Bộ GD-ĐT “giết” hệ tại chức!
Bộ GD-ĐT chứ không ai khác, vì trong một thời gian rất lâu đã buông lỏng quản lý hệ đào tạo này, để các trường ĐH tuyển sinh hệ tại chức không giới hạn.
Trước quyết định “nói không” với cử nhân hệ tại chức của Đà Nẵng và Quảng Nam, GS Phạm Minh Hạc, nguyên Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, cho rằng việc này là không công bằng về mặt pháp lý. Tuy nhiên, vấn đề là tại sao xảy ra điều không công bằng này và Bộ GD-ĐT có trách nhiệm gì?
Dành cho thí sinh trượt ĐH?
GS Phạm Minh Hạc cho biết Luật Giáo dục quy định bằng ĐH chính quy và không chính quy đều bình đẳng như nhau. Giáo dục là “kho tàng bí ẩn”, xã hội hiện nay là xã hội học tập suốt đời, trách nhiệm của ngành giáo dục là tạo mọi điều kiện thuận lợi cho công dân được quyền học tập nên cần thiết phải giữ lại hệ tại chức. “Nhiều trí giả lớn của thế giới và Việt Nam đều học tập suốt đời” – ông khẳng định.
Tuy nhiên, GS Phạm Minh Hạc cũng cho rằng điều quan trọng là chất lượng đào tạo hệ tại chức có bảo đảm đáp ứng yêu cầu của người tuyển dụng lao động không. Ông ví von: “Trường là nơi cung, thị trường lao động là cầu, nếu cung không đạt yêu cầu thì đương nhiên sẽ bị từ chối”.
Một tiết học của lớp ĐH tại chức giáo dục mầm non ở TPHCM. Ảnh: XUÂN THẢO
Theo ông, hệ tại chức của nước ta không hẳn mang ý nghĩa học tập suốt đời mà chỉ là nơi dành cho những thí sinh thi trượt ĐH. “Tâm lý người Việt mình là ai cũng muốn có một tấm bằng ĐH. Trong khi đó, việc đào tạo thì lỏng lẻo, mất kỷ cương, chỉ tiêu nhiều nhưng chất lượng lại hạn chế” – GS phân tích.
GS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, thẳng thắn: Suốt thời gian dài, chất lượng đào tạo tại chức đã không được kiểm soát chặt chẽ. Không ít cán bộ Nhà nước đi học để hợp thức hóa yêu cầu bằng cấp, học viên đi học chủ yếu để lấy cái bằng chứ không phải vì kiến thức.
Buông lỏng quá lâu
Video đang HOT
Bộ GD-ĐT từng giao quyền cho các trường ĐH được liên kết mở lớp đào tạo tại chức với các trung tâm giáo dục thường xuyên địa phương nên đã dẫn đến tình trạng mở lớp tràn lan. Nhiều lớp mang tính đặc thù nghề nghiệp cao cũng cho phép mở ngoài trường ĐH mà không được giám sát và quản lý chất lượng.
Trước quyết định từ chối cử nhân tại chức của một số địa phương, một lãnh đạo của Bộ GD-ĐT bày tỏ quan điểm rằng nhà tuyển dụng có nhiều cách tuyển, có thể loại bỏ những cử nhân tại chức kém chất lượng nhưng không nên “nói không” với cả một hệ đào tạo. “Trong việc tuyển dụng có rất nhiều bài test để các chuyên gia kiểm tra năng lực ứng viên chứ không phải chỉ có bằng cấp.
Dù là bằng chính quy hay tại chức, nếu không thỏa mãn nhu cầu thì không nên tuyển. Muốn tuyển công chức giỏi, hãy tìm cách nâng cao chất lượng đề thi, công khai, nghiêm túc để chống tiêu cực” – vị này nhìn nhận.
Địa phương lần đầu tiên “nói không” với hệ tại chức là TP Đà Nẵng. Thái độ quyết liệt đó là một cú sốc lớn, cũng là lời cảnh báo đầu tiên gửi đến Bộ GD-ĐT. Đó cũng là hệ quả tất yếu khi trong thời gian quá dài, Bộ GD-ĐT đã buông lỏng hệ đào tạo tại chức.
“Siết chặt” – Chất lượng có bảo đảm?
Sau cú sốc Đà Nẵng, cuối năm 2010, Bộ GD-ĐT đã đưa ra nhiều giải pháp để “siết” hệ đào tạo tại chức, mạnh mẽ nhất là “trảm” chỉ tiêu tuyển sinh của các trường. Năm 2012, tổng chỉ tiêu tuyển sinh theo hình thức vừa làm vừa học, liên thông đào tạo văn bằng 2 được xác định không quá 50% tổng chỉ tiêu chính quy của cơ sở đào tạo. Năm 2011, chỉ tiêu này là 60%, năm 2010 khoảng 80%, trong khi từ năm 2009 trở về trước không có giới hạn.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng điều này sẽ bảo đảm cho các trường năng lực đào tạo có chất lượng. Trước đây, việc đào tạo tại chức được coi là “siêu lợi nhuận” nên các trường ĐH thi nhau về địa phương mở lớp. Đặc điểm chung của các lớp này là sĩ số không hạn chế, giảng viên được thuê từ nhiều nguồn – không ít người chưa đạt chuẩn, thiếu kinh nghiệm giảng dạy.
Bộ GD-ĐT cũng tìm cách nâng cao chất lượng đào tạo tại chức qua việc sửa đổi quy chế. Theo đó, các trường mở lớp tại địa phương phải có ít nhất 2 năm đào tạo chính quy ngành này. Các trường tại những vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng cao, miền núi được ưu tiên giao chỉ tiêu nhưng không được dùng chỉ tiêu này để liên kết tuyển sinh ở vùng khác.
GS Phạm Minh Hạc khẳng định việc giao chỉ tiêu đào tạo phải được cân nhắc kỹ trên cơ sở thực lực của các cơ sở, không phải nơi nào cũng có thể đào tạo tại chức. Bộ GD-ĐT cũng phải nghiêm túc xử lý sai phạm của các cơ sở trong đào tạo hệ tại chức, hiệu trưởng phải có các biện pháp để kiểm soát việc giảng dạy của giảng viên, việc tổ chức dạy học…
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết Bộ GD-ĐT khuyến khích các trường liên thông đào tạo tại chức với chính quy để sinh viên có thể học chung, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo. Thêm vào đó, khi triển khai đào tạo tín chỉ, sinh viên tại chức có thể học với hệ chính quy cũng với tín chỉ đó nếu thời gian cho phép. Phương án người học tại chức sẽ cùng tham gia một kỳ thi cuối khóa với sinh viên chính quy để nâng cao chất lượng đào tạo cũng được tính đến nhưng tới nay, việc thực hiện không đơn giản chút nào.
Theo Yến Anh
Người Lao Động
Tại chức bị chối bỏ: Một thực tế hiển nhiên
Trong hai ngày 15 và 16/8, có hàng trăm ý kiến trái chiều bày tỏ quan điểm trước thực tế rất nhiều địa phương từ chối tuyển dụng người tốt nghiệp hệ tại chức.
"Phản ứng của xã hội trong việc từ chối bằng ĐH tại chức có nhiều điều đáng suy nghĩ. Trước hết, nó là một dấu hiệu đáng mừng cho thấy xã hội bắt đầu quan tâm tới chất lượng hơn là chỉ đơn thuần dựa vào tấm bằng. Phản ứng của xã hội đối với chất lượng đào tạo của hệ tại chức giống như cơn sốt báo cho ta biết cơ thể đang có vấn đề" - TS Phạm Thị Ly, ĐH Quốc gia TP.HCM, chia sẻ.
Cắt giảm tiết học
Ngay cả những người trong cuộc cũng nhận thấy hệ tại chức rất có vấn đề. Trao đổi với chúng tôi, giảng viên các trường ĐH lớn như Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM), Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, Kinh tế TP.HCM... cho rằng chương trình đào tạo tại chức được xây dựng tương đương như chính quy. Tuy nhiên, những giảng viên này thừa nhận điểm khác biệt nằm ở hình thức tổ chức lớp, đặc thù người học.
N.T.L. - sinh viên năm 3 lớp ĐH luật vừa làm vừa học do một trường ĐH khu vực Tây nguyên mở tại TP.HCM - cho biết có một số môn giảng viên cắt bớt số tiết học chỉ còn 1/3. Đối với các môn do giảng viên của trường đưa xuống, lớp phải học liên tục các buổi chiều trong tuần, thứ bảy, chủ nhật học cả ngày cho hoàn thành môn học. Việc thi cử khi nào sinh viên quay tài liệu quá lộ liễu sẽ bị bắt và trừ điểm, nếu kín đáo giám thị vẫn cho qua.
Các ứng viên trả lời câu hỏi tại buổi phỏng vấn tuyển dụng giáo viên năm 2012 do Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức sáng 2/8/2012 - Ảnh: NHƯ HÙNG
Trong khi đó, T.T.K.T. - sinh viên năm 2 ngành tài chính ngân hàng liên kết giữa ĐH Cần Thơ và Trung tâm ĐH tại chức Cần Thơ - cho biết số tiết học bị giảng viên cắt bớt khá nhiều. Một số môn học phải học trong tám buổi nhưng giảng viên chỉ dạy năm buổi. Một số môn học lịch học bị đổi. Các môn học đều có thi giữa kỳ cũng như cuối kỳ. Đề thi cuối học kỳ do giảng viên ra. Do giảng viên chủ yếu của Trường ĐH Cần Thơ nên lịch học cũng khá thoải mái. Các lớp liên kết với các trường ĐH tại TP.HCM, giảng viên xuống sẽ dạy liên tục nhiều buổi cho xong môn học mới chuyển qua môn học khác".
Cán bộ quản lý một đơn vị liên kết tổ chức lớp tại chức tại TP.HCM của Trường ĐH Vinh cho biết bên cạnh giảng viên từ cơ sở chính vào, Trường ĐH Vinh cũng mời một số giảng viên tại TP.HCM tham gia giảng dạy. Đối với các môn do giảng viên từ Vinh vào, các lớp được tổ chức học liên tục trong nhiều ngày và buổi tối, xong môn học giảng viên lại sang dạy ở lớp khác.
Dễ dãi lấy bằng
"Điều kiện, thời gian học hạn chế. Đầu vào thấp hơn và đầu ra dễ dãi hơn. Các khoa xây dựng chương trình đào tạo, ra đề thi, chấm thi cũng dễ hơn so với chính quy. Khi đào tạo, đánh giá giảng viên cũng cân nhắc đối tượng người học tại chức lúc nào cũng dễ dãi hơn so với chính quy" PGS.TS Ngô Minh Oanh
(Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)
TS H. - giảng viên Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - cho biết hiện ông tham gia giảng dạy nhiều lớp ĐH tại chức và từ xa cho nhiều trường ĐH tại TP.HCM. Ông cho biết đối với các lớp tại chức, việc dạy và học có phần "lớt phớt" hơn so với chính quy. "Do đặc thù mọi người đã đi làm nên quy định 17g30 vào lớp, 21g30 ra nhưng 18g người học mới vào lớp, 20g30 đã đòi về vì ai cũng mệt mỏi. Đề thi cuối kỳ tại chức cũng có phần dễ hơn. Mặc dù các trường không nói trực tiếp với giảng viên nhưng giảng viên ngầm hiểu rằng không nên quá gắt gao khi đánh giá sinh viên".
Ông này cho biết có lần ông đánh rớt quá nhiều, trường không nói gì nhưng lần sau không mời nữa. Tuy nhiên, ông H. cho biết sinh viên tại chức có kinh nghiệm thực tế nên tiếp thu bài nhanh hơn, nhưng nếu đòi hỏi khắt khe như chính quy thì không mấy người có thể qua được.
Từ thực tế này, việc nhiều sở GD-ĐT từ chối tuyển dụng người học tại chức được cán bộ quản lý, giảng viên nhiều trường ĐH nhìn nhận đó là thực tế hiển nhiên khi so sánh về mặt chất lượng. Nhiều người thẳng thắn khẳng định chất lượng tại chức vẫn còn thua xa chính quy.
PGS Hoàng Dũng - Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - cho rằng do đặc thù tổ chức lớp nên thường giảng viên về các địa phương sẽ dạy liên tục nhiều tiết hoặc nhiều ngày cho xong một môn học. Thư viện không có, thời gian học liên tục nên sinh viên tại chức không có điều kiện tham khảo thêm giáo trình hay nghiên cứu tài liệu ở thư viện mà chỉ học chay những gì giảng viên truyền đạt. Như thế làm sao hiệu quả tốt được. Cũng có một số người học tại chức nhưng học rất tốt. Tuy vậy, đa số người học tại chức có sức học kém. Học kém nhưng vẫn tốt nghiệp - đây là điều đáng bàn. Nếu đánh rớt quá nhiều, giảng viên cũng bị áp lực, cả với người học và đơn vị quản lý mình. Hơn nữa, nếu rớt quá nhiều thì người học sẽ nản và sẽ rất ít người dám đi học. Nói thật, nếu ra đề và chấm thi như chính quy sẽ không có nhiều người học tại chức có thể qua được.
Từng nhiều năm tham gia tổ chức đào tạo tại chức, ông Mỵ Giang Sơn - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Sài Gòn - khẳng định chất lượng đào tạo vừa làm vừa học hiện nay là không bằng chính quy. Hiện trường không đào tạo tại chức giáo viên TPHT, THCS và tiểu học để đảm bảo chất lượng. Riêng giáo viên mầm non, do nhu cầu xã hội còn nhiều nên trường tổ chức bậc trung cấp và CĐ vừa làm vừa học.
Mặc dù chương trình đào tạo được xây dựng theo chính quy, tổ chức quản lý chặt chẽ nhưng chất lượng thật sự không bằng chính quy do đầu vào thấp, phương thức tổ chức lớp còn nhiều hạn chế so với chính quy. Xã hội hiện nay không tin vào chất lượng đào tạo tại chức bởi có không ít cơ sở đào tạo không nghiêm túc, chưa thực hiện đúng chương trình, quản lý lỏng lẻo dẫn đến chất lượng sản phẩm đầu ra không cao.
Theo tuổi trẻ
Cô gái khuyết tật người Mông tốt nghiệp ĐH loại Giỏi Cầm tấm bằng đại học loại giỏi trong tay, cô gái khuyết tật người Mông Ma Thị Nống quyết định giã từ Thủ đô, "đi ngược" về phía núi, nguyện mang tri thức trở về với quê hương. Ma Thị Nống trong ngày nhận bằng cử nhân loại giỏi. "Của hiếm" ở bản Dẫn khách men theo dải đường lởm chởm đá ven...