Bộ cứ cấm, giáo viên cứ dạy
Bất chấp lệnh cấm dạy thêm, học thêm ở bậc tiểu học, không ít giáo viên ở Hà Nội đã tổ chức lớp học buổi tối, ngày cuối tuần để phụ đạo, còn phụ huynh cũng “lên đồng” đẩy con vào các lớp học thêm vì sợ con thua kém bạn bè hay đơn giản chỉ để vừa lòng giáo viên.
Học sinh vạ vật, mệt mỏi sau một ngày học ở trường tiểu học
Giáo viên gây áp lực?
“Con không muốn đi học thứ 7 nữa”, lời của Nguyễn Tuấn N, học sinh lớp 1 tại Hà Nội khi được mẹ hỏi ý kiến về việc có tham gia lớp học do cô giáo chủ nhiệm tổ chức hay không. Lý do N đưa ra là con đã đi học cả tuần ở trường, học thêm ngoại ngữ ở trung tâm rất mệt. Mẹ N đồng quan điểm, cho con được một ngày nghỉ thực thụ.
Nhưng trên thực tế, không phải phụ huynh nào cũng nghĩ như mẹ bé N. Cuộc họp phụ huynh đầu năm, thành viên của ban đại diện cha mẹ học sinh lớp 1 của trường ở quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) đứng lên thuyết phục, kêu gọi toàn bộ phụ huynh học sinh đăng ký lớp học thêm cuối tuần do cô chủ nhiệm tổ chức. Theo chị này, “cô giáo dạy rất tốt, chị đã cho 2 con học tiền tiểu học, học thêm ở nhà cô nhiều năm nay và hoàn toàn yên tâm, về nhà bố mẹ không phải kèm cặp gì thêm. Trong khi đó, con nhà hàng xóm, học hết lớp 1 đọc, viết còn khó khăn”, phụ huynh này kể.
Một phụ huynh có con học lớp 1 ở quận Ba Đình cũng cho biết, gia đình không đặt kỳ vọng con phải xuất sắc nên không cho con học tiền tiểu học, không học thêm. Tuy nhiên, vào học được chừng 1 tháng, cô giáo chủ nhiệm gọi riêng lên trao đổi, con học yếu, không tập trung, đề nghị bố mẹ cho con học thêm để cô có thời gian kèm cặp thêm vì ở lớp học nhiều bạn, con sẽ không theo kịp. “Khi nghe cô nói vậy, vợ chồng đành đăng ký cho con học thêm chứ biết tính sao”, phụ huynh này nói.
Chị Nguyễn Thị Thu Hương, có con học Trường tiểu học Chu Văn An, quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết, hai năm nay, mỗi tuần chị phải cho con đến học ở nhà giáo viên 1 ngày với chi phí 180 nghìn, trong đó 150 nghìn tiền học, 30 nghìn tiền ăn trưa. Nguyên nhân là do trường xếp lịch học cả thứ 7, lớp của con nghỉ ngày thứ 4 . “Muốn hay không, ngày đó gia đình cũng đành cho con đi học thêm, vì ở nhà cũng không có ai trông. Vì vậy, cả tuần con được nghỉ mỗi ngày chủ nhật nhưng cũng trùng lịch học tiếng Anh ở trung tâm”, chị Hương chia sẻ.
Video đang HOT
Chưa kể, trong lớp một số thành viên hội cha mẹ học sinh thông báo cho từng phụ huynh về việc nên cho con đến học ở trung tâm do cô đứng lớp. Không ít người sợ con thua kém bạn bè, sợ cô trù dập đành đăng ký học cho xong nhưng trong lòng lại ấm ức vì nội dung buổi học thêm cũng chỉ cho trẻ làm các dạng Toán, tiếng Việt trên lớp, các phương án về kỹ năng sống khá đơn giản.
Xử lý nghiêm
Thông tư 17 năm 2012 của Bộ GD&ĐT quy định rõ, các trường hợp không được dạy thêm bao gồm: học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ ngày; học sinh tiểu học (trừ bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, kỹ năng sống). Ngoài ra, thông tư cũng quy định, giáo viên không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mình đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên.
Văn bản này được cho là triệt tiêu việc lách luật dạy thêm đối với học sinh tiểu học do đã nêu rõ đối tượng không được dạy thêm, học thêm. Ngược lại, các trường hợp học sinh THCS, THPT khác Bộ GD&ĐT yêu cầu hoạt động dạy thêm phải góp phần củng cố nâng cao kiến thức, kỹ năng giáo dục nhân cách học sinh. Phù hợp tâm sinh lý và không gây nên tình trạng vượt quá sức tiếp thu của người học. Giáo viên không cắt giảm nội dung trong chương trình GDPT chính khóa để đưa vào dạy thêm. Học sinh cũng phải có nhu cầu, tự nguyện, giáo viên, nhà trường không dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh, gia đình tham gia.
Đầu năm học 2019-2020, ông Lê Ngọc Quang, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã ký văn bản gửi các Phòng GD&ĐT cũng như các nhà trường tuân thủ nghiêm nguyên tắc, không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, học sinh lớp 6, lớp 10.
Bà Đỗ Thị Việt Hiền, Hiệu trưởng Trường THCS Khương Đình, quận Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, trường tổ chức dạy thêm 5 buổi/ tuần đối với lớp 8,9 gồm 5 môn: Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh, Vật lý, Hóa học và 2 buổi/ tuần đối với lớp 6,7. Việc tổ chức dạy thêm nhằm đáp ứng nhu cầu của học sinh, phụ huynh và có thỏa thuận về mức phí. Học sinh được chia nhóm, theo trình độ nhưng chỉ thu 100 nghìn/ 4 buổi. Tuy nhiên cũng chỉ có khoảng 70-75% học sinh đăng ký học. Số còn lại học sinh không có nhu cầu hoặc tìm trung tâm dạy học ở ngoài nhà trường.
Còn hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận Đống Đa chia sẻ, dù đã quán triệt cấm dạy kèm, dạy thêm nhưng đầu năm học phát hiện có giáo viên nhận kèm học sinh yếu kém và do mới manh nha nên nhà trường nhắc nhở, yêu cầu giáo viên dừng ngay hoạt động.
Bà Hoàng Thị Minh Hương, Phó trưởng phòng giáo dục phổ thông, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết sẽ xử lý nghiêm trường vi phạm và xử lý người đứng đầu.
HÀ LINH
Theo Tiền phong
TP HCM đề xuất quy định mới về học thêm, dạy thêm
Sở GD&ĐT TP HCM vừa có tờ trình gửi UBND TP về việc ban hành Quy định quản lý dạy thêm, học thêm nhằm thay thế Quyết định số 21 năm 2014 và Quyết định số 2140 năm 2015 của UBND TP hủy bỏ Điều 5 quy định về quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn.
Anh chi mang tinh minh hoa. Nguôn Internet
Theo đó, tại TP HCM sẽ tồn tại hai hình thức là dạy thêm, học thêm trong nhà trường và dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường.
Đối với dạy thêm, học thêm trong nhà trường, tùy tình hình thực tế mỗi trường có thể tổ chức dạy thêm, học thêm vào các buổi khác nhau trên nguyên tắc không gây ảnh hưởng, đan xen với các lớp học chính khóa, không tổ chức dạy thêm, học thêm vào Chủ nhật, ngày nghỉ lễ, nghỉ tết.
Mỗi học sinh học thêm không quá 6 tiết/môn học/tuần và không quá 18 tiết/tuần. Đảm bảo việc chọn lựa giáo viên và môn học theo nguyện vọng của học viên tham gia học thêm. Về quy mô, mỗi lớp học thêm trong nhà trường có không quá 45 học sinh.
Nhà trường có trách nhiệm thu tiền học thêm để chi trả thù lao cho giáo viên trực tiếp dạy thêm, công tác quản lý dạy thêm, học thêm của nhà trường; chi tiền điện, nước và sửa chữa cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm, học thêm.
Mức thu tiền học thêm do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh với nhà trường nhưng không vượt quá mức trần được phép thu quy định. Sở Tài chính sẽ chủ trì, phối hợp với Sở GD&ĐT hướng dẫn mức thu.
Nhà trường tổ chức thu, chi và công khai thanh, quyết toán tiền học thêm thông qua bộ phận tài vụ của nhà trường; giáo viên dạy thêm không trực tiếp thu, chi tiền học thêm. Mức chi và tỷ lệ phân bổ chi phải được thông qua Hội đồng trường và được quy định cụ thể trong quy chế chi tiêu nội bộ hàng năm của đơn vị.
Với dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường, Sở yêu cầu, tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm thực hiện đầy đủ các quy định hiện hành về quản lý tài chính đối với tiền học thêm. Công khai mức thu tiền học thêm, khi thu phải cấp biên lai thu tiền cho từng học sinh theo quy định.
Mức thu tiền học thêm do thỏa thuận giữa cha mẹ học sinh với tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm.
Tổ chức, cá nhân tổ chức dạy thêm, học thêm cam kết với UBND phường - xã, thị trấn nơi đặt địa điểm dạy thêm, học thêm đảm bảo an toàn cho người dạy và người học; an toàn phòng cháy chữa cháy; không gây ách tắc giao thông, giữ gìn trật tự, an ninh; đảm bảo vệ sinh môi trường.
G.Nguyễn - H.Lan
Theo baophapluat
Học thêm kín lịch vì... sợ cô quên mặt Cho con học thêm vì lo cô quên mặt, không nhớ tên, sợ cô ghét, không theo kịp bạn... Chị Nguyễn Thị Hà (35 tuổi, Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ, chị có con năm nay học lớp 6 nhưng lịch học ở trường, học thêm dày đặc, không còn buổi trống. Học thêm quá nhiều khiến học sinh không còn thời gian...