Bỏ điểm sàn: Cánh cửa vào đại học bị phá bỏ
Điều kiện cần chung nhất để thí sinh đăng ký xét tuyển đại học là tốt nghiệp THPT, còn điều kiện đủ là do các trường quy định.
Dự thảo bỏ điểm sàn, không giới hạn nguyện vọng trong xét tuyển đại học năm 2017 của Bộ GD&ĐT đang nảy sinh nhiều nghịch lý, trong khi cao đẳng đặt ra điểm sàn thì đại học lại bỏ điểm sàn.
‘Phổ cập’ đại học?
Theo dự thảo, Bộ GD&ĐT sẽ không đưa ra ngưỡng đảm bảo chất lượng (điểm sàn) như mọi năm. Điều kiện cần chung nhất để thí sinh đăng ký xét tuyển đại học là tốt nghiệp THPT, còn điều kiện đủ là do các trường quy định.
Chủ trương bỏ điểm sàn của Bộ khiến cho không chỉ các chuyên gia giáo dục mà ngay dư luận xã hội cũng lo ngại chất lượng ĐH sẽ “xuống dốc không phanh”.
Việc bỏ điểm sàn đang gây lo ngại về chất lượng ĐH đi xuống.
GS Đào Trọng Thi – nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội – cho rằng hiện nay tỷ lệ tốt nghiệp THPT cao chót vót đến 98%, giờ nếu bỏ điểm sàn thì tất cả học sinh tốt nghiệp THPT sẽ vào hết ĐH.
Như vậy, sẽ không còn ĐH tinh hoa như trước đây mà là ĐH đại chúng, thậm chí là phổ cập ĐH. Điểm sàn là để chọn lựa những em có học lực khá vào ĐH, giờ bỏ đi thì ai cũng có thể vào ĐH được, thậm chí có thể lọt cả những em chưa đọc thông, viết thạo, dẫn đến chất lượng ĐH sẽ đi xuống.
Khi nguồn nhân lực chất lượng thấp thì xã hội sẽ phải gánh chịu hậu quả. Nếu nới “đầu vào” và kiểm soát chặt “đầu ra” mà tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp chỉ đạt 50% thì xã hội có chấp nhận không?
Ngay tỷ lệ tốt nghiệp THPT có năm đạt thấp nhưng vì sức ép xã hội nên lại tìm cách đẩy lên cao chót vót. Nguyên nhân quan trọng là hệ thống kiểm soát chất lượng của chúng ta quá kém, không đạt chuẩn vẫn cho đỗ.
Chị Thu Yến (có con học tại một trường THPT ở Hà Nội) băn khoăn nếu năm nay 100% thí sinh phổ thông đều đậu tốt nghiệp, 100% thí sinh đỗ tốt nghiệp đều vào được ĐH, cuối cùng Việt Nam cũng phổ cập ĐH và cứ đà này không xa nữa chúng ta sẽ tiến tới phổ cập tiến sĩ.
Không ít chuyên gia giáo dục cũng cho rằng, trong những mùa tuyển sinh gần đây, đỉnh điểm là mùa tuyển sinh năm 2016, nhiều trường ĐH bị “đói” thí sinh trầm trọng, nên họ tha thiết được bỏ điểm sàn.
Video đang HOT
Giờ quyết định này của Bộ dường như là cứu cánh cho các trường khó tuyển sinh? Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, việc quyết định ngưỡng đầu vào như thế nào là quyền tự chủ của các trường và chỉ cần các trường thực hiện tốt yêu cầu “3 công khai” về: chất lượng đào tạo, tình trạng việc làm và thu nhập của sinh viên sau khi tốt nghiệp.
‘Bóp chết’ các trường cao đẳng, trung cấp
Với những thay đổi này của Bộ GD&ĐT, dự đoán kỳ tuyển sinh 2017 của các trường cao đẳng, trung cấp sẽ khó khăn hơn rất nhiều.
Với quy định chỉ cần đậu tốt nghiệp là có thể vào ĐH, cộng với dự kiến rút ngắn thời gian đào tạo ĐH thì rõ ràng người dân với tâm lý ưa chuộng bằng cấp sẽ đổ xô đi học ĐH nhiều hơn.
Thí sinh cứ có tiền là học đại một trường ĐH để lấy tấm bằng, còn các trường thì đua nhau “vớt” thí sinh bằng mọi giá. Lãnh đạo một trường ĐH thẳng thắn cho rằng, ở nước ngoài cũng có tình trạng “mở đầu vào” và “thắt chặt đầu ra”, tức là, sinh viên yếu kém thì khó tốt nghiệp.
Nhưng ở Việt Nam, tốt nghiệp hay không nhiều khi cũng tùy trường, tùy thầy, tùy trò. Theo quy luật, nơi yếu kém là nơi tiêu cực lên ngôi. Càng mở đầu vào thì tỷ lệ tốt nghiệp càng đông.
Nhiều trường cao đẳng, trung cấp lo lắng cho rằng, việc Bộ GD&ĐT thay đổi chính sách giáo dục như vậy đã vô tình “bóp chết” họ, đồng thời phá vỡ chính sách phân luồng giáo dục nghề nghiệp trong nhiều năm qua.
Lãnh đạo một trường CĐ chỉ ra một thực tế, nhiều năm qua, các trường cao đẳng, trung cấp không tuyển được người học nên phải giải thể, có nguyên nhân xuất phát từ chính sách mà cụ thể là những thay đổi từ Bộ GD&ĐT.
Với chính sách bỏ điểm sàn, không giới hạn nguyện vọng trong xét tuyển ĐH năm nay thì vô hình chung Bộ GD&ĐT sẽ “bóp chết” hệ thống các trường cao đẳng, trung cấp.
Theo TS. Lê Trường Tùng – Chủ tịch Hội đồng quản trị ĐH FPT, trong khi Bộ GD&ĐT quyết định bỏ sàn, chủ trương mở “đầu vào” thì Bộ LĐ-TB&XH mới đây lại công bố dự thảo quy chế tuyển sinh CĐ 2017, trong đó quy định Bộ sẽ xác định điểm sàn cho các trường CĐ.
Điều này nảy sinh nghịch lý của mùa tuyển sinh 2017 sắp tới là, bậc đào tạo cao thì bỏ sàn, bậc đào tạo thấp thì có sàn. Điều khiến nhiều trường băn khoăn nhất là họ sẽ tuyển sinh thế nào.
Vì thế, Bộ GD&ĐT và Bộ LĐ-TB&XH cần có sự bàn bạc với nhau để tìm hướng giải quyết nghịch lý trên, tránh phá vỡ phân luồng giáo dục nghề nghiệp.
Theo Nguyễn Hằng / VOV
Bỏ điểm sàn đại học có loạn chất lượng?
Bài toán xác định điểm sàn như thế nào đang được trao về cho các trường đại học. Trường càng uy tín, điểm sàn càng cao.
Theo dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH năm 2017 công bố ngày 16/12, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) dự kiến bỏ quy định về ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào (thường gọi là điểm sàn) vốn đã tồn tại nhiều năm qua.
Chủ trương này đang gây ra những ý kiến trái chiều. Trong đó, nổi bật là những lo ngại về loạn chất lượng - nhất là với các trường ngoài công lập - và làm cho việc phát triển bậc học cao đẳng càng thêm khó khăn.
Bước tiến trong việc trao quyền tự chủ
Bỏ quy định về điểm sàn chính là bước tiến trong việc trao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường. Cần lưu ý, bỏ điểm sàn chỉ có nghĩa là Bộ GD&ĐT không bắt buộc các trường phải tuyển sinh trên một ngưỡng đầu vào nhất định, chứ bộ không cấm các trường tự quy định điểm sàn cho mình.
Bài toán xác định điểm sàn như thế nào đang được trao về cho các trường. Có khả năng những trường đưa ra điểm sàn càng cao thì uy tín của họ càng lớn.
Điểm sàn là một trong những dấu hiệu của "đẳng cấp". Các trường sẽ phải tự mình giải quyết tình thế lưỡng nan giữa số lượng và chất lượng, tùy theo tầm nhìn, chiến lược và phân khúc thị trường mà họ lựa chọn.
Các trường ĐH chứng tỏ chất lượng, uy tín của mình qua việc tự xác định điểm sàn. Ảnh: Người Lao Động.
Tuy nhiên, cũng có khả năng các trường mở rộng cửa đầu vào không giới hạn điểm sàn do họ có chiến lược riêng và tự tin vào khả năng mang lại giá trị gia tăng cho người học, đặc biệt là các trường có những bài trắc nghiệm riêng để đánh giá năng lực của người học mà không dựa vào điểm thi như yếu tố duy nhất.
Bên cạnh đó, không loại trừ khả năng các trường "vơ bèo vạt tép", miễn sao có người học để có nguồn thu và duy trì sự tồn tại của mình, bất kể năng lực và kết quả học tập của người học, biến nhà trường thành một cỗ máy bán bằng về bản chất.
Điều quan trọng là với chủ trương bỏ điểm sàn của Bộ GD&ĐT, các trường được quyền tự do lựa chọn việc định nghĩa họ là ai, tồn tại bằng cách gì và hình dung như thế nào về tương lai của mình.
Ai sẽ bảo vệ người học?
Những lo ngại về "loạn chất lượng" xuất phát từ các quan niệm truyền thống về bản chất của giáo dục ĐH và về lối tổ chức đào tạo hiện nay của Việt Nam.
Đến nay, không ít người vẫn nghĩ rằng đại học là để đào tạo những người làm quan, làm thầy, làm chủ, vì thế là đặc quyền của một số ít trong xã hội. Kinh tế tri thức đã làm cho điều này thay đổi, đại học trở thành nơi đào tạo lao động có kỹ năng và nâng cao phẩm chất công dân. Nó không nên là đặc quyền mà cần mở rộng cho mọi đối tượng.
Xu hướng thế giới là ngày càng nhấn mạnh tính chất cá nhân hóa việc học. Việc đo lường khả năng tiếp thu và tiềm năng của mỗi cá nhân chỉ qua điểm thi vài môn học đang trở nên bất cập. Một học sinh kém toán không có nghĩa là kém mọi thứ và cánh cửa đại học đóng sập lại.
Cùng với việc cá nhân hóa quá trình học tập, các trường cần được tạo điều kiện để sáng tạo những thước đo riêng và lựa chọn những người học phù hợp với mục tiêu đào tạo.
Tuy nhiên, trong trường hợp xấu nhất - các trường chỉ cần có người học, bất chấp năng lực nền tảng của họ và cũng không có những hành động thích hợp để nâng cao chất lượng đào tạo - thì ai sẽ bảo vệ người học?
Cái giá phải trả của quyền tự do lựa chọn là phải chịu trách nhiệm về những hệ quả mà quyết định của mình gây ra. Thí sinh ngày nay có rất nhiều quyền lựa chọn.
Bức tranh ĐH ngày nay đã đa dạng hơn rất nhiều với sự tham gia của các trường tư, trường có yếu tố nước ngoài, các chương trình liên kết. Trong từng loại công hay tư, các trường cũng có đặc điểm rất khác nhau, mức học phí khác nhau và cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, môi trường học tập, triết lý đào tạo, chương trình học cũng khác nhau.
Hơn bao giờ hết, người học phải là người tiêu dùng khôn ngoan. Họ cần ý thức rõ theo đuổi bậc ĐH là một cuộc đầu tư nghiêm túc không chỉ về tiền bạc mà còn về thời gian và cơ hội.
Vì vậy, nếu họ không nỗ lực tìm hiểu và đánh giá các trường qua nhiều nguồn thông tin, nếu họ lựa chọn những trường dễ dãi chỉ vì cần có tấm bằng ĐH mà không muốn bỏ công học tập nghiêm túc thì tấm bằng chỉ là một mảnh giấy vô dụng.
Nhà nước có thể bảo vệ người học bằng cách tạo ra một môi trường minh bạch về thông tin. Các trường nên có toàn quyền giới thiệu về mình để thu hút người học nhưng nếu có chứng cứ về những quảng cáo sai sự thật thì cần xử lý thật nặng.
Tấm bằng giá trị cần chuẩn mực
Lối tổ chức đào tạo truyền thống của Việt Nam xưa nay là siết chặt đầu vào nhưng thả lỏng đầu ra. Điều này lẽ ra cần phải ngược lại. Bất cứ ai cũng nên có quyền được học nhưng giá trị của tấm bằng cần được bảo vệ bằng những chuẩn mực không khoan nhượng.
Người học cần cân nhắc việc chỉ cần trả học phí là được học và học trong trường bao nhiêu năm cũng được. Song, nếu không chứng minh được những kiến thức, kỹ năng, năng lực được quy định cụ thể trong chuẩn đầu ra của từng ngành, họ có thể sẽ không bao giờ chạm tay được vào tấm bằng ĐH.
Theo Zing
Bỏ điểm sàn cao đẳng, trung cấp khó tuyển sinh hơn? Ông Hoàng Hoài Nam - Hiệu trưởng Cao đẳng Giao thông Vận tải TP HCM - đánh giá, cùng điều kiện thí sinh đỗ tốt nghiệp THPT, các trường cao đẳng sẽ "vét" hết người hệ trung cấp. Ngày 18/2, Bộ GD&ĐT vừa ban hành dự thảo thông tư sửa đổi bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học,...