Bộ GD-ĐT họp báo: “Nóng” vì số tiền hơn 34.000 tỷ đồng đổi mới SGK
1 ngày sau khi Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển trình bày số kinh phí 34.725 tỷ đồng phục vụ cho việc đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015 trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ GD-ĐT tổ chức họp báo quý 1-2014 (ngày 15-4). Buổi họp báo “ nóng” bởi câu hỏi Bộ GD-ĐT chi số tiền trên vào những công việc gì, nhưng người được yêu cầu trả lời vấn đề này đã “né”..
Ngày 25-4-2014, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội sẽ chính thức thẩm định Đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa sau năm 2015 của Bộ GD-ĐT. Ảnh minh họa- Dương Ngân
“Bảo vệ thử luận án”
Video đang HOT
Không giống như những buổi họp báo thường kỳ trước người chủ trì là do ông Bùi Văn Ga- Thứ trưởng phụ trách giáo dục đại học hoặc ông Nguyễn Vinh Hiển- Thứ trưởng phụ trách giáo dục phổ thông, tại buổi họp báo này chủ trì là ông Phạm Mạnh Hùng- Thứ trưởng Bộ GD-ĐT phụ trách cơ sở vật chất, thiết bị trường học.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về căn cứ Bộ GD-ĐT đưa ra con số hơn 34.000 tỷ đồng, cụ thể những hạng mục đầu tư mà Bộ chi ra cho việc đổi mới chương trình sách giáo khoa sau năm 2015, được sự chỉ định của Thứ trưởng Phạm Mạnh Hùng, ông Đỗ Ngọc Thống- Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học- thành viên ban soạn thảo Đề án cho rằng: Con số hơn 34.000 tỷ chỉ là hạch toán bước đầu về việc thực hiện Đề án. Số liệu cuối cùng còn phải chờ đợi sự thẩm tra, phê duyệt từ Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan.
Cũng theo ông Thống, phần trình bày của Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 14-4 chỉ là buổi “bảo vệ thử luận án”, Đề án còn qua nhiều khâu thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội trước khi trình Quốc hội vào tháng 5 tới.
Trước sức ép của nhiều phóng viên yêu cầu Bộ GD-ĐT lý giải rõ hơn việc dùng hơn 34.000 tỷ đồng vào những công việc cụ thể ra sao cho việc đổi mới chương trình sách giáo khoa sau 2015, sau một hồi “né” không thành công, ông Thống nói: Số tiền hơn 34.000 tỷ không chỉ phục vụ việc làm chương trình sách giáo khoa mà còn tiến hành bồi dưỡng hàng triệu giáo viên của hơn 35.000 trường học trên cả nước trong khoảng 10 năm.
Tuy nhiên để kể ra đầu việc cần làm và số kinh phí cần chi cho từng đầu việc, ông Thống không trả lời: “Chúng tôi không giấu giếm, sau này trước Quốc hội chúng tôi sẽ công khai minh bạch, trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi số liệu chính xác cho từng hạng mục là điều khó khăn”, ông Thống nói.
Đề án na ná Nghị quyết đã có hơn 10 năm?
Tại cuộc họp, nhiều phóng viên đặt lại vấn đề mà trong phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều đại biểu nêu ý kiến cho rằng Nghị quyết Đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa sau năm 2015 do Bộ GD-ĐT trình bày có gì đó “na ná” giống với Nghị quyết số 40/2000/QH10 ngày 9-12-2000 của Quốc hội về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, ông Thống cho rằng, điều này là chưa thỏa đáng, vì Nghị quyết Đề án đổi mới chỉ nêu những vấn đề vắn tắt nhất của Đề án, không thể hiện được toàn cảnh Đề án.
Vậy điểm mới của Đề án so với Nghị quyết số 40/2000/QH10 ngày 9-12-2000 của QH về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông là gì? Ông Thống trả lời: Chương trình sách giáo khoa sau 2015 hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực người học, đồng thời phát huy cao nhất tiềm năng riêng của mỗi học sinh. Điều này đòi hỏi phải thay đổi mạnh mẽ cả về cách lựa chọn và sắp xếp nội dung giáo dục, phương pháp và hình thức tổ chức giáo dục, phương pháp kiểm tra đánh giá chất lượng giáo dục.
Mặt khác, theo ông Thống, chương trình được xây dựng theo một chỉnh thể, nhất quán từ lớp 1 đến lớp 12, từ cấp học đến các môn học và hoạt động trải nghiệm sáng tạo nhằm đảm bảo tính thống nhất và hệ thống; được thiết kế theo hai giai đoạn. Bên cạnh đó chương trình sách giáo khoa sau 2015 sẽ giảm bớt số lượng môn học bắt buộc, tăng cường môn học tự chọn.
Với vấn đề phóng viên đặt ra, tại sao thời điểm năm 2011, Bộ GD-ĐT dự toán kinh phí cho đổi mới chương trình sách giáo khoa sau năm 2015 là 70.000 tỷ đồng nay lại rút xuống còn hơn 34.000 tỷ, ông Thống cho biết: 70.000 tỷ đồng là số kinh phí của hai Đề án là đổi mới chương trình sách giáo khoa sau 2015 và Đề án là nâng cấp cơ sở vật chất và thiết bị trường học.
Được biết, trước đó năm 2011, dư luận xôn xao xung quanh Dự thảo Đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa sau 2015 với dự kiến kinh phí 70.000 tỷ đồng để thực hiện đổi mới giáo dục phổ thông.
Thời điểm đó, Bộ GD-ĐT đã gửi công văn tới các báo cho rằng, sở dĩ có dự toán 70.000 tỷ đồng là bởi định chi khoảng một nửa cho xây dựng cơ sở vật chất trường học (khoảng 35.000 tỷ đồng), khoảng 30.000 tỷ đồng mua sắm thiết bị, đồ dùng dạy học. Còn tiền chi cho việc biên soạn chương trình sách giáo khoa chỉ khoảng hơn 960 tỷ đồng.
Theo TNO