Bộ GD đề nghị Hà Nội tổ chức bán trú khi học sinh đi học trực tiếp trở lại
UBND TP Hà Nội giao Sở GD cùng các đơn vị liên quan rà soát điều kiện bảo đảm phòng, chống dịch để tổ chức ăn bán trú khi trẻ mầm non, học sinh đi học trở lại.
Ngày 26/2, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội vừa có văn bản gửi Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, và Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã về việc tổ chức học bán trú khi học sinh đi học trực tiếp trở lại tại Thành phố Hà Nội.
Nội dung văn bản nêu rõ: Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội nhận được Công văn số 578/BGDĐT-GDTC ngày 23/2 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc tổ chức học bán trú khi học sinh đi học trực tiếp tại Thành phố Hà Nội.
Ảnh minh họa: Ngọc Linh.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Sở Y tế và các quận, huyện rà soát các điều kiện bảo đảm an toàn phòng, chống dịch trong các cơ sở giáo dục để tổ chức ăn bán trú khi trẻ em mầm non, học sinh đi học trực tiếp trở lại.
Video đang HOT
Hà Nội có thể tính tới việc học trực tiếp luân phiên giữa các khối lớp thay vì học một buổi như hiện nay nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh và phụ huynh khi tổ chức các hoạt động dạy học trực tiếp.
Đồng thời, thành phố cần quy định cụ thể các điều kiện bảo đảm an toàn phòng chống dịch khi tổ chức bữa ăn bán trú cho trẻ mầm non, học sinh trên nguyên tắc hạn chế giao lưu, tiếp xúc giữa các lớp, ưu tiên tổ chức ăn nghỉ tại lớp học. Học sinh ăn theo suất ăn riêng, không dùng chung đồ dùng cá nhân, đảm bảo vệ sinh khử khuẩn khu vực nhà ăn, bếp ăn và an toàn thực phẩm.
Éo le cảnh mở cửa trường nhưng không "mở bếp"
Ngày 10/2, học sinh 18 quận, huyện ngoại thành Hà Nội đã đến trường học trực tiếp sau 9 tháng học trực tuyến.
Trước đó, học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 tại các địa bàn thuộc "vùng xanh" và "vùng vàng" trên toàn thành phố cũng đã đi học trở lại.
Cùng với niềm vui khi con được đến trường sau nhiều tháng bị "nhốt" trong nhà, phụ huynh cũng đang phải tất tả, "quay cuồng" với lịch đưa đón con do các trường chỉ dạy 1 buổi, không tổ chức bán trú. Nhiều phụ huynh mong mỏi thành phố sớm có kế hoạch tiêm vaccine cho học sinh từ 5-11 tuổi để các con yên tâm hơn khi đến trường, xem xét cho phép các trường đủ điều kiện có thể tổ chức ăn bán trú.
Hồi hộp, vui mừng nhưng cũng đan xen cả những băn khoăn, lo lắng là tâm trạng chung của đại đa số phụ huynh học sinh bậc tiểu học khi các con đến trường trong sáng 10/2. Chị Nguyễn Hồng Mai, phụ huynh có con học lớp 4 tại trường Tiểu học Thanh Liệt (Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ: "Con đi học, dù đã dặn dò kỹ lưỡng, chuẩn bị đầy đủ cho con các khẩu trang, nước rửa tay sát khuẩn, bình uống nước cá nhân, đồng thời rất tin tưởng vào kế hoạch phòng dịch của nhà trường cũng như chủ trương, tính toán của thành phố nhưng bản thân tôi vẫn cảm thấy chưa hoàn toàn yên tâm. Chúng tôi mong các con sớm được tiêm vaccine để có kháng thể, nếu không may bị nhiễm bệnh, triệu chứng sẽ nhẹ, đỡ nguy hiểm hơn".
Học sinh Trường tiểu học Thanh Liệt, Thanh Trì (Hà Nội) phấn khởi trong ngày đầu tiên đến trường học trực tiếp. Ảnh minh họa
Mặc dù theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT Hà Nội, việc tổ chức dạy học trực tiếp chỉ thực hiện với các địa bàn dịch cấp độ 1, cấp độ 2 (tức vùng xanh, vùng vàng), học sinh ở các khu vực dịch cấp độ 3, 4 (vùng cam, vùng đỏ) sẽ ở nhà học trực tuyến, nhà trường sẽ có trách nhiệm đảm bảo quyền lợi cho đối tượng này. Tuy nhiên, sau 3 ngày học sinh từ lớp 7 đến lớp 12 đi học trực tiếp, vẫn còn một số bất cập do mỗi trường lại có một cách tổ chức khác nhau dẫn đến thiếu sự đồng bộ, thống nhất, ảnh hưởng đến chất lượng học tập của nhóm học sinh vì nhiều lý do khác nhau chưa thể đến trường học trực tiếp.
Cùng với nỗi lo về dịch bệnh, nhiều phụ huynh cũng mong muốn thành phố có chủ trương cho các trường tổ chức cho học sinh ăn bán trú trở lại để phụ huynh đỡ cực trong việc đưa đón con, có thể yên tâm làm việc. Anh Nguyễn Hữu Tuyên, phụ huynh học sinh tại quận Hoàng Mai cho biết: Gia đình rất ủng hộ việc học sinh trở lại trường sau một thời gian dài học trực tuyến. Tuy nhiên, nếu học trực tiếp chỉ trong buổi sáng, gia đình rất vất vả trong việc sắp xếp công việc đưa đón 2 con ở 2 trường khác nhau về nhà buổi trưa.
"Sáng đưa con đến trường rồi đến cơ quan chưa được bao lâu lại đến giờ đi đón con về nhà. Lo ăn uống để chiều con tiếp tục học online. Như vậy, cả phụ huynh và con đều rất vất vả, mệt mỏi. Hiện nay, hàng quán đã mở, mọi người đều đi ăn uống. Vậy tại sao lại cấm ăn uống ở trường? Nhà trường chia ca, có tấm kính chắn giữa bàn hoặc đưa về ăn theo lớp sẽ vẫn thực hiện được" - anh Tuyên nói.
Chị Nguyễn Phương Anh, phụ huynh học sinh tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) cũng chia sẻ: "Ở lớp con tôi, có bạn nhà rất xa con lại phải đi ôtô buýt, về đến nhà chắc chỉ kịp ăn cơm xong là bước vào học online buổi chiều. Quá vất vả cho con. Cá nhân tôi cho rằng, khi đã cho phép các cháu đi học thì việc rút ngắn thời gian từ hai buổi xuống còn một buổi hay bỏ bán trú cũng không có nhiều tác dụng giảm nguy cơ lây nhiễm. Việc này Hà Nội cũng cần phải xem xét, cân nhắc khởi động lại bữa ăn bán trú cho các con đỡ vất vả và các gia đình đỡ bị động".
Lãnh đạo một số trường học trên địa bàn Hà Nội cũng thừa nhận, nếu tổ chức ăn bán trú sẽ thuận tiện cho phụ huynh và học sinh. Tuy nhiên, trong quy định mở cửa trường học của Hà Nội hiện nay chỉ được phép dạy học 1 buổi/ngày; không tổ chức ăn bán trú... Dù phụ huynh mong mỏi nhưng nhà trường vẫn phải thực hiện theo chỉ đạo. Nhà trường cũng hi vọng, học sinh đi học một vài tuần, tình hình ổn định, các trường sẽ được phép tổ chức ăn bán trú.
Trong đợt kiểm tra việc dạy học trực tiếp tại TP Hải Phòng ngày 9/2, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cũng đã nhắc lại khuyến cáo của các chuyên gia y tế khi cho rằng, việc học sinh đến trường học một buổi hay bán trú cả ngày về mặt phòng dịch là không khác nhau nhiều, do đó để tạo thuận lợi cho phụ huynh yên tâm làm việc và đưa đón con cái, cũng như sinh hoạt của học sinh được nền nếp thì việc đưa học sinh quay trở lại học tập trực tiếp nên thực hiện đầy đủ và thống nhất.
"Chúng ta nên thực hiện đầy đủ, làm sao vừa đảm bảo việc dạy học của các cháu, vừa thuận lợi cho chăm sóc, đưa đón của phụ huynh.Tạo điều kiện cho cha mẹ học sinh yên tâm trong công việc, từ đó tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội" - Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nêu quan điểm.
Trước thực trạng một số trường bố trí cho học sinh học một buổi/ngày khiến cho việc chăm sóc, đưa đón của phụ huynh bị xáo trộn, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đề nghị thành phố nhất quán, thống nhất trong việc bố trí học sinh, với những trường có điều kiện bán trú nên tổ chức cho học sinh học bán trú. "Chúng ta vẫn lấy đảm bảo an toàn sức khỏe của học sinh, giáo viên làm đầu nhưng phải có sự ứng phó phù hợp. Đã thấy yên tâm đưa các cháu đến trường và đáp ứng các yêu cầu phòng, chống dịch thì cần đảm bảo đầy đủ các hoạt động học tập trực tiếp"- Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhấn mạnh.
Theo kế hoạch dự kiến, Bộ GD&ĐT sẽ có đợt kiểm tra về việc dạy học trực tiếp tại TP Hà Nội. Trong đó, lãnh đạo Bộ GD&ĐT sẽ đề cập đến nội dung tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh khi trường học được mở cửa trở lại.
Học trực tiếp mùa dịch: Giáo viên lên lớp dạy một học sinh Dịch COVID-19 căng thẳng, tỷ lệ học sinh trở thành F0 ngày càng tăng, nhiều lớp chỉ còn một em đi học trực tiếp. 7h05, cô Đặng Lê Phương Anh, giáo viên một trường THCS quận Hai Bà Trưng, Hà Nội ngỡ ngàng khi bước vào lớp chỉ thấy một học sinh. Mới hôm qua lớp còn 5 em thì hôm nay 4...