Bộ GD-ĐT rốt ráo tập huấn cho những người ‘chọn sách giáo khoa’
Đầu tháng 7 này, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức hội thảo tập huấn cho các thành viên dự kiến tham gia Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa (SGK).
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ chủ trì họp về thẩm định SGK – Ảnh tư liệu
Trước đó, Bộ GD-ĐT cũng tổ chức biên soạn, lấy ý kiến góp ý để hoàn thiện tài liệu cho các thành viên hội đồng thẩm định SGK làm việc. Đây là tài liệu hướng dẫn mang tính chất khung, áp dụng cho tất cả các bộ SGK từ lớp 1 đến lớp 12.
Các thành viên dự kiến được mời tham gia hội đồng sẽ nghiên cứu thảo luận theo đặc trưng của bộ môn, đặc biệt là đối với SGK lớp 1, để từ đó thống nhất được cách hiểu, cách tiếp cận khi đánh giá SGK lớp 1.
Trong cuộc họp triển khai việc thẩm định SGK, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh chất lượng của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK sẽ quyết định việc thẩm định, lựa chọn các bộ SGK. Vì thế, các thành viên của hội đồng này phải là những người giỏi chuyên môn, có uy tín, có trách nhiệm.
Video đang HOT
“Mục đích cuối cùng là có những bộ SGK chất lượng tốt để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới”, ông Phùng Xuân Nhạ nói.
Theo thông báo của Bộ GD-ĐT từ cuối tháng 6-2019, các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK lớp 1 của chương trình giáo dục phổ thông mới gửi hồ sơ thẩm định về Bộ GD-ĐT từ ngày 1 đến hết 15-7.
Theo nguồn tin của Tuổi Trẻ Online, hiện có khoảng 5 đơn vị tổ chức biên soạn SGK từ lớp 1 đến lớp 12, trong đó bộ SGK lớp 1 đã hoàn thiện sẵn sàng chờ thẩm định. Ngoài ra, còn có một số đơn vị tổ chức biên soạn một hoặc một vài cuốn SGK lớp 1.
Theo tuoitre
Sẽ công bố các chỉ báo tiêu chuẩn thẩm định sách giáo khoa lớp 1
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: Sẽ công bố các chỉ báo tiêu chuẩn thẩm định sách giáo khoa lớp 1. Đây là nội dung quan trọng tại Hội thảo góp ý hoàn thiện dự thảo tài liệu tập huấn cho thành viên tham gia Hội đồng thẩm định sách giáo khoa lớp 1 tại Hà Nội.
Xác định thẩm định sách giáo khoa là nhiệm vụ vô cùng quan trọng, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, ngoài các văn bản pháp lý hiện có về thẩm định sách giáo khoa, yêu cầu có một bộ chỉ báo tiêu chuẩn trong quá trình thẩm định là rất cần thiết, nhằm giúp cho các thành viên Hội đồng thẩm định có kiến thức đầy đủ, thống nhất về quan điểm, nhận thức các nội dung đã được quy định trong Thông tư 33, từ đó có đánh giá khách quan, khoa học và chính xác đối với các bộ sách được thẩm định và kết quả là chọn được bộ sách tốt.
"Tài liệu tập huấn cho thành viên tham gia Hội đồng thẩm định sách giáo khoa phải đưa ra được bộ chỉ báo tiêu chuẩn thống nhất, từ cách hiểu, cách thực hiện tới cách đánh giá. Mỗi chỉ báo cụ thể hóa nội dung, mục tiêu của từng môn học, năng lực cần đạt được của người học; từ đó, các thành viên Hội đồng thẩm định sách giáo khoa, bao gồm 2/3 là giáo viên đang đứng lớp có thể thẩm định chính xác, khách quan và công bằng" - Bộ trưởng nói.
Bộ GD&ĐT cho biết sẽ công bố các chỉ báo tiêu chuẩn thẩm định sách giáo khoa lớp 1. Ảnh:P.T
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh tới tính thực tế và khoa học của các chỉ báo, đảm bảo sách giáo khoa có thể sử dụng lâu dài, tránh lãng phí. Để các nhà xuất bản bám sát yêu cầu của Hội đồng thẩm định và chỉnh sửa kịp thời trong quá trình biên soạn sách, Bộ trưởng đề nghị sau khi xây dựng xong tài liệu tập huấn với những chỉ báo tiêu chuẩn cho Hội đồng thẩm định sách giáo khoa, sẽ công bố bộ chỉ báo này.
Bộ trưởng đánh giá cao tâm huyết của những cá nhân, tổ chức đang tham gia công tác biên soạn, đồng thời khẳng định, nhiệm vụ của những người tham gia thẩm định sách giáo khoa là khách quan, công bằng và chất lượng.
Bộ trưởng nêu rõ: "Biên soạn và ban hành sách giáo khoa là việc được cả xã hội trông đợi, áp lực viết sách rất lớn, áp lực cho Hội đồng thẩm định cũng rất cao. Chúng ta chịu trách nhiệm về chất lượng sách giáo khoa trước Đảng, Nhà nước và nhân dân, vì vậy, tôi mong rằng, sẽ có một bộ tài liệu tập huấn thật tốt, làm cơ sở, căn cứ cho Hội đồng thẩm định sách giáo khoa hoàn thành nhiệm vụ thẩm định, trước mắt là cho 8 môn học dành cho lớp 1".
Trước đó, ngày 22-12-2017, Bộ GD&ĐT đã ban hành Thông tư 33 quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn tổ chức, cá nhân biên soạn sách giáo khoa; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa.
Luật Giáo dục (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp 7, Quốc hội khóa XIV , trong đó chốt việc thực hiện một chương trình thống nhất trên cả nước với nhiều sách giáo khoa. Theo quy định của Luật, Chương trình giáo dục phổ thông được thống nhất trong cả nước và được tổ chức thực hiện linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương và cơ sở giáo dục.
Mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa. Luật quy định việc biên soạn SGK theo hướng xã hội hóa, việc xuất bản sách giáo khoa thực hiện theo quy định của pháp luật. UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa sử dụng ổn định trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Sách giáo khoa do các tổ chức, cá nhân biên soạn phải qua thẩm định mới được phát hành. Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa do Bộ trưởng Bộ GD&ĐT thành lập theo từng môn học, hoạt động giáo dục ở từng cấp học.
Luật Giáo dục (sửa đổi) cũng quy định cụ thể về thành phần hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa, bao gồm các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, nhà khoa học có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục và đại diện các cơ quan, tổ chức có liên quan. Hội đồng phải có ít nhất một phần ba tổng số thành viên là các nhà giáo đang giảng dạy ở cấp học tương ứng.
Phan Thủy
Theo PLXH
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quyết định ban hành SGK sử dụng trong cả nước Sáng nay, 14-6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Quốc hội đã thông qua Luật Giáo dục (sửa đổi) với 85,54% đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tán thành. Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật do Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng...