Bộ GD bỏ yêu cầu ‘mỗi nhóm chọn ít nhất một môn lựa chọn’, HS có được chọn lại?
Nhà trường sẽ triển khai phổ biến, tham khảo ý kiến của phụ huynh và học sinh để có phương án nếu học sinh muốn lựa chọn lại.
Ngày 3/8/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 13/2022/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Chương trình giáo dục phổ thông ban hành kèm theo Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 (gọi tắt là Chương trình giáo dục phổ thông 2018) của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo với nội dung điều chỉnh một số nội dung trong Chương trình tổng thể và Chương trình giáo dục phổ thông môn Lịch sử.
Cụ thể, môn học Lịch sử (từ môn học lựa chọn thuộc nhóm môn Khoa học xã hội) trở thành môn học bắt buộc.
Bộ Giáo dục và Đào tạo điều chỉnh số môn học lựa chọn còn 9 môn và không chia thành các nhóm môn. Học sinh chọn 4 môn học trong 9 môn lựa chọn. Các môn lựa chọn gồm: Địa lí; Giáo dục kinh tế và pháp luật; Vật lí; Hóa học; Sinh học; Công nghệ; Tin học; Âm nhạc; Mĩ thuật. Như vậy, học sinh sẽ không phải chọn ít nhất một môn lựa chọn trong mỗi nhóm môn như yêu cầu trước đó.
Trường Trung học phổ thông ở Hải Phòng cho rằng không có nhiều sự thay đổi khi Bộ Giáo dục và Đào tạo bỏ yêu cầu “mỗi nhóm chọn ít nhất một môn lựa chọn” (Ảnh minh họa: Phạm Linh)
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Đào Thế Anh – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Kiến Thụy (huyện Kiến Thụy, Hải Phòng) chia sẻ quan điểm: “Hiện tại, nhà trường đã hoàn tất việc cho học sinh đăng ký nhóm môn.
Khi có sự thay đổi môn Lịch sử thành môn bắt buộc và số môn học lựa chọn còn 9 môn, không chia thành các nhóm môn (học sinh chọn 4 trong 9 môn học lựa chọn) cũng không gây ảnh hưởng nhiều đến những sắp xếp trước đó của nhà trường.
Nhà trường sẽ triển khai phổ biến và tham khảo ý kiến của phụ huynh và học sinh để có phương án nếu học sinh muốn lựa chọn lại”.
Đồng quan điểm trên, thầy Quách Tân Bình – Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lê Ích Mộc (huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng) cho biết, những thay đổi trên không gây ảnh hưởng đến công tác xếp nhóm môn, xếp lớp của nhà trường.
“Trước đó vào ngày 17/7, nhà trường đã tổ chức tư vấn cho học sinh và phụ huynh về việc lựa chọn nhóm môn gắn với định hướng nghề nghiệp tương ứng với ban thi phù hợp.
Video đang HOT
Cung cấp thông tin về điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, tổ hợp và chuyên đề học tập do nhà trường xây dựng để phụ huynh, học sinh hiểu và có sự lựa chọn phù hợp.
Nhà trường cũng phổ biến về việc môn Lịch sử trở thành môn bắt buộc cho phụ huynh, học sinh nắm được. Đến thời điểm hiện tại, trường đã hoàn tất cho học sinh đăng ký nhóm môn, xếp lớp học.
Do đã có định hướng từ trước nên khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 13/2022/TT-BGDĐT về việc lựa chọn 4 trong 9 môn học lựa chọn chứ không bắt buộc theo nhóm môn cũng không gây ảnh hưởng đến việc đăng ký, xếp lớp trước đó.
Cách lựa chọn mới còn dễ dàng hơn cho học sinh và nhà trường khi triển khai trong những năm tiếp theo” Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Lê Ích Mộc cho biết thêm.
Nhà trường sẽ triển khai phổ biến và tham khảo ý kiến của phụ huynh và học sinh để có phương án nếu học sinh muốn lựa chọn lại (Ảnh minh họa: Phạm Linh)
Năm học 2022 – 2023, Trường Trung học phổ thông Lê Ích Mộc có 545 học sinh lớp 10 tương ứng với 12 lớp.
Nhà trường xây dựng 3 tổ hợp môn gắn với định hướng cho học sinh thi theo khối A, B, C, D. Mỗi tổ hợp có 4 lớp, học sinh sẽ đăng ký 2 nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên để sắp xếp lớp học.
Môn Âm nhạc, Mỹ thuật, hiện nhà trường không có cơ sở vật chất, giáo viên nên tạm thời tổ chức theo hình thức câu lạc bộ nếu học sinh có nhu cầu.
Còn tại Trường Trung học phổ thông Tô Hiệu (huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng), nhà trường không có sự thay đổi lớn so với dự kiến ban đầu sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 13/2022/TT-BGDĐT và Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT.
Ngay từ thời điểm xây dựng tổ hợp môn học, trường đã định hướng đưa môn Lịch sử vào tất cả nhóm môn do ý nghĩa của môn học này và để cân đối phù hợp với đội ngũ giáo viên bộ môn hiện tại của nhà trường.
Trước đó, nhà trường cũng đã cho học sinh điền nguyện vọng trên phiếu đăng ký. Khi có sự điều chỉnh lần đầu về việc môn Lịch sử trở thành môn bắt buộc, nhà trường thống nhất vẫn sử dụng phiếu đăng ký cũ. Nếu trường hợp có sự thay đổi lớn, trường sẽ tổ chức cho học sinh đăng ký lại.
Hiện, Ban giám hiệu Trường Trung học phổ thông Tô Hiệu đang chờ chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể của Sở Giáo dục và Đào tạo để có thông tin tới phụ huynh, học sinh.
Khi phóng viên đặt câu hỏi về việc không bắt buộc chọn 1 môn trong mỗi nhóm môn có đảm bảo giáo dục toàn diện theo đúng tinh thần của đổi mới hay không? Một lãnh đạo của Trường Trung học phổ thông Tô Hiệu chia sẻ quan điểm: “Toàn diện có thể chia làm nhiều mảng như các lĩnh vực vật lý, sinh học, hóa học, địa lý…nhưng cũng có thể xét toàn diện về mặt trí lực, thể lực.
Việc sắp xếp chương trình như hiện tại sẽ giúp học sinh có thời gian để phát triển về mặt trí lực, thể lực.
Chọn 4 trong 9 môn lựa chọn thay vì một nhóm chọn ít nhất một môn giúp có hướng mở, phù hợp hơn với học sinh và nhà trường.
Thực tiễn cho thấy, các chọn mới sẽ thuận lợi cho các trường trong việc sắp xếp về đội ngũ giáo viên. Điều chỉnh này cũng đỡ gò bó hơn cho các trường trong việc xây dựng tổ hợp môn”.
Phụ huynh Tiểu học Mễ Trì phản ánh tình trạng 'nhồi nhét' HS, nhà trường nói gì?
Phụ huynh có con chuẩn bị lên lớp 1 Trường Tiểu học Mễ Trì (Hà Nội) phản ánh về tình trạng quá tải sĩ số của học sinh lớp 1 ở trường này.
Vừa qua, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có nhận được phản ánh của một số phụ huynh có con chuẩn bị vào học lớp 1 tại Trường Tiểu học Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội về tình trạng quá tải sĩ số ở trường này. Theo phụ huynh, căn cứ vào Thông tư điều lệ trường tiểu học của Bộ Giáo dục và Đào tạo, số lượng học sinh/ lớp không được vượt quá 35 em.
Tuy nhiên, hiện nay, trước thềm năm học 2022-2023 nhiều lớp 1 (hiện đang học câu lạc bộ hè chuẩn bị vào lớp 1) của Trường Tiểu học Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm đang có tình trạng quá tải về số lượng học sinh. Cụ thể, nhiều lớp của khối 1 đang có đến gần 60 học sinh/lớp và chưa có dấu hiệu dừng lại. Phụ huynh bày tỏ băn khoăn, sĩ số một lớp nhiều như vậy liệu nhà trường có đảm bảo được về chất lượng dạy và học khi năm học mới chính thức bắt đầu?
Trước thông tin này, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có liên hệ với cô Nguyễn Thị Mai Hoa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mễ Trì và được cho biết, nhà trường tổ chức các lớp câu lạc bộ hè từ 1/8-26/8 trên tinh thần tự nguyện của phụ huynh và học sinh. Vì trên tinh thần tự nguyện nên nhiều phụ huynh có con đang không ở đây (ở quê hoặc đi du lịch) thì sẽ không tham gia lớp học này. Chính vì vậy, đến thời điểm hiện tại có lớp được 40-45 em, lớp nhiều nhất là 50 em và hiện tại thì phụ huynh vẫn tiếp tục đăng ký thêm.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mễ Trì chia sẻ, các em học sinh học lớp 1 năm học 2022-2023 trong giai đoạn dịch trước đó nhiều em về quê nên không tham gia học tại trường mầm non.
Vì vậy, từ cuối tháng 7 nhà trường đã nhận được rất nhiều ý kiến của phụ huynh xin cho con được đến trường. Trên tinh thần chung của toàn quận, Trường Tiểu học Mễ Trì tổ chức các lớp câu lạc bộ hè để học sinh dần làm quen với nhà trường, thầy cô, bạn bè. Tại các lớp này, thầy cô tổ chức hoạt động ngoại khóa, rèn luyện kỹ năng sống, cho học sinh tiếp xúc với âm nhạc, mỹ thuật, thể dục để các con yêu thích, hứng thú với trường, lớp.
Trường Tiểu học Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Ảnh: T.L
Giải thích về việc sĩ số lớp gần 60 học sinh/lớp, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mễ Trì nói: Thực tế, nhà trường tuyển sinh được 371 học sinh bố trí 7 lớp học, trung bình 53 học sinh/lớp. Ban đầu, nhà trường xếp lớp còn căn cứ vào nguyện vọng của phụ huynh, chính vì vậy dẫn tới tình trạng một lớp học trong số 7 lớp có tới 56 em (vì lớp do cô giáo có tiếng uy tín, kinh nghiệm lâu năm nên nhiều phụ huynh đăng ký cho con theo học).
Trong ba ngày vừa qua, để san đều được sĩ số lớp học, tránh tình trạng một lớp sĩ số vượt lên quá đông, nhà trường đã làm công tác vận động để phụ huynh đăng ký con sang lớp học khác và đến ngày 4/8, trường đã ổn định sĩ số đồng đều giữa các lớp (53 em/lớp).
"Trường Tiểu học Mễ Trì sẽ gửi lại danh sách chính thức lại cho phụ huynh học sinh lần nữa để phụ huynh yên tâm", cô Mai Hoa nhấn mạnh.
Cũng theo cô Nguyễn Thị Mai Hoa, quy định một lớp không được vượt quá 35 em tuy nhiên nhà trường và hầu hết nhiều trường khác trên địa bàn Hà Nội đều sẽ có áp lực về sĩ số nhưng các nhà trường và đội ngũ giáo viên vẫn luôn cố gắng hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ.
"Đối tượng tuyển sinh đều là những học sinh có tạm trú hoặc có hộ khẩu Mễ Trì nên không thể từ chối mà bắt buộc phải nhận hết nếu các em có nhu cầu học tại trường. So với các trường trên địa bàn quận thì sĩ số của trường năm nay ở mức trung bình, còn so với sĩ số các năm học trước của trường thì sĩ số lớp 1 năm học 2022-2023 còn thấp (hiện khối lớp 2 của Trường Tiểu học Mễ Trì trung bình mỗi lớp 56 - 57 học sinh).
Mặc dù sĩ số có thể đông nhưng nhà trường vẫn đảm bảo để các em học sinh được hưởng cơ sở vật chất và môi trường học tập tốt nhất. Khu dạy lớp 1 cũng là phòng học rộng, mới nhất.
Vì vậy, trên tinh thần tạo cơ hội cho tất cả học sinh được đến trường và có chỗ cho học sinh học tập nên phụ huynh chia sẻ với nhà trường", cô Nguyễn Thị Mai Hoa nói.
Bàn về biện pháp lâu dài, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mễ Trì thông tin, hiện tại, nhà trường có 38 phòng học, trường cũng đã có kiến nghị với các cấp lãnh đạo, cụ thể là Ủy ban nhân dân quận Nam Từ Liêm cho trường xây thêm, chồng tầng. Trước kiến nghị này, trường cũng đã nhận được sự ủng hộ tuy nhiên vẫn cần sự tính toán và đưa ra quyết định chính thức.
Nếu được thực hiện thì nhà trường sẽ có thêm 8 phòng, lúc đó sẽ tách lớp và giảm được sĩ số học sinh từng lớp.
Làm gì nếu học sinh không may rơi vào cạm bẫy trên Internet? 'GV cần hướng dẫn học sinh như thế nào nếu không may rơi vào cạm bẫy trên Internet? ' là một trong những nội dung trong buổi tập huấn cho GV tiểu học hôm nay. Tình trạng xâm hại và bóc lột trẻ em trên môi trường mạng đang gia tăng, xảy ra dưới mọi hình thức. Do đó, phụ huynh cần dạy...