Bộ GD-ĐT báo cáo gì với Quốc hội về sách giáo khoa?
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ vừa ký báo cáo về sách giáo khoa (SGK) phổ thông, gửi đến Quốc hội.
Học sinh chọn sách giáo khoa – ĐÀO NGỌC THẠCH
Báo cáo có đầy đủ tất cả các vấn đề dư luận nêu ra gần đây về SGK như khắc phục độc quyền xuất bản, tiết kiệm sử dụng SGK, giá và chiết khấu, sách tham khảo…
Cách hạn chế sách bài tập sử dụng một lần
Theo báo cáo, Bộ GD-ĐT cho biết dư luận gần đây bức xúc về việc một số SGK có những bài tập để học sinh viết, vẽ vào sách. Mặc dù thiết kế SGK là yêu cầu chuyên môn, sự lựa chọn sử dụng SGK là quyền của cha mẹ học sinh và học sinh nhưng vấn đề tiết kiệm trong sử dụng SGK (nhất là trong hoàn cảnh nước ta còn nghèo) là vấn đề rất cần được quan tâm thực hiện.
Bộ GD-ĐT cho biết khi biên soạn SGK hiện hành, các tác giả đã tiếp thu kinh nghiệm quốc tế để thể hiện các phương pháp dạy học tích cực, tăng tính tương tác giữa người học và sách. Theo đó, trong SGK có thiết kế các thí nghiệm kèm theo bảng các đại lượng cần đo (bảng trống chưa điền số liệu) nhằm hướng dẫn học sinh cách tiến hành thí nghiệm; các bài tập đa dạng về hình thức ( trắc nghiệm, điền khuyết, nối đôi, tô màu,…) nhằm rèn luyện cho học sinh các thao tác tư duy, hướng dẫn học sinh tự học, làm quen với các dạng bài tập khác nhau (đặc biệt là vào thời điểm đó nước ta mới bước đầu tiếp cận với các dạng bài tập trắc nghiệm). Đây là xu thế đổi mới phương pháp dạy học và biên soạn SGK ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới.
Thiết kế SGK theo hướng đa dạng hóa câu hỏi, bài tập là một yêu cầu mang tính chuyên môn và phương pháp giáo dục. Tuy nhiên, cách thiết kế này có thể khiến học sinh dễ viết, vẽ trực tiếp vào SGK, gây lãng phí, không được dư luận đồng tình. Để hạn chế tình trạng SGK chỉ sử dụng một lần, Bộ GD-ĐT đã chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (NXBGDVN) có giải pháp phù hợp để nhắc nhở, hướng dẫn giáo viên và học sinh ghi kết quả trắc nghiệm, điền khuyết, số liệu thí nghiệm vào vở ghi; khuyến khích các đại lý tại các địa phương thu mua và phân phối lại SGK cũ cho học sinh có nhu cầu sử dụng; vận động học sinh quyên góp, sử dụng lại SGK… Đồng thời, Bộ GD-ĐT thường xuyên lồng ghép vào các đợt tập huấn cho giáo viên việc hướng dẫn sử dụng sách để học sinh có ý thức giữ gìn, không viết, vẽ vào sách để sử dụng SGK được lâu bền. Mặc dù vấn đề này đã được quan tâm, chỉ đạo nhưng hiệu quả chưa cao, thậm chí tình trạng SGK chỉ sử dụng một lần vẫn có xu hướng tăng nhanh, nhất là ở các thành phố lớn.
Trước phản ánh của đại biểu Quốc hội và dư luận xã hội về tình trạng lãng phí trong sử dụng SGK, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã ban hành Chỉ thị số 3798/CT-BGDĐT ngày 24.9.2018 chỉ đạo các sở GD-ĐT hướng dẫn các cơ sở giáo dục tại địa phương sử dụng, bảo quản SGK, yêu cầu giáo viên áp dụng phương pháp dạy học tích cực và hướng dẫn học sinh không viết vào SGK trong quá trình thực hiện các hoạt động học. Cùng với việc hướng dẫn của giáo viên, cần sự phối hợp của cha mẹ học sinh và ý thức giữ gìn của học sinh. Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục chỉ đạo, đồng thời tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn việc sử dụng SGK đúng cách, vừa phát huy được tính tự chủ, sáng tạo, vừa rèn luyện ý thức giữ gìn, tiết kiệm của học sinh.
Tới đây trong biên soạn SGK mới, Bộ GD-ĐT sẽ yêu cầu các NXB quan tâm đến thiết kế các dạng bài tập trong SGK theo hướng hạn chế viết, vẽ trực tiếp vào SGK. Đồng thời, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường phát động phong trào giữ gìn SGK, quyên góp xây dựng thư viện SGK để học sinh sử dụng chung (mượn miễn phí) hoặc hỗ trợ học sinh các vùng khó khăn; khuyến khích các NXB tăng cường tổ chức quyên góp SGK đã qua sử dụng để phục vụ các đối tượng có nhu cầu.
Sẽ phạt hành vi vi phạm về sách tham khảo
Bộ GD-ĐT cũng giải trình việc cùng với SGK, NXBGDVN cũng tổ chức biên soạn, xuất bản, phát hành hệ thống sách bài tập in sẵn và tài liệu bổ trợ (tùy cấp học) có giá tương đương hoặc cao hơn giá SGK, cùng nhiều loại sách tham khảo khác cho học sinh. Những tài liệu này thực chất là sách bổ trợ, tham khảo để hỗ trợ học sinh trong quá trình học tập và không phải là tài liệu bắt buộc học sinh phải mua để học theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành. Nhiều NXB khác cũng tổ chức biên soạn, xuất bản, phát hành các loại sách này. Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư quy định về quản lý và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên
Tuy nhiên, trên thực tế việc này chưa tạo được nhiều chuyển biến rõ rệt. Hiện vẫn còn có Sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT, cơ sở giáo dục, giáo viên đưa nội dung vượt quá yêu cầu của chương trình từ sách tham khảo vào bài kiểm tra; giới thiệu để học sinh, phụ huynh học sinh phải mua nhiều sách tham khảo nhưng hiệu quả sử dụng không cao, làm quá tải cho học sinh, tốn kém cho gia đình học sinh và gây bức xúc trong xã hội.
Để chấn chỉnh tình trạng đưa quá nhiều sách tham khảo vào các cơ sở giáo dục phổ thông, tại Chỉ thị số 3798/CT-BGDĐT ngày 24.9.2018, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các Sở GD-ĐT tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp cán bộ quản lý, giáo viên vi phạm quy định tại Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT. Rút kinh nghiệm trong việc quản lý sách tham khảo, từ năm học 2018-2019, Bộ GD-ĐT đã không phê duyệt danh mục sách bổ trợ đi kèm SGK để tránh việc các cơ sở giáo dục liên kết với các đơn vị phát hành SGK bán kèm sách bổ trợ, tham khảo cho học sinh.
Thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các ban, ngành liên quan xây dựng quy trình quản lý chặt chẽ hơn việc xuất bản, phát hành sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục; tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý đối với vi phạm về việc xuất bản, phát hành sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục.
Mức chiết khấu SGK còn cao
Theo quy định hiện hành thì SGK thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ phải đăng ký giá. Qua kiểm tra, giá SGK in trên bìa theo đúng giá đã đăng ký với Bộ Tài chính và được giữ ổn định nhiều năm. Trên thị trường hiện nay, giá SGK thấp hơn giá các loại sách khác khoảng từ 2 đến 3 lần.
Bộ GD-ĐT cho biết tổng mức chiết khấu phát hành SGK hiện nay khoảng 23-25% giá bìa. Đây là phần các công ty, đối tác phát hành phải có để chi trả các chi phí hoạt động (lãi vay ngân hàng, trả lương cho người lao động, chi phí kho bãi, cửa hàng, nộp thuế cho nhà nước, chi phí vận chuyển đến tận tay học sinh và các cơ sở giáo dục, thực hiện công tác xã hội…). Theo ý kiến phản ánh trên các phương tiện thông tin đại chúng và kết quả kiểm tra đối với NXBGDVN có thể thấy việc quy định mức chiết khấu SGK còn cao, chưa thật phù hợp với cơ cấu giá thành. Nguyên nhân chính là do: giá SGK được giữ ổn định ở mức thấp trong khi chi phí phát hành tăng theo cơ chế thị trường; bên cạnh đó việc tổ chức gia công và đấu thầu in ấn chưa thực sự phù hợp; quy trình phát hành SGK còn nhiều tầng nấc làm tăng chi phí vận chuyển và các chi phí trung gian khác; chưa có quy định cụ thể đối với mức chiết khấu phát hành SGK.
Để khắc phục tình trạng trên, trước mắt, Bộ chỉ đạo NXBGDVN rà soát quy trình tổ chức in ấn, phát hành SGK; xây dựng quy định cụ thể đối với mức chiết khấu SGK đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ chính trị cũng như nhiệm vụ bảo toàn vốn nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Chuyển NXBGD sang mô hình công ty mẹ – công ty con
Bộ GD-ĐT cho biết, trước các thông tin về bất cập, hạn chế trong hoạt động xuất bản của NXBGDVN, từ năm 2016, Bộ đã chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra các hoạt động xuất bản, in, phát hành SGK nói riêng và toàn bộ hoạt động của NXBGDVN nói chung.
Ngày 22.12.2016, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT đã quyết định thanh tra toàn diện NXBGDVN. Kết quả thanh tra đã chỉ rõ: việc chuyển đổi mô hình và cơ chế hoạt động theo đúng tính chất của một doanh nghiệp nhà nước còn chậm. Bộ máy tổ chức, quan hệ giữa các bộ phận, các đơn vị liên quan chưa rõ ràng, nhất là quan hệ giữa NXBGDVN với các công ty liên kết có các nhân sự chủ chốt là cán bộ lãnh đạo của NXBGDVN; nhiều vấn đề trong tổ chức và hoạt động chưa đúng Luật Doanh nghiệp; trong nội bộ xuất hiện mâu thuẫn, mất đoàn kết ảnh hưởng đến uy tín và hoạt động chung. Nhiều thiếu sót, sai phạm có tính lịch sử, kéo dài. Bộ GD-ĐT đã chỉ rõ nguyên nhân, trách nhiệm của từng cá nhân cụ thể và các biện pháp xử lý đối với NXBGDVN.
Qua thanh tra, kiểm tra, Bộ cũng đã chỉ ra hệ thống phát hành SGK của NXBGDVN còn cồng kềnh, quy trình phát hành chưa thật hợp lý do phải qua nhiều khâu trung gian làm tăng chi phí vận chuyển và các chi phí trung gian khác. Bộ đã chỉ đạo NXBGDVN phải lấy nhiệm vụ chính trị phục vụ học sinh làm mục tiêu hàng đầu, đảm bảo cung ứng SGK đầy đủ; in đẹp, bền; giá cả hợp lý; không được để tình trạng học sinh thiếu SGK.
Thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ tổ chức tổng kết, đánh giá việc thực hiện thí điểm chuyển NXBGDVN sang tổ chức và hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định của Bộ GD-ĐT; chỉ đạo rà soát, cơ cấu lại NXBGDVN theo hướng tinh gọn, hiệu quả, giảm các tầng nấc trung gian. Đồng thời, Bộ GD-ĐT tăng cường phối hợp với các bộ, ngành liên quan kiểm tra, thanh tra việc in, phát hành, sử dụng SGK, sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông để có những chỉ đạo kịp thời, tránh tình trạng độc quyền, lãng phí và minh bạch hóa việc phát hành, phổ biến SGK, sách tham khảo.
Theo thanhnien
Ai 'mở đường' giúp NXB Giáo dục kiếm lời lớn từ sách tham khảo?
Nhiều học sinh phải mua hàng loạt sách tham khảo ở trường với giá cao mà không dùng đến. Không như SGK thua lỗ, sách tham khảo mang lại nhiều lợi nhuận cho NXB Giáo dục Việt Nam.
Trước năm học mới, chị Hạnh (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đóng hơn 400.000 tiền sách cho con. Chị không để ý bộ sách gồm những cuốn nào, đâu là SGK, sách bài tập và sách tham khảo.
Gần đây, khi báo chí và dư luận đề cập SGK độc quyền và lãng phí, chị kiểm tra lại mới phát hiện bộ sách mua từ trường gồm 24 cuốn, gấp đôi số lượng SGK theo quy định.
3, 4 cuốn sách cho một môn học
Bộ sách chị Hạnh mua từ trường, ngoài SGK, còn có bài tập Giáo dục Công dân (11.000 đồng), bài tập Tin học (19.000 đồng). Bộ sách không bao gồm các sách bài tập thông thường của các môn Ngữ văn, Tiếng Anh, Toán, Vật lý... Đa phần là sách của NXB Giáo dục Việt Nam. Một số sách thuộc NXB Hà Nội.
Một môn học có đến 3, 4 cuốn sách. Ảnh: N.V.
Ngược lại, một số môn lại dùng nhiều hơn một cuốn sách. Trong đó, môn Lịch sử và Địa lý đều cần đến 3 cuốn cho mỗi môn. Trong khi hai cuốn SGK giá khá thấp (Lịch sử giá 4.400 đồng, Địa lý giá 6.700), các cuốn tài liệu bổ trợ lại có giá cao hơn nhiều.
Cụ thể, cuốn Tài liệu Lịch sử Hà Nội giá 22.000 đồng, Bản đồ và tranh ảnh Lịch sử giá 25.000 đồng, Tài liệu Địa lý Hà Nội giá 18.000 đồng và Tập bản đồ Địa lý giá 28.000 đồng.
Những cuốn khác nằm ngoài danh mục SGK cũng có giá không hề thấp: Tiếng Anh tập 1, 2 (43.000 đồng/cuốn), bài tập Tiếng Anh 1, 2 (28.000 đồng/cuốn), Giáo dục An toàn Giao thông (15.000 đồng), Tài liệu chuyên đề giáo dục nề nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội (13.000 đồng), Tin học (26.000 đồng), bài tập Tin học (19.000 đồng).
Với bộ sách này, chị Hạnh chi đến 402.200 đồng dù giá một bộ SGK theo quy định là 97.700 đồng. Điều đáng nói, theo như Nam (con trai chị Hạnh), nhiều cuốn không hoặc ít khi được sử dụng trong quá trình học.
Sau hơn một tháng học, cuốn Tài liệu Lịch sử Hà Nội, Bản đồ và Tranh ảnh Lịch sử, Tài liệu Địa lý Hà Nội, Tập bản đồ Địa lý hay Tài liệu chuyên đề Giáo dục nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh Hà Nội còn mới tinh như chưa qua sử dụng.
Không chỉ tại ngôi trường Nam học, rất nhiều trường ở Hà Nội, phụ huynh chi số tiền gấp 3, 4 lần so với giá một bộ SGK để mua sách cho con từ trường. Chị Vân (Cầu Giấy, Hà Nội) chi gần một triệu đồng đồng vào việc mua sách cho hai con lớp 7 và lớp 5.
Cũng như chị Hạnh, chị Vân không nắm được những cuốn nào cần thiết cho việc học của con mà đăng ký mua trọn gói tại trường.
"Trường phát danh sách đăng ký, tôi tin tưởng nên mua qua trường cho chắc chắn. Tôi không kiểm tra lại vì dù sao cũng phải mua nguyên bộ", chị giải thích lý do mình không nắm được tên đầu sách mà con đang học.
Chiết khấu và hoa hồng lớn, bán nhiều sách
Trên thực tế, không phải cha mẹ học sinh không hiểu được sự vô lý khi nhận bộ sách hơn 20 cuốn, một số môn có đến 3, 4 cuốn. Khi năm học kết thúc, phần lớn trường đều "đề nghị" phụ huynh đăng ký mua SGK tại trường.
Mặc dù trên danh nghĩa tự nguyện, phụ huynh ngầm hiểu tốt nhất nên mua tại trường, vừa có sách, vừa dễ nói chuyện với thầy cô. Như trường hợp chị Vân, ngập ngừng một lúc, chị mới chia sẻ việc không lên tiếng khi thấy bộ sách của con không phù hợp, số lượng sách và giá tiền đều nhiều hơn thông thường.
Sách bài tập, sách tham khảo đóng góp vào 40% doanh thu, góp phần mang lại 150 tỷ đồnglợi nhuận của NXB Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Nguyễn Sương.
"Con mình còn học ở trường nên cứ im lặng cho xong chuyện thôi. Nói ra mất lòng giáo viên, con mình lại không được quan tâm chu đáo", chị Vân chia sẻ.
Nắm được tâm lý này của phụ huynh, hàng năm, các trường đều khuyến khích cha mẹ học sinh đăng ký mua sách cho con thông qua trường. Cũng chính hệ thống "ngành dọc" này được cho là "giúp sức" cho việc tiêu thụ sách tham khảo - "miếng bánh" mang lại lợi nhuận cho NXB Giáo dục Việt Nam.
Đầu năm học 2017-2018, trường Tiểu học An Khánh B (Hoài Đức, Hà Nội) thậm chí yêu cầu phụ huynh "tuyệt đối không mua sách giáo khoa, sách bài tập phục vụ năm học mới cho con em mình ở bất kỳ cửa hàng phát hành sách nào ngoài nhà trường".
Trả lời báo chí khi đó, lãnh đạo trường nói đó không phải chủ trương của trường mà thực hiện theo văn bản chỉ đạo của Phòng GD&ĐT huyện, do trưởng phòng trực tiếp ký.
Chia sẻ với Zing.vn, một phó trưởng phòng GD&ĐT ở Hà Nội cho biết việc mua sách gì đều phải tuân theo văn bản chỉ đạo từ sở.
"Tất cả từ chỉ đạo của sở", vị phó phòng nhấn mạnh đồng thời từ chối nói rõ vai trò của phòng GD&ĐT trong việc quy định sách.
Trước đó, Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định Chất lượng Giáo dục của một tỉnh (xin giấu tên) cho biết thông thường, lãnh đạo phòng chuyên môn tiểu học, trung học, giáo dục thường xuyên của sở GD&ĐT chịu trách nhiệm đề xuất mua sách, tài liệu bổ trợ dành cho học sinh, giáo viên trong tỉnh.
Lãnh đạo các phòng, ban liên quan đề xuất mua sách bổ trợ (đối với học sinh) hoặc tài liệu nâng cao kiến thức chuyên môn (giáo viên) sẽ được nhà xuất bản chi hoa hồng từ 30%-45% giá mỗi đầu sách.
Đây là số tiền không hề nhỏ, lên đến hàng tỷ đồng. Lợi ích đằng sau khiến nhiều lãnh đạo tìm cách đẩy càng nhiều sách đến học sinh càng tốt, thậm chí không quan tâm những cuốn sách đó cần thiết hay không.
Nhờ việc đẩy mạnh tiêu thụ theo hệ thống này, NXB Giáo dục Việt Nam dễ dàng nâng sản lượng sách bài tập, sách tham khảo, mặt hàng thuộc mảng kinh doanh chỉ chiếm 40% tổng doanh thu nhưng mang lại 150 tỷ đồng lợi nhuận, sau khi đã bù lỗ 40 tỷ cho mảng SGK.
Luật giáo dục 'mở đường' cho tiêu cực sách giáo khoa Theo TS Lê Viết Khuyến, Luật giáo dục hiện hành "mở đường" cho tiêu cực khi quy định "một chương trình, một bộ sách giáo khoa".
Báo cáo tóm tắt về kết quả khảo sát một số nội dung trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về xuất bản, in, phát hànhSGK giáo dục phổ thông giai đoạn 2012-2017 của Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội mới đây cho biết chiết khấu SGK của NXB Giáo dục Việt Nam lên đến 250 tỷ đồng/năm.
"Việc phát hành SGK giáo dục phổ thông được thực hiện chủ yếu qua hệ thống nội bộ, khép kín của NXB Giáo dục Việt Nam. Hệ thống phát hành SGK giáo dục phổ thông còn cồng kềnh, quy trình phát hành chưa thật hợp lý do phải trải qua nhiều khâu trung gian làm tăng chi phí vận chuyển.
Mức chi chiết khấu SGK giáo dục phổ thông khoảng 250 tỷ đồng năm (tương đương 25% doanh thu hàng năm 1.000 tỷ đồng) là khá cao, chưa phù hợp cơ cấu giá thành, ảnh hưởng lớn đến việc chi trả của học sinh", báo cáo của Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh niên Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nêu.
Theo Zing
Đề xuất Bộ GD-ĐT không biên soạn, xuất bản sách giáo khoa Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng kiến nghị Quốc hội xem xét tách việc biên soạn, xuất bản SGK GDPT ra khỏi chức năng quản lý nhà nước về giáo dục. Bộ GD-ĐT chỉ nên thẩm định SGK? Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội vừa công...