Bộ GD-ĐT giải thích về dự kiến đổi mới thi tốt nghiệp THPT
Sau khi lắng nghe ý kiến của dư luận, Bộ GD-ĐT tiếp tục đưa ra những lý giải xung quanh dự thảo điều chỉnh phương án thi tốt nghiệp THPT.
Chiều 10.2, Bộ GD-ĐT phát đi thông báo giải thích thêm về dự thảo điều chỉnh phương án thi tốt nghiệp THPT trong những năm trước mắt (dự kiến từ năm 2014 cho đến khi có học sinh lớp 12 học theo chương trình giáo dục phổ thông mới).
Ông Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT lý giải xung quanh dự kiến giảm số môn xuống chỉ còn 4 môn, trong đó có hai môn học sinh được chọn: Việc xét công nhận và xếp loại tốt nghiệp không chỉ sử dụng kết quả thi mà có cả kết quả đánh giá trong quá trình học tập (cùng có trọng số 50%); muốn có hồ sơ dự tuyển đại học tốt (gồm kết quả học tập tốt và két quả tốt nghiệp tốt) thì học sinh không thể “học lệch” mà phải nỗ lực học tập tất cả các môn trong quá trình học, nhất là ở lớp 12; việc sử dụng kết quả đánh giá trong quá trình cũng có tác dụng giảm thiểu rủi ro đối với học sinh khi kết quả thi tốt nghiệp chỉ phụ thuộc kết quả các môn thi như trước đây.
Mặt khác, để góp phần khắc phục tình trạng học lệch, học tủ thì đề thi sẽ có điều chỉnh theo hướng: tăng cường câu hỏi mở đối với các môn tự luận nhằm phát huy khả năng vận dụng kiến thức tổng hợp của học sinh vào giải quyết vấn đề theo quan điểm cá nhân với khả năng sáng tạo và lập luận phong phú của mỗi thí sinh, phụ thuộc vào mức độ hiểu biết và năng lực của từng học sinh, tránh tình trạng học sinh giải quyết vấn đề một cách máy móc theo khuôn mẫu có sẵn, “đoán mò” và “học tủ”.
Xung quanh vấn đề tại sao miễn thi tốt nghiệp cho khoảng 20% học sinh, ông Nguyễn Vinh Hiển cho rằng: Tỷ lệ này được xác định dựa trên tỷ lệ học sinh giỏi, học sinh tiên tiến trong các năm qua trung bình khoảng 40 – 45%, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT loại khá, giỏi trong các năm gần đây đều trên 20%; như vậy có thể tin tưởng rằng tất cả học sinh được miễn thi đều là xứng đáng.
20% là tỷ lệ miễn thi tối đa cho các Sở GD-ĐT. Nếu thấy cần thiết, giám đốc sở căn cứ các điều kiện đảm bảo chất lượng, chất lượng dạy học, kết quả trong quá trình tổ chức các hoạt động giáo dục toàn diện học sinh… để xác định tỷ lệ miễn thi cho từng trường trên cơ sở bảo đảm tổng số học sinh được miễn thi của sở không vượt quá 20%.
Video đang HOT
Cùng với quá trình và kết quả chấn chỉnh kỷ cương để việc kiểm tra, đánh giá phản ánh đúng kết quả học tập của học sinh thì tỷ lệ miễn thi có thể được tăng thêm, cũng có thể tiến đến toàn bộ học sinh đạt chuẩn đều được miễn thi.
Bộ GD-ĐT cho biết vẫn chưa có quyết định cuối cùng về phương án đổi mới thi và mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến trao đổi lại để hoàn thiện phương án thi.
Theo TNO
Bỏ thi ngoại ngữ là "cải lùi"
Theo dự thảo mới nhất về đổi mới thi tốt nghiệp THPT mà Bộ GD&ĐT vừa công bố, một trong hai phương án được đưa ra lấy ý kiến vẫn tiếp tục "bỏ ngoại ngữ" khỏi danh sách môn thi chính thức. Nhiều giáo viên đã phản đối và cho rằng đấy là sự "cải lùi".
Vô lý!
Theo dự thảo Bộ GD&ĐT đưa ra, năm nay thí sinh sẽ thi 4 môn: 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn. Hai môn còn lại, do mỗi thí sinh tự chọn trong số 5 môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử.
Đối với môn Ngoại ngữ, học sinh có thể đăng ký thi để được cộng điểm khuyến khích vào điểm xét tốt nghiệp. Có thể là bài thi môn Ngoại ngữ đạt 9,0 điểm trở lên được cộng 2,0 điểm. Bài thi đạt 7,0 điểm trở lên được cộng 1,5 điểm và đạt 5,0 điểm trở lên được cộng 1,0 điểm.
Việc môn ngoại ngữ bị loại khỏi danh sách môn thi chính thức (bắt buộc lẫn tự chọn) đã gây nhiều băn khoăn, thậm chí tranh cãi trái chiều. Đặc biệt, về phía giáo viên có rất nhiều người phản đối.
Theo lý giải của Bộ GD&ĐT, việc dạy và học ngoại ngữ hiện nay còn nhiều bất cập, chất lượng thấp và trình độ, năng lực của học sinh ở các vùng sâu, vùng xa chênh lệch so với các thành phố. Hơn nữa, cách thức thi cử môn Ngoại ngữ lạc hậu, bằng trắc nghiệm cũng chỉ đánh giá học sinh về từ vựng, ngữ pháp. Vì thế, Bộ GD&ĐT "không bỏ môn thi ngoại ngữ mà khuyến khích học sinh thi môn này để cộng điểm tốt nghiệp".
Tuy nhiên, phương án này không được nhiều chuyên gia giáo dục tán thành bởi lẽ, việc chỉ khuyến khích sẽ khiến một bộ phận học sinh lơ là, không còn động lực học ngoại ngữ.
Nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, bỏ thi môn Ngoại ngữ là đi ngược lại với xu thế hội nhập.Ảnh: H.Nguyên
TS Lê Thị Chính (nguyên Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Ngoại ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội, Hiệu trưởng Trường THCS&THPT chất lượng cao Phạm Văn Đồng) cho biết: "Chúng tôi cũng như nhiều giáo viên cảm thấy rất vô lý với thông tin này. Cách đây mấy năm, Bộ GD&ĐT cũng đã từng có phương án bỏ thi môn Ngoại ngữ.
Tuy nhiên, sau khi đưa ra lấy ý kiến, nhiều người phản đối nên phương án này đã tạm dừng lại. Ngay sau khi có thông tin dự thảo đưa ra có phương án bỏ thi môn Ngoại ngữ vào năm 2014, tôi cũng đã trao đổi với lãnh đạo Bộ GD&ĐT thì được biết, Bộ đưa ra phương án tạm ngừng là do nhận thấy phương thức thi như hiện tại đã quá lạc hậu nên không tiếp tục duy trì. Nhiều giáo viên cũng phản đối việc bỏ thi môn Ngoại ngữ và cho rằng, như thế là bất cập và đi ngược xu thế hội nhập".
Nên cải tiến cách thi
Là giáo viên đã công tác lâu năm tại Trường THPT chuyên Ngoại ngữ, cô Chính cho rằng: "Tốt nhất là thi tốt nghiệp THPT với 3 môn bắt buộc: Toán, Văn và Ngoại ngữ. Chúng ta cần đặt vấn đề đổi mới phương thức thi môn Ngoại ngữ ra sao, chứ không nên đặt vấn đề thi hay không.
Nếu tạm ngừng, ít nhất học sinh cũng mất khoảng 6-7 năm mới bắt kịp đề án ngoại ngữ 2020. Như vậy, việc học môn Ngoại ngữ ít nhiều ảnh hưởng vì dù sao, có thi vẫn thúc đẩy các em học tập tốt hơn. Hiện, ở trường phổ thông chỉ quy định dạy 3 tiết Ngoại ngữ/tuần. Nếu không thi cử, một số trường có thể sẽ lơ là việc dạy môn Ngoại ngữ".
Theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong Hội nghị tuyển sinh về ĐH, CĐ mới đây, chúng ta phải chuẩn bị hành trang tốt để học sinh hội nhập quốc tế. Trong hoàn cảnh chúng ta đang hướng tới việc đào tạo công dân có khả năng hội nhập toàn cầu, cần trang bị hành trang cho giới trẻ bằng ngoại ngữ nhưng loại môn học này khỏi danh sách môn thi chính thức là đi ngược lại tinh thần của đề án ngoại ngữ quốc gia 2020.
Trao đổi với PV Báo GĐ&XH, cô Nguyễn Thùy Dương - Tổ trưởng tổ Tiếng Anh THPT (Trường THCS & THPT Nguyễn Tất Thành, Hà Nội) cũng phản đối việc bỏ thi môn Ngoại ngữ trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Cô Dương cho rằng, việc bỏ thi môn Ngoại ngữ trong khi chúng ta đang cần hội nhập là hoàn toàn vô lý, đặc biệt là trong giai đoạn chúng ta đang đẩy mạnh đề án ngoại ngữ quốc gia 2020.
Theo TTVN
Cần hướng đến một kỳ thi quốc gia Nhiều ý kiến cho rằng thay vì loay hoay đưa ra những quy định về tuyển sinh không có tính khả thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên tập trung tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT thật tốt để chuẩn bị cho việc tổ chức một kỳ thi quốc gia "Trường ĐH Công nghệ Sài Gòn mấy năm nay tuyển sinh...