Bỏ đại học, đi học nghề
Thông tin tỷ lệ cử nhân, thạc sĩ thất nghiệp không ngừng tăng trong thời gian qua đã tác động mạnh đến sự lựa chọn của nhiều người học trước cánh cửa vào đời.
Tâm lý coi trọng bằng cấp nặng nề một thời có vẻ cũng đã phải “đầu hàng” trước mối quan tâm thiết thực hơn: có công việc ổn định theo đúng nhu cầu xã hội.
Lê Tấn Bửu (Đà Nẵng) đạt 21,75 điểm tại kỳ thi THPT quốc gia 2015 – mức điểm giúp Bửu có không ít lựa chọn để vào một trường ĐH.
Song chàng trai cao 1,8m ấy rốt cuộc lại từ chối cánh cửa ĐH, lặn lội từ dải đất miền Trung ra Hà Nội để theo học CĐ nghề hàn – vốn đầu vào chỉ cần tốt nghiệp THPT – để tương lai trở thành… một công nhân hàn chính hiệu.
Lê Tấn Tài chia sẻ: “Học trường nghề, sinh viên ra trường làm nghề ngay được. Dù làm thợ “lép vế” hơn kỹ sư, nhưng có tấm bằng kỹ sư mà không xin nổi việc làm thì chắc chắn có việc đi làm thợ cũng “hơn đứt” cảnh thất nghiệp rồi…”. Ảnh: Tuổi Trẻ.
Người anh trai sinh đôi của Bửu – Lê Tấn Tài – đạt 21,5 điểm tại kỳ thi THPT quốc gia cũng có cùng lựa chọn như Bửu.
“Để đi đến quyết định này, mình và gia đình đã suy nghĩ và tìm hiểu rất kỹ. Đúng là vào ĐH thì nghe có vẻ oai hơn, nhưng tìm việc làm lại không dễ dàng.
Quanh mình, nhiều người tốt nghiệp ĐH, có bằng thạc sĩ vẫn thất nghiệp dài, sống chán chường vì phải phụ thuộc vào gia đình. Trong khi đó, mình thấy nhiều anh chị học ngành hàn tại trường CĐ nghề như mình không chỉ có việc làm tốt mà còn có cơ hội ra nước ngoài làm việc.
Có người ra trường 2-3 năm đã có mức lương 15 triệu đồng/tháng. Chưa kể điều kiện kinh tế gia đình mình không khá giả gì, nên học phí rẻ ở trường nghề cũng là tiêu chí rất quan trọng.
Học phí của hai anh em theo học CĐ nghề hàn chưa bằng học phí của một người chị ruột mình đang học ĐH tại Đà Nẵng” – Bửu chia sẻ.
Video đang HOT
Năm 2014 và 2015, nhiều trường CĐ nghề đã tiếp nhận những thí sinh có điểm thi ĐH cao, thậm chí cả sinh viên đã tốt nghiệp ĐH bất ngờ chọn trường nghề, chấp nhận “làm lại từ đầu”.
Năm 2014, Lữ Trọng San (Thanh Hóa) đỗ và theo học ngành cơ khí tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam với số điểm đầu vào 21,5 điểm.
Năm 2015, San tiếp tục thi và đạt 22 điểm với mong muốn vào Học viện Phòng không không quân. Không đủ điểm đỗ vào Học viện Phòng không không quân nhưng San quyết định bỏ ĐH để đăng ký vào trường nghề.
“Nếu tiếp tục học tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, ngành cơ khí mình học phải mất năm năm mới tốt nghiệp. Vào Trường CĐ nghề Cơ điện Hà Nội, mình cũng chọn ngành lắp đặt cơ khí nhưng thời gian học rút ngắn lại chỉ còn ba năm.
Học trường nghề, thời gian thực hành nhiều hơn, sinh viên ra trường làm nghề ngay được. Dù làm thợ “lép vế” hơn kỹ sư, nhưng có tấm bằng kỹ sư mà không xin nổi việc làm thì chắc chắn có việc đi làm thợ cũng “hơn đứt” cảnh thất nghiệp rồi…” – San phân tích.
Quyết định lựa chọn như San, Bửu… giờ không còn là chuyện hiếm. Mối lo cho một công việc ổn định sau tốt nghiệp đã trở thành trăn trở của người học ngay khi tính toán bước chân vào bất cứ trường học nào sau khi tốt nghiệp THPT.
Một số trường nghề bắt đầu tạo niềm tin cho người học không gì khác bằng chính cam kết hỗ trợ bố trí việc làm sau tốt nghiệp và chứng thực bằng tỉ lệ cao sinh viên sau tốt nghiệp có việc làm ngay.
Theo Ngọc Hà-Minh Giảng/Tuổi trẻ
Học nghề dễ có việc làm hơn đại học
Ông Cao Văn Sâm, Phó tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề cho rằng tỷ lệ học sinh chọn chỉ thi tốt nghiệp ngày càng cao thể hiện đã có sự thay đổi trong tư duy hướng nghiệp.
Thực tiễn đã chứng minh, học nghề dễ có việc làm thậm chí thu nhập cao hơn học đại học.
Nhận thức về nghề nghiệp đang thay đổi
Theo khảo sát của các Sở GD&ĐT, năm nay, nhiều địa phương, trường học có tỷ lệ thí sinh đăng ký chỉ nhằm xét tốt nghiệp khá cao so với kỳ thi THPT quốc gia 2015. Có những địa phương như Hà Giang, Hòa Bình... số lượng học sinh đăng ký dự thi cụm địa phương chiếm hơn 70%.
Ngoài ra, các địa phương như Yên Bái, Bắc Kạn, Điện Biên... cũng có lượng học sinh đăng ký dự thi chỉ để xét tốt nghiệp chiếm khoảng 55%. Tương tự, Kon.
Nghề hàn bậc cao đang có thu nhập cao. Ảnh: Tiền Phong.
Không riêng các tỉnh miền núi, Hà Nội năm nay tỷ lệ thí sinh đăng ký dự thi cụm địa phương cũng tăng đáng kể. Cụ thể, năm nay trong tổng số 66.006 thí sinh dự thi có 14.716 thí sinh thi chỉ để xét tốt nghiệp. Trong khi năm 2015, khoảng 84.000 thí sinh dự thi, lượng thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp là 11.000.
Ông Ngô Văn Chất, Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định Chất lượng Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết: "Có nhiều trường có tỷ lệ học sinh đăng ký thi cụm địa phương cao hơn 70% như THPT Anhxtanh, THPT Mạc Đĩnh Chi 90%".
Theo ông Quách Văn Sơn, Hiệu trưởng Trường THPT Sào Báy, huyện Kim Bôi (Hòa Bình), năm nay có tới 90% số học sinh đăng ký thi THPT quốc gia chỉ để xét tốt nghiệp. Tỷ lệ cử nhân thất nghiệp cao đã tác động nhiều đến tâm lý học sinh.
Theo ông Sơn, chỉ riêng chuyện xin việc của các thầy cô giáo ròng rã nhiều năm mới được vào dạy hợp đồng, nhận mức lương thấp cũng khiến học sinh chùn bước.
Trần Văn Hải, học sinh Trường THPT Kỳ Anh (Hà Tĩnh) năm nay quyết định chỉ đăng ký thi xét tốt nghiệp dù học lực của Hải thuộc hàng khá trong lớp.
Chia sẻ lý do, Hải cho biết: "Nhiều người học đại học ra vẫn thất nghiệp, nên em sẽ đi học nghề hoặc xuất khẩu lao động".
Hải kể, chị gái phải thi đến năm thứ 3 mới đỗ ĐH Sư phạm Huế, khoa Lịch sử. Tốt nghiệp năm 2012, thất nghiệp ở nhà 2 năm, hiện chị đã mở một cửa hàng thời trang ở thị xã để kiếm sống.
Học nghề, 70% có việc làm ngay
Ông Cao Văn Sâm, Phó tổng cục trưởng Tổng cục dạy nghề cho rằng, tỷ lệ học sinh chọn thi tốt nghiệp cao là xu hướng rất rõ thể hiện việc chính thực tiễn đã hướng nghiệp các em. Bởi học nghề chi phí thấp, học viên được hỗ trợ 50% kinh phí, ra trường có ngay việc làm.
Theo thống kê của Tổng cục dạy nghề, trên toàn quốc lượng học viên, sinh viên học nghề ra trường có tới 70% có ngay việc làm, trong đó có những nghề, những trường đảm bảo 100% có việc làm. Có những ngành hot, doanh nghiệp vào tuyển dụng ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
"Khi đi khảo sát thực tế trong các khu công nghiệp, có những nghề hiện thu nhập 100 triệu đồng/ tháng như nghề thợ hàn bậc cao 6G", ông Sâm nói.
Ông Sâm cho biết, học nghề ngày càng có nhiều lợi thế bởi thị phần việc làm cho những người học nghề ngày càng cao. Các doanh nghiệp đang tăng cường sử dụng công nghệ quản lý, sản xuất hiện đại, vì thế lực lượng lao động gián tiếp chỉ chiếm tỉ lệ từ 5-6%, còn lại là lao động đã qua đào tạo nghề. Chưa kể, hội nhập ASEAN, những người được đào tạo nghề có cơ hội làm việc cho nhiều quốc gia khác với mức lương hấp dẫn cả nghìn đô la.
Ông Sâm cũng cho rằng, khi đã có tay nghề, học sinh có nhiều con đường để lập nghiệp hơn. Ví dụ, nếu không làm thuê cho các doanh nghiệp, một thợ hàn, thợ cắt tóc, thợ làm móng tay... có thể ra mở tiệm làm riêng. Khi đã có chút vốn khá, muốn học nâng cao tay nghề, có thể dễ dàng tiếp tục học lên CĐ, ĐH nghề.
Tổng cục dạy nghề thông tin thêm, những năm gần đây hệ thống trường nghề được nhà nước đầu tư biến mỗi trường nghề thành một công xưởng sản xuất. Cùng với chính sách liên kết với doanh nghiệp, khi học nghề học sinh chủ yếu học thực hành kỹ năng vì thế khi ra trường đa số đã thạo nghề, dễ thích ứng công việc.
Điều đáng buồn là dù các trường nghề được đầu tư nhưng những năm trước, học sinh vẫn chạy theo cuộc đua vào ĐH nên nhiều trường nghề đành "đắp chiếu".
Hiện nay, cả nước có khoảng 190 trường CĐ nghề đào tạo 310 nghề, 245 trường trung cấp nghề đào tạo hơn 300 nghề. Năm 2015, hệ thống trường nghề tuyển sinh hơn 2 triệu học viên, sinh viên. Những nghề thuộc lĩnh vực du lịch, dịch vụ làm đẹp, công nghệ thông tin, xây dựng, hàn... đang là những nghề hot hiện nay.
Theo Mai Dung/Tiền Phong
Bộ Giáo dục lên tiếng về những phản ứng trong Khung cơ cấu giáo dục quốc dân "Cơ cấu hệ thống như dự thảo thể hiện tính mở, linh hoạt và mềm dẻo của hệ thống giáo dục quốc dân". Một nửa giảng viên sẽ thất nghiệp, 342.800 thạc sỹ, cử nhân chưa có việcBậc trung học phổ thông nói có ba luồng là nhầm lẫn lớnThầy Văn Như Cương: "Cả xã hội lười biếng, Bộ đổi mới vẫn còn...