Bộ GD-ĐT hưởng ứng chương trình ‘Nhà bán trú cho em’
Ngày 31.8, Bộ GD-ĐT phát đi văn bản hưởng ứng chương trình “ Nhà bán trú cho em” do T.Ư Hội LHTN VN phối hợp T.Ư Hội Chữ thập đỏ VN, Báo Thanh Niên và Cổng thông tin Nhân đạo quốc gia tổ chức.
Ảnh minh họa
Văn bản ghi: Bộ GD-ĐT nhận thấy đây là một chương trình có ý nghĩa thiết thực đối với các em học sinh vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn trong cả nước. Chương trình này giúp các em duy trì được việc học tập và đảm bảo được tính mạng của các em trong những hoàn cảnh thời tiết khắc nghiệt, bão lũ, thiên tai.
Bộ đề nghị các cơ sở GD-ĐT, các đại học, học viện, trường ĐH, CĐ, TCCN trên cả nước có biện pháp tuyên truyền, phổ biến rộng rãi chương trình đến tất cả học sinh, sinh viên, cán bộ giáo viên tham gia nhắn tin góp phần ủng hộ các em học sinh vùng khó khăn. Thời gian nhắn tin ủng hộ từ 0 giờ ngày 15.8.2013 đến 24 giờ ngày 14.10.2013.
Video đang HOT
Theo TNO
Chống lạm thu đầu năm học mới
Học sinh vừa mới tựu trường thì câu chuyện lạm thu đã bắt đầu nóng lên, nhiều sở GD-ĐT đã đưa ra phương án phòng chống trước khi ngày khai giảng chính thức bắt đầu...
Ảnh minh họa
Theo thông báo của Sở GD-ĐT Hà Nội thì năm học này Hà Nội không tăng học phí. Theo đó, các bậc mầm non, THCS, THPT, bổ túc THPT vẫn thu mức 40.000 đồng/tháng (khu vực đô thị) và 20.000 đồng/tháng (khu vực nông thôn). Nhưng thông tin này không làm vơi bớt nỗi lo của cha mẹ học sinh, bởi khi học phí thấp, các khoản tự nguyện sẽ được các trường nâng lên để lấy thu cho đủ chi.
Hà Nội: xã hội hóa phải đúng quy trình
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hiệp Thống, phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, cho biết: "Mặc dù định mức ngân sách dành cho học sinh tăng so với các năm trước, nhưng học phí thu ở mức thấp như trên thì để bù đắp chi phí thực tế thiết thực cho hoạt động giáo dục, các trường vẫn cần kêu gọi xã hội hóa theo hình thức tự nguyện. Sở GD-ĐT Hà Nội không cấm các trường thực hiện xã hội hóa và trân trọng những đơn vị, cá nhân, các mạnh thường quân có tâm ủng hộ giáo dục. Tuy nhiên, để tránh việc lợi dụng cái khó chung của giáo dục để lạm thu, Hà Nội yêu cầu các trường thực hiện xã hội hóa phải đúng quy trình, công khai minh bạch, đảm bảo nguyên tắc "thu đủ chi", chỉ nhằm phục vụ học sinh và những việc cần thiết phục vụ trực tiếp cho hoạt động dạy học. Theo quy định của Hà Nội, các trường phải tách bạch rõ khoản thu bắt buộc (học phí), khoản thu hộ (bảo hiểm, phí Đoàn, đội) và các khoản thu tự nguyện theo thỏa thuận của cha mẹ học sinh. Những khoản bắt buộc đối với học sinh diện trái tuyến, hỗ trợ dạy học, phí xây dựng trường không được phép thu. Các trường cũng không được trực tiếp tổ chức thu tiền phục vụ bảo vệ, vệ sinh, an ninh, trông giữ xe. "Muốn kêu gọi sự đóng góp của cha mẹ học sinh, nhà trường phải nêu rõ mục đích kêu gọi đóng góp như thế nào. Công khai dự kiến sử dụng số tiền xã hội hóa và được sự đồng thuận của phụ huynh, công khai quá trình thu chi, kết quả thực hiện... Những khoản thu không cần thiết, vô lý, trái ý muốn của cha mẹ học sinh, nếu Sở GD-ĐT kiểm tra, phát hiện sẽ xử lý vi phạm người liên quan và yêu cầu trả lại tiền cho phụ huynh" - lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định.
TP.HCM: niêm yết công khai các khoản thu tại nơi dễ thấy
Nhiều trường tại TP.HCM vẫn chưa thông báo khoản thu đầu năm học vì chờ văn bản hướng dẫn các khoản thu chi cho năm học 2013-2014 của sở vì năm học này TP.HCM sẽ tăng học phí. Do đó sở đã họp với phòng giáo dục 24 quận huyện để lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo hướng dẫn liên sở giữa Sở GD-ĐT và Sở Tài chính về "thu, sử dụng học phí và thu khác năm học 2013-2014 và năm học 2014-2015". Đây là cơ sở để hướng dẫn các đơn vị giáo dục trên địa bàn TP thực hiện từ năm học 2013-2014, dự kiến công bố đầu tháng 9. Xung quanh việc chuẩn bị cho năm học mới, Sở GD-ĐT TP.HCM cũng có văn bản nhắc nhở các phòng giáo dục và hiệu trưởng các trường về việc thông báo và niêm yết công khai các khoản thu đầu năm học. Cụ thể, nhà trường cần ghi rõ những khoản thu hộ, chi hộ cho học sinh như sách, vở, tài liệu, dụng cụ học tập (không bắt buộc, phụ huynh có thể tự mua), tiền ăn, tiền bán trú, bảo hiểm..., in rõ ràng trên khổ giấy A3, cỡ chữ 16, dán ở nơi dễ nhìn thấy. Sở GD-ĐT cũng yêu cầu các trường không tùy tiện thay đổi mẫu đồng phục gây khó khăn cho phụ huynh, học sinh. Nếu có thay đổi cần thông báo trước, có sự đồng thuận của phụ huynh. Đồng phục cần thiết kế giản dị, phù hợp lứa tuổi, dễ tìm mua hoặc may, chất liệu tốt, giá không cao hơn giá thị trường... Về các loại sách bài tập, sách tham khảo, sở cũng yêu cầu nhà trường phải thống nhất và thông báo sớm, tránh để phụ huynh phải mua lại tài liệu khác, gây lãng phí và phiền hà cho phụ huynh. Trong lớp, nếu học sinh chưa có sách vở, giáo viên cần tìm hiểu và có biện pháp giúp đỡ, không được la mắng, ép buộc học sinh, gây áp lực với phụ huynh.
Đà Nẵng: hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm
Văn phòng Sở GD-ĐT TP Đà Nẵng cho biết giám đốc sở đã có chỉ đạo đầu năm học 2013-2014 đối với tất cả cơ sở giáo dục về các khoản thu đầu năm: chấm dứt tình trạng thu sai quy định, trường nào để xảy ra tình trạng này thì hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm. Các khoản thu không bắt buộc phải dựa trên tinh thần tự nguyện của học sinh. Các trường không được yêu cầu cha mẹ học sinh may lễ phục, logo của trường. Yêu cầu các trường thường xuyên kiểm tra các giáo viên tham gia công tác dạy thêm. Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm. Ông Đặng Hùng - chánh văn phòng sở - cho biết sau khai giảng, việc thanh tra sẽ được tiến hành ngay. Giám đốc sở đã giao cho thanh tra Sở GD-ĐT có kế hoạch kiểm tra định kỳ (có thể hằng tháng hoặc quý) tất cả đơn vị giáo dục, trường học về các khoản thu. Nếu phát hiện sai phạm thì báo cáo lãnh đạo sở để có hướng giải quyết.
Đồng Nai: phải cung cấp biên lai cho phụ huynh
Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai vừa triển khai và chỉ đạo nghiêm cấm các trường học không thu từ học sinh, cha mẹ học sinh các khoản thu tự đặt chưa được cơ quan chức năng phê duyệt trong năm học 2013-2014. Theo đó, khi thu bất cứ một khoản nào từ học sinh hoặc cha mẹ học sinh, nhà trường phải cung cấp biên lai thu tiền hoặc phiếu thu tiền cho học sinh, cha mẹ học sinh tùy theo tính chất của khoản thu; các khoản thu chi phát sinh đều phải thực hiện chế độ hóa đơn, chứng từ, báo cáo quyết toán và tổ chức công khai theo chế độ tài chính hiện hành... Theo lãnh đạo Sở GD-ĐT tỉnh Đồng Nai, để giảm bớt áp lực cho gia đình học sinh khi phải đóng nhiều khoản vào đầu năm, các đơn vị tuyệt đối không được ép buộc gia đình học sinh phải đóng đầy đủ các khoản vào đầu năm mà xem xét và tổ chức thu làm nhiều lần trong năm học, tùy theo tính cấp thiết của các khoản thu.
Theo VNE
Căng mình đón "heo vàng" vào lớp 1 Lứa học sinh vào lớp 1 năm học 2013 - 2014 (sinh năm "heo vàng" 2007) tăng cao so với mọi năm và tăng hơn số học sinh lớp 5 chuyển cấp nên nhiều trường tiểu học ở TPHCM phải đặt ra nhiều phương án đảm bảo đủ chỗ học cho trẻ. Những khảo sát ban đầu đã cho thấy số học sinh...