Bộ GD-ĐT sẽ sớm công bố phương án thi và tuyển sinh 2021 – 2025
Trong cuộc họp báo thường kỳ đang diễn ra, người phát ngôn Bộ GD-ĐT cho biết, Bộ này đang xây dựng để sớm công bố phương án thi và tuyển sinh giai đoạn 2021 – 2025.
Bộ GD-ĐT đang họp báo thường kỳ quý 3 năm 2020 – ẢNH QUÝ HIÊN
Cuối giờ chiều nay, 30.9, Bộ GD-ĐT đã tổ chức họp báo thường kỳ quý 3 năm 2020. Tại cuộc họp báo, ông Trần Quang Nam, Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ GD-ĐT, đã chia sẻ một số thông tin về dự kiến kế hoạch hoạt động GD-ĐT trong thời gian tới, trong đó nội dung đáng chú ý là về kỳ thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh đại học và cao đẳng giai đoạn 2021 – 2025.
Theo ông Trần Quang Nam, nhìn lại 6 năm đổi mới kỳ thi THPT (2015 – 2020) cho thấy, việc đổi mới kỳ thi THPT và tốt nghiệp THPT đã khắc phục rõ rệt tình trạng học tủ, học lệch diễn ra trong nhiều năm, thực hiện đúng phương châm “học gì thi nấy”, yêu cầu học sinh phải học toàn diện. Đồng thời, công tác tổ chức thi gọn nhẹ hơn, thí sinh chỉ phải thi một lần, ngay tại địa phương, giúp giảm áp lực, giảm tốn kém cho gia đình, học sinh và xã hội.
Các hình thức tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng các ngành đào tạo giáo viên được đa dạng hóa. Các cơ sở giáo dục đại học, cơ sở đào tạo cao đẳng ngành giáo viên (gọi chung là trường đại học) có sự chuyển biến tích cực trong tuyển sinh, trong đó ngày càng sử dụng nhiều hơn các phương thức xét tuyển theo hướng tiếp cận hội nhập quốc tế, như sử dụng các chứng chỉ quốc tế, kết quả bài thi đánh giá năng lực… Tỷ lệ tuyển sinh dựa vào kết quả thi kỳ thi tốt nghiệp THTP giảm đi.
Căn cứ vào kết quả đổi mới giai đoạn trên, Bộ GD-ĐT đã xác định định hướng kỳ thi tốt nghiệp THPT giai đoạn 2021 – 2025 về cơ bản sẽ giữ ổn định như năm 2020, chỉ tập trung nghiên cứu áp dụng công nghệ và chú trọng xây dựng, phát triển ngân hàng câu hỏi thi cho phù hợp với lộ trình đổi mới giáo dục phổ thông.
Ông Nam nói: “Bộ GD-ĐT đang xây dựng để sớm công bố phương án thi và tuyển sinh giai đoạn 2021 – 2025, trên quan điểm phân rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ GD-ĐT và trách nhiệm triển khai cụ thể của địa phương, cơ sở giáo dục đối với các kỳ thi và tuyển sinh.
Trong đó, tăng cường tự chủ, trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đại học trong tuyển sinh; đảm bảo sự công bằng giữa các thí sinh; có sự giám sát mạnh mẽ của xã hội; từng bước tiếp cận xu hướng tuyển sinh của các nước tiên tiến về giáo dục trên thế giới”.
Video đang HOT
Ông Nam cũng cho biết thêm, vừa qua, Bộ GD-ĐT đã báo cáo Hội đồng quốc gia và phát triển nhân lực, nhận được sự đồng thuận rất cao của các thành viên hội đồng. Bộ đang hoàn thiện để báo cáo Chính phủ thông qua. “Bộ GD-ĐT sẽ không kịp báo cáo trong phiên họp thường kỳ thứ 8 của Chính phủ vào thứ 6 tới. Vì thế, Bộ sẽ báo cáo vào phiên họp thứ 9″.
Hơn 42% thí sinh điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học
Về kỳ thi vừa qua, ông Nam cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 được tổ chức thành 2 đợt.
Kỳ thi được thực hiện trên tinh thần phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ GD-ĐT trách nhiệm triển khai kỳ thi của các địa phương, cơ sở giáo dục.
Đề thi của cả 2 đợt được Bộ GD-ĐT đánh giá là đều đảm bảo mức độ tương đồng. Nội dung đề thi bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình cấp THPT, bảo đảm “vừa sức”, không đánh đố thí sinh, có sự phân hóa hợp lý, đáp ứng được mục đích xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng.
Theo thống kê, tỷ lệ tốt nghiệp chung của cả nước là 98,3% (trong đó tỷ lệ đối với THPT là 98,9%, đối với giáo dục thường xuyên là 92,5%). Tuy nhiên, tùy từng địa phương, vùng miền mà tỷ lệ cụ thể có sự khác biệt.
Năm 2020, tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng là 642.945 (giảm 1,46% so với năm 2019). Tổng số nguyện vọng đăng ký xét tuyển là 2.494.210 lượt, giảm 3,14% so với năm 2019. Cập nhật đến hết ngày 27.9, có tổng số 275.530 thí sinh điều chỉnh nguyện vọng, tỷ lệ điều chỉnh là 42,49%.
Trường cao đẳng hút thí sinh: Ngược dòng thành công
Mùa tuyển sinh 2020 - 2021 ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực trong công tác phân luồng. Trong khi nhiều trường đại học đang phập phồng "ngóng" thí sinh, thì không ít trường cao đẳng đã tuyển đủ chỉ tiêu. Cuộc "ngược dòng" của các trường cao đẳng trong mùa tuyển sinh năm nay có bất ngờ?
Thí sinh nhập học vào Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn năm học 2020 - 2021.
Dòng chảy tất yếu
Nhiều dấu chấm hỏi được đặt ra để lý giải cho hiện tượng thí sinh năm nay có xu hướng lựa chọn các trường CĐ, trung cấp nghề để theo học thay vì vào đại học bằng mọi cách. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia tuyển sinh, đó là xu hướng tất yếu trong bối cảnh nhu cầu nhân lực trình độ đại học ngày càng bão hòa và công tác phân luồng chuyên nghiệp hơn trong 5 năm trở lại đây.
Ông Trần Anh Tuấn - Phó Viện trưởng Viện Đào tạo Kinh tế quốc tế - Bộ KH&CN cho rằng: Việc hàng loạt các trường CĐ tuyển đủ thí sinh ngay khi đợt 1 tuyển sinh khép lại cho thấy sự tỉnh táo trong chọn ngành, trường của thí sinh hiện nay. Có được sự dịch chuyển mang tính "đột biến" này, theo ông Tuấn do công tác phân luồng tốt hơn, cũng như việc không ngừng làm mới bản thân của các trường CĐ thời gian qua để thích ứng với bối cảnh đào tạo nhân lực mới.
Ghi nhận thực tế tại một số trường CĐ đã và đang tuyển tốt thí sinh trong mùa tuyển sinh 2020 - 2021 cũng cho thấy rõ điều đó. Các trường: Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức, Cao đẳng Cao Thắng, Cao đẳng Kinh tế Đối ngoại, Cao đẳng Công Thương, Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn đều là các trường đã định hình được danh tiếng và thương hiệu của mình nhiều năm qua.
Điển hình như Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức (thuộc UBND TPHCM) ngoài việc đào tạo nhiều ngành nghề hot, sinh viên ra trường có mức lương cao, trường còn hút thí sinh ở môi trường học tập và cơ sở vật chất khi hàng năm đều đầu tư rất lớn về trang thiết bị và máy móc.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Lý - Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ Thủ Đức cho biết: Trường có hơn 3.000 thí sinh nhập học và đóng học phí đầy đủ với nhóm ngành nghề hút thí sinh "khủng" 2 năm trở lại đây của trường là: Công nghệ kỹ thuật ô tô, kinh doanh thương mại, logistics.
Tương tự, Trường CĐ Cao Thắng đến thời điểm này đã tuyển đủ 6.000 chỉ tiêu. Thí sinh bước vào nhập học và sinh hoạt đầu khóa. Đây cũng là trường CĐ tại TPHCM nhiều năm liền giữ được sức hút và độ "hot" của mình khi điểm chuẩn trúng tuyển luôn ở mức cao và tăng dần đều theo từng năm.
Hay như Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn, công tác tuyển sinh khá ổn định nhiều năm nay. Theo TS Lê Lâm - Hiệu trưởng nhà trường, hơn 1.100 thí sinh đã đóng học phí và xác nhận nhập học. Sức hút của trường ngoài danh tiếng thì chính việc xây dựng chính sách cam kết việc làm với sinh viên ngay từ khi bước vào trường là điểm cộng.
Bí mật của cú ngược dòng
Hiện chưa thể khẳng định tất cả trường CĐ và TCCN năm nay sẽ tuyển sinh ổn và tốt hơn trước nhờ hiệu quả từ công tác phân luồng mang lại. Nhưng với nhiều trường CĐ tại TPHCM đã tuyển đủ chỉ tiêu, nhiều trường TCCN số thí sinh nhập học hệ THCS đã gần đầy như tại Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật TPHCM, Trung cấp Bách khoa TPHCM hay Trường Trung cấp Bách khoa Sài Gòn rõ ràng là những tín hiệu hết sức lạc quan.
TS Lê Lâm - Hiệu trưởng Trường CĐ Đại Việt Sài Gòn nhìn nhận: Các trường CĐ hay TCCN thu hút sự chú ý trở lại của thí sinh mùa tuyển sinh năm nay chắc chắn có nguyên nhân từ công tác phân luồng học sinh sau THCS, cũng như hoạt động tham vấn, tư vấn ngành nghề được phối hợp thường xuyên giữa các trường với chuyên gia tư vấn.
Tuy nhiên, nhìn sâu vào bản chất của vấn đề có thể thấy rõ sự dịch chuyển năm nay đến từ nhiều lý do khác. Đó là sự đầu tư hình ảnh, thương hiệu, chất lượng đào tạo của các trường trong nhiều năm qua; cam kết chất lượng nguồn nhân lực trực tiếp giữa nhà trường với các doanh nghiệp, xã hội, phụ huynh và học sinh; chính sách hỗ trợ (tín dụng, học bổng) dành cho thí sinh mà các trường dày công thực hiện.
"Thí sinh có xu hướng chọn học nghề để lập thân chính là sự điều chỉnh từ trong ý thức và suy nghĩ của các em, từ cơ cấu và nhu cầu nhân lực thực tế xã hội đang có. Mọi thứ, tôi thấy đều có tính chu kỳ. Khi mọi thứ đến ngưỡng bão hòa, tỉ lệ lao động tri thức (ĐH) nhiều hơn lao động kỹ thuật, công nhân lành nghề (CĐ - TCCN), tỉ lệ thất nghiệp cao tự khắc xã hội và nhu cầu nhân lực thị trường sẽ điều chỉnh.
Bản thân thí sinh giờ cũng đón nhận các thông tin về ngành nghề, nhu cầu của thị trường lao động mỗi ngày, qua nhiều kênh thông tin, việc các em chọn học nghề, học CĐ với cam kết đầu ra việc làm, mức lương khởi điểm không hề thấp là điều dễ hiểu" - TS Lê Lâm nói.
Thạc sĩ Nguyễn Đăng Lý nhìn nhận việc thí sinh chọn học CĐ và TCCN ở các trường có thương hiệu, bảo đảm đầu ra việc làm trong bối cảnh sự cạnh tranh công việc ngày càng khốc liệt, nhất là với lao động trình độ ĐH là điều dễ hiểu. Bởi theo ông, thực tế cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và kỉ nguyên số, nhu cầu nhân lực của xã hội sẽ vẫn rất cần nguồn công nhân kỹ thuật lành nghề, nhân lực kỹ thuật chất lượng cao để vận hành máy móc, sản xuất...
Thí sinh tăng nguyện vọng để tránh 'rớt oan' Lượng thí sinh điều chỉnh nguyện vọng bằng phiếu nhằm tăng số lượng nguyện vọng cao hơn so với năm trước. Trong khi đó, không ít thí sinh mất cơ hội xét tuyển vì những thiếu sót không đáng có. ThS Phùng Quán, trưởng phòng thông tin - truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên (phải), tư vấn cho học sinh về...