Bộ GD&ĐT công bố 6 giải pháp chống gian lận thi THPT quốc gia 2019
Chiều 21/2, ông Mai Văn Trinh, Cục Trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD&ĐT) đã trao đổi với báo chí về một số giải pháp chống gian lận thi cử THPT quốc gia năm 2019. Theo đó, có các giải pháp được đưa ra trong Dự thảo quy chế thi sắp sửa ban hành tới đây như: mã hóa bài thi trắc nghiệm, “trộn” thí sinh tự do với các đối tượng dự thi khác…
“Trộn” thí sinh tự do với các đối tượng thi khác
Kì thi THPT quốc gia 2018 gây chấn động dư luận vì những sai phạm thi cử ở một số địa phương. Ông có thể cho biết những giải pháp chống gian lận cho kì thi năm 2019?
Kì thi THPT quốc gia 2019 tới đây được tổ chức về cơ bản giữ nguyên các phương thức thi như năm 2017- 2018. Tuy nhiên, sẽ có những giải pháp sao cho kì thi an toàn, nghiêm túc và khắc phục được những sai phạm đã xảy ra vừa qua.
Dự thảo Quy chế thi THPT quốc gia đưa ra trước đó đã được lấy ý kiến rộng rãi của xã hội, nhà giáo, cán bộ quản lý và các chuyên gia. Trong đó, có một số giải pháp để kì thi diễn ra an toàn và nghiêm túc.
Có thể nói gian lận của kì thi có thể xảy ra ở tất cả các khâu nên kì thi năm 2019 này, chúng tôi đều có các giải pháp ngăn chặn.
Ông Mai Văn Trinh, Cục Trưởng Cục Quản lý Chất lượng (Bộ GD&ĐT). (Ảnh: Đ.Q)
Cụ thể các giải pháp này tập trung cho khâu nào, thưa ông?
Thứ nhất khâu tổ chức: Trong Dự thảo quy chế thi nói rõ, ở một số điểm thi như vậy, dành một số điểm thi cho thí sinh tự do, thi cùng các học sinh lớp 12 THPT và thí sinh Giáo dục thường xuyên, cùng trộn lẫn theo vần ABC và sắp xếp phòng thi theo sự trợ giúp của máy tính.
Ở khâu in sao đề thi: Năm 2019, Bộ GD&ĐT tiếp tục tăng cường khâu bảo mật trong tổ chức in sao đề thi. Cụ thể, sẽ có đại điện của một lãnh đạo sở GD&ĐT phụ trách điểm in sao đề. Khu vực này được cách ly, tổ chức thành 3 vòng độc lập. Đặc biệt, năm nay sẽ nhấn mạnh khâu lựa chọn nhân sự phụ trách.
Thứ 3, ở khâu vận chuyển đề thi và bài thi: Trong Dự thảo quy chế thi nêu rõ, việc vận chuyển luôn có sự giám sát của công an.
Bước tiếp theo trong khâu coi thi: Có một số điều chỉnh, trong đó tăng cường khâu giám sát và thanh tra khu vực thi.
Đặc biệt, năm nay việc niêm phong túi đựng bài thi được quy định cụ thể chi tiết hơn: Sẽ sử dụng một loại tem niêm phong đặc biệt, chung theo mẫu, dễ rách, có chữ kí của cán bộ coi thi thứ nhất, cán bộ coi thi thứ hai và của phó trưởng điểm thi.
Sau khi dán tem niêm phong lên, sẽ có một lớp keo dính trong phủ lên để đảm bảo không có can thiệp nào.
Một khâu nữa ở việc lưu trữ đề thi: Dự thảo quy định các bước lưu trữ ra sao và phòng lưu trữ đề thi có công an giám sát.
Ở khâu chấm thi: Đối với khu vực chấm thi có camera an ninh giám sát 24/24. Việc chấm thi môn Ngữ văn, có thể lựa chọn trong 2 cách thức nhưng vẫn phải đảm bảo cách ly trong suốt quá trình chấm để không có tương tác giữa người chấm và bên ngoài.
Ông Mai Văn Trinh kiểm tra công tác chấm thi môn Ngữ Văn tại Hòa Bình năm 2018 (Ảnh; Mỹ Hà)
Mã hóa bài thi trắc nghiệm
Video đang HOT
Năm 2018, nhiều bài thi đạt điểm cao ở một số địa phương là do gian lận. Trong công tác chấm thi năm nay, việc chấm thi sẽ có khác biệt gì, thưa ông?
Ngoài việc chấm kiểm tra 5% bài thi như những năm trước, điểm khác biệt của năm nay là những bài có điểm cao sẽ được lựa chọn chấm kiểm tra để có thể kịp thời phát hiện ra các gian lận.
Một điều chỉnh rất lớn của năm nay là giao cho các trường Đại học cùng chấm trắc nghiệm và phần mềm chấm trắc nghiệm đã được điều chỉnh, được chạy thử và tương đối yên tâm. Trong đó, các khâu từ ảnh của thí sinh đến bài thi và dữ liệu khác… đều được mã hóa, sao cho không có mối liên hệ giữa thí sinh và người chấm.
Tất cả những giải pháp này chỉ được thực hiện tốt và người điều hành nó vẫn là con người nên chú trọng khâu lựa chọn nhân sự và tập huấn cho các đối tượng làm công tác thi. Nếu các hội đồng thi thực hiện đúng quy chế, sẽ có kì thi an toàn.
Ông nghĩ gì khi nhiều người lo ngại, nếu tiếp tục giao cho địa phương chủ trì các khâu coi thi, sẽ tiếp tục dễ xảy ra tiêu cực?
Nghi vấn như trên là có cơ sở nhưng không đồng nghĩa với việc để địa phương tổ chức, hoàn toàn xảy ra tiêu cực nên cần có giám sát chặt chẽ và có quy trình giám sát thanh tra.
Trong phòng coi thi phải có một cán bộ địa phương và một cán bộ từ các trường đại học. Do đó năm nay, vai trò của phó trưởng điểm thi đến từ các trường ĐH sẽ được nâng lên ở nhiều khâu quyết định.
Năm 2019 chưa thực hiện lắp camera khi việc thi cử vẫn đang thực hiện trên giấy.
Một số ý kiến cho rằng, để đảm bảo an toàn cho kì thi, nên chăng lắp camera ở các phòng thi và truyền dữ liệu về máy chủ?
Vấn đề trách nhiệm của cán bộ coi thi rất quan trọng. Theo tôi, trong phòng thi, mỗi thầy cô chỉ quan sát 2 em nên không quá khó khăn.
Ngoài ra, việc lắp camera tác động đến tâm lý của thí sinh nên giải pháp này cần phải cân nhắc kĩ. Vì vậy, năm 2019 chưa thực hiện lắp camera khi việc thi cử vẫn đang thực hiện trên giấy.
Về mặt lâu dài, Bộ GD&ĐT tính ra sao để giảm bớt các khâu thủ công và giảm sự can thiệp của con người để hạn chế tiêu cực khi khó kiểm soát?
Điều này được nêu rõ trong Nghị quyết 29/NQTW, về việc đổi mới kì thi sao cho gọn nhẹ, kết quả thi có độ tin cậy.
Hiện nay các giải pháp công nghệ, mạng máy tính đã phát triển, cho phép chúng ta tính toán dần và có bước đi để tăng cường sự hiện diện của công nghệ trong thi cử.
Và đến thời điểm nào đó, khi ngân hàng câu hỏi thi đủ lớn và học sinh cả nước đã sẵn sàng, có thể sẽ thi trên máy tính nhưng không hẳn thi trên máy tính là mọi vấn đề được giải quyết bởi sẽ xuất hiện những vấn đề mới nhưng lúc đó sẽ có những giải pháp khác.
Để người dân lấy lại niềm tin cho kì thi này, ông có thông điệp nào gửi đến các địa phương, các đơn vị sẽ trực tiếp tổ chức kì thi?
Nhìn lại cách thức mà Bộ GD&ĐT cùng Bộ Công an cùng các bộ ngành liên quan, xử lý các tiêu cực thi cử tại một số địa phương vừa qua, có thể thấy những sai phạm này rất cá biệt và không được phép diễn ra. Quan điểm của Bộ GD&ĐT đưa ra là phải xử lý nghiêm và xử lý đến cùng các đối tượng để xảy ra sai phạm.
Thông qua những gì đã xảy ra vừa qua, thông điệp rõ ràng gửi đến các địa phương là: Kì thi diễn ra dưới sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo thi quốc gia nhưng đơn vị trực tiếp tổ chức là Ban chỉ đạo thi của các tỉnh thành phố. Mọi thành công của kì thi đều để con em địa phương thụ hưởng nên Bộ GD&ĐT rất mong các địa phương nâng cao trách nhiệm để tạo niềm tin cho người dân địa phương, tuyệt đối không để xảy ra sai phạm như vừa qua.
Với thí sinh, mọi thay đổi của kì thi năm nay đều tập trung vào khâu tổ chức thi, vào các thầy cô giáo nên các em yên tâm học tập, ổn định tâm lý và hãy tin, Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp cùng các địa bàn liên quan tổ chức kì thi an toàn và nghiêm túc.
Mỹ Hà (thực hiện)
Theo Dân trí
Nhiều thay đổi về chấm thi THPT quốc gia
Sau những sai phạm nghiêm trọng trong chấm thi THPT quốc gia năm ngoái ở một số địa phương, Bộ GD-ĐT dự kiến sửa quy chế thi, giao vai trò chủ trì chấm thi trắc nghiệm cho các trường ĐH thay vì các sở GD-ĐT như quy chế hiện hành.
Bộ GD-ĐT sẽ siết chặt khâu chấm thi kỳ thi THPT quốc gia 2019. ẢNH: TUỆ NGUYỄN
Bộ GD-ĐT mới công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi để lấy ý kiến góp ý (đến hết ngày 31.3) với không ít thay đổi quan trọng tập trung nhiều vào khâu coi và chấm thi.
Không bố trí thí sinh tự do ngồi riêng
Kỳ thi năm 2018 xảy ra sai phạm nghiêm trọng, trong đó có một số hội đồng thi dành riêng cho thí sinh (TS) tự do. Chính vì vậy, một trong những điều chỉnh của dự thảo quy chế thi là TS tự do, TS giáo dục thường xuyên được bố trí dự thi tại một số điểm thi cùng với TS giáo dục THPT là học sinh lớp 12 trong năm tổ chức thi và do giám đốc sở GD-ĐT quyết định.
Tại các điểm thi đó, việc lập danh sách để sắp xếp phòng thi (không phân biệt TS tự do, giáo dục thường xuyên...) được thực hiện theo quy định.
Camera an ninh giám sát chấm thi
Về bảo quản, sử dụng đề thi và bảo quản bài thi tại điểm thi, theo dự thảo, đề thi và bài thi phải được bảo quản trong các tủ riêng biệt. Tủ đựng đề thi, tủ đựng bài thi phải đảm bảo chắc chắn, được khóa và niêm phong (nhãn niêm phong phải có đủ chữ ký của trưởng điểm và phó trưởng điểm là người của trường ĐH, CĐ phối hợp), chìa khóa do trưởng điểm thi giữ.
Khi mở niêm phong, phải có chứng kiến của công an và những người ký nhãn niêm phong đồng thời, lập biên bản ghi rõ thời gian mở, lý do mở, tình trạng niêm phong, biên bản phải có đủ họ và tên, chữ ký của trường điểm thi và những người chứng kiến.
Khu vực bảo quản đề thi, bài thi của TS có lực lượng công an trực và bảo vệ 24 giờ/ngày, đảm bảo an toàn phòng chống cháy, nổ.
Phòng bảo quản đề thi, bài thi phải đảm bảo an toàn, chắc chắn; có camera an ninh giám sát ghi hình các hoạt động tại phòng 24 giờ/ngày, thời gian tối thiểu lưu dữ liệu của camera thực hiện theo văn bản hướng dẫn thực hiện quy chế này. Có ít nhất 1 công an trực, bảo vệ 24 giờ/ngày và 1 cán bộ làm nhiệm vụ tại điểm thi của trường ĐH, CĐ (phó trưởng điểm thi hoặc thư ký) thường trực đêm tại phòng trong thời gian đề thi, bài thi được lưu tại điểm thi.
Phòng chứa bài thi, tủ, thùng hoặc các vật dụng đựng bài thi phải an toàn, chắc chắn, phải được khóa và niêm phong, trên nhãn niêm phong phải có đủ chữ ký của người giữ chìa khóa và thanh tra. Chìa khóa của tủ, thùng hoặc các vật dụng đựng bài thi do một cán bộ thư ký làm nhiệm vụ tại ban chấm thi (trắc nghiệm, tự luận) giữ, chìa khóa cửa phòng chứa bài thi do trưởng ban chấm thi (trắc nghiệm, tự luận) giữ; khi đóng, mở phải có sự chứng kiến của công an và thanh tra.
Phòng chứa bài thi, phòng chấm bài thi trắc nghiệm, tự luận phải có các thiết bị phòng chống cháy, nổ; có camera an ninh giám sát, ghi hình các hoạt động tại phòng 24 giờ/ngày, thời gian tối thiểu lưu dữ liệu của camera thực hiện theo văn bản hướng dẫn thực hiện quy chế này; có công an bảo vệ, giám sát 24 giờ/ngày.
Điểm thi chiếm 70% tổng điểm xét tốt nghiệp
Thay vì điểm thi và điểm xét học bạ lớp 12 đều chiếm trọng số 50 - 50 như các năm gần đây, dự kiến từ năm 2019, tổng điểm các bài thi sẽ chiếm tỷ lệ 70% trong tổng số điểm xét tốt nghiệp, 30% còn lại là điểm trung bình cả năm lớp 12 cộng với điểm ưu tiên (nếu có).
Trưởng ban chấm thi trắc nghiệm là lãnh đạo trường ĐH
Đối với chấm bài thi trắc nghiệm, Bộ GD-ĐT giao nhiệm vụ cho các trường ĐH chủ trì tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm tại các hội đồng thi. Sở GD-ĐT địa phương chịu trách nhiệm chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, tài chính; hệ thống máy tính, máy quét ảnh và các thiết bị phụ trợ đáp ứng các yêu cầu theo hướng dẫn hằng năm của Bộ, phối hợp với lực lượng công an, bảo vệ đảm bảo an ninh, an toàn cho việc chấm thi trắc nghiệm.
Trưởng ban chấm thi trắc nghiệm là lãnh đạo trường ĐH đảm nhiệm. Trưởng ban điều hành công tác chấm thi trắc nghiệm và chịu trách nhiệm trước trưởng ban chỉ đạo thi về thời gian, quy trình và chất lượng chấm thi.
Tổ trưởng tổ chấm bài thi trắc nghiệm là phó trưởng ban chấm thi trắc nghiệm thường trực đảm nhiệm, các thành viên là cán bộ kỹ thuật của trường ĐH và không quá 2 cán bộ kỹ thuật được huy động từ các sở không thuộc địa phương có bài thi được chấm (nếu trường ĐH có yêu cầu). Cán bộ kỹ thuật phải am hiểu sâu về công nghệ thông tin và phần mềm chấm thi trắc nghiệm.
Mã hóa toàn bộ dữ liệu bài thi trắc nghiệm
Theo dự thảo, các phiếu trả lời trắc nghiệm (bài làm của TS) đều phải được chấm bằng máy với cùng một phần mềm chuyên dụng do Bộ cung cấp.
Ngay khi quét xong toàn bộ bài thi trắc nghiệm của hội đồng thi, toàn bộ dữ liệu ảnh quét (đã được mã hóa) phải được sao lưu ra CD hoặc DVD thành 3 bộ đĩa giống nhau, đóng gói niêm phong và bàn giao 1 bộ đĩa cho chủ tịch hội đồng thi lưu trữ, 1 bộ đĩa ban chấm thi trắc nghiệm lưu trữ, khi sử dụng các bộ đĩa này phải báo cáo ban chỉ đạo thi quốc gia; 1 bộ đĩa gửi về Bộ để quản lý và giám sát đồng thời, gửi tệp dữ liệu ảnh quét dưới dạng mã hóa về Bộ.
Trong quá trình xử lý kỹ thuật, khi mở niêm phong CD chứa dữ liệu chấm bài thi trắc nghiệm của Bộ, phải có sự giám sát của công an và tổ giám sát, lập biên bản mở niêm phong rồi mới tiến hành các bước tiếp theo. Sau khi hoàn thành khâu xử lý kỹ thuật dữ liệu ảnh quét, tổ chấm bài thi trắc nghiệm mới được tiến hành chấm điểm và quy đổi điểm bằng máy tính sang thang điểm 10, làm tròn đến hai chữ số thập phân cho từng bài thi và từng môn thi thành phần của bài thi tổ hợp.
Ngay sau khi hoàn thành việc chấm toàn bộ bài thi trắc nghiệm của hội đồng thi, phải lưu các tệp dữ liệu xử lý và kết quả chấm thi trắc nghiệm chính thức (được xuất ra từ phần mềm, đảm bảo cấu trúc và yêu cầu theo đúng quy định của Bộ) vào 3 bộ CD hoặc DVD giống nhau, được niêm phong dưới sự giám sát của tổ giám sát, công an và lập biên bản.
Theo đó, 1 đĩa gửi về Bộ, 1 đĩa bàn giao cho chủ tịch hội đồng thi để gộp chung (qua phần mềm chuyên dụng) vào cơ sở dữ liệu kết quả thi cùng với kết quả chấm thi các bài thi tự luận và lưu giữ, 1 đĩa trưởng ban chấm thi trắc nghiệm lưu trữ đồng thời, dùng để chuyển các tệp dữ liệu xử lý và kết quả chấm thi trắc nghiệm chính thức qua hệ thống quản lý thi về Bộ.
Ý KIẾN
Đạo đức là yếu tố quyết định hơn máy móc
Việc gắn camera theo dõi toàn bộ quy trình sử dụng và bảo quản đề, bài thi, đầu tiên nhìn thấy là sự tốn kém về ngân sách mà chưa có câu trả lời chính xác và cụ thể về hiệu quả. Theo tôi, camera chỉ là phương tiện hỗ trợ giám sát sự minh bạch bởi công nghệ này do con người điều hành. Do vậy, khi con người không có ý thức thì gian lận vẫn có thể xảy ra và camera không có tính chất quyết định tính an toàn, nghiêm túc. Điều này có thể chứng minh bằng kết quả thực hiện ở các địa phương như TP.HCM từ nhiều năm qua. Không có bất cứ phương tiện hỗ trợ giám sát nhưng giáo viên và học sinh luôn ý thức thực hiện một kỳ thi công bằng, công khai, minh bạch.
Một kỳ thi nghiêm túc đòi hỏi một quy trình chặt chẽ và đạo đức của những thành viên tham gia thay vì đưa các phương tiện vào nhằm tạo sự an toàn đối với dư luận. Chỉ có như vậy mới tạo niềm tin đối với xã hội.
Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du Q.10, TP.HCM)
Thí sinh thi chung là hợp lý
Dự thảo đưa ra những quy định tại các điểm thi, việc lập danh sách để sắp xếp phòng thi sẽ không phân biệt thí sinh tự do, GDTX hay học sinh phổ thông 12. Đây là điểm mới nhằm tránh việc cố ý thực hiện hành vi tiêu cực trong khâu coi thi và cũng là hợp lý bởi các em cùng học chương trình thì nên cùng thi với nhau.
Việc lắp đặt camera không phải là phương án tối ưu trong vấn đề chống gian lận. Gian lận hay không phụ thuộc vào yếu tố con người và khi đã có ý định thì con người có thể tận dụng mọi tình huống để thực hiện. Điều cần ở đây là quy trình chặt chẽ và lòng tự trọng của thành viên hội đồng thi.
Võ Thị Bình Minh (Hiệu phó Trường THPT Hiệp Bình, Q.Thủ Đức, TP.HCM)
Chấm chéo giữa các địa phương đảm bảo công bằng
Dự thảo quy chế thi lần này đáp ứng những hạn chế còn tồn tại từ những kỳ thi trước. Việc tổ chức chấm chéo bài thi trắc nghiệm giữa các địa phương là phương án đảm bảo sự công bằng và minh bạch. Nếu thực hiện lắp đặt camera nhằm theo dõi toàn bộ quy trình sử dụng và bảo quản đề, bài thi thì cơ quan quản lý cần lưu ý đến việc công tác bảo mật dữ liệu.
Đỗ Vũ Ngọc Trung (Hiệu phó Trường THPT Thủ Đức, Q.Thủ Đức, TP.HCM)
B.Thanh (ghi)
Theo thanhnien.vn
Thi THPT quốc gia 2019: Địa phương đóng vai trò quan trọng "Những đổi mới của Kỳ thi THPT quốc gia 2019 về cơ bản liên quan đến khâu tổ chức, nghiệp vụ tổ chức của các thầy cô giáo, cán bộ coi thi, chấm thi. Còn đối với HS thì cơ bản giữ ổn định, không thay đổi. Điều này tạo sự ổn định và thoải mái cho các em trong quá trình dạy...