Bộ đã ra 12 tiêu chí để phân tích rút kinh nghiệm dạy học giáo viên đã nắm rất rõ. Về mặt lý thuyết giáo viên đã nắm bắt từ 2014 nhưng về kỹ năng thực hành, tôi nói thật là tôi chưa yên tâm.
Tập huấn trực tiếp không xuể, hiện chúng tôi triển khai phương án tập huấn trên mạng, trao đổi phương pháp dạy học, giáo viên hỏi đáp trực tiếp về hoạt động dạy học, làm bài thu hoạch… để đưa kỹ năng thực hành đến với giáo viên.
Động lực cho giáo viên là một vấn đề lớn. Lương là một phần, cần những chính sách về tiền lương nhưng theo tôi, truyền động lực cho giáo viên lớn nhất chính là ở góc độ quản lý. Bất cứ ở vị trí công tác nào người ta sẽ hoàn thành tốt là nhờ cơ chế quản lý, giám sát sòng phẳng, công bằng, khách quan. Người này phấn đấu hơn là phải được đánh giá hơn thì mới có thể tạo động lực.
Giáo viên cần được truyền động lực đổi mới trong dạy học
Có những nơi, giáo viên mày mò, cố gắng đổi mới không những không được động viên, được khen mà còn ngược lại thì người thầy sẽ mất động lực. Vai của người hiệu trưởng cực kỳ quan trọng, quản lý trong trường phổ thông phải đảm bảo tính dân chủ. Trong việc này, tất cả mọi người sẽ đều phải nỗ lực.
Phóng viên: Bản thân ông kỳ vọng như thế nào về chương trình và sách giáo khoa mới? Về vấn đề SGK, nhiều ý kiến cũng cho rằng Bộ tham gia biên soạn một bộ SGK sẽ làm mất tính công bằng, bình đẳng trong việc lựa chọn sách.
PGS.TS Nguyễn Xuân Thành: Điều tôi trăn trở lâu nay là trẻ học kiến thức trong sách nhưng chưa gắn với thực tiễn ngoài đời. Tôi chứng kiến nhiều làng nghề, đời con đời cháu không giỏi bằng đời cha ông, làng nghề không phát triển được. Ví dụ như làng nghề nuôi tằm nhưng trong sách chỉ học… về con sâu. Khi việc học gắn với thực tiễn, SGK phù hợp sẽ có nhiều bạn trẻ ở nhà lao động để phát triển nghề truyền thống. Điều này vừa hướng nghiệp vừa phát triển năng lực người học.
Hiểu đúng phải là một chương trình nhiều SGK chứ không phải nhiều bộ SGK, các cá nhân, tổ chức có thể họ chỉ biên soạn một vài môn, chứ không phải soạn tất cả các môn. Thế nên Quốc hội giao Bộ GD-ĐT biên soạn một bộ SGK vì Nghị quyết 88 đã nêu rõ “để chủ động triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới thì Bộ tổ chức biên soạn một bộ sách.
Tôi cũng nghe nhiều người nói, nhiều nơi sẽ chọn sách để “đẹp lòng” Bộ. Tuy nhiên, đối với quy trình biên soạn SGK của Bộ vẫn phải có Hội đồng quốc gia thẩm định, những người đáp ứng quy định, một NXB đứng ra tổ chức biên tập, làm bản thảo, đưa ra thẩm định. Tất cả đơn vị, tổ chức, cá nhân nào mà Bộ trưởng đã phê duyệt biên soạn SGK thì đều có thể hiểu là “người của Bộ”, sách được thẩm định, được phê duyệt có thể hiểu đó là” sách của Bộ”.
Thông tư hướng dẫn chọn SGK của Bộ chắc chắn sẽ phải làm một việc rất quan trọng là lựa chọn vì người học. Giao cho các cơ sở giáo dục quyền lựa chọn sách thực hiện việc dạy học, dựa trên ý kiến của giáo viên, học sinh để sao việc chon sách phù hợp và hiệu quả nhất.
Hoài Nam
Theo Dân trí
95% sinh viên tư duy không tốt?
"Giáo dục phổ thông bỏ qua việc dạy để học trò tư duy, hệ quả dẫn đến chính là 95% sinh viên đại học tư duy không tốt, thậm chí những ngành không liên quan đến môn Toán thì 100% sinh viên không có tư duy, tính logic".
Một giảng viên đại học đã nêu ra thực trạng này trong hội thảo Toán học và đổi mới phương pháp dạy học diễn ra tại trường ĐH Sư phạm TPHCM vào ngày 22/8 với sự tham dự của nhiều chuyên gia, giảng viên Toán đến từ các trường ĐH trên địa bàn.
Tại hội thảo này, vấn đề được nhiều chuyên gia đề cập là cách thức ra đề thi hiện nay đang tác động mạnh mẽ đến việc dạy học môn Toán tại các trường phổ thông và cả bậc ĐH.
Các chuyên gia trong lĩnh vực toán học chia sẻ những vấn đề đặt ra để đổi mới phương pháp dạy toán học ở phổ thông
TS Lê Anh Vũ, trường ĐH Kinh tế Luật băn khoăn liệu cách dạy như hiện nay như đối phó với các kỳ thi, cách thi trắc nghiệm thì việc ứng dụng tri thức toán phổ thông phải làm như thế nào để phù hợp với thực tiễn. Cách thi như hiện nay rõ ràng là "khử" gần như tất cả, thậm chí hiện tại học sinh giờ không phải suy nghĩ nhiều về lim, giới hạn vì trên máy tính có hết cả. Liệu phải đáp ứng như thế nào nếu như kiểu thi (trắc nghiệm) vẫn kéo dài trong thời gian tới.
TS Nguyễn Hà Thanh, Trưởng bộ môn Hình học khoa Toán Tin, trường ĐH Sư phạm TPHCM cũng chỉ ra rằng: "Thực tế dạy học của chúng ta hiện nay là dạy giải toán chứ không phải dạy toán. Chính vì thế có những học sinh làm bài rất tốt nhưng không hiểu gì cả. Tôi nghĩ về phương pháp giảng dạy thì phải định hướng như thế nào để dạy toán".
"Đề thi của mình hướng theo hướng giải toán nên có những em học xong lớp 12 là đi giải toán thôi, còn các thầy cô ở ĐH sư phạm còn bấm máy tính thua học sinh lớp 12. Tôi nghĩ nếu kỳ thi trắc nghiệm kéo dài thì sẽ trị được máy tính nhưng hai hướng sẽ hoàn toàn khác. Một bên là giải toán và một bên dạy toán.
Với cách học để giải toán thì đề thi gì sẽ giải kiểu đó, đặc biệt với cấu trúc chương trình thi của ta từ lâu đề thi không cho ra lý thuyết, nên thầy cô dạy theo kiểu "mì ăn liền" đưa công thức để giải thôi chứ không hiểu biết gì. Chẳng hạn như đề thi lớp 9 lên lớp 10 vừa rồi của Sở GD-ĐT TPHCM chỉ thay đổi một chút xíu thôi, không phải là khó thì học sinh la làng. Vì sao? Vì để thiết lập các hệ thống trên bài toán thực tế thì phải hiểu, còn thầy cô cứ dạy công thức nên ra đề thi vận dụng thì học sinh bị hẫng, trong khi đề thi phù hợp và ý nghĩa đối với dạy toán", ông Thanh chia sẻ thêm.
Còn thầy Đinh Công Chủ (giảng viên dạy Toán trường ĐH Sư phạm TPHCM, đang dạy thỉnh giảng toán ở nhiều trường ĐH) thì nhấn mạnh vấn đề quan trọng nhất là dạy học trò tư duy, đó là cái ông nhận thấy sinh viên đang thiếu khi tham gia giảng dạy tại nhiều trường ĐH.
Nhiều chuyên gia giảng dạy ĐH cho rằng cách học ở phổ thông khiến sinh viên quá phụ thuộc vào máy tính, cũng như học để đối phó với các kỳ thi (ảnh minh họa)
"Thực tế tôi dạy ở một trường ĐH trên địa bàn TPHCM, khi tôi dạy toán đến phần đạo hàm liên tục và đưa ra một bài toán thì một lớp 110 sinh viên nhưng không em nào trả lời được, nghĩa là các em không biết mệnh đề đảm bảo là gì. Tại sao lại dạy học trò thiếu tư duy như thế?", ông Chủ kể.
Ông Chủ cho rằng lâu nay giáo dục phổ thông bỏ qua việc dạy để học trò tư duy, hệ quả dẫn đến chính là 95% sinh viên ĐH tư duy không tốt, thậm chí những ngành không liên quan đến môn Toán thì 100% sinh viên không có tư duy, tính logic.
"Hậu quả ấy là do đề thi không nêu gì đến lý thuyết cả, thiếu cái để học sinh thể hiện tư duy, logic", ông Chủ khẳng định.
Nói thêm quan điểm của mình, ông Chủ cho rằng: "Hiện tại đề thi trắc nghiệm của chúng ta hoàn toàn không tốt, lí do là đề không kiểm tra được các năng lực khác. Nếu đề thi trắc nghiệm tốt hoàn toàn có thể kiểm tra được tư duy, năng lực của học trò. Theo tôi, đề thi có thể có phần một nửa trắc nghiệm và một nửa tự luận".
TS Nguyễn Thị Nga, giảng viên khoa Toán - Tin, trường ĐH Sư phạm TPHCM cũng cho rằng hiện nay chương trình sách giáo khoa số bài toán vận dụng thực tế rất ít. Bên cạnh đó, khi điều tra đối với giáo viên thì thấy rằng họ chưa quan tâm đến ứng dụng kiến thức toán trong thực tiễn và các môn học khác; chưa có sự hợp tác làm việc giữa giáo viên các bộ môn để thiết kế ...
Cũng theo bà Nga, kể từ khi thay đổi hình thức thi sang trắc nghiệm thì giáo viên đã tự điều chỉnh cách dạy, chú trọng dạy học sinh sử dụng máy tính cầm tay hơn. Ngoài ra, chính giáo viên cũng gặp khó khăn do thiếu tài liệu và phương pháp giảng dạy, còn học sinh học tập thiếu tích cực do ỷ lại vào máy tính....
TS Nguyễn Thị Nga cho biết trong chương trình phổ thông mới vấn đề "học được và được học" được nhấn mạnh, theo hướng giáo dục phải theo tình hình của mỗi địa phương, tức là có tính mềm dẻo, tùy theo đặc thù địa phương mà có thay đổi cho phù hợp. Do đó, từ khi đưa vào chương trình mới sẽ đưa vào nội dung phát triển chương trình môn học ở trường phổ thông. Theo đó, phần nào bắt buộc thì giáo viên dạy, còn lại thì tùy trường, địa phương mà giáo viên có thể phát triển thêm theo khung chung của Bộ quy định để xây dựng nội dung tương ứng miễn sao có thể đạt mục tiêu chung.
Lê Phương
Theo Dân trí
Môn Công nghệ: Góp phần thúc đẩy giáo dục STEM ở phổ thông Trong Chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo dục công nghệ cho học sinh được thực hiện từ lớp 3 đến lớp 12 thông qua môn Tin học và Công nghệ ở tiểu học và môn Công nghệ ở trung học. ảnh minh họa Công nghệ là môn học bắt buộc trong giai đoạn giáo dục cơ bản, là môn học lựa...