Bộ đã giảm áp lực thi-kiểm tra, chợ đề online vẫn tấp nập giáo viên mua bán
Nếu giáo viên mua đề kiểm tra, đương nhiên nó sẽ dẫn đến tình trạng một là đề khó, hai là đề dễ nên sẽ rất khó phù hợp với tình hình thực tế học tập của học sinh.
So với các năm học trước đây, bắt đầu từ năm học 2020-2021 này thì Bộ đã ban hành Thông tư 26 nên các bài kiểm tra định kỳ các môn học ở cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông chỉ còn có 1 bài kiểm tra giữa kỳ và 1 bài kiểm tra cuối kỳ.
Như vậy, những môn học nhiều tiết đã được giảm số lượng bài kiểm tra định kỳ rất nhiều so với trước đây, nhất là môn Ngữ văn lớp 9 giảm bớt 5 bài kiểm tra từ 1-2 tiết.
Một giáo viên đăng tin mua (xin) đề kiểm tra học kỳ – (Ảnh chụp từ màn hình facebook của giáo viên).
Điều này có nghĩa là áp lực ra đề, chấm bài kiểm tra của giáo viên cũng đã được giảm bớt. Tuy nhiên, khi gần thời điểm kiểm tra học kỳ thì trên các trang tài khoản facebook giáo viên của nhiều môn học vẫn thấy xuất hiện tình trạng một số thầy cô giáo hỏi mua, bán bài kiểm tra học kỳ.
Vì sao lại giáo viên phải hỏi mua (xin) đề kiểm tra học kỳ?
Nhiều người xem chuyện giáo viên đang bán, mua giáo án trên mạng internet là một việc bình thường vì mua để “học hỏi kinh nghiệm” và điều cốt yếu là để đối phó khi bị Ban giám hiệu, tổ chuyên môn kiểm tra.
Thôi thì cứ cho là vậy đi nhưng ngay cả chuyện làm 1 cái đề kiểm tra học kỳ mà vẫn có hiện tượng giáo viên bán mua thì có còn xem là một chuyện bình thường được không?
Chúng tôi cho rằng việc giáo viên phải mở lời hỏi mua, phải bỏ tiền để mua đề kiểm tra học kỳ một cách công khai trên các trang facebook giáo viên là chuyện không hề bình thường và rất đáng buồn.
Thứ nhất: thông thường các lớp cuối cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông thì Sở Giáo dục sẽ đảm nhận việc ra đề kiểm tra học kỳ đối với các môn học nhiều tiết để học sinh làm quen với các dạng bài thi tuyển sinh 10 và thi quốc gia sau này.
Các trường sẽ đảm nhận việc ra đề một số môn học còn lại của khối cuối cấp và các khối còn lại. Điều này có nghĩa các trường sẽ căn cứ vào tình hình của đơn vị mình để xây dựng kế hoạch và triển khai việc ra đề kiểm tra học kỳ cho học sinh.
Video đang HOT
Nếu trường có điều kiện, học sinh học tốt thì thông thường giáo viên sẽ ra đề có mức độ khó hơn, tăng câu hỏi vận dụng và giảm bớt câu hỏi đọc- hiểu hoặc tăng thêm mức độ khó hơn ở các phần của đề kiểm tra.
Những tin như thế này nhan nhản trên các nhóm facebook của giáo viên – (Ảnh chụp từ màn hình).
Các trường mà còn khó khăn, học lực của học sinh không tốt thì ra đề kiểm tra ở mức thấp, nhẹ nhàng hơn để phù hợp với thực tế của đơn vị mình. Điều này đều được Sở, Phòng Giáo dục lập kế hoạch hướng dẫn và triển khai trước thời điểm các trường ra đề kiểm tra.
Nếu giáo viên mua đề kiểm tra, đương nhiên nó sẽ dẫn đến tình trạng một là đề khó, hai là đề dễ nên sẽ rất khó phù hợp với tình hình thực tế học tập của học sinh tại đơn vị.
Thứ hai: việc mua đề của giáo viên cũng là sự thừa nhận sự yếu kém về chuyên môn của chính mình nên mới phải phải bỏ tiền ra để mua đề.
Việc mua đề kiểm tra để nộp cho Ban giám hiệu cũng đồng nghĩa với việc giáo viên đó không biết ra một đề kiểm tra học kỳ ở môn học mà mình đang giảng dạy hàng ngày.
Trong khi, việc ra đề kiểm tra đã được ngành giáo dục tập huấn từ nhiều năm nay, đây là công việc thường niên chứ không hề mới mẻ hay quá khó khăn với người thầy.
Thứ ba: việc mua đề nếu là giáo viên có khả năng làm được nhưng bỏ tiền ra mua cho thấy giáo viên đó…quá lười, chưa có sự đầu tư nghiêm túc cho chuyên môn, nghề nghiệp của mình theo đuổi.
Những hệ lụy từ việc mua đề kiểm tra của giáo viên
Cách đây mấy ngày, chúng tôi có vào một trang facebook Ngữ văn và đọc được dòng trạng thái (status) của một giáo viên như sau: ” Tưởng cái nhóm này lập ra để trao đổi kinh nghiệm giảng dạy Ngữ văn. Hóa ra đây là cái chợ giáo án, sáng kiến kinh nghiệm …”. Đúng là một nhận xét chát chua nhưng… rất thật.
Có những giáo viên phải chua chát thốt lên như vậy khi vào trang facebook của đồng nghiệp – (Ảnh chụp từ màn hình).
Bây giờ những trang facebook của giáo viên các môn học phổ thông lập ra cũng có khi trao đổi kinh nghiệm nhưng có lẽ đúng hơn là để cho một số người mua bán các sản phẩm giáo dục.
Nhiều nhà giáo công khai bán và mua giáo án, sáng kiến kinh nghiệm, đề kiểm tra một cách công khai, không hề e dè, ngại ngùng mà đáng lẽ ra đó là điều không đáng làm của người thầy đứng lớp.
Bởi, chẳng hạn như đề kiểm tra thường xuyên hay định kỳ thường phải căn cứ vào tình hình học lực của từng lớp mà mình dạy để giáo viên làm đề kiểm tra và đánh giá kết quả học tập của học trò.
Nhưng, bây giờ có một bộ phận giáo viên lại không làm như vậy mà bỏ tiền ra mua của đồng nghiệp để đối phó với tổ chuyên môn và Ban giám hiệu nhà trường…
Một khi giáo viên phải mua có nghĩa là giáo viên không căn cứ vào thực tế, nó sẽ dẫn đến tình trạng điểm kiểm tra của học trò có thể sẽ quá cao hoặc quá thấp bởi cho dù một môn học nhưng cách dạy của mỗi địa phương vẫn có sự định hướng khác nhau.
Đặc biệt là định hướng ra đề, thiết lập ma trận, đề kiểm tra, hướng dẫn chấm bài nhiều khi không đồng nhất nên khi mà Ban giám hiệu chọn những đề này cho kiểm tra thì đồng nghiệp trong tổ chuyên môn cũng khó khăn trong cách chấm.
Điều quan trọng không kém nữa là hình ảnh người thầy, hình ảnh nhà giáo cũng sẽ không còn đẹp trong mắt đồng nghiệp bởi khi mọi người nhìn thấy trong đơn vị mình có người đăng tin đi mua đề kiểm tra học kỳ như vậy thì kì lắm…!
Học sinh dùng điện thoại trong giờ học như thế nào?
Điện thoại không chỉ là phương tiện nghe nhìn, giải trí mà còn là công cụ để giáo viên thực hiện những tiết học đổi mới, giúp học sinh hào hứng và thích thú.
Học sinh Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM) sử dụng điện thoại di động trong giờ học - ẢNH: PHÚ HUỲNH
Học và kiểm tra bằng điện thoại di động
"5 phút đọc báo cùng bạn" là hoạt động mở đầu trong mọi tiết dạy hóa học của thầy giáo Phạm Lê Thanh, Trường THCS - THPT Tân Phú (Q.Tân Phú, TP.HCM). Chẳng hạn trong bài học về tính chất hóa học của ô xy, thầy giáo Phạm Lê Thanh đã cho học sinh (HS) tạo nhóm với 2 thành viên cùng truy cập vào các bài báo với nội dung liên quan để giải quyết một số vấn đề. Sau thời gian cho phép, HS nộp lại điện thoại lên bàn giáo viên (GV) và không sử dụng vào các mục đích khác như lên Facebook, chơi game...
Còn thầy Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng Tổ lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM), thường tổ chức môn học theo hình thức dự án. Vì vậy, việc HS sử dụng điện thoại được coi là công cụ thực hiện thảo luận vì HS cần lên mạng để tìm kiếm thông tin hoàn tất nội dung của dự án.
Nguyễn Trần Lam, HS lớp 12D Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), cũng cho biết hầu như môn học nào cũng có những giờ học các thầy cô yêu cầu HS lấy lại điện thoại để làm bài tập bằng một ứng dụng thông minh.
"Cũng giống như những khi học thực hành, trải nghiệm ngoài lớp học, đó là những lúc không khí cả lớp rất hào hứng", Lam chia sẻ. Tuy nhiên, Lam cũng cho biết ở trường nếu như GV không yêu cầu sử dụng điện thoại mà HS tự ý dùng vào việc khác thì sẽ bị thu đến hết năm học hoặc hết học kỳ mới trả.
Chỉ sử dụng khi giáo viên thấy cần cho việc học
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT, cho biếttheo Thông tư 12 trước đây, hành vi HS không được làm là "sử dụng điện thoại di động trong giờ học", tức là cấm hoàn toàn. Điều 37 của Thông tư 32 vừa được ban hành quy định về các hành vi HS không được làm. Một trong số đó là "sử dụng điện thoại di động khi đang học tập trên lớp mà không phục vụ cho việc học tập và không được GV cho phép". Bộ GD-ĐT đưa ra quy định này để hỗ trợ trong trường hợp HS cần tra cứu, tìm những nguồn học liệu để hỗ trợ cho bài học khi được sự cho phép của GV. Cần phải hiểu rằng việc GV cho phép sử dụng điện thoại cho mục đích học tập cũng chỉ trong một giai đoạn ngắn để thực hiện, sau đó phải dừng lại chứ không thể có chuyện sử dụng điện thoại xuyên suốt giờ học.
Biến phương tiện thành công cụ học tập
Nhìn nhận về quy định HS được dùng điện thoại trong giờ học, ông Lê Văn Linh, Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Bình (Q.Tân Bình, TP.HCM), nói để biến điện thoại thành công cụ học tập hữu ích thì cần có sự đồng bộ tương thích từ quy tắc ứng xử, văn hóa sử dụng, chương trình và các hoạt động giáo dục. Tương tự, ông Võ Thiện Cang, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hữu Trang (Q.5, TP.HCM), cho hay phải xác định rằng quy định cho HS dùng điện thoại ở góc độ hướng đến mục đích là thay đổi phương pháp học tập, đổi mới hình thức kiểm tra đánh giá để tạo hứng thú học tập đối với HS chứ không phải cho các em tự do, thoải mái sử dụng trong nhà trường.
Thầy Phạm Lê Thanh cho rằng quy định này giúp HS thích ứng với xu hướng đổi mới phương thức thi THPT quốc gia trên máy tính sắp tới mà Bộ đang xây dựng.
Trước quy định mới này, theo ông Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (TP.HCM), chắc chắn sẽ có những lo ngại từ phụ huynh cho đến GV về góc độ quản lý việc sử dụng, nhưng cần nhìn ở góc độ tích cực. Thầy cô quản lý giờ dạy chắc chắn biết các em đang làm gì. Chỉ nhìn vào mắt HS là biết các em có hiểu bài hay không nên việc quản lý sử dụng điện thoại trong một tiết học là bình thường.
Chỉ được dùng khi giáo viên cho phép
Tương tự, ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường THCS - THPT Marie Curie (Hà Nội), cho rằng điện thoại thông minh được sử dụng trong giờ học như một "đồ dùng học tập" đối với HS, cũng như máy tính cầm tay, thước kẻ, compa... Khi GV yêu cầu HS sử dụng điện thoại truy cập nội dung nào đó trên mạng internet phục vụ bài học, lúc đó HS mới được dùng, hết "nhiệm vụ", GV yêu cầu HS cất đi hoặc thu lại, tùy nội quy của từng trường.
Cô An Thùy Linh, GV dạy tiếng Anh, Trường THCS - THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội), cho rằng với một số môn học, giờ học đặc thù, khi GV áp dụng công nghệ thông tin trong giờ học thì GV bộ môn sẽ quyết định cho phép HS sử dụng điện thoại thông minh để phục vụ cho những nội dung và hoạt động giáo dục nhất định. Do vậy, dù cho phép HS sử dụng điện thoại thông minh trong giờ học nhưng thực tế đó không phải là quyền của HS mà là quyền của GV.
Tuy nhiên, cô Thùy Linh cũng lo ngại nếu hiểu không đúng về điều này thì sẽ dẫn tới tình huống HS nghĩ rằng mình có quyền được sử dụng điện thoại trong mọi giờ học và phản ứng khi phải thu điện thoại như trước nay vẫn làm.
Giáo viên được thoải mái sử dụng điện thoại di động khi đang giảng dạy trên lớp? So với Điều lệ trường Tiểu học tại Thông tư 41/2010/TT-BGDĐT, Điều lệ mới đã bỏ nội dung cấm giáo viên sử dụng điện thoại di động khi đang giảng dạy trên lớp. Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ mới của trường tiểu học ngày 04/9/2020 tại Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT, có hiệu lực từ 20/10/2020, đã dấy...