Bộ GD-ĐT không tuyển chọn đủ tác giả biên soạn một bộ sách giáo khoa
Phương án tuyển chọn tác giả biên soạn một bộ sách giáo khoa của Bộ GD-ĐT không thực hiện được do không đủ ứng viên tham gia.
Bộ GD-ĐT không có đủ ứng viên tham gia biên soạn một bộ SGK – NGỌC DƯƠNG
Báo cáo Quốc hội về việc thực hiện lời hứa tại phiên chất vấn kỳ họp Quốc hội trước, Bộ trưởng GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cho biết: Cuối tháng 2.2019 vừa qua, Bộ GD-ĐT đã ban hành kế hoạch biên soạn một bộ sách giáo khoa (SGK) theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Ngoài những việc đã làm được, báo cáo cũng nêu một số khó khăn, vướng mắc và hạn chế.
Không tìm được đủ tác giả viết SGK
Cụ thể, Bộ GD-ĐT đề xuất phương án giao cho Nhà xuất bản Giáo dục VN biên soạn, in và phát hành SGK, đã tính đến phương án tổ chức tuyển chọn một hãng tư vấn (nhà xuất bản) biên soạn bản thảo và biên tập, hoàn thiện bản mẫu một bộ SGK nhưng cả hai phương án đều không thực hiện được do vướng các quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam và Ngân hàng Thế giới. Vì vậy, Bộ đã báo cáo Thủ tướng thực hiện phương án tuyển chọn tác giả và tổ chức biên soạn một bộ SGK tại Báo cáo số 160 ngày 5.3.2019. Theo phương án này, Bộ đã xây dựng các gói thầu tuyển chọn chủ biên, tác giả và biên tập viên để tổ chức biên soạn SGK.
Tuy nhiên, phương án tuyển chọn tác giả biên soạn một bộ SGK cũng không thực hiện được do không đủ ứng viên tham gia. Nguyên nhân chủ yếu do hầu hết tác giả SGK đã ký hợp đồng với một số nhà xuất bản và bắt đầu tổ chức biên soạn SGK từ đầu năm 2018, khi dự thảo chương trình giáo dục phổ thông được công bố trên mạng để xin ý kiến rộng rãi; các biên tập viên SGK có giấy phép hành nghề cũng đang thuộc biên chế hoặc hợp đồng với các nhà xuất bản nên không được phép dự tuyển tự do.
Bộ GD-ĐT đã báo cáo và đề xuất Thủ tướng Chính phủ thực hiện tổ chức việc biên soạn, xuất bản SGK không sử dụng ngân sách nhà nước, bảo đảm chất lượng, tiến độ, không độc quyền, đầy đủ các môn học và hoạt động giáo dục đáp ứng yêu cầu triển khai áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới tuần tự theo các lớp của mỗi cấp học, trong đó lớp 1 bắt đầu từ năm học 2020 – 2021, lớp 6 bắt đầu từ 2021 – 2022, lớp 10 bắt đầu từ 2022 – 2023.
Các giải pháp
Bộ trưởng Nhạ nêu giải pháp trong thời gian tới là sẽ tổ chức biên soạn một bộ SGK theo hướng: thành lập hội đồng quốc gia thẩm định SGK và thông báo rộng rãi để khuyến khích các tổ chức, cá nhân biên soạn SGK đăng ký với nhà xuất bản theo quy định tại thông tư số 33 năm 2017. Hội đồng quốc gia thẩm định SGK tiến hành thẩm định bản mẫu SGK của các nhà xuất bản gửi về Bộ GD-ĐT. Sau khi tổ chức thẩm định, Bộ chỉ đạo và hỗ trợ các nhà xuất bản trong quá trình hoàn thiện bản mẫu SGK, bảo đảm có ít nhất một bộ SGK đầy đủ các môn học, hoạt động giáo dục được phê duyệt, cho phép sử dụng.
Video đang HOT
Đối với SGK lớp 1, thời gian bắt đầu tổ chức thẩm định từ tháng 6.2019. Khâu chỉnh sửa, thực nghiệm, hoàn thiện bản mẫu SGK, thẩm định lại theo quy định để được phê duyệt, cho phép sử dụng trước tháng 12.2019. Mục tiêu sau cùng là kịp thời tổ chức in, phát hành phục vụ năm học 2020-2021. “Bộ cũng ban hành thông tư hướng dẫn lựa chọn SGK để các địa phương chỉ đạo, tổ chức việc lựa chọn SGK phù hợp với điều kiện thực tiễn, bảo đảm công khai, minh bạch, tránh độc quyền”, Bộ trưởng Nhạ khẳng định trong báo cáo
UBND tỉnh sẽ chọn sách giáo khoa dùng tại địa phương
Sáng 21.5, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật Giáo dục (sửa đổi), ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng QH, cho biết một số ý kiến đề nghị xây dựng một chương trình, một bộ SGK dùng chung cho cả nước. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ QH đề nghị được giữ quy định một chương trình thống nhất, mỗi môn học có một hoặc một số SGK như trong dự thảo.
Về vấn đề lựa chọn SGK, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo luật quy định UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn SGK để sử dụng ổn định trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn, theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.
Lê Hiệp – Vũ Hân
Theo Thanh niên
Bộ GD-ĐT báo cáo gì với Quốc hội về sách giáo khoa?
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ vừa ký báo cáo về sách giáo khoa (SGK) phổ thông, gửi đến Quốc hội.
Học sinh chọn sách giáo khoa - ĐÀO NGỌC THẠCH
Báo cáo có đầy đủ tất cả các vấn đề dư luận nêu ra gần đây về SGK như khắc phục độc quyền xuất bản, tiết kiệm sử dụng SGK, giá và chiết khấu, sách tham khảo...
Cách hạn chế sách bài tập sử dụng một lần
Theo báo cáo, Bộ GD-ĐT cho biết dư luận gần đây bức xúc về việc một số SGK có những bài tập để học sinh viết, vẽ vào sách. Mặc dù thiết kế SGK là yêu cầu chuyên môn, sự lựa chọn sử dụng SGK là quyền của cha mẹ học sinh và học sinh nhưng vấn đề tiết kiệm trong sử dụng SGK (nhất là trong hoàn cảnh nước ta còn nghèo) là vấn đề rất cần được quan tâm thực hiện.
Bộ GD-ĐT cho biết khi biên soạn SGK hiện hành, các tác giả đã tiếp thu kinh nghiệm quốc tế để thể hiện các phương pháp dạy học tích cực, tăng tính tương tác giữa người học và sách. Theo đó, trong SGK có thiết kế các thí nghiệm kèm theo bảng các đại lượng cần đo (bảng trống chưa điền số liệu) nhằm hướng dẫn học sinh cách tiến hành thí nghiệm; các bài tập đa dạng về hình thức (trắc nghiệm, điền khuyết, nối đôi, tô màu,...) nhằm rèn luyện cho học sinh các thao tác tư duy, hướng dẫn học sinh tự học, làm quen với các dạng bài tập khác nhau (đặc biệt là vào thời điểm đó nước ta mới bước đầu tiếp cận với các dạng bài tập trắc nghiệm). Đây là xu thế đổi mới phương pháp dạy học và biên soạn SGK ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới.
Thiết kế SGK theo hướng đa dạng hóa câu hỏi, bài tập là một yêu cầu mang tính chuyên môn và phương pháp giáo dục. Tuy nhiên, cách thiết kế này có thể khiến học sinh dễ viết, vẽ trực tiếp vào SGK, gây lãng phí, không được dư luận đồng tình. Để hạn chế tình trạng SGK chỉ sử dụng một lần, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) có giải pháp phù hợp để nhắc nhở, hướng dẫn giáo viên và học sinh ghi kết quả trắc nghiệm, điền khuyết, số liệu thí nghiệm vào vở ghi; khuyến khích các đại lý tại các địa phương thu mua và phân phối lại SGK cũ cho học sinh có nhu cầu sử dụng; vận động học sinh quyên góp, sử dụng lại SGK... Đồng thời, Bộ GD-ĐT thường xuyên lồng ghép vào các đợt tập huấn cho giáo viên việc hướng dẫn sử dụng sách để học sinh có ý thức giữ gìn, không viết, vẽ vào sách để sử dụng SGK được lâu bền. Mặc dù vấn đề này đã được quan tâm, chỉ đạo nhưng hiệu quả chưa cao, thậm chí tình trạng SGK chỉ sử dụng một lần vẫn có xu hướng tăng nhanh, nhất là ở các thành phố lớn.
Trước phản ánh của đại biểu Quốc hội và dư luận xã hội về tình trạng lãng phí trong sử dụng SGK, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã ban hành Chỉ thị số 3798/CT-BGDĐT ngày 24.9.2018 chỉ đạo các sở GD-ĐT hướng dẫn các cơ sở giáo dục tại địa phương sử dụng, bảo quản SGK, yêu cầu giáo viên áp dụng phương pháp dạy học tích cực và hướng dẫn học sinh không viết vào SGK trong quá trình thực hiện các hoạt động học. Cùng với việc hướng dẫn của giáo viên, cần sự phối hợp của cha mẹ học sinh và ý thức giữ gìn của học sinh. Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục chỉ đạo, đồng thời tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn việc sử dụng SGK đúng cách, vừa phát huy được tính tự chủ, sáng tạo, vừa rèn luyện ý thức giữ gìn, tiết kiệm của học sinh.
Tới đây trong biên soạn SGK mới, Bộ GD-ĐT sẽ yêu cầu các NXB quan tâm đến thiết kế các dạng bài tập trong SGK theo hướng hạn chế viết, vẽ trực tiếp vào SGK. Đồng thời, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường phát động phong trào giữ gìn SGK, quyên góp xây dựng thư viện SGK để học sinh sử dụng chung (mượn miễn phí) hoặc hỗ trợ học sinh các vùng khó khăn; khuyến khích các NXB tăng cường tổ chức quyên góp SGK đã qua sử dụng để phục vụ các đối tượng có nhu cầu.
Sẽ phạt hành vi vi phạm về sách tham khảo
Bộ GD-ĐT cũng giải trình việc cùng với SGK, NXBGDVN cũng tổ chức biên soạn, xuất bản, phát hành hệ thống sách bài tập in sẵn và tài liệu bổ trợ (tùy cấp học) có giá tương đương hoặc cao hơn giá SGK, cùng nhiều loại sách tham khảo khác cho học sinh. Những tài liệu này thực chất là sách bổ trợ, tham khảo để hỗ trợ học sinh trong quá trình học tập và không phải là tài liệu bắt buộc học sinh phải mua để học theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Nhiều NXB khác cũng tổ chức biên soạn, xuất bản, phát hành các loại sách này. Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên
Tuy nhiên, trên thực tế việc này chưa tạo được nhiều chuyển biến rõ rệt. Hiện vẫn còn có Sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT, cơ sở giáo dục, giáo viên đưa nội dung vượt quá yêu cầu của chương trình từ sách tham khảo vào bài kiểm tra; giới thiệu để học sinh, phụ huynh học sinh phải mua nhiều sách tham khảo nhưng hiệu quả sử dụng không cao, làm quá tải cho học sinh, tốn kém cho gia đình học sinh và gây bức xúc trong xã hội.
Để chấn chỉnh tình trạng đưa quá nhiều sách tham khảo vào các cơ sở giáo dục phổ thông, tại Chỉ thị số 3798/CT-BGDĐT ngày 24.9.2018, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các Sở GD-ĐT tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ quản lý, giáo viên vi phạm quy định tại Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT. Rút kinh nghiệm trong việc quản lý sách tham khảo, từ năm học 2018-2019, Bộ GD-ĐT đã không phê duyệt danh mục sách bổ trợ đi kèm SGK để tránh việc các cơ sở giáo dục liên kết với các đơn vị phát hành SGK bán kèm sách bổ trợ, tham khảo cho học sinh.
Thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các ban, ngành liên quan xây dựng quy trình quản lý chặt chẽ hơn việc xuất bản, phát hành sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý đối với vi phạm về việc xuất bản, phát hành sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục.
Mức chiết khấu SGK còn cao
Theo quy định hiện hành thì SGK thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký giá. Qua kiểm tra, giá SGK in trên bìa theo đúng giá đã đăng ký với Bộ Tài chính và được giữ ổn định nhiều năm. Trên thị trường hiện nay, giá SGK thấp hơn giá các loại sách khác khoảng từ 2 đến 3 lần.
Bộ GD-ĐT cho biết tổng mức chiết khấu phát hành SGK hiện nay khoảng 23-25% giá bìa. Đây là phần các công ty, đối tác phát hành phải có để chi trả các chi phí hoạt động (lãi vay ngân hàng, trả lương cho người lao động, chi phí kho bãi, cửa hàng, nộp thuế cho nhà nước, chi phí vận chuyển đến tận tay học sinh và các cơ sở giáo dục, thực hiện công tác xã hội...). Theo ý kiến phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng và kết quả kiểm tra đối với NXBGDVN có thể thấy việc quy định mức chiết khấu SGK còn cao, chưa thật phù hợp với cơ cấu giá thành. Nguyên nhân chính là do: giá SGK được giữ ổn định ở mức thấp trong khi chi phí phát hành tăng theo cơ chế thị trường; bên cạnh đó việc tổ chức gia công và đấu thầu in ấn chưa thực sự phù hợp; quy trình phát hành SGK còn nhiều tầng nấc làm tăng chi phí vận chuyển và các chi phí trung gian khác; chưa có quy định cụ thể đối với mức chiết khấu phát hành SGK.
Để khắc phục tình trạng trên, trước mắt, Bộ chỉ đạo NXBGDVN rà soát quy trình tổ chức in ấn, phát hành SGK; xây dựng quy định cụ thể đối với mức chiết khấu SGK đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ chính trị cũng như nhiệm vụ bảo toàn vốn nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Chuyển NXBGD sang mô hình công ty mẹ - công ty con
Bộ GD-ĐT cho biết, trước các thông tin về bất cập, hạn chế trong hoạt động xuất bản của NXBGDVN, từ năm 2016, Bộ đã chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra các hoạt động xuất bản, in, phát hành SGK nói riêng và toàn bộ hoạt động của NXBGDVN nói chung.
Ngày 22.12.2016, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã quyết định thanh tra toàn diện NXBGDVN. Kết quả thanh tra đã chỉ rõ: việc chuyển đổi mô hình và cơ chế hoạt động theo đúng tính chất của một doanh nghiệp nhà nước còn chậm. Bộ máy tổ chức, quan hệ giữa các bộ phận, các đơn vị liên quan chưa rõ ràng, nhất là quan hệ giữa NXBGDVN với các công ty liên kết có các nhân sự chủ chốt là cán bộ lãnh đạo của NXBGDVN; nhiều vấn đề trong tổ chức và hoạt động chưa đúng Luật Doanh nghiệp; trong nội bộ xuất hiện mâu thuẫn, mất đoàn kết ảnh hưởng đến uy tín và hoạt động chung. Nhiều thiếu sót, sai phạm có tính lịch sử, kéo dài. Bộ GD-ĐT đã chỉ rõ nguyên nhân, trách nhiệm của từng cá nhân cụ thể và các biện pháp xử lý đối với NXBGDVN.
Qua thanh tra, kiểm tra, Bộ cũng đã chỉ ra hệ thống phát hành SGK của NXBGDVN còn cồng kềnh, quy trình phát hành chưa thật hợp lý do phải qua nhiều khâu trung gian làm tăng chi phí vận chuyển và các chi phí trung gian khác. Bộ đã chỉ đạo NXBGDVN phải lấy nhiệm vụ chính trị phục vụ học sinh làm mục tiêu hàng đầu, đảm bảo cung ứng SGK đầy đủ; in đẹp, bền; giá cả hợp lý; không được để tình trạng học sinh thiếu SGK.
Thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức tổng kết, đánh giá việc thực hiện thí điểm chuyển NXBGDVN sang tổ chức và hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định của Bộ GD-ĐT; chỉ đạo rà soát, cơ cấu lại NXBGDVN theo hướng tinh gọn, hiệu quả, giảm các tầng nấc trung gian. Đồng thời, Bộ GD-ĐT tăng cường phối hợp với các bộ, ngành liên quan kiểm tra, thanh tra việc in, phát hành, sử dụng SGK, sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông để có những chỉ đạo kịp thời, tránh tình trạng độc quyền, lãng phí và minh bạch hóa việc phát hành, phổ biến SGK, sách tham khảo.
Theo thanhnien
Ninh Bình chuẩn bị giáo viên triển khai chương trình mới Sở GD&ĐT Ninh Bình xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông (CTGDPT) mới trên địa bàn tỉnh. Ảnh minh họa/internet Theo kế hoạch này, căn cứ vào hệ thống môn học, hoạt động giáo dục và thời lượng giáo dục của mỗi cấp học theo chương trình, SGK mới tiến hành tổng rà soát hiện trạng,...