Bồ Đào Nha ‘thoát bóng’ Tây Ban Nha trong Covid-19
Sau khi nhà văn Luis Sepulveda nhập viện ở Tây Ban Nha vì nhiễm nCoV, Bồ Đào Nha, nơi ông đến vài ngày trước đó, ngay lập tức hành động.
Sepulveda, nhà văn nổi tiếng người Chile, được đưa vào phòng điều trị tích cực hôm 29/2, nhưng sau đó qua đời ở tuổi 70 và trở thành một trong gần 26.000 người tử vong vì nCoV ở Tây Ban Nha, vùng dịch lớn nhất châu Âu với gần 260.000 ca nhiễm.
Trong khi đó, nước láng giềng Bồ Đào Nha, nơi ghi nhận ca nhiễm nCoV đầu tiên hôm 2/3, báo cáo gần 26.000 ca nhiễm và gần 1.100 trường hợp tử vong.
Thường bị coi là sống dưới cái bóng của “người hàng xóm” cùng bán đảo Iberia, nhưng Bồ Đào Nha dường như đã chiến thắng Tây Ban Nha trong quá trình xử lý Covid-19. Nước này giờ đây bắt đầu nới lỏng hạn chế sau khi tránh khỏi hoàn cảnh tương tự Tây Ban Nha hay Italy.
Nhân viên y tế tại một trạm xét nghiệm nCoV lưu động ở Lisbon, Bồ Đào Nha hôm 26/3. Ảnh: Reuters.
Bồ Đào Nha đã hành động nhanh chóng với các biện pháp phong tỏa công bố từ hôm 13/3, cùng ngày với Tây Ban Nha, dù khi đó họ mới ghi nhận 122 ca nhiễm và chưa ai chết. Tây Ban Nha tại thời điểm đó báo cáo 132 trường hợp tử vong và hơn 5.000 ca nhiễm.
Theo các nhà dịch tễ học và giới chuyên gia, Bồ Đào Nha chống dịch hiệu quả nhờ tích cực truy tìm nguồn lây nhiễm, xét nghiệm trên diện rộng, cùng khoảng thời gian dài chuẩn bị, do là một trong những nước châu Âu ghi nhận ca nhiễm nCoV đầu tiên muộn nhất.
“Sự lây lan trong cộng đồng bắt đầu từ hôm 12/3, 10 ngày sau khi chúng tôi phát hiện những ca nhiễm đầu tiên, muộn hơn nhiều so với Pháp, Tây Ban Nha hay Italy”, Ines Fronteira, giáo sư tại viện y học nhiệt đới và vệ sinh dịch tễ thuộc Đại học Nova ở thủ đô Lisbon, cho biết.
Khi so sánh quá trình phát triển của Covid-19 tại Bồ Đào Nha với Trung Quốc, Hàn Quốc, Italy, Tây Ban Nha, Đức, Pháp và Mỹ, giáo sư Fronteira nhận thấy Bồ Đào Nha ghi nhận tỷ lệ gia tăng số ca nhiễm mới hàng ngày thấp hơn tất cả.
“Bồ Đào Nha có cơ hội quan sát kinh nghiệm của các quốc gia khác, những biện pháp được áp dụng, rồi học hỏi từ đó. Cùng những biện pháp ấy, chúng tôi thực hiện nghiêm ngặt hơn hoặc lỏng lẻo hơn so với nước khác, nhưng tiến hành vào giai đoạn sớm hơn của đại dịch”, Fronteira cho hay.
Đáng chú ý không kém tỷ lệ lây nhiễm thấp là bầu không khí bình tĩnh được duy trì suốt cuộc khủng hoảng ở Bồ Đào Nha. Chính phủ tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, nhưng nhận thấy việc củng cố các biện pháp phong tỏa bằng cách phạt những người vi phạm không quá cần thiết. Số vụ bắt liên quan tới các hoạt động gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng là vài chục, trong khi con số này tại Tây Ban Nha khoảng 7.000.
Video đang HOT
Bối cảnh chính trị tại Bồ Đào Nha cũng hoàn toàn đối lập với tình hình căng thẳng ở Tây Ban Nha. Đảng đối lập chính theo xu hướng trung hữu của Bồ Đào Nha tuyên bố đoàn kết với chính phủ trong cuộc chiến chống Covid-19.
Chính quyền của Thủ tướng Antonio Costa thậm chí nhân cơ hội này “ghi điểm” bằng cách tạm thời trao quyền cư trú hợp pháp cho tất cả người di cư, xóa bỏ mọi rào cản ngăn họ tìm nơi ở hoặc điều trị y tế.
Kể từ khi Costa, lãnh đạo đảng Xã hội, trở thành Thủ tướng Bồ Đào Nha hồi cuối năm 2015, lực lượng lao động trong ngành y tế tăng 13%. Tổng chi phí chính phủ dành cho lĩnh vực này cũng tăng 18%. Hệ thống y tế được củng cố vững chắc sau giai đoạn khủng hoảng đồng euro đầy khó khăn.
Chính phủ Bồ Đào Nha cho biết việc điều trị cho những người nhiễm nCoV chiếm chưa đến 65% công suất giường bệnh của hệ thống y tế. Về vấn đề xét nghiệm, Bộ Y tế Bồ Đào Nha công bố tỷ lệ tại nước này đạt gần 28 trên 1.000 dân, tương đương Tây Ban Nha.
10,2 triệu dân Bồ Đào Nha được phép tự do ra đường từ hôm 3/5. “Cảm giác như được giải phóng khỏi nhà tù”, Rodrigo Garcia, một cư dân 40 tuổi, cho biết khi cùng vợ, hai con trai và chó cưng đi dạo dọc bờ sông Tagus ở thủ đô Lisbon dưới ánh mặt trời. “Chúng tôi cảm thấy tự do hơn nhờ tình trạng khẩn cấp quốc gia đã chấm dứt”.
Những doanh nghiệp nhỏ, tiệm làm tóc, văn phòng hành chính và thư viện cũng tái mở cửa hôm 4/5, đánh dấu bước khởi đầu của quá trình gỡ phong tỏa theo ba giai đoạn. Bảo tàng, quán bar và nhà hàng dự kiến hoạt động trở lại vào ngày 18/5. Trường học cũng sẽ mở cửa cho một số học sinh.
Theo kế hoạch, Bồ Đào Nha sẽ trở về trạng thái bình thường vào ngày 1/6. Từ giờ đến lúc đó, việc tụ tập trên 10 người vẫn bị cấm và người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang trên phương tiện công cộng. Tuy nhiên, Thủ tướng Costa tuần trước cảnh báo không được chủ quan.
“Tất cả chúng ta đều nhận thức được rằng phải tiếp tục sống chung với Covid-19 cho tới khi có vaccine trên thị trường. Chừng nào dịch bệnh còn hiện diện, cuộc sống của chúng ta chưa thể bình thường”, Costa cho hay.
Cựu tướng bị nghi đứng sau vụ 'xâm lược' Venezuela
Tướng Cliver Alcala, người tự nộp mình cho Mỹ hồi tháng 3, được cho là đã tổ chức vụ đổ bộ vào bờ biển Venezuela nhằm lật đổ Tổng thống Maduro.
Bộ trưởng Nội vụ Venezuela Nestor Reverol hôm 3/5 cho biết lực lượng vũ trang nước này đã tiêu diệt nhóm lính đánh thuê đổ bộ bằng xuồng cao tốc từ Colombia, chặn đứng âm mưu "xâm lược bằng đường biển" nhằm lật đổ Tổng thống Nicolas Maduro.
Một trong những tay súng bị bắn chết được cho là Roberto Colina, cựu sĩ quan quân đội Venezuela có liên hệ với tướng về hưu Cliver Alcala, người bị Washington buộc tội "khủng bố ma túy" và tự giao nộp mình cho Mỹ hồi cuối tháng 3.
Cuộc đổ bộ thất bại bằng đường biển hôm 3/5 là âm mưu tấn công Venezuela thứ hai có liên quan đến tướng Alcala trong hơn một tháng qua.
Tướng Alcala họp báo tại thủ đô Caracas hồi năm 2016. Ảnh: AFP.
Thông tin về vụ tấn công đầu tiên vẫn rất mù mờ, thậm chí giới chức Mỹ còn cho rằng nó không tồn tại. Tuy nhiên, sự việc xảy ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Caracas vẫn ở mức cao khi chính quyền Tổng thống Donald Trump thúc đẩy nỗ lực gây sức ép bằng chính trị, quân sự, ngoại giao nhằm buộc Tổng thống Maduro từ chức.
Mọi chuyện bắt đầu hôm 23/3, khi cảnh sát Colombia chặn một xe van đang di chuyển ở miền bắc nước này về phía biên giới Venezuela. Họ tìm thấy 26 súng trường bán tự động, mũ bảo hiểm, kính nhìn đêm và áo chống đạn trong thùng xe.
Ba ngày sau, tướng Alcala lên tiếng khẳng định mình là người đứng sau lô khí tài này. "Tôi và những người ủng hộ đã lên kế hoạch thực hiện chiến dịch quân sự chống lại chính quyền Maduro", Alcala nói trong cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh Colombia.
Vào thời điểm đó, tướng Alcala đang sống tại Colombia sau khi rời khỏi Venezuela. Alcala, sinh năm 1961, từng tham gia cuộc đảo chính chống lại tổng thống Carlos Andres Perezin tháng 2/1992, sau đó thăng tiến trong quân đội Venezuela và được phong hàm thiếu tướng, tư lệnh quân khu Guayana.
Alcala được cho là có thời kỳ nắm giữ quyền lực lớn hơn cả Maduro. Tuy nhiên, sau khi Maduro lên nắm quyền năm 2013, Alcala rời khỏi quân đội, chuyển tới Colombia năm 2018 và trở thành "tư lệnh" của nhóm các binh sĩ Venezuela đào ngũ trốn sang nước này.
Cựu tướng này khẳng định các cố vấn Mỹ và thủ lĩnh đối lập Venezuela Juan Guaido biết về kế hoạch đưa vũ khí vào Venezuela hồi tháng 3, thêm rằng họ và các chính trị gia Colombia cùng ký văn bản phê chuẩn chiến dịch nhưng không đưa ra bằng chứng cụ thể.
Chính phủ Venezuela nhanh chóng coi tuyên bố của Alcala là bằng chứng thể hiện những cáo buộc từ lâu rằng Guaido đang hợp tác với Mỹ và Colombia nhằm lật đổ Maduro.
"Các cuộc tấn công khủng bố đang chuẩn bị nhằm vào Venezuela là chiến dịch khởi đầu ở Miami, ở thủ đô Washington, ở Colombia nhằm bào chữa cho âm mưu đảo chính. Chính phủ Mỹ đứng sau âm mưu này. Tổng thống Colombia Ivan Duque cũng phải chịu trách nhiệm", Maduro nói.
Bộ trưởng Tư pháp Venezuela Tarek William Saab sau đó yêu cầu Guaido ra làm chứng. Thủ lĩnh đối lập Venezuela từ chối và khẳng định không biết tới âm mưu này. "Đó là những lời nói dối nguy hiểm vì có thể được dùng làm căn cứ để bắt hoặc hãm hại tổng thống lâm thời Juan Guaido", quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố.
Đặc phái viên Mỹ về Venezuela Elliott Abrams cho rằng cáo buộc Guaido thuê tướng Alcala loại bỏ Tổng thống Maduro là "sự dối trá đáng khinh và rất nguy hiểm".
Tuyên bố của tướng Alcala được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Bộ Tư pháp Mỹ truy tố tội danh "khủng bố ma túy" nhằm vào ông, Tổng thống Maduro và nhiều quan chức Venezuela, đồng thời treo giải thưởng 10 triệu USD cho người giúp bắt Alcala.
Alcala nói ông không có gì để che giấu và tự nộp mình cho quan chức Mỹ tại Colombia. Cựu tướng Venezuela được đưa khỏi quốc gia này chỉ sau vài giờ, dù các công tố viên Colombia cho biết không có lệnh truy nã hay yêu cầu dẫn độ ông. Alcala sau đó được chuyển đến thành phố New York để thẩm vấn.
Tướng Alcala tham gia duyệt binh tại Caracas hồi năm 2012. Ảnh: AFP.
Caracas và Washington đã đưa ra những cách giải thích trái ngược nhau về sự việc này.
Chính phủ Venezuela cho rằng Mỹ đang tìm cách giải cứu "đặc vụ" Alcala sau khi âm mưu đảo chính thất bại và quyết định truy tố tội khủng bố ma túy là cách giúp họ đưa Alcala về Mỹ trước khi ông tiết lộ thêm các thông tin mật.
Trong khi đó, Washington cho rằng cựu tướng Venezuela đang hành động theo lệnh Caracas khi đưa ra những cáo buộc nhằm vào Guaido. "Rõ ràng ông ấy bị buộc phải đưa ra những thông tin tồi tệ và nhận ra mình phải rời Colombia để đến một nơi thật sự an toàn, đó là nước Mỹ", đặc phái viên Abrams nói.
Quan hệ Mỹ - Venezuela gần đây vẫn căng thẳng, khiến cáo buộc tấn công đảo chính nhằm vào Caracas giống như đổ thêm dầu vào lửa.
Một tàu hải quân Venezuela bị chìm hồi tháng trước sau khi va chạm với du thuyền treo cờ Bồ Đào Nha trên biển Caribbean. Chủ hãng tàu dân sự cáo buộc tàu chiến Venezuela "nổ súng" trước, trong khi Tổng thống Maduro cáo buộc du thuyền này chở lính đánh thuê nhưng không đưa ra bằng chứng.
Một ngày sau, chính phủ Mỹ kêu gọi Maduro từ chức, bàn giao quyền lực cho chính phủ chuyển tiếp để đổi lấy hỗ trợ nhân đạo và gỡ bỏ cấm vận nhằm giúp Venezuela đối phó Covid-19. Caracas bác bỏ đề xuất.
Tổng thống Mỹ Donald Trump sau đó tuyên bố điều tàu chiến tới gần Venezuela để ngăn chặn "tội phạm, bọn khủng bố và những kẻ muốn lợi dụng đại dịch để tuồn ma túy vào nước Mỹ".
"Donald Trump đã phát điên. Nếu tiến vào Venezuela, ông ta sẽ bị đánh bại", Maduro đáp trả, đồng thời ra lệnh điều động nhiều đơn vị pháo binh để chuẩn bị cho "cuộc chiến bảo vệ hòa bình".
Covid-19: Đây là lý do Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha có tỷ lệ tử vong khác nhau Tờ Business Insider nêu nguyên nhân khiến hai nước có chung biên giới là Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha có tỷ lệ tử vong do Covid-19 khác nhau nhiều lần. Bồ Đào Nha là một trong những nước áp dụng cách ly nghiêm ngặt từ rất sớm để tránh lây lan Covid-19. Tác giả bài báo nhận định Bồ Đào Nha...