Bộ đội biên phòng cứu 19 quân dân Campuchia trong lũ
Khi các chiến sĩ đến nơi, gần hai mươi người đang dồn lại trên nóc một ngôi nhà cao nhất. Nhiều phụ nữ và trẻ em khóc gào vì lạnh và sợ hãi. Xung quanh nước đang cuồn cuộn dâng, dần dần nuốt chửng mọi thứ.
Chiến sỹ Đồn biên phòng Ia Lốp cứu cán bộ, chiến sỹ và người dân Campuchia trong dòng lũ. Ảnh: Xuân Hoàng
Ngoài hậu quả nặng nề gây ra cho các tỉnh miền Trung, bão số 8 tràn về cũng gây ngập lụt cục bộ nhiều địa phương tại các tỉnh Tây Nguyên, trong đó địa bàn huyện biên giới Chư Prông (Gia Lai).
Cùng lúc này, phía bên kia biên giới, nước bạn Campuchia sau những ngày nắng nóng, nước lũ cũng dâng cao. Đặc biệt, địa bàn huyện biên giới Ôyađao, tỉnh Ratanakiri có mưa rất lớn, gây ngập lụt nhiều vùng. Trong đó, nặng nhất là khu vực có Đồn cảnh sát 703 và chốt 43 (bộ đội vương quốc Campuchia) và một số hộ dân sinh sống xung quanh.
Trước nguy cơ bị lũ tấn công mà không có phương tiện để di chuyển, khoảng 9h ngày 18/9, khi thấy dòng nước mỗi lúc một dâng cao, Đồn trưởng cảnh sát 703 và chốt trưởng 43 đã cầu viện biên phòng phía Việt Nam ứng cứu.
Trong tình huống khẩn trương, đại tá Trương Thế Tuân – Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo ngay lập tức lên đường. 13 cán bộ, chiến sỹ do thiếu tá Nguyễn Văn Kỳ – Phó đồn trưởng Ia Lốp đã nhanh chóng mang áo phao đi làm nhiệm vụ.
Tổ công tác đã phải bơi qua nhiều suối lớn. Nước lũ càng lúc càng dâng cao khiến việc tiếp cận nơi nạn nhân kêu cứu càng khó hơn. Sau 2 tiếng vượt lũ, khi các chiến sĩ bộ đội biên phòng đến nơi thì nước đã dâng ngập mái nhà của các hộ dân. Gần hai chục con người đang dồn lại trên nóc một ngôi nhà cao nhất. Nhiều phụ nữ và trẻ em khóc gào vì lạnh và sợ hãi. Xung quanh nước đang cuồn cuộn dâng, dần dần nuốt chửng mọi thứ.
Video đang HOT
Lệnh chỉ huy được ban ra, “phải cứu bằng được trẻ em và phụ nữ trước”. Trước tình huống khẩn cấp, nhiều chiến sĩ biên phòng tiếp tục ngâm mình, vượt qua dòng nước dữ để tiếp cận các nạn nhân. Đến 17h, 19 người là quân nhân và người dân Campuchia được đưa về chốt Suối Đen, Đồn biên phòng Ia Lốp an toàn.
Trong số các nạn nhân được cứu có 7 trẻ em, 5 phụ nữ. Ảnh: Xuân Hoàng.
Trao đổi với VnExpress, thiếu tá Nguyễn Văn Kỳ cho biết, khi đến được căn nhà có 19 con người đang dồn trên nóc, các chiến sĩ biên phòng ai cũng lo lắng. “Lực lượng của chúng tôi mỏng quá, chỉ lo không cứu kịp hết mọi người. Nhưng anh em đã xác định, dù khó khăn đến đâu cũng phải quyết tâm cứu bằng được tất cả vì đây không phải là nhiệm vụ bình thường mà là tình cảm, tình đoàn kết quân dân hai nước anh em. Giờ, mọi người đều an toàn, chúng tôi rất mừng”, Thiếu tá Kỳ nói.
Đang nằm nghỉ ngơi tại Đồn biên phòng Ia Lốp, thiếu úy Vin Long – Phó đồn trưởng cảnh sát 703 – Camphuchia chia sẻ bằng tiếng Việt khá tốt: “Nếu không có bộ đội Việt Nam thì mình và nhiều người chẳng biết sẽ ra sao. Mình rất cảm phục, họ đã không ngại hy sinh, vất vả để giúp đỡ dân mình”.
Trong khi đó, bà Sóc Kin không giấu được xúc động, kể rằng, trong số 19 người thoát nạn thì có tới 6 người trong gia đình bà. “Các anh bộ đội không đến cứu kịp là cả gia đình mình đã bị lũ cuốn trôi hết rồi. Giờ còn được ăn uống, nghỉ ngơi đàng hoàng thế này mình vui lắm”, bà Kin nói.
Tùy Phong
Theo VNE
Dắt bò tránh lũ, tân sinh viên mất tích
Một ngày trước khi nhập học vào ĐH Kiến trúc Đà Nẵng, Dương cùng gia đình dắt bò qua đoạn đường ngập sâu thì bị trượt chân, mất tích giữa dòng nước xoáy.
Trưa 20/9, việc tìm kiếm thi thể em Nguyễn Đình Dương (18 tuổi) mất tích trên sông Yên vẫn chưa có kết quả. Đứng trên cầu cạnh ban thờ nghi ngút khói hương, ông Nguyễn Đình Trung (61 tuổi, cha của Dương) nhìn dòng nước đục ngầu rồi kể: "14h chiều qua, nước lũ đổ về cao hơn 1,3 mét. Dương sợ nhà ngập nên bàn với tôi đưa bò lên trên cầu Suối Đá cột tạm".
Đập Đá nơi tân sinh viên Nguyễn Đình Dương trượt chân và bị nước lũ cuốn trôi. Ảnh:Nguyễn Đông.
Ông Trung cùng Dương và anh rể dắt 3 con bò lớn dò dẫm từng bước qua con đường nhỏ nước ngập quá ngực. Đến cầu Đá La Bông, Dương đi trước để dọn những cành gai ngáng đường thì bị trượt chân, chìm nghỉm. Ông Trung đi phía sau hô lớn "Dương ơi, con cố ngoi lên để ba ra cứu", rồi giang cánh tay vơ vội về phía con trai nhưng không kịp.
"30 năm nay tôi nằm trong tổ chống lụt bão của xã, cứu nhiều người trong lũ nhưng cuối cùng không cứu nổi con mình", người cha già bật khóc.
Ông Trung mượn tạm chiếc thuyền của người dân buộc bên sông, chèo xuôi dòng nước với hy vọng sẽ vớt được con để kịp hô hấp nhân tạo. Nhưng suốt buổi chiều, người ướt sũng, ông lên bờ mà mắt không rời khỏi dòng dữ, đôi tay bủn rủn.
Ông Trung bần thần kể lại giây phút không cứu nổi con và ám ảnh bởi đôi cánh tay con chìm dần giữa dòng nước lũ. Ảnh: Nguyễn Đông.
Ngồi ở nhà, bà Trần Thị Ca (61 tuổi) liên tục gọi tên con và cho biết, đêm qua hai ông bà không thể chợp mắt bởi hình ảnh cậu con trai cao gầy luôn hiển hiện. Cầm tờ giấy nhập học của Dương vào ngành Kỹ thuật xây dựng (ĐH Kiến trúc Đà Nẵng), bà Ca nói trong tiếng nấc: "Hôm nay là ngày nó lên trường nhập học. Chiều qua nó bảo con đi học đại học rồi sẽ tranh thủ về chăn bò. Bố mẹ và các anh chị cũng gắng lo cho con nhé, con học 5 năm mới xong nên tốn kém. Vậy mà...", người mẹ bỏ lửng câu nói, nước mắt lại lăn dài.
Bà Ca khóc ngất gọi tên con.
Dương là con út trong gia đình có 4 anh chị em và cũng là người đầu tiên thi đỗ đại học. Suốt tháng qua, gia đình ông Trung lo thu hoạch lúa, vừa xong thì cơn bão số 8 ập vào nên chưa kịp làm mâm cơm cho con liên hoan với bạn bè.
"Nó lo học hành, chẳng chơi bời gì. Sáng nay tôi phải nhờ người phóng bức ảnh thờ từ ảnh chứng minh nhân dân của con, mong sao sớm tìm được thi thể cho con bớt lạnh", người cha nói.
Theo Trung tâm Phòng chống lụt bão miền Trung - Tây Nguyên, trong đợt bão số 8 (ngày 16 - 19/9), nước lũ đã làm chết 3 người là ông Hồ Văn Chắc (gốc Lào, lấy vợ tại xã A Vao, huyện Đakrông, Quảng Trị), bị nước cuốn trưa 18/9; ông Đào Văn Lý và bà Hầu Thị Mỵ (cùng xã Cư Kbang, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk) bị lũ cuốn ở khu vực gần sông Ea Hleo của xã Ea Rốk. Trong số những người mất tích, Quảng Nam có 2 người là anh A Lăng Mốp (20 tuổi, xã Ma Coi) và ông Alăng De (45 tuổi, xã Kà Dăng) cùng huyện Đông Giang. Còn tỉnh Đắk Lắk đang tiếp tục tìm kiếm 6 người mất tích khi đi làm rẫy. Trước đó, 18h tối 19/9, chiếc xe 7 chỗ đi qua đập tràn Khe Ang (xã Nghĩa Hồng, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An) cũng bị nước lũ cuốn trôi. 2 người đàn ông, trong đó có ông Trương Văn Thái (59 tuổi) cán bộ thanh tra Sở Giao thông Vận tải tỉnh này cầm lái, kịp thoát ra ngoài. Còn 3 phụ nữ và hai trẻ em vẫn mất tích.
Nguyễn Đông
Theo VNE
Mưa lớn, người Đà Nẵng bì bõm lội nước Cơn mưa lớn kéo dài hơn một giờ đồng hồ chiều tối 20/9 tại Đà Nẵng làm nhiều tuyến đường ngập sâu. Dòng người hối hả về nhà sau giờ tan sở phải lội bì bõm, nhiều phương tiện chết máy giữa đường. Từ 17h đên 18h30 ngày 20/9, nhiêu tuyên đường ở Đà Nẵng ngâp sâu. Trong đó bị nặng nhất là...