Bộ có tính đến khả năng rối loạn nhân lực nhà giáo bậc trung học phổ thông?
Nhà trường sẽ vô cùng bị động bởi vì không thể biết được học sinh vào lớp 10 tiếp theo sẽ lựa chọn môn nào để dự báo nhân lực, đặt hàng nhu cầu đào tạo giáo viên.
Bắt đầu từ năm học 2022-2023, việc thực hiện chương trình mới sẽ tiếp tục ở lớp 1, 2, 6 và thực hiện mới ở lớp 3, 7,10, điều này có nghĩa là chương trình 2018 bắt đầu thực hiện ở bậc trung học phổ thông từ năm học 2022-2023.
Trong bài viết này người viết xin được phân tích những điểm mới, khó khăn khi thực hiện chương trình mới ở bậc trung học phổ thông ở các năm tiếp theo về nhân lực giáo viên, đặt hàng đào tạo giáo viên theo nhu cầu.
Các địa phương phải đặt hàng, nhu cầu đào tạo giáo viên
Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên học các ngành đào tạo giáo viên tại các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng được phép đào tạo giáo viên (sau đây gọi chung là cơ sở đào tạo giáo viên) thực hiện theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu và đào tạo theo nhu cầu xã hội.
Theo đó, Điều 3. Xác định nhu cầu đào tạo, giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu quy định:
“1. Hằng năm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh rà soát tính toán và xác định nhu cầu tuyển dụng và đào tạo giáo viên tại địa phương của từng trình độ, cấp học, ngành học, môn học cho năm tuyển sinh gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo trước ngày 31 tháng 01 hằng năm và công khai trên các phương tiện thông tin, truyền thông.
Trên cơ sở nhu cầu tuyển dụng giáo viên theo trình độ, ngành đào tạo của địa phương và nhu cầu xã hội, điều kiện bảo đảm chất lượng và năng lực đào tạo của cơ sở đào tạo giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định và thông báo chỉ tiêu cho các cơ sở đào tạo giáo viên để thực hiện tuyển sinh.
2. Căn cứ chỉ tiêu được Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo, cơ sở đào tạo giáo viên thông báo công khai rộng rãi cho các địa phương, tổ chức, cá nhân có nhu cầu đào tạo giáo viên và thông báo lên Cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo giáo viên.
3. Căn cứ vào chỉ tiêu được thông báo của các cơ sở đào tạo giáo viên và nhu cầu đào tạo giáo viên của địa phương, cơ quan giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu có nhu cầu quyết định thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo giáo viên với cơ sở đào tạo giáo viên theo một trong các hình thức sau:
a) Thực hiện giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên cho cơ sở đào tạo giáo viên trực thuộc;
b) Đặt hàng đào tạo giáo viên cho cơ sở đào tạo giáo viên;
c) Đấu thầu lựa chọn cơ sở đào tạo giáo viên cung cấp dịch vụ đào tạo giáo viên…”
Như vậy, hàng năm các địa phương (tỉnh, thành) phải báo cáo nhu cầu tuyển dụng, đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo giáo viên để đảm bảo dự kiến được nguồn nhân lực giáo viên trong tương lai, tránh thừa, thiếu cục bộ như hiện nay.
Tuy nhiên, sắp tới đây khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới nhất ở bậc trung học phổ thông việc này sẽ rất vất vả và khó dự báo nguồn nhân sự. Phần dưới đây xin được làm rõ nội dung trên.
(Ảnh minh hoạ: Baophuyen.com.vn)
Các môn học, hoạt động của học sinh trung học phổ thông trong chương trình mới
Số môn học, tiết học cấp trung học phổ thông trong chương trình giáo dục phổ thông 2018:
Video đang HOT
Thay vì học 13 môn như hiện nay, học sinh sẽ chỉ học 12 môn, gồm 7 môn bắt buộc và 5 môn tự chọn. 7 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng và an ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương.
5 môn học được chọn từ 3 nhóm môn học (mỗi nhóm có ít nhất 1 môn). Đó là nhóm môn Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật); nhóm môn Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).
Như vậy, mỗi học sinh bậc trung học cơ sở sẽ học tổng số 29 tiết/ tuần. Cụ thể Ngữ văn (3 tiết/ tuần); Toán (3 tiết/ tuần); Ngoại ngữ 1 (3 tiết/ tuần); Giáo dục thể chất (2 tiết/ tuần); Giáo dục quốc phòng và an ninh (1 tiết/ tuần); Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp (3 tiết/ tuần), Nội dung giáo dục của địa phương (1 tiết/ tuần); 3 chuyên đề (3 tiết/ tuần); Môn tự chọn (Ngoại ngữ 2 hoặc Tiếng dân tộc thiểu số) 3 tiết/ tuần, 5 môn tự chọn thuộc các nhóm môn trên (2 tiết/ tuần mỗi môn x 5 môn là 10 tiết/ tuần).
Rất khó dự báo nguồn nhân lực, đặt hàng đào tạo giáo viên
Học sinh sẽ học 29 tiết/ tuần, không chênh lệch so với chương trình hiện hành, tuy nhiên đối với môn tự chọn học sinh sẽ lựa chọn học 5/10 môn.
Tức là sẽ có đến 5 môn nếu học sinh không chọn sẽ dư thừa, giáo viên; các môn, hoạt động mới sẽ thiếu giáo viên.
Điều này sẽ gây ra một số bất cập, có môn học số lượng học sinh chọn quá nhiều nhưng sẽ có những môn học ít hoặc không có học sinh nào chọn.
Có bộ môn học sinh lựa chọn quá ít, không lập được lớp thì tổ chức dạy học thế nào? Nếu rất ít học sinh chọn môn Lịch sử, Sinh học, Giáo dục công dân,… thì những giáo viên đó sẽ như thế nào?
Có năm học học sinh không chọn các môn trên nhưng năm sau học sinh khác lại chọn thì như thế nào?
Làm sao để dự báo, đặt hàng các trường sư phạm đào tạo giáo viên? Rõ ràng là bài toán vô cùng khó cho các trường trung học phổ thông khi thực hiện chương trình mới.
Nếu học sinh được quyền lựa chọn môn học nhưng vì lý do nào đó, nhà trường chưa tổ chức được mà bắt các em chọn theo định hướng thì lại sai quan điểm, mục tiêu đổi mới giáo dụcĐối với 2 môn mới là Âm nhạc và Mĩ thuật thì hiện nay ở bậc trung học phổ thông chưa có giáo viên nếu học sinh chọn thì sẽ giải quyết ra sao? Mà nó là môn tự chọn, nên cũng không ổn định, nếu tuyển dụng giáo viên nhưng học sinh không chọn thì khi đó giáo viên sẽ dôi dư.
Nên việc dự báo thừa, thiếu giáo viên là không thể thực hiện được. Việc thừa, thiếu cục bộ giáo viên ở bậc trung học phổ thông khi thực hiện theo chương trình mới là khó lường.
Sau khi học sinh ở lớp 10 lựa chọn 5 môn/10 môn để học thì đương nhiên ở lớp 11, 12 sẽ học tiếp các môn đó, như vậy các môn lựa chọn nhiều sẽ thiếu giáo viên, môn ít lựa chọn lại thừa giáo viên.
Tuy nhiên, nhà trường sẽ vô cùng bị động bởi vì không thể biết được học sinh vào lớp 10 tiếp theo sẽ lựa chọn môn nào để dự báo nhân lực, đặt hàng nhu cầu đào tạo giáo viên, nếu không sẽ lãng phí nhân lực, tốn ngân sách.
Thời gian còn lại là một năm để hoàn thiện cơ chế chính sách để giải quyết các bất cập trên, rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có những chính sách hợp lý để giải quyết các bất cập trên, đừng để các địa phương bị động, lúng túng.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Đặt hàng đấu thầu đào tạo giáo viên, làm sao để đảm bảo số lượng, chất lượng?
Các địa phương phải có một sự thống nhất trong cách xác định chỉ tiêu, cần phải tính theo con số nhu cầu đào tạo để đáp ứng yêu cầu phát triển ngành.
Vừa qua, tại Hội nghị triển khai Nghị định 116/2020/NĐ-CP về đào tạo giáo viên theo nhu cầu địa phương, lãnh đạo của nhiều cơ sở đào tạo cũng như các địa phương đều chia sẻ những băn khoăn, lo lắng việc triển khai cơ chế đặt hàng, đấu thầu đào tạo giáo viên.
Xung quanh việc triển khai Nghị định116/2020/NĐ-CP, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, đã ghi nhận ý kiến của các cơ sở đào tạo sư phạm, các địa phương.
Theo đó, xét về mặt ý tưởng, nội dung trong Nghị định 116/2020/NĐ-CP về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm có nhiều đổi mới tích cực, giúp tăng tính cạnh tranh lành mạnh giữa các đơn vị đào tạo, đồng thời tạo sự bình đẳng cho sinh viên.
Tuy nhiên, cách mà chúng ta triển khai thực hiện lại chưa đi đúng hướng, chưa đúng với ý tưởng ban đầu đó".
Cụ thể, hiện nay học phí của sinh viên sư phạm đang thực hiện theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP, sinh viên sư phạm mầm non đến phổ thông đều được miễn học phí. Nhà nước hỗ trợ học phí bằng cách cấp một khoản ngân sách cho các trường đào tạo giáo viên, gọi là ngân sách hỗ trợ đào tạo sư phạm cơ bản.
Đối với Nghị định 116/2020/NĐ-CP, nguồn ngân sách sẽ được chuyển trực tiếp cho người thụ hưởng - đó chính là sinh viên. Sau khi sinh viên nhập học tại trường mới chuyển lại học phí cho trường thông qua học bổng được nhận.
Có thể thấy, theo hướng đi này, các trường đào tạo giáo viên sẽ chọn lọc, đảm bảo được chất lượng đầu vào. Đây là tín hiệu tích cực đối với ngành sư phạm.
Tuy nhiên, bài toán đặt ra là cách thức triển khai, thực hiện như thế nào để đạt những mục tiêu ban đầu.
Các địa phương phải có một sự thống nhất trong xác định chỉ tiêu theo nhu cầu đào tạo. (Ảnh minh họa: Lã Tiến)
Xác định chỉ tiêu theo nhu cầu tuyển dụng hay nhu cầu đào tạo?
Nghị định 116/2020/NĐ-CP có nêu yêu cầu: "Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh rà soát, thống kê nhu cầu đào tạo giáo viên, nhu cầu tuyển dụng sinh viên sau tốt nghiệp của địa phương theo từng trình độ, cấp học, ngành học, từ đó xác định chỉ tiêu để giao nhiệm vụ cho cơ sở đào tạo giáo viên trực thuộc tỉnh, hoặc đặt hàng, đấu thầu đào tạo giáo viên với các trường có ngành sư phạm".
Chỉ tiêu đang được giao cho các địa phương xác định. Tuy nhiên, nhiều địa phương đang có sự nhầm lẫn giữa hai khái niệm "nhu cầu đào tạo" và "nhu cầu tuyển dụng".
Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tại đã có Công văn hướng dẫn các địa phương xác định đúng nhu cầu đào tạo và tổ chức họp với các trường đào tạo giáo viên chủ chốt về nguyên tắc phân bố chí tiêu sư phạm sao cho đáp ứng đúng nhu cầu, phù hợp năng lực các trường.
Thời gian đào tạo là 4 năm, nếu muốn đảm bảo nhân lực cho năm 2025 thì từ năm 2021, các địa phương phải đặt hàng rồi. Đây thực tế vẫn là một bài toán nan giải.
Số lượng nhu cầu tuyển dụng do ngành nội vụ quyết định biên chế. Cách tính của nhu cầu tuyển dụng và nhu cầu đào tạo là hoàn toàn khác nhau.
Nhu cầu tuyển dụng là do Bộ, Ngành Nội vụ quyết định dựa vào những tiêu chí riêng của ngành. Mỗi năm họ tuyển dụng số lượng bao nhiêu còn phụ thuộc vào quỹ lương, mỗi năm có bao nhiêu giáo viên về hưu thì họ sẽ tuyển theo đúng số lượng đó để bổ sung nhân lực.
Cách tính của nhu cầu đào tạo không như vậy, quy mô dân số tăng, sự tác động của quá trình di cư cơ học dẫn đến số lượng học sinh tăng lên hằng năm. Điều đó đồng nghĩa với việc số lượng giáo viên cũng phải tăng theo.
Theo quy định về việc tổ chức lớp học, sĩ số mỗi lớp bậc tiểu học không quá 35 em, sĩ số mỗi lớp học ở bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông không quá 45 em. Tuy nhiên trên thực tế hiện nay, nhiều địa bàn đang phải chịu áp lực về sĩ số, có lớp tiểu học chạm mốc 50 - 60 học sinh.
Vậy trong tương lai, những lớp học này phải được tách ra, số lớp học tăng lên, nhu cầu đào tạo giáo viên phải tính đến vấn đề này
Bên cạnh đó, theo chương trình giáo dục phổ thông 2018, chúng ta phải đảm bảo học sinh được học 2 buổi/ngày. Để đáp ứng yêu cầu này, số lượng giáo viên buộc phải tăng.
Do đó, con số của nhu cầu tuyển dụng sẽ thấp hơn rất nhiều so với con số của nhu cầu đào tạo. Và nhu cầu đào tạo mới là con số thực để phát triển ngành, đáp ứng được những yêu cầu bức thiết của ngành giáo dục. Nếu các địa phương xác định chỉ tiêu theo nhu cầu tuyển dụng thì tương lai, ngành giáo dục sẽ còn đối mặt với rất nhiều vấn đề.
63 tỉnh thành đang có cách hiểu không giống nhau, nếu tính theo nhu cầu tuyển dụng, chúng ta không bao giờ thực hiện được yêu cầu về sĩ số, tổ chức lớp học, cũng không thể nào đảm bảo cho học sinh học 2 buổi/ngày.
Và tương lai, câu chuyện thiếu giáo viên, quá tải sĩ số lớp học, những vấn đề tồn đọng bao lâu nay cũng sẽ chẳng thể giải quyết được.
Điều quan trọng là các tỉnh, các địa phương phải có một sự thống nhất trong cách xác định chỉ tiêu. Chúng ta cần tính chỉ tiêu theo nhu cầu đào tạo, bởi lẽ đây là con số thực tế đảm bảo phát triển ngành giáo dục trong tương lai.
Đấu thầu phải đảm bảo tiêu chí chất lượng
Theo đại diện của các cơ sở đào tạo sư phạm, một trong những yêu cầu quan trọng của cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu đào tạo giáo viên là xác định các tiêu chí để đánh giá và chọn lọc.
Tiêu chí giao nhiệm vụ là gì, tiêu chí đặt hàng, tiêu chí chọn nhà thầu và đấu thầu ra sao? Đây là những vấn đề quan trọng, liên quan trực tiếp đến chất lượng đào tạo giáo viên và quyết định chất lượng nguồn nhân lực sư phạm tương lai. Song, những nội dung này lại chưa được quy định rõ ràng, chưa có một văn bản hướng dẫn cụ thể.
Sản phẩm của giáo dục không giống như một chiếc cốc, một cái chén, không giống với một món hàng bình thường nào khác. Phải đến 4 năm chúng ta mới biết sản phẩm này có hoàn thành hay không, có đảm bảo chất lượng hay không.
Hiện tại, cứ mặc nhiên các trường địa phương được giao nhiệm vụ, trong khi các trường đó điểm đầu vào luôn thấp hơn các trường thuộc Trung ương, chất lượng đầu vào khác nhau đòi hỏi phải có tiêu chí đánh giá rõ ràng.
Ngay cả việc giao nhiệm vụ hay đặt hàng, muốn biết chất lượng sản phẩm giáo dục thế nào cần quy định cụ thể. Để giao nhiệm vụ và đặt hàng, cần xây dựng những tiêu chí cơ bản, cần phải xem xét trường đó có đủ điều kiện để nhận nhiệm vụ hay đặt hàng đào tạo giáo viên không?
Tương tự với cơ chế đấu thầu, đầu tiên cần có những tiêu chí để tuyển chọn nhà thầu. Sau khi tuyển chọn được nhà thầu, tiếp tục xây dựng tiêu chí, thang đo cụ thể, đảm bảo đúng quy trình và nguyên tắc đấu thầu đối với loại hàng hóa đặc biệt là sản phẩm giáo dục.
Không giống mặt hàng bình thường hay khóa đào tạo ngắn hạn, có thể mở gói thầu, đóng gói thầu với quy trình đơn giản, đào tạo giáo viên là đào tạo dài hạn, quy trình lâu dài nên cần có hướng dẫn theo từng tiêu chí cụ thể.
Phải đấu thầu theo đơn giá hay theo chất lượng và đơn giá? Rõ ràng, với một sản phẩm giáo dục, chúng ta không thể bỏ qua tiêu chí về chất lượng. Vậy, khi tính theo chất lượng và đơn giá thì chia trọng số như thế nào? Chất lượng luôn phải là yếu tố quyết định, có thể quy định 80% chất lượng và 20% đơn giá.
Tiêu chí chất lượng bao gồm: Tỷ lệ điểm đầu vào của trường so với mức điểm sàn trong 4 năm qua; tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm; tỷ lệ giảng viên đạt chuẩn; tỷ lệ tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư so với mức trung bình toàn quốc; kiểm định chất lượng,....
Sau khi tính điểm và tổng hợp điểm dựa vào những tiêu chí đó, nhân với hệ số 8 để ra điểm số về chất lượng. Còn đơn giá chỉ nhân với hệ số 2. Điều đó nghĩa là dù các trường có hạ đơn giá xuống thấp mà không đảm bảo chất lượng thì cũng không đạt được yêu cầu để đào tạo giáo viên.
Đây là cách làm giải quyết chất lượng đào tạo cho nguồn nhân lực ngành sư phạm.
Theo đó, trước khi đấu thầu, phải xác định tiêu chí, thang điểm đối với từng tiêu chí. Nếu điểm đầu vào của trường cao hơn điểm sàn của Bộ đưa ra là 1 điểm thì có thể cộng thêm 1 điểm, cao hơn 2 điểm thì cộng thêm 2 điểm vào quỹ điểm chất lượng.
Nếu trường có số lượng tiến sĩ nhiều hơn mức trung bình toàn quốc là 5 người thì sẽ được cộng 5 điểm. Tương tự cách tính với các tiêu chí về tỷ lệ phó giáo sư, giáo sư, tiêu chí kiểm định,...
Mỗi tiêu chí quy định một mức đánh giá, nếu vượt qua mức quy định trường được cộng điểm, nếu không đạt tiêu chí trường sẽ bị trừ điểm, bị loại.
Xác định tiêu chí trong đấu thầu là vô cùng quan trọng, nếu không có tiêu chí thì việc đấu thầu đào tạo giáo viên sẽ thực hiện theo đơn giá. Sẽ ra sao nếu chúng ta bỏ qua yếu tố chất lượng? Và tương lai, chất lượng nhân lực cho ngành liệu có được đảm bảo?
Đây chính là bài toán về nguồn nhân lực ngành giáo dục tương lai, yếu tố chất lượng phải được đặt lên hàng đầu. Chất lượng của một cơ sở đào tạo sẽ quyết định chất lượng sản phẩm đào tạo giáo viên trong tương lai, cũng quyết định đến cả chất lượng giáo dục cho thế hệ tương lai của đất nước.
SV Sư phạm không vào diện 'đặt hàng' có được hỗ trợ 3,63 triệu/tháng? Nhiều sinh viên dự kiến vào các ngành sư phạm băn khoăn về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ. Theo Nghị định 116, sinh viên sư phạm sẽ được nhà nước hỗ trợ 2 khoản kinh phí là học phí và sinh hoạt phí. Trong đó, tiền đóng học phí...