Bỏ điểm sàn: HS sẽ mất động cơ học tập
Rất nhiều sinh viên cho rằng không thể không có điểm sàn. Theo các bạn, mặc dù những học sinh giỏi không quan tâm nhiều đến điểm sàn nhưng đây lại là động cơ để học sinh học lực trung bình phấn đấu có cơ hội vào đại học.
Cần điểm sàn để HS cố gắng hơn
Từng trải qua hai năm thi ĐH, năm thứ 2 đạt 13 điểm (thiếu 0,5 điểm mới đạt sàn) nhưng sinh viên Lê Hải Anh – năm nhất hệ cao đẳng khoa Du lịch (ĐH Văn hóa Hà Nội) vẫn cho rằng, cần phải có điểm sàn và điểm sàn không nên thấp hơn mọi năm.
Hải Anh cho biết, em nguyên là học sinh Trường THPT Trương Định (Hà Nội) và các bạn trong lớpTHPT của em khá đồng tình với mức điểm sàn mọi năm.
Với Lê Hải Anh, cần phải có điểm sàn để chọn được học sinh có khả năng học đại học. Không có điểm sàn nữa, nghĩa là học sinh học giỏi hay kém đều có cơ hội được vào đại học. Như vậy họ sẽ không còn cố gắng để đạt được đến điểm sàn, không có động lực để học nữa.
Lê Hải Anh – sv khoa Du lịch – Trường ĐH Văn hóa Hà Nội. Ảnh: gdtd.vn
“Điểm sàn như mọi năm là hợp lý, đó là quan điểm của em. Còn các thầy cô dạy chúng em năm lớp 12 thì cho rằng điểm sàn hơi thấp.Theo các thầy cô, điểm sàn nên cao hơn để học sinh của mình cố gắng hơn, đặc biệt, bây giờ nhiều môn thi theo hình thức trắc nghiệm, thi dễ hơn, dễ đạt điểm cao hơn” – Hải Anh cho hay.
Đặng Thị Huệ – Sinh viên năm nhất lớp Văn hóa du lịch (Trường ĐH Văn hóa Hà Nội) thì cho rằng không chỉ cần có điểm sàn mà điểm sàn cần cao hơn nữa, khoảng 15 điểm trở lên. Nếu không có điểm sàn, việc vào đại học quá dễ dàng, học sinh sẽ lơ đễnh học tập hơn. Huệ nguyên là học sinh Trường THPT Hiệp Hòa 1 (Bắc Giang), thi vào ĐH đạt 18,5 điểm.
Video đang HOT
Cùng lớp đại học với Huệ, Nguyễn Ánh Nga – Nguyên học sinh Trường THPT Trần Phú (Hà Nội) cho biết, em và các bạn trong lớp không mấy quan tâm đến điểm sàn vì các bạn học lực khá. Quan điểm của Nga là vẫn nên có điểm sàn để chọn được những học sinh có chất lượng vào đại học.
“Cô giáo em khi cho thi thử luôn đề ra trường hợp điểm sàn sẽ cao hơn năm trước 1 điểm để các bạn cố gắng hơn. Với mức điểm 13 – 14,5 điểm như năm trước, theo em đó là mức điểm hợp lý, không nên thấp hơn nữa” – Nga bày tỏ.
Nguyễn Ánh Nga nguyên học sinh Trường THPT Trần Phú (Hà Nội). Ảnh: gdtd.vn
Học sinh khá giỏi không quan tâm đến điểm sàn
Hầu hết những học sinh khá, giỏi thời phổ thông đều cho biết mình không quan tâm đến điểm sàn và yêu cầu điểm sàn cần phải cao hơn, lựa chọn học sinh vào đại học có chất lượng hơn.
Nguyễn Thị Quỳnh Nga – Sinh viên năm cuối Khoa Quốc tế học Trường ĐHKHXH&NV (ĐHQGHN), nguyên học sinh Trường THPT Mỹ Hào (Hưng Yên) cho biết, thi vào trường với 24 điểm khối C, em chưa bao giờ quan tâm đến điểm sàn. Các bạn cùng lớp đại học với em cũng vậy vì điểm thấp nhất các bạn đạt được cũng là 18,5 điểm.
Nga tâm sự: “Khối C vốn khó xin việc nên đã thi, bọn em xác định thi vào trường có uy tín. Em thấy điểm sàn như hiện nay là thấp vì nếu chỉ 13-14,5 điểm chưa đạt được mức điểm trung bình. Điểm sàn nên ở mức 15-16 điểm để có thể chọn lọc được sinh viên, tránh đào tạo một cách ồ ạt. Với mức điểm chỉ đạt sàn, các bạn không thể lựa chọn học một trường thực sự có chất lượng đào tạo tốt.
Quãng thời gian đào tạo ĐH nếu đào tạo không chất lượng sẽ rất phí phạm thời gian, công sức, tiền của. Hiện nay, nhiều người học đại học quá, học xong ra không biết làm gì. Thay vì đi học đại học trong những trường kém chất lượng, nhiều bạn có thể ở nhà làm công nhân, đi học nghề.
Sau này khi các bạn ra trường, những ngành nghề cần đến chuyên môn kỹ thuật cũng sẽ có chất lượng lao động cao hơn, xin việc cũng thuận lợi hơn”.
Vũ Thị Thu Huyền – Sinh viên năm cuối Khoa Tài chính ngân hàng (ĐH Hà Nội). Ảnh: gdtd.vn
Vũ Thị Thu Huyền – Sinh viên năm cuối Khoa Tài chính ngân hàng (ĐH Hà Nội) băn khoăn, nếu điểm sàn thấp, các bạn đạt sàn sẽ vào được đại học, nhưng chỉ được vào học những trường tốp trung bình, tốp dưới với chất lượng đào tạo không cao.
Vậy thì chất lượng đầu vào thấp, chất lượng trường thấp sẽ kéo theo chất lượng đào tạo thấp. Huyền cho rằng, nếu học lực kém, học sinh có thể kiếm việc làm luôn hoặc lựa chọn học nghề, có thể có ích cho xã hội hơn rất nhiều.
Nhận định đề thi đại học không khó, chỉ học ở trường hoặc chăm chỉ ôn luyện là có thể đạt điểm 7, Huyền cho rằng, mức điểm sàn như mọi năm là thấp, chưa đạt mức trung bình. Còn muốn bỏ điểm sàn, Huyền kiên quyết, trước hết nên bỏ những trường đào tạo không có chất lượng.
Với Ngô Thị Phương – Sinh viên khoa Quốc tế học (Trường ĐH KHXH&NV), nguyên học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (Hà Nội), nếu không có điểm sàn, học đại học đại trà thì chất lượng học đại học sẽ giảm sút.
“Điểm sàn năm em thi khối C là 13 điểm, đó là mức điểm vừa phải. Quan tâm đến điểm sàn thường là học sinh mức học trung bình. Các bạn khá giỏi đương nhiên không quan tâm đến điểm sàn, còn một bộ phận học lực yếu cũng không quan tâm đến điểm này vì hoặc các bạn không lựa chọn thi đại học, hoặc có đi thi cũng chỉ để cho biết chứ không đặt quyết tâm phải đỗ” – Phương cho hay.
Theo 24h
ĐH Phòng cháy chữa cháy không sơ tuyển
Năm 2013, trong khối trường công an nhân dân (CAND), thí sinh (TS) dự thi theo chỉ tiêu dân sự của Trường ĐH Phòng cháy chữa cháy (PCCC) không phải qua sơ tuyển, việc khai và nộp hồ sơ theo quy định của Bộ GD-ĐT (không qua công an các đơn vị, địa phương).
Thí sinh không trúng tuyển ĐH có nguyện vọng được đăng ký xét tuyển vào học trung cấp PCCC theo chỉ tiêu đào tạo cho dân sự.
Đối tượng học sinh phổ thông phải đạt học lực trung bình trở lên trong các năm học THPT, riêng 3 môn thuộc khối đăng ký dự thi có điểm tổng kết từng môn trong các năm học phải đạt từ 6,0 trở lên. Đối với học sinh là người dân tộc thiểu số, học sinh học THPT được hưởng ưu tiên khu vực 1: Phải đạt học lực trung bình trở lên, riêng 3 môn thuộc khối đăng ký dự thi có điểm tổng đạt từ 5,0 trở lên.
Đối với cán bộ công an, chiến sỹ phục vụ có thời hạn trong CAND, chiến sỹ hoàn thành phục vụ có thời hạn trong CAND, chiến sỹ hoàn thành nghĩa vụ quân sự: Đã tốt nghiệp THPT theo hình thức giáo dục chính quy hoặc giáo dục thường xuyên, trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề. Đối với những người tốt nghiệp trung cấp nghề phải tốt nghiệp THCS đã học đủ khối lượng kiến thức và thi tốt nghiệp các môn văn hóa THPT đạt yêu cầu theo quy định của Bộ GD-ĐT. Các đối tượng học sinh phải đạt hạnh kiểm từ loại khá trở lên. Đối với chiến sỹ đang phục vụ có thời hạn trong CAND hoặc đã hoàn thành phục vụ, hoàn thành nghĩa vụ quân sự, thời gian tại ngũ, hàng năm đều đạt phân loại hoàn thành nhiệm vụ trở lên, không vi phạm kỷ luật từ mức khiển trách trở lên.
Học viên Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy. Ảnh: gdtd.vn
Về xét tuyển, chỉ tiêu gửi đào tạo ĐH tại các trường ngoài ngành công an xét tuyển trong số TS dự thi khối A, A1 vào các ngành đào tạo nghiệp vụ công an, luật theo chỉ tiêu của từng trường (không xét tuyển TS dự thi các ngành ngôn ngữ Anh, ngôn ngữ Trung Quốc, xây dựng Đảng và xây dựng chính quyền nhà nước, công nghệ thông tin). Trong quá trình đào tạo tại các trường ngoài ngành công an, học viên được hưởng chế độ, chính sách như học viên học tại các học viện, trường đại học CAND; sau khi tốt nghiệp, Bộ Công an tiếp nhận và phân công công tác.
Thí sinh không trúng tuyển vào đại học CAND được đăng ký xét tuyển vào một trường trung cấp hoặc hệ trung cấp công an theo quy định phân luồng xét tuyển của Bộ Công an; những TS này cũng được đăng ký xét tuyển nguyện vọng vào các trường ĐH, CĐ khối dân sự theo quy định của Bộ GD-ĐT.
Theo 24h
Chỉ tiêu các trường công an năm 2013 Các học viện, trường ĐH khối công an công bố thông tin tuyển sinh năm 2013. Học viện ANND: Các ngành Điều tra trinh sát và Điều tra hình sự tuyển sinh phía Bắc từ Quảng Bình trở ra. Các ngành còn lại tuyển sinh trong toàn quốc. Riêng ngành Điều tra trinh sát và Điều tra hình sự điểm trúng tuyển xét...