Bộ GD-ĐT yêu cầu kỷ luật trường lạm thu
Hội nghị giao ban năm học 2011-2012 của 5 thành phố trực thuộc T.Ư diễn ra sáng qua 14.10 tại Hà Nội đã không “êm ái” khi Bộ GD-ĐT yêu cầu phải nhìn thẳng vào sự thật để xử lý tình trạng lạm thu.
Bộ cấm, các sở xin… đừng
Báo cáo của cả 5 sở GD-ĐT thành phố trực thuộc T.Ư là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ chủ yếu nói về thành tích, giải pháp, kiến nghị… hầu như không đề cập đến hàng loạt vấn đề đang là mối quan tâm và bức xúc rất lớn của dư luận xã hội như: lạm thu, dạy thêm, học thêm tràn lan… và cách thức xử lý ra sao.
Những TP như Hà Nội, TP.HCM được coi là có nhiều trường xảy ra tình trạng lạm thu nhất thì hầu như không đả động gì đến thực trạng này.
Ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Sở GD-ĐT xin phép bỏ điều cấm mà Bộ GD-ĐT quy định trong hướng dẫn thu chi của các trường. Theo đó, không nên cấm nhà trường huy động sự đóng góp của cha mẹ học sinh trong hỗ trợ dạy học hoặc trang bị cơ sở vật chất trường học cũng như hỗ trợ hoạt động dạy học ở một số địa phương. Ông Đạt lý giải: nếu không có kinh phí đóng góp của phụ huynh, một cái bóng đèn phòng học bị hư, nếu chờ ngân sách thì phải 2, 3 tháng sau mới thay được.
Ông Nguyễn Kim Hoãn, Chủ tịch Hội Khuyến học HN cũng bày tỏ: huy động đóng góp từ nhân dân cho giáo dục là rất cần thiết, không nên vì khoảng 20-30% người dân khó khăn ở nội thành mà cấm số đông còn lại có mong muốn hỗ trợ kinh phí cho giáo dục. Tuy nhiên phải xem lại cách làm.
Ông Hoãn đề xuất: hội khuyến học có thể nghiên cứu một hình thức đóng góp để tránh lạm thu và mong muốn thực hiện thí điểm thông qua hướng dẫn hoạt động cho hội khuyến học của các trường. Chỉ huy động phụ huynh có điều kiện đóng góp chứ không phải bắt tất cả phụ huynh phải đóng cùng một mức.
Sự đóng góp của phụ huynh giúp cơ sở vật chất và hỗ trợ hoạt động dạy học được tốt hơn (ảnh có tính chất minh họa, không phải trường đề cập trong bài viết)
Video đang HOT
Không giải quyết theo kiểu “chườm đá”
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chánh văn phòng Bộ GD-ĐT thẳng thắn nhận định: trong khi dư luận đang rất bức xúc về vấn đề lạm thu, chúng tôi thường xuyên nhận được phản ánh của phụ huynh, của báo chí về lạm thu thì tại sao báo cáo, tham luận của hội nghị lại không hề nói đến vấn đề này?
Ông Hùng làm nóng hội nghị bằng dẫn chứng: mới hôm qua, tôi vừa đọc trên Báo Thanh Niên có bài phản ánh về lạm thu, chỉ rõ tên các trường. Vậy tại sao không kiểm tra, xử lý? Khi đã có địa chỉ rõ ràng thì phải kiểm tra, có kết quả kiểm tra rồi thì phải xử lý, không thể biện minh là vì ngân sách cấp không đủ để thu chi sai tràn lan như vậy. “Tôi thấy việc xử lý lạm thu chưa thỏa đáng ở các địa phương” – ông Hùng nói.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh thanh tra Bộ GD-ĐT tiếp lời: rất nhiều thông tin báo chí nêu về lạm thu là đúng. Chúng ta phải khẳng định là triệu chứng “sốt” thì rõ rồi, phải tìm hiểu rõ nguyên nhân vì sao “sốt”, “viêm nhiễm” ở đâu. Nếu cứ chỉ “chườm đá”, xoa xoa thì không giải quyết được vấn đề.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển quyết liệt: Chính những thành phố lớn là những nơi nhiều bức xúc nhất về lạm thu. Tình hình căng thẳng hơn ở các nơi khác thì lẽ ra phải xử lý cứng rắn hơn các nơi khác.
Ông Hiển cũng dẫn chứng về cách làm quyết liệt của TP Đà Nẵng mới đây để xử lý về lạm thu ở một lớp học của một trường và đặt vấn đề: Tại sao Đà Nẵng làm được mà Hà Nội và TP.HCM không làm được. Nếu cứ báo cáo theo kiểu vui vẻ, “êm ái” thế này rồi chẳng có chuyển biến gì, thì dân không tin và không nghe nữa.
Ông Hiển yêu cầu: ngay sau đây các địa phương có tình trạng lạm thu phải làm rõ vi phạm của các trường và kỷ luật những người cố tình làm sai.
Liên quan đến việc huy động đóng góp của dân cho GD-ĐT, ông Hiển nhấn mạnh: vẫn rất cần và khuyến khích nhưng đó là hỗ trợ tự nguyện chứ không quy định thành các khoản đóng góp đồng loạt. Nhà trường không đứng đằng sau ban phụ huynh để làm những việc không làm được. Tất cả các khoản hỗ trợ tới đây phải do nhà trường tiếp nhận và thu chi công khai, minh bạch.
Theo thanh niên
Không "xử" được lạm thu do quy định phá rào của Bộ GD-ĐT
"Mức thu kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh cao hơn gấp nhiều lần học phí. Nhìn chung việc thu chi này không minh bạch" - UB Thường vụ QH kết luận khi giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri về tình trạng lạm thu trong giáo dục.
Nhiều phụ huynh "toát mồ hôi" vì đề nghị đóng góp thêm mua sắm thiết bị dạy học.
Tiếp thu kiến nghị của cử tri, Bộ GD-ĐT đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, trong đó đề ra nhiều biện pháp nhằm chấn chỉnh, ngăn chặn nhưng tình trạng lạm thu vẫn chưa giảm.
Theo báo cáo của UBND 39 tỉnh thành và kết quả làm việc trực tiếp với 12 tỉnh thành cho thấy, hiện nay, ngoài học phí, lệ phí tuyển sinh, ở các trường phổ thông, nhất là khu vực thành phố, thị xã, thị trấn, phụ huynh học sinh phải đóng góp nhiều khoản tiền khác nhau để phục vụ việc tăng cường cơ sở vật chất của nhà trường, công tác an ninh, trông giữ xe, vệ sinh trường lớp, mua học cụ, mua đồ chơi...
Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, việc thu chi các khoản ngoài học phí, lệ phí là cần thiết nhằm phục vụ nhu cầu học tập, chi phí, đầu tư học tập của người học và yêu cầu tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ người học.
Riêng đối với khoản đóng góp kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh, hiện chưa địa phương nào quy định mức thu cụ thể. Trên thực tế, ở nhiều nơi, mức thu kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh lại cao hơn gấp nhiều lần so với mức thu học phí. Nhiều cơ sở đã lạm dụng quy định về đóng góp tự nguyện để huy động cha mẹ học sinh đóng góp kinh phí xây dựng, sửa chữa trường, lớp học mua sắm điều hòa, quạt, đèn chống cận, thiết bị học tập bồi dưỡng, thăm hỏi thầy cô giáo... Nhìn chung việc thu chi này không được công khai, minh bạch, gây nhiều bức xúc đối với phụ huynh học sinh.
Đồng tình với những "cáo buộc" này của cơ quan giám sát, Chủ nhiệm UB văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Đào Trọng Thi cho biết, theo nhiều ý kiến phán ảnh Ban đại diện cha mẹ học sinh họp theo sự gợi ý của thầy cô chủ nhiệm, nhà trường. Thêm nữa, Ban này cũng hoạt động trên sự áp đặt của một số phụ huynh là "đại gia" nên nhiều khi đề xuất thu chi không phù hợp ý nguyện những gia đình khó khăn hơn. Việc bầu ban phụ huynh nhiều khi cũng căn cứ theo sự giới thiệu của nhà trường, thầy cô chủ nhiệm.
Tình trạng lạm thu diễn ra từ lâu nhưng chưa được ngăn chặn có hiệu quả do nhiêu nguyên nhân. UB Dân nguyện chỉ ra nhiều mâu thuẫn trong các quy định. Điều 105 Luật giáo dục nêu rõ "ngoài học phí và lệ phí tuyển sinh, người học hoặc gia đình người học không phải đóng góp khoản tiền nào khác". Tuy nhiên, theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT thì các trường lại "được huy động nguồn đóng góp của tổ chức, cá nhân và phụ huynh học sinh để cải tạo, nâng cấp và xây dựng các công trình phụ trợ như nhà vệ sinh, sân, cổng trường, tường bao, nhà để xe... hoặc mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy - học".
Quỹ phụ huynh nhiều khi là cách lách luật chứ không phải đóng góp tự nguyện.
"Mặc dù trong văn bản này, Bộ đã lưu ý việc huy động đóng góp phải đảm bảo nguyên tắc tự nguyện nhưng trên thực tế các cơ sở giáo dục đã vận dụng quy định trên để huy động phụ huynh học sinh đóng góp thêm các khoản" - cơ quan giám sát nhận định.
Ông Thi một lần nữa "gật đầu": "Những văn bản đề nghị đóng tiền để mua thêm quạt, bóng điện, điều hòa... được đánh máy, in sẵn, phụ huynh đành chỉ ký tên dưới danh nghĩa người kiến nghị. Như vậy là áp đặt, tìm cách lách luật chứ không phải trên cơ sở sự tự nguyện của cha mẹ học sinh".
Quy định về việc quản lý thu chi kinh phí hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh cũng chưa rõ ràng, cụ thể. Theo quy định Bộ GD-ĐT ban hành, UBND các tỉnh thành quy định việc này. Tuy nhiên, theo ý kiến một số địa phương, đã là khoản đóng góp tự nguyện thì cơ quan nhà nước không thể ban hành văn bản quy định về khoản thu này. Vì vậy, việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện, thanh kiểm tra các khoản thu chi này còn nhiều bất cập, chưa theo kịp yêu cầu quản lý trong thực tiễn.
Các tỉnh thành cũng "than", học phí thu được tuy không nhiều những vẫn phải dành 40% để chi lương trong khi ngân sách dành cho chi thường xuyên của các cơ sở giáo dục phổ thông còn hạn hẹp. Vậy nên, để có kinh phí chi cho các hoạt động của nhà trường, một số địa phương đã phải quy định các khoản thu khác ngoài học phí, lệ phí.
Từ thực tế đó, Chủ nhiệm Ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền nhận xét, giữa quy định của Luật Giáo dục với thực tế thu chi ở trường lớp còn nhiều bất cập. Việc quy định mức 40% trích học phí để chi lương theo đó cũng tỏ ra không phù hợp khi việc thực hiện quy định này dẫn đến thiếu kinh phí chi cho hoạt động thường xuyên ở trường này thì ở trường khác, khoản trích còn dư nhưng lại không được chi cho hoạt động khác. Ông Hiền kiến nghị nghiên cứu, xem xét, sửa đổi quy định cho phù hợp.
Theo DT
Cùng nghĩ suy và hiến kế về Giáo dục "Bài viết của GS-NGND Nguyễn Ngọc Lanh quá hay. Nếu tất cả những nhà giáo dục, quản lý giáo dục đều cùng có cách nhìn như vậy thì nền giáo dục nước nhà thực sự tốt đẹp"- bạn đọc với nick Hoàng Vân nhận xét. Bên cạnh đó bạn đọc này chia sẻ thêm: "Thời thế đã đổi khác, luôn luôn thay đổi,...