Bỏ đại học, nhiều sinh viên vào trường nghề
Đang theo học một số trường đại học lớn như Bách khoa, Công nghệ Thông tin…, nhiều sinh viên ở Hà Tĩnh đã nghỉ học giữa chừng, về nộp hồ sơ theo học trường nghề với hy vọng có thể dễ dàng kiếm việc sau khi tốt nghiệp.
Năm học 2015-2016, Cao đẳng nghề Việt Đức (Hà Tĩnh) nhận được nhiều hồ sơ xét tuyển của sinh viên đang theo học tại các trường đại học lớn, tiêu biểu như Nguyễn Tuấn Anh (cựu sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội), Nguyễn Xuân Ngọc (Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông TP HCM), Nguyễn Hoài Giang (Đại học Quy Nhơn).
Vào học nghề được 4 tháng, Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ, từng theo học ngành Hóa của Đại học Bách khoa Hà Nội được 3 năm. Quá trình học, em nhận thấy nhu cầu việc làm của ngành này khá hạn chế, để thành nghề đòi hỏi thời gian tích lũy kinh nghiệm lâu dài. Chính vì thế vào đầu năm học thứ tư, nam sinh quyết định lựa chọn ngã rẽ mới, nghỉ đại học về nộp đơn vào lớp điện tử chất lượng cao của Cao đẳng nghề Việt Đức.
Video đang HOT
Tuấn Anh không hề hối tiếc khi nghỉ Đại học Bách khoa về học nghề. Ảnh: Đức Hùng
Với Tuấn Anh, việc chuyển đổi môi trường từ đại học sang trường nghề khá đơn giản. “Một bên là đào tạo bằng kỹ sư, thiên về lý thuyết, một bên đào tạo thợ, thiên về thực hành. Em thích nghi khá nhanh, vì ít bị ràng buộc bởi những con chữ”, Tuấn Anh nói.
Để đưa ra quyết định bỏ đại học, Tuấn Anh phải suy nghĩ rất nhiều, bởi đang học tại trường danh tiếng, khi nghỉ về học nghề sẽ gặp không ít lời dị nghị từ làng xóm láng giềng. Chính vì thế cậu chỉ chia sẻ với những người bạn thân, âm thầm học tập để chứng minh cho mọi người thấy mình đúng đắn khi “mạo hiểm”.
“Dự định của em là học xong sẽ tìm kiếm cơ hội xuất khẩu lao động ra nước ngoài làm việc. Em quan niệm một người thợ giỏi còn hơn một kỹ sư trung bình”, Tuấn Anh nói và cho hay đó là suy nghĩ của bản thân, không hề có ý chê bai ai, bởi bây giờ mọi thứ đối với em đang là con số không tròn trĩnh.
Cùng chung suy nghĩ với Tuấn Anh, Nguyễn Xuân Ngọc (cựu sinh viên Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông TP HCM) khi học hết năm thứ nhất quyết định nghỉ về nộp đơn theo học lớp hàn xì của Cao đẳng nghề Việt Đức. “Bố mẹ em muốn con cái có nghề nghiệp ổn định, không quan trọng là lao động chân tay hay trí óc, miễn là có thể nuôi sống bản thân”, Ngọc tâm sự.
Theo cựu sinh viên ngành Công nghệ thông tin, học ngôi trường danh tiếng xã hội sẽ coi trọng hơn, còn học nghề giá trị của bản thân đôi khi bị hạ thấp. Tuy nhiên với Ngọc điều đó không quan trọng, miễn là sau khi tốt nghiệp tìm được việc làm ngay.
Ngọc và Tuấn Anh tâm sự trong lớp và trong nhóm bạn thân hồi theo học đại học, có rất nhiều người sau khi kết thúc học kỳ đã nghỉ về quê học nghề, hoặc thi lại trường khác. “Quá trình học tập, đi làm thêm, được tiếp xúc với những đồng tiền từ mồ hôi nước mắt mình làm ra, chúng em thay đổi suy nghĩ rất nhiều về tương lai và nghề nghiệp”, Tuấn Anh kể.
Nguyễn Xuân Ngọc (trái) đang theo dõi thực hành trong tiết học hàn xì. Ảnh: Đức Hùng
Trong số sinh viên nghỉ đại học về học trường nghề còn có Nguyễn Hoài Giang (cựu sinh viên ngành Quản lý giáo dục Đại học Quy Nhơn). Trước thực trạng sinh viên thất nghiệp ngày một nhiều, sợ ra trường sẽ bị cuốn vào vòng xoáy đó nên Giang quyết định nghỉ về học nghề cắt gọt kim loại, vừa dễ xin việc, lại rút ngắn thời gian và đỡ tốn kém.
Những cựu sinh viên có lựa chọn “khác người” này luôn tự nhủ trước mắt sẽ cố gắng rèn luyện tay nghề, tích lũy thêm kiến thức, kinh nghiệm sống để sau khi tốt nghiệp có thể đi xuất khẩu lao động, hoặc tìm cơ hội việc làm ở những khu kinh tế lớn tại Hà Tĩnh.
Ông Nguyễn Hồng Diên, Trưởng phòng đào tạo Cao đẳng nghề Việt Đức cho hay năm học này nhà trường thu hút được nhiều học viên chất lượng. Đây là tín hiệu đáng mừng trong việc thay đổi tư duy môi trường nghề nghiệp của học sinh lẫn phụ huynh.
“Nhà trường đang mở một lớp dạy nghề chất lượng cao, thuê giáo viên nước ngoài dạy bằng giáo trình tiếng Anh. Tốt nghiệp, học viên có cơ hội rất lớn đi nước ngoài và tìm kiếm công việc ổn định, thu nhập cao”, thầy Diên nói.
Theo VNE