Bỏ đại học luật đi học nghề bếp
Tôi luôn tự nhủ sẽ cố gắng học thật giỏi để trở thành một bác sĩ, một thầy giáo hay một luật sư, nhưng rồi tôi tự làm cú ‘bẻ lái’ cho cuộc đời: rời bỏ giảng đường trường luật ngoài Bắc để Nam tiến học nghề bếp.
Hà Trọng Hiệp trong một giờ học bếp – Ảnh: TÂM HÀ
Ở tuổi mười tám đôi mươi, hẳn ai cũng từng có những ước mơ, hoài bão, những chông chênh, mơ hồ, hay cả những suy nghĩ “điên rồ” nữa. Riêng tôi thì đã tạo cú “bẻ lái” cho cuộc đời: rời bỏ giảng đường trường luật ngoài Bắc để Nam tiến học nghề bếp.
Gia đình tôi làm nông, không mấy khá giả. Ở mảnh đất Bình Định nắng gió, ba mẹ gồng gánh nuôi năm người con ăn học nhưng không thể đủ đầy. Các anh tôi phải nghỉ học sớm để phụ ba mẹ lo cho hai chị em. Nhưng chỉ cố được tới lớp 12, chị tôi cũng nghỉ, nhường lại con đường học hành cho tôi. Khi đó tôi cũng đã nhận thức được sự hi sinh của ba mẹ và anh chị.
Thay đổi từ món ăn mẹ nấu
Tôi luôn tự nhủ sẽ cố gắng học thật giỏi để trở thành một bác sĩ, một thầy giáo hay một luật sư – những nghề nghiệp mà ba mẹ tôi đều kỳ vọng. Tôi nghĩ đó là cách để mình đáp lại sự hi sinh của cả gia đình dành cho mình mà không mấy bận tâm những nghề “danh giá” trên có thật sự phù hợp với bản thân hay không.
Mười hai năm học, tôi luôn cố gắng, đạt được nhiều thành tích học sinh giỏi giúp ba mẹ vui lòng. Rồi tôi trúng tuyển vào Trường ĐH Luật Hà Nội, tôi tự hào vì mình không phụ lòng ba mẹ, anh chị. Nhưng rồi niềm vui ấy của gia đình cũng chỉ kéo dài chưa đầy hai tháng, khi tôi bắt đầu nghĩ đến đam mê nhiều hơn thay vì chỉ học trong một ngôi trường có thể làm rạng rỡ gia đình.
Và tôi nhận ra luật không phải là thứ mình có thể gắn bó trọn đời, thay vì thế, thứ tôi yêu thích bấy lâu lại là… nghề bếp. Còn nhớ, từ hồi học lớp 3, tôi đã lăng xăng vào bếp cùng mẹ. Những hôm mẹ bận rộn, tôi lại thay mẹ nấu ăn cho cả nhà. Sau những buổi học trên lớp, được nấu ăn với mẹ, tôi thấy hào hứng, thoải mái hơn cả đi chơi. Mỗi lần tự tay hí húi nấu ăn xong, được ba mẹ, anh chị khen ngon, tôi thấy vui đến khó tả.
Trong đêm trăn trở trong căn phòng trọ ngoài Hà Nội, hương vị món bánh xèo, mực xào măng và những món ăn giản dị mà mẹ nấu bằng tất cả tình yêu thương cứ hiện lên trong tâm trí. Tôi nhớ lại niềm vui những lần vào bếp ở nhà… Và rồi không chờ đợi lâu nữa, có điều gì đó thôi thúc mà tôi không thể gọi tên, chỉ biết nhanh chóng đặt vé máy bay trở về, thông báo với cả nhà sẽ đi học nghề bếp.
Tin vào chính mình
Video đang HOT
Ba mẹ tôi phản đối, bắt tôi đi tiếp con đường luật ở Hà Nội. Anh chị lẫn bạn bè đều khuyên ngăn. Hầu như mọi người ai cũng hụt hẫng với quyết định “lạ lùng” này của tôi. Hơn 1 tháng sau, tôi bắt đầu vào học Trường trung cấp Kinh tế du lịch TP.HCM dù cho tất cả mọi người xung quanh đều cho đó là lựa chọn ngu ngốc. Biết ba mẹ buồn, nhưng tôi chỉ xin ba mẹ cho mình một khoảng thời gian để tìm lại bản thân mình.
Không chỉ học, tôi bắt đầu tham gia nhiều hơn các buổi nói chuyện, các sự kiện, chương trình tham quan thực tế do trường tổ chức nên gặp gỡ thêm nhiều bạn bè có chung sở thích, được nghe chia sẻ từ chính những đầu bếp nổi tiếng.
Tôi cũng tranh thủ thời gian học linh hoạt để xin việc làm thêm, từ bán sách, phục vụ quán nhậu, xin làm chân phụ bếp trong vài nhà hàng rồi tập tành đứng bếp. Có không ít lần bị la mắng khiến tôi chán nản, nhụt chí.
Nhưng mỗi khi nhìn thấy ai đó đang say sưa thưởng thức món mình làm, vô tình nghe được một lời khen, tôi thấy “sướng” lạ kỳ. Những ngày vừa học vừa làm xuyên tuần không nghỉ như thế, tôi vẫn thấy mình còn tràn đầy năng lượng.
Càng học, càng làm, tôi càng thấy hứng thú thật sự, càng không sợ khó khăn, cực nhọc. Tôi luôn tận dụng các giờ học thực hành trên lớp để hỏi thầy cô tường tận hơn về những kiến thức ẩm thực, về kinh nghiệm nấu ăn quý giá.
Được thầy cô, bạn bè động viên, tôi cũng tìm hiểu về những cuộc thi ẩm thực, mạnh dạn đăng ký tham gia một cuộc thi nhỏ ở trường và may mắn giành được giải nhất. Lúc đó tôi vui như muốn vỡ òa. Ồ, thì ra đây mới thực sự là đam mê của mình. Tôi ngày càng dạn dĩ hơn, có cái nhìn sâu và bao quát hơn về nghề.
Cho đến bây giờ, tôi đã theo học nghề bếp được gần một năm rưỡi. Tôi vẫn thấy được đứng trong bếp và nấu những món ăn ngon, đẹp mắt mới là điều khiến mình hạnh phúc nhất. Nếu đêm hôm đó không thay đổi quyết định, có lẽ tôi sẽ chẳng bao giờ có được những cảm giác, những trải nghiệm ý nghĩa này. Con đường phía trước còn rất dài, nhưng tôi tin mình đã lựa chọn đúng.
Bài dự thi “Tôi chọn nghề” không quá 1.500 chữ và phải để tên thật, địa chỉ của nhân vật, số điện thoại để ban tổ chức liên lạc khi cần thiết. Thời gian nhận bài dự thi từ khi phát động đến hết ngày 29-2-2020.
Gửi bài qua địa chỉ email: toichonnghe@tuoitre.com.vn hoặc địa chỉ: Ban giáo dục – khoa học, báo Tuổi Trẻ, số 60A Hoàng Văn Thụ, phường 9, quận Phú Nhuận, TP.HCM. Ghi rõ dự thi “Tôi chọn nghề”. Giải nhất 30 triệu đồng, giải nhì 20 triệu đồng, giải ba 10 triệu đồng và 5 giải khuyến khích mỗi giải 5 triệu đồng.
Theo tuoitre
Khi sinh viên rời bỏ đại học để chọn trường nghề
Lựa chọn trường đại học theo mong muốn của bố mẹ, sau một thời gian, không ít sinh viên đã quyết định rẽ hướng để theo đuổi con đường mình thực sự đam mê.
Cách đây 5 năm, Trần Thanh Mai (Nam Định) từng thi đỗ vào khoa Kế toán của một trường đại học tại Hà Nội. Nhưng cô quyết tâm bỏ giữa chừng vì cảm thấy không phù hợp để rẽ hướng sang ngành nghề mà mình yêu thích.
"Thi đại học mình được 17,5 điểm. Bố mẹ khi ấy rất muốn mình theo Kế toán vì cho rằng học ngành này đỡ lo bị thất nghiệp. Nhưng sau một năm, mình cảm thấy không thích thú với môi trường này. Việc phải vùi đầu vào đống kiến thức đại cương không liên quan gì đến công việc khiến mình thấy nhàm chán và mệt mỏi".
Nhiều lần, Mai tâm sự và xin mẹ cho theo học ngành Quản trị khách sạn tại một trường cao đẳng. Suy nghĩ của Mai ngay lập tức bị phản đối vì "học đại học mới dễ xin việc", "kém cỏi mới phải học cao đẳng".
Nhớ lại, Mai kể rằng đó là quãng thời gian "thực sự chán nản".
"Mình đi học chỉ để có mặt chứ không biết sau này ra trường sẽ làm gì. Suốt một năm cứ thế lặp lại, mình lên lớp ngủ rồi trở về nhà".
Nhiều sinh viên thay vì chọn học đại học đã lựa chọn trường nghề
Sau một thời gian, gia đình nhận thấy không thể ép con làm cái mà mình không đam mê nên đã đồng ý cho Mai theo đuổi con đường riêng.
Ở môi trường mới, Mai liên tục tỏa sáng. Cô cũng xuất sắc vượt qua hàng trăm thí sinh để giành giải Nhì trong Kỳ thi tay nghề tại TP. Hà Nội.
"Còn vài tháng nữa mình sẽ tốt nghiệp, nhưng những gì học được từ trong trường đã giúp mình có mức thu nhập ổn định là gần 8 triệu/ tháng. Với mức lương này, mình có thể tự lo cho bản thân", Mai chia sẻ.
Trong khi đó, Phạm Hồng Khang (27 tuổi), hiện đang theo học ngành Truyền thông đa phương tiện tại một trường cao đẳng ở Hà Nội kể: "Sau khi tốt nghiệp ngành Kinh tế, tôi ra trường và đã làm qua hai công ty về xây dựng. Tuy nhiên, sau thời gian làm việc tôi thấy môi trường ấy không thực sự phù hợp với mình.
Tôi cùng một người bạn đã chuyển sang kinh doanh thiết bị quay chụp cho đến bây giờ. Hiện tôi cũng đang học thêm kiến thức về truyền thông. Khi tham gia chương trình học này, tôi cảm thấy thích thú vì được tìm hiểu đúng lĩnh vực mình đam mê".
Sau 4 năm học đại học và quay lại "vạch xuất phát", Khang chưa từng thấy hối hận. "Có nhiều con đường để đi tới cái đích mà mình mong muốn. Tất nhiên, không thể phủ nhận tấm bằng đại học vẫn có vị trí nhất định trong xã hội hiện tại, nhưng nếu có đam mê, mình nên thử phá bỏ rào cản và làm thật tốt điều mình muốn. Chắc chắn rằng, nghề sẽ không phụ mình".
Nhiều sinh viên khi học 1 - 2 năm tại trường đại học nhưng cảm thấy không phù hợp đã chuyển sang học cao đẳng.
Bà Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức cho biết, có nhiều sinh viên khi học 1 - 2 năm tại trường đại học nhưng cảm thấy không phù hợp đã chuyển sang học cao đẳng. Lý do là bởi chương trình học tại trường đại học quá nặng về lý thuyết, trong khi học nghề sẽ giúp các em có cơ hội thực hành nhiều hơn.
Gắn việc đào tạo với doanh nghiệp cũng là mục tiêu hàng đầu mà Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức hướng đến. Hàng năm, nhà trường luôn chú trọng triển khai "Học kỳ doanh nghiệp" nhằm giúp sinh viên có môi trường làm việc thực tế, vừa trải nghiệm, vừa tích lũy kinh nghiệm chuyên môn, rèn luyện các kỹ năng mềm và hiểu rõ hơn về công việc trong tương lai để có động lực phấn đấu.
Nhờ đó, nhiều sinh viên ngay khi ra trường đã được trang bị đầy đủ những yêu cầu mà các doanh nghiệp tuyển dụng đưa ra.
Xu hướng nhiều học sinh, sinh viên dịch chuyển sang học nghề, theo ông Mai Hồng Quý, Trưởng phòng nhân sự công ty dệt may QT, là điều tất yếu.
"Công ty chúng tôi chủ yếu tuyển dụng nhân sự từ các trường nghề. Qua thực tế tuyển dụng, chúng tôi nhận thấy, nhiều sinh viên đại học khi mới ra trường ứng tuyển vào các vị trí việc làm tại công ty thường đòi hỏi chế độ đãi ngộ rất cao.
Cũng có nhiều ứng viên khi trực tiếp giải quyết công việc lại không thực sự đem lại hiệu quả, ví dụ quản lý công nhân nhưng kỹ năng quản lý và giao tiếp lại kém. Cho nên, việc nhiều người lựa chọn học nghề là do họ nhận thức được giá trị của những trải nghiệm và kỹ năng trong thực tiễn mà trường nghề trang bị cho các bạn".
Trường Giang
Theo vietnamnet
Dễ tìm việc, trường nghề vẫn khó tuyển sinh Vào đại học đã không còn là con đường duy nhất trong lựa chọn đi đến tương lai, nhất là trong tình trạng "thừa thầy, thiếu thợ" như hiện nay. Tuy vậy, quan niệm "trọng thầy hơn thợ" của các bậc phụ huynh; tâm lý chỉ lựa chọn học nghề sau khi trượt đại học đã gây khó khăn không nhỏ trong việc...