Bộ GD-ĐT công khai những “bất ổn” ở kỳ thi tốt nghiệp THPT 2012
Thông tin từ Bộ GD-ĐT cho biết, ở kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012, một số cán bộ chấm thi không thực hiện đúng quy định của quy chế, thiếu tinh thần trách nhiệm, hạ thấp yêu cầu đánh giá bài làm của thí sinh so với hướng dẫn chấm, đáp án của Bộ.
Thông tin này được đưa ra sau khi dựa trên kết quả tốt nghiệp của các đơn vị, Bộ GD-ĐT đã thành lập Hội đồng chấm thẩm định để chấm thẩm định bài thi tự luận các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử và Địa lý của 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có kết quả thi tăng đột biến với so với các năm trước và trùng lặp nhiều ở một mức điểm.
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2012.
Bộ GD-ĐT cũng nhấn mạnh vì những hành vi trên nên có nhiều bài thi bị chấm sai, chấm không đúng đáp án và thang điểm hoặc bị cộng điểm sai; một số lượng đáng kể các bài thi có kết quả điểm công bố khác biệt so với kết quả chấm thẩm định của Bộ GD-ĐT, chủ yếu là điểm công bố cao hơn từ 1,0 điểm đến 2,0 điểm, cá biệt là 3,0 điểm và cao hơn so với đáp án và thang điểm của Bộ GD-ĐT.
Những hạn chế trong công tác coi thi, chấm thi nêu trên cũng cho thấy công tác chỉ đạo, tổ chức coi thi, chấm thi, công tác kiểm tra, thanh tra trước, trong và sau kỳ thi ở các cơ sở giáo dục chưa thực sự sâu sát và thiếu chặt chẽ. Hậu quả của những thiếu sót, khuyết điểm trên là kết quả thi tốt nghiệp THPT ở một số Hội đồng thi, cũng như kết quả thi tốt nghiệp THPT của 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có bài thi được chấm thẩm định và của cả nước bị sai lệch, cao hơn thực chất.
Ngoài vấn đề trên, Bộ GD-ĐT cũng thừa nhận, công tác coi thi vẫn là một trong những khâu yếu kém nhất, giám thị ở một số phòng thi chưa làm tròn chức trách, thiếu nghiêm túc hoặc non kém về nghiệp vụ, thiếu tinh thần trách nhiệm, để thí sinh quay cóp, chép bài của nhau, mang tài liệu vào phòng thi để gian lận, dẫn đến nhiều thí sinh làm bài thi giống nhau, trong đó, có những nội dung sai giống nhau. Đặc biệt, tại Hội đồng coi thi Trường THPT Dân lập Đồi Ngô, tỉnh Bắc Giang đã để xảy ra tình trạng giám thị và người không có trách nhiệm trong Hội đồng coi thi tham gia giải bài, ném bài cho thí sinh; giám thị buông lỏng trách nhiệm để thí sinh nhận tài liệu từ bên ngoài và quay cóp, chép bài của nhau trong phòng thi.
Video đang HOT
Bộ GD-ĐT cũng cho rằng, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể với ngành Giáo dục trong tổ chức thi ở một số địa phương, ở một số khâu còn chưa đồng bộ, thiếu chặt chẽ và kém hiệu quả. Bệnh thành tích trong giáo dục vẫn chưa được khắc phục triệt để, là một trong những nguyên nhân dẫn đến các hành vi vi phạm, tiêu cực trong thi cử. Bên cạnh đó, chưa tạo được cơ chế giám sát của xã hội, phụ huynh và học sinh đối với các khâu của kỳ thi. Vì vậy, các hành vi vi phạm quy chế thi, các hiện tượng tiêu cực trong công tác coi thi, chấm thi, phúc khảo… không được phát hiện kịp thời, xử lý chưa dứt điểm.
Để giải quyết những yếu kém này, trong kì thi tốt nghiệp THPT năm 2013 Bộ GD-ĐT sẽ có những thay đổi trong quy chế thi tốt nghiệp và bổ sung thêm một số quy định mới. Chiều nay 22/1, hội nghị tuyển sinh 2013 sẽ bàn chi tiết về những bổ sung này.
Liên quan đến những “bất ổn” trong công tác chấm thi của 16 tỉnh thành/phố, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận cho biết: Năm nay, Bộ GD-ĐT chưa công bố tên của 16 tỉnh thành/phố nhưng đã có văn bản phân tích kết quả chấm lại gửi bí thư các tỉnh thành, trong đó nhận xét khâu coi thi, chấm thi, tổ chức thi của các tỉnh thành này như thế nào nhìn từ kết quả kiểm tra. Bên cạnh đó, Bộ GD-ĐT cũng đã gửi cho các tỉnh thành còn lại để tham khảo. Năm nay, các văn bản này tạm thời Bộ GD-ĐT đóng dấu “mật” để các đơn vị đánh giá, rút kinh nghiệm. Năm 2013, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục làm việc này và nếu thấy sai phạm sẽ công khai cho xã hội biết.
S.H
Theo dân trí
Kỷ luật nghiêm ngặt trong chấm thi ĐH
Bài thi ĐH, CĐ được chấm 2 vòng độc lập, mỗi vòng cán bộ chấm thi phải bốc thăm túi thi. Nếu cán bộ chấm thi làm lộ số phách bài thi, chữa điểm trong bài thi sẽ bị buộc thôi việc hoặc bị xử lý theo pháp luật.
Hiện nay các trường ĐH, CĐ đang trong giai đoạn chấm thi tuyển sinh 2012. Để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, Bộ GD-ĐT đã có những quy định kỷ luật nghiêm ngặt đối với cán bộ chấm thi.
Cán bộ chấm thi đại học 2012.
Bốc thăm chấm từng túi bài thi
Trước khi chấm, trưởng môn chấm thi tập trung toàn bộ cán bộ chấm thi để quán triệt quy chế, thảo luận đáp án, thang điểm, chấm thử, sau đó tổ chức chấm thi theo quy trình chấm hai vòng độc lập tại hai phòng chấm riêng biệt.
Lần chấm thứ nhất, trưởng ban Chấm thi duyệt phiếu chấm riêng cho từng môn được thiết kế phù hợp với đáp án và thang điểm chi tiết do Trưởng ban Đề thi phê duyệt. Đối với những trường sử dụng đề thi chung của Bộ GD-ĐT, phiếu chấm phải đúng mẫu quy định của Bộ GD-ĐT.
Sau khi đánh số phách, rọc phách và ghép vào mỗi bài thi một phiếu chấm, ban Thư ký giao túi bài thi cho Trưởng môn chấm thi để bốc thăm nguyên túi cho cán bộ chấm. Không xé lẻ túi bài thi giao riêng cho từng người.
Trước khi chấm, cán bộ chấm thi kiểm tra từng bài xem có đủ số tờ, đủ số phách không và gạch chéo tất cả những phần giấy trắng còn thừa do thí sinh không viết hết. Không chấm những bài làm trên giấy khác với giấy dùng cho kỳ thi đó, bài làm trên giấy nháp, bài có hai thứ chữ khác nhau, bài có viết bằng mực đỏ, bút chì hoặc có viết vẽ những nội dung không liên quan đến bài thi, bài thi nhàu nát hoặc nghi vấn có đánh dấu. Cán bộ chấm thi có trách nhiệm giao những bài thi này cho Trưởng môn chấm thi xử lý thí sinh dự thi vi phạm Quy chế.
Khi chấm lần thứ nhất, ngoài những nét gạch chéo trên các phần giấy còn thừa, cán bộ chấm thi tuyệt đối không ghi gì vào bài làm của thí sinh. Điểm thành phần, điểm toàn bài và các nhận xét (nếu có) được ghi vào phiếu chấm của từng bài. Trên phiếu chấm ghi rõ họ, tên và chữ ký của cán bộ chấm thi. Chấm xong túi nào, cán bộ chấm thi giao túi ấy cho Trưởng môn chấm thi để bàn giao cho ban Thư ký.
Lần chấm thứ hai, sau khi chấm lần thứ nhất, ban Thư ký rút các phiếu chấm thi ra rồi giao túi bài thi cho Trưởng môn chấm thi bốc thăm cho người chấm lần thứ hai.
Khi bốc thăm túi bài thi cho cán bộ chấm lần thứ hai, Trưởng môn chấm thi phải có biện pháp để túi bài thi không giao trở lại người đã chấm lần thứ nhất. Người chấm thi lần thứ hai chấm trực tiếp vào bài làm của thí sinh. Điểm chấm từng ý nhỏ phải ghi tại lề bài thi ngay cạnh ý được chấm, sau đó ghi điểm thành phần, điểm toàn bài vào ô quy định, ghi rõ họ tên và ký vào tất cả các tờ giấy làm bài thi của thí sinh. Chấm xong túi nào, cán bộ chấm thi giao túi ấy cho Trưởng môn chấm thi để bàn giao cho ban Thư ký.
Làm lộ số phách bài thi sẽ bị buộc thôi việc
Cán bộ chấm thi sẽ bị cảnh cáo nếu chấm thi hoặc cộng điểm bài thi có nhiều sai sót. Bị buộc thôi việc hoặc bị xử lý theo pháp luật nếu làm lộ số phách bài thi Sửa chữa, thêm, bớt vào bài làm của thí sinh Chữa điểm trên bài thi, trên biên bản chấm thi hoặc trong sổ điểm Đánh tráo bài thi, số phách hoặc điểm thi của thí sinh.
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, thang điểm chấm thi là thang điểm 10. Đối với các môn thi theo phương pháp tự luận, cán bộ chấm thi chỉ chấm theo thang điểm 10. Các ý nhỏ được chấm điểm lẻ đến 0,25 điểm. Riêng các môn năng khiếu và các môn thi theo phương pháp trắc nghiệm có thể theo thang điểm khác, nhưng điểm toàn bài phải quy về thang điểm 10. Việc tính hệ số do máy tính thực hiện.
Thí sinh lưu ý, sau khi công bố điểm thi, HĐTS chỉ nhận đơn xin phúc khảo các môn văn hoá của thí sinh trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày công bố điểm thi và phải trả lời đương sự chậm nhất là 15 ngày kể từ ngày hết hạn nhận đơn. Thí sinh nộp đơn xin phúc khảo phải nộp lệ phí theo quy định của trường. Nếu sau khi phúc khảo phải sửa điểm theo quy định thì HĐTS hoàn lại khoản lệ phí này cho thí sinh. Không phúc khảo các môn năng khiếu.
Hồng Hạnh
Theo dân trí
Sửa đổi đáp án môn Lịch sử khối C: Nhằm đảm bảo quyền lợi cho học sinh Ngày 15/7, Bộ GD-ĐT đã công bố sửa đổi đáp án môn Lịch sử đại học khối C câu 4a. Lý do sửa đổi do một số phản ánh của giáo viên cho rằng một số điểm trong đáp án, thang điểm chưa hợp lý. Trao đổi với Dân trí ngày 16/7, ông Trần Văn Nghĩa, Phó Cục trưởng, Cục Khảo thí &...