Bố đẻ Giang Kim Đạt bị đề nghị truy tố tội danh rất ít được áp dụng
Trong vụ án Giang Kim Đạt, bố đẻ của bị can này bị Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an đề nghị truy tố về tội Rửa tiền, đây là tội phạm rất hiếm bị xử lý ở nước ta.
Kết thúc điều tra vụ án Giang Kim Đạt và đồng phạm, cơ quan điều tra đề nghị truy tố bị can Trần Văn Liêm, nguyên Tổng Giám đốc Vinashin Lines; Giang Kim Đạt, nguyên quyền Trưởng phòng kinh doanh Vinashin Lines; Trần Văn Khương, nguyên Kế toán trưởng Vinashin Lines về tội Tham ô tài sản. Riêng đối tượng Giang Văn Hiển (bố đẻ Giang Kim Đạt), đề nghị truy tố về tội Rửa tiền.
Ảnh bị can Giang Kim Đạt
Kết luận điều tra cho biết, qua các phi vụ làm ăn, Giang Kim Đạt được đối tác chuyển khoản gần 16 triệu USD. Để che dấu nguồn tiền bất hợp pháp này, Đạt nhờ bố là Giang Văn Hiển mở nhiều tài khoản ngân hàng để rút ngoại tệ, sau đó đem gửi tiết kiệm, mua ôtô và 40 biệt thự, căn hộ cao cấp, đất đai ở vị trí đất “vàng” ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Nha Trang (Khánh Hòa)…
Video đang HOT
Với hành vi giúp sức cho con trai, ở giai đoạn đầu của vụ án Giang Văn Hiển bị điều tra về tội Chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có. Tuy nhiên khi kết thúc điều tra, cơ quan Công an cho rằng hành vi của ông Hiển là rửa tiền nên đề nghị Viện KS truy tố theo tội danh này.
Theo ông Đặng Quang Phương – nguyên Phó Chánh án TAND Tối cao, lần đầu tiên trong Bộ luật hình sự (LHS) năm 1999 có quy định tội danh Hợp pháp hoá tiền, tài sản do phạm tội mà có (Điều 251). Đến năm 2009, khi sửa đổi bổ sung Bộ LHS, điều luật trên được sửa đổi thành tội Rửa tiền. Mặc dù có quy định nhưng rất hiếm có trường hợp người phạm tội bị xử lý về tội Rửa tiền. Có những vị thẩm phán, luật sư rất nhiều năm làm công tác tố tụng cho biết họ chưa từng thấy có trường hợp nào bị xử lý về tội Rửa tiền.
Theo các luật sư của Liên đoàn luật sư Việt Nam, dấu hiệu của tội phạm rửa tiền là: Người thực hiện hành vi tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch liên quan đến tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp của tiền, tài sản đó; Sử dụng tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có để tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác; Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thật sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản biết rõ là do phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó.
Cũng theo các luật sư, qua thông tin ban đầu thấy bị can Giang Văn Hiển có hành vi như trực tiếp mở nhiều tài khoản ở ngân hàng để rút ngoại tệ nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của số tiền. Tiếp theo là bị can này sử dụng nguồn tiền kể trên để mua nhà. Vấn đề mấu chốt ở đây là nếu chứng minh được Giang Văn Hiển biết rõ nguồn tiền mà bị can đã giao dịch ở ngân hàng, sau đó sử dụng mua nhà là tài sản do con trai phạm tội mà có thì hành vi của bị can thỏa mãn yếu tố cấu thành tội Rửa tiền mà Bộ LHS đã quy định.
Theo Danviet
Giang Kim Đạt phải bồi thường gần 250 tỷ đồng
Ngày 24/6, Cơ quan ANĐT - Bộ Công an hoàn tất kết luận điều tra vụ án "Tham ô tài sản và rửa tiền" xảy ra tại Cty TNHH MTV Vận tải viễn dương Vinashin (Cty Vinashin Lines), đồng thời chuyển hồ sơ đề nghị Viện KSND Tối cao truy tố 4 bị can về các tội danh trên.
Theo đó, bị can Trần Văn Liêm, nguyên Tổng giám đốc; Giang Kim Đạt, nguyên quyền Trưởng phòng kinh doanh và Trần Văn Khương, nguyên Kế toán trưởng Cty Vinashin Lines bị đề nghị truy tố về hành vi "tham ô tài sản". Riêng bị can Giang Văn Hiển (bố đẻ Giang Kim Đạt) bị đề nghị truy tố về hành vi "rửa tiền".
Cơ quan tố tụng xác định, từ tháng 5/2006 - 6/2008, Cty Vinashin Lines đã tiến hành lập các dự án đầu tư mua tàu biển, sau đó tiến hành khai thác kinh doanh cho thuê tàu; các tàu mua về phần lớn là tàu cũ, chất lượng không đảm bảo, tiêu hao nhiên liệu lớn.
Mặt khác, trong quá trình tổ chức thực hiện của những người được giao nhiệm vụ, năng lực quản lý điều hành yếu kém, lại vì động cơ mục đích cá nhân đã dùng các thủ đoạn để chiếm đoạt số lượng lớn tiền, tài sản của Cty thông qua việc mua và khai thác, kinh doanh cho thuê tàu biển.
Cụ thể, quá trình giao dịch mua 3 con tàu (Vinashin Summer, Vinashin Island, Vinashin Phoenix) và cho thuê 9 con tàu tại Vinashin Lines, Trần Văn Liêm, Giang Kim Đạt và các đồng phạm khác đã chiếm đoạt gần 16 triệu USD của nhà nước thông qua chiêu trò "gửi giá".
Để trốn tránh sự phát hiện của cơ quan chức năng, Đạt đã nhờ bố đẻ là Giang Văn Hiền đứng tên, mở nhiều tài khoản ngoại tệ tại nhiều ngân hàng, từ đó nhận và rút các khoản tiền chênh lệch mua tàu, tiền chênh lệch gửi giá cước cho thuê tàu do đối tác chuyển lại cho Đạt.
Ngay sau khi đối tác chuyển tiền, Đạt gọi điện thông báo cho bố đến rút rồi mang gửi tiết kiệm hoặc mua bất động sản, mua sắm ô tô... Hành vi của ông Giang Văn Hiển giúp con trai che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của số tiền mà Đạt đã chiếm đoạt đã phạm vào tội "rửa tiền".
Cơ quan chức năng xác định, sau khi đối trừ số tiền mà CQĐT đang tạm giữ, Giang Kim Đạt còn phải bồi thường cho Cty Vinashin Lines số tiền gần 249 tỷ đồng. Còn bị can Trần Văn Liêm bị cáo buộc đã chiếm đoạt hơn 3,2 tỷ đồng (trong đó đã xác định số tiền cả tiền hưởng chênh lệch từ việc mua 3 con tàu; 2 căn nhà do Đạt mua cho Liêm và xe ô tô cho vợ Liêm); bị can Trần Văn Khương chiếm đoạt số tiền 120.000 USD.
Theo Dương Lê
Tiền phong
Giang Kim Đạt và sếp Vinashin Lines tham ô 16 triệu USD Nâng giá các hợp đồng mua tàu biển cũ, Giang Kim Đạt cùng hai cán bộ chủ chốt của Vinashin Lines đã chiếm đoạt gần 16 triệu USD. Ngày 24.6, Cơ quan điều tra Bộ Công an đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án Tham ô tài sản và Rửa tiền xảy ra tại Công ty TNHH một thành viên Vận...