Bỏ điểm sàn đại học có loạn chất lượng?
Bài toán xác định điểm sàn như thế nào đang được trao về cho các trường đại học. Trường càng uy tín, điểm sàn càng cao.
Theo dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH năm 2017 công bố ngày 16/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) dự kiến bỏ quy định về ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào (thường gọi là điểm sàn) vốn đã tồn tại nhiều năm qua.
Chủ trương này đang gây ra những ý kiến trái chiều. Trong đó, nổi bật là những lo ngại về loạn chất lượng – nhất là với các trường ngoài công lập – và làm cho việc phát triển bậc học cao đẳng càng thêm khó khăn.
Bước tiến trong việc trao quyền tự chủ
Bỏ quy định về điểm sàn chính là bước tiến trong việc trao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường. Cần lưu ý, bỏ điểm sàn chỉ có nghĩa là Bộ GD&ĐT không bắt buộc các trường phải tuyển sinh trên một ngưỡng đầu vào nhất định, chứ bộ không cấm các trường tự quy định điểm sàn cho mình.
Bài toán xác định điểm sàn như thế nào đang được trao về cho các trường. Có khả năng những trường đưa ra điểm sàn càng cao thì uy tín của họ càng lớn.
Điểm sàn là một trong những dấu hiệu của “đẳng cấp”. Các trường sẽ phải tự mình giải quyết tình thế lưỡng nan giữa số lượng và chất lượng, tùy theo tầm nhìn, chiến lược và phân khúc thị trường mà họ lựa chọn.
Các trường ĐH chứng tỏ chất lượng, uy tín của mình qua việc tự xác định điểm sàn. Ảnh: Người Lao Động.
Tuy nhiên, cũng có khả năng các trường mở rộng cửa đầu vào không giới hạn điểm sàn do họ có chiến lược riêng và tự tin vào khả năng mang lại giá trị gia tăng cho người học, đặc biệt là các trường có những bài trắc nghiệm riêng để đánh giá năng lực của người học mà không dựa vào điểm thi như yếu tố duy nhất.
Bên cạnh đó, không loại trừ khả năng các trường “vơ bèo vạt tép”, miễn sao có người học để có nguồn thu và duy trì sự tồn tại của mình, bất kể năng lực và kết quả học tập của người học, biến nhà trường thành một cỗ máy bán bằng về bản chất.
Điều quan trọng là với chủ trương bỏ điểm sàn của Bộ GD&ĐT, các trường được quyền tự do lựa chọn việc định nghĩa họ là ai, tồn tại bằng cách gì và hình dung như thế nào về tương lai của mình.
Ai sẽ bảo vệ người học?
Video đang HOT
Những lo ngại về “loạn chất lượng” xuất phát từ các quan niệm truyền thống về bản chất của giáo dục ĐH và về lối tổ chức đào tạo hiện nay của Việt Nam.
Đến nay, không ít người vẫn nghĩ rằng đại học là để đào tạo những người làm quan, làm thầy, làm chủ, vì thế là đặc quyền của một số ít trong xã hội. Kinh tế tri thức đã làm cho điều này thay đổi, đại học trở thành nơi đào tạo lao động có kỹ năng và nâng cao phẩm chất công dân. Nó không nên là đặc quyền mà cần mở rộng cho mọi đối tượng.
Xu hướng thế giới là ngày càng nhấn mạnh tính chất cá nhân hóa việc học. Việc đo lường khả năng tiếp thu và tiềm năng của mỗi cá nhân chỉ qua điểm thi vài môn học đang trở nên bất cập. Một học sinh kém toán không có nghĩa là kém mọi thứ và cánh cửa đại học đóng sập lại.
Cùng với việc cá nhân hóa quá trình học tập, các trường cần được tạo điều kiện để sáng tạo những thước đo riêng và lựa chọn những người học phù hợp với mục tiêu đào tạo.
Tuy nhiên, trong trường hợp xấu nhất – các trường chỉ cần có người học, bất chấp năng lực nền tảng của họ và cũng không có những hành động thích hợp để nâng cao chất lượng đào tạo – thì ai sẽ bảo vệ người học?
Cái giá phải trả của quyền tự do lựa chọn là phải chịu trách nhiệm về những hệ quả mà quyết định của mình gây ra. Thí sinh ngày nay có rất nhiều quyền lựa chọn.
Bức tranh ĐH ngày nay đã đa dạng hơn rất nhiều với sự tham gia của các trường tư, trường có yếu tố nước ngoài, các chương trình liên kết. Trong từng loại công hay tư, các trường cũng có đặc điểm rất khác nhau, mức học phí khác nhau và cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, môi trường học tập, triết lý đào tạo, chương trình học cũng khác nhau.
Hơn bao giờ hết, người học phải là người tiêu dùng khôn ngoan. Họ cần ý thức rõ theo đuổi bậc ĐH là một cuộc đầu tư nghiêm túc không chỉ về tiền bạc mà còn về thời gian và cơ hội.
Vì vậy, nếu họ không nỗ lực tìm hiểu và đánh giá các trường qua nhiều nguồn thông tin, nếu họ lựa chọn những trường dễ dãi chỉ vì cần có tấm bằng ĐH mà không muốn bỏ công học tập nghiêm túc thì tấm bằng chỉ là một mảnh giấy vô dụng.
Nhà nước có thể bảo vệ người học bằng cách tạo ra một môi trường minh bạch về thông tin. Các trường nên có toàn quyền giới thiệu về mình để thu hút người học nhưng nếu có chứng cứ về những quảng cáo sai sự thật thì cần xử lý thật nặng.
Tấm bằng giá trị cần chuẩn mực
Lối tổ chức đào tạo truyền thống của Việt Nam xưa nay là siết chặt đầu vào nhưng thả lỏng đầu ra. Điều này lẽ ra cần phải ngược lại. Bất cứ ai cũng nên có quyền được học nhưng giá trị của tấm bằng cần được bảo vệ bằng những chuẩn mực không khoan nhượng.
Người học cần cân nhắc việc chỉ cần trả học phí là được học và học trong trường bao nhiêu năm cũng được. Song, nếu không chứng minh được những kiến thức, kỹ năng, năng lực được quy định cụ thể trong chuẩn đầu ra của từng ngành, họ có thể sẽ không bao giờ chạm tay được vào tấm bằng ĐH.
Theo Zing
Tuyển sinh 2017: Điểm cỡ nào cũng đậu đại học?
Điểm sàn được duy trì từ nhiều năm qua, nay bộ chủ quản định bỏ, khiến nỗi lo chất lượng đào tạo đại học giảm sút vì đầu vào không còn chuẩn chung.
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa đưa ra dự thảo quy chế tuyển sinh đại học (ĐH) và cao đẳng (CĐ) nhóm sư phạm năm 2017 với nhiều điểm mới. Đáng chú ý nhất là bỏ ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào (còn gọi là điểm sàn) - một quy định vốn ảnh hưởng đến nguồn tuyển của các trường ĐH, CĐ.
Rộng cửa tuyển cho các trường tốp dưới
Ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào hay còn gọi là điểm sàn lâu nay được xem là điều kiện cần đối với thí sinh song năm nay Bộ GD&ĐT quyết định bỏ quy định này.
Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga lý giải việc dự kiến bỏ điểm sàn là bước thực hiện quyền tự chủ của các trường theo Luật giáo dục ĐH. Theo đó, các trường tùy theo chiến lược phát triển, tính chất đặc thù của ngành nghề đào tạo và điều kiện bảo đảm chất lượng, uy tín... để đưa ra điều kiện đầu vào tương ứng, riêng của trường mình.
Thêm vào đó, theo ông Ga, điểm sàn không có nhiều ý nghĩa với các trường có điểm chuẩn cao. Năm 2016, bộ có quy định điểm sàn nhưng hàng loạt thí sinh trên ngưỡng này không đăng ký xét tuyển ĐH. Điều này cho thấy thí sinh đã biết tự chọn đường đi cho bản thân, không cố gắng vào ĐH bằng mọi cách.
Thí sinh sẽ có nhiều cơ hội vào ĐH khi không còn điểm sàn Ảnh: Người Lao Động.
Tuy nhiên, không phải ai cũng có chung quan điểm với Bộ GD&ĐT. Hiệu trưởng một trường ĐH cho rằng việc bỏ điểm sàn ĐH tại thời điểm này là không hợp lý vì đây có thể là cơ hội để một số trường tuyển sinh ồ ạt, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng đào tạo.
Theo vị này, các trường tốp trên có thể không quan tâm đến sàn nhưng các trường tốp dưới sẽ nhân đây để tuyển sinh đủ hoặc vượt chỉ tiêu.
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, cho biết ông kịch liệt phản đối việc bỏ điểm sàn. Ông cho rằng học ĐH yêu cầu thí sinh phải có năng lực nhất định chứ không phải học sinh nào tốt nghiệp THPT cũng học được.
Về lâu dài, có thể bỏ quy định ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào nhưng hiện nay thì không được bởi hệ thống giáo dục ĐH còn nhiều bất cập, sự chênh lệch về chất lượng đào tạo của các trường còn rất lớn.
Đa phần các trường ĐH chưa được kiểm định nên bỏ điểm sàn sẽ tạo cơ hội cho các trường tốp dưới lợi dụng tuyển những học sinh không đủ năng lực vào học. Chất lượng đầu vào yếu, các trường lại buông lỏng chất lượng đào tạo sẽ sản sinh ra hàng vạn cử nhân, kỹ sư ra trường không làm được việc và lại thất nghiệp.
Cao đẳng khó khăn hơn
Thông tin bỏ điểm sàn ĐH khiến các trường CĐ vốn đã khó tuyển sinh nay thực sự lo lắng. Ông Hoàng Hoài Nam, Hiệu trưởng CĐ Giao thông Vận tải TP.HCM, cho rằng bộ chủ quản bỏ điểm sàn sẽ làm tăng nguồn tuyển cho các trường ĐH. Điều này đồng nghĩa việc giảm nguồn tuyển của các trường CĐ.
Những năm vừa qua, Bộ GD&ĐT cho các trường ĐH ngoài công lập tuyển sinh bằng hình thức xét học bạ đã khiến các trường khó khăn, nay chắc sẽ khó khăn hơn.
Bà Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng CĐ Công nghệ Thủ Đức, cho rằng việc chọn nghề, chọn trường của học sinh hiện nay đã thay đổi so với trước kia. Giờ đây, nhiều em đã cân nhắc chọn học ngành nào, trường nào để ra trường dễ tìm được việc làm nhưng phần lớn vẫn có xu hướng học ĐH thay vì học CĐ hay trung cấp.
"Những trường CĐ nào có chất lượng mới chống chọi được khi đầu vào của ĐH và CĐ như nhau", bà Lý nói.
PGS Lưu Văn An, Phó giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền, cho rằng khi không còn điểm sàn, nhiều trường có thể hạ điểm chuẩn. Tuy nhiên, học ĐH hay CĐ là quyền tự quyết của thí sinh, thực tế cho thấy thí sinh có khả năng sẽ không ứng tuyển vào những trường lấy điểm quá thấp.
Các trường phải giữ uy tín
PGS Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Bách khoa Hà Nội, cho rằng việc bộ "mở đầu vào" sẽ tạo cơ hội cho một số trường hạ điểm chuẩn để thu hút thí sinh nhưng số này không nhiều.
Ông Điền phân tích để giữ thương hiệu của mình, các trường phải giữ uy tín, không thể tuyển sinh đầu vào quá thấp.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Thủy lợi, bày tỏ quan điểm "mở đầu vào, siết chặt đầu ra" đang là xu thế chung của thế giới.
Theo ông Tuấn Anh, bằng việc kiểm soát chất lượng đầu ra chặt hơn với các trường, những em có điểm thi thấp quá sẽ chủ động không theo ĐH.
Theo Yến Anh - Huy Lân / Người Lao Động
Đại học Thủy lợi xét tuyển từ 15 điểm Ngày 29/7, Đại học Thủy lợi công bố điểm xét tuyển đại học năm 2016 với mức 15 điểm. Đối với chương trình tiên tiến, thí sinh đạt tối thiểu 16 điểm mới có thể nộp hồ sơ. Năm nay, Đại học Thủy lợi tuyển 3.120 chỉ tiêu theo phương án tuyển sinh theo nhóm GX (do Đại học Bách khoa Hà Nội...