Bộ chưa ban hành Quy chế Tuyển sinh, trường đã nhận hồ sơ xét tuyển
Đến nay, Bộ GD – ĐT vẫn đang trong quá trình xây dựng và dự thảo Quy chế Tuyển sinh đại học chính quy năm 2021. Tuy nhiên, nhiều trường đại học đã bắt đầu thông báo nhận hồ sơ xét tuyển học bạ. Việc này có đúng quy chế?
Nhận hồ sơ từ 1/3
Từ ngày 1/3, trường ĐH Kinh tế – Tài chính TP. HCM (UEF) nhận hồ sơ xét tuyển học bạ theo phương thức 5 học kỳ và tổ hợp 3 môn lớp 12. Đây là hai trong bốn phương thức trường công bố trong đề án tuyển sinh dự kiến năm 2021.
Theo đó, trường dành 30% tổng chỉ tiêu cho hai phương thức này. Cụ thể, phương thức xét học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn, thí sinh cần có tổng điểm trung bình năm lớp 12 của 3 môn trong tổ hợp xét tuyển đạt từ 18 điểm trở lên; phương thức xét tuyển học bạ 5 học kỳ, thí sinh cần có tổng điểm trung bình 5 học kỳ xét tuyển (gồm 2 học kỳ lớp 10, 2 học kỳ lớp 11 và học kỳ I lớp 12) đạt từ 30 điểm trở lên.
Nhiều trường đại học đã bắt đầu thông báo nhận hồ sơ xét tuyển học bạ từ ngày 1/3.
Tương tự, Hội đồng tuyển sinh trường ĐH Nguyễn Tất Thành thông báo, bắt đầu từ ngày 1/3 nhà trường sẽ chính thức nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển theo phương thức học bạ THPT đợt 1 dành cho tất cả các thí sinh.
Theo đó, trong kỳ tuyển sinh đại học năm 2021, phương thức xét tuyển học bạ THPT tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành vẫn duy trì ở 3 tiêu chí gồm: Xét điểm học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn đạt từ 18 điểm; điểm trung bình cả năm lớp 12 đạt từ 6,0 và tổng điểm trung bình học bạ THPT 3 học kỳ năm lớp 10, 11, 12 (thí sinh được chọn điểm cao nhất trong 2 học kỳ mỗi năm học) đạt từ 18 điểm.
Đặc biệt, ở thời điểm hiện tại, khi đã có kết quả học kỳ I lớp 12 trong tay, thí sinh đã có thể nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển học bạ THPT 3 học kỳ ngay trong đợt đầu tiên từ ngày 1/3 đến hết ngày 2/5 để nắm chắc suất vào đại học năm 2021.
Video đang HOT
Vì chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển học bạ THPT chỉ chiếm 40%, nên nếu đủ chỉ tiêu, các thí sinh nộp sau sẽ không còn cơ hội. Thêm nữa, nhiều ngành “hot” hầu như đạt chỉ tiêu ngay trong đợt tuyển sinh đầu tiên, thí sinh nộp trước bao giờ cũng lợi thế hơn và có thể dễ dàng chọn được ngành học phù hợp với năng lực và sở thích.
Năm 2021, HUTECH thực hiện xét tuyển học bạ THPT theo 2 phương thức: Xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình 3 học kỳ (lớp 11 và học kỳ I lớp 12), xét tuyển học bạ theo tổng điểm trung bình 3 môn năm lớp 12.
HUTECH áp dụng các phương thức xét tuyển học bạ trên cho tất cả các ngành đào tạo trình độ Đại học chính quy tại Trường; gồm 50 ngành thuộc nhiều lĩnh vực như: Khoa học Sức khỏe, Kỹ thuật – Công nghệ, Kinh tế – Quản trị, Khoa học Xã hội & Nhân văn, Kiến trúc – Mỹ thuật Ứng dụng, Sinh học – Môi trường – Nông Lâm, Ngoại ngữ, Luật.
Để đăng ký xét tuyển bằng học bạ THPT, thí sinh cần tốt nghiệp THPT và có điểm xét tuyển đạt từ ngưỡng điểm do HUTECH quy định. Cụ thể, với phương thức xét tuyển học bạ 3 học kỳ, thí sinh cần có tổng điểm trung bình 3 học kỳ xét tuyển (gồm 2 học kỳ lớp 11 và học kỳ I lớp 12) đạt từ 18 điểm trở lên; với phương thức xét học bạ lớp 12 theo tổ hợp 3 môn, thí sinh cần có tổng điểm trung bình năm lớp 12 của 3 môn trong tổ hợp xét tuyển đạt từ 18 điểm trở lên. Riêng với nhóm ngành Khoa học sức khỏe, điều kiện xét tuyển áp dụng theo quy định của Bộ GD – ĐT.
Nhiều trường đại học tư thục cũng khởi động hoạt động tương tự từ ngày đầu tiên của tháng Ba. Cụ thể, trường ĐH Duy Tân, trường ĐH Văn Lang, trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng… cũng bắt đầu xét học bạ từ ngày 1/3.
Không chỉ có trường ngoài công lập mà ngay cả trường công lập cũng bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển từ 1/3. Cụ thể, trường ĐH Nông Lâm TP. HCM vừa thông báo nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển đại học chính quy bằng hình thức xét kết quả học tập bậc THPT. Đây là 1 trong 4 phương thức tuyển sinh của trường năm nay, áp dụng cho khoảng 40% chỉ tiêu các ngành tại cơ sở chính TP. HCM (tổng chỉ tiêu dự kiến gần 4.900).
Cụ thể, trường xét kết quả học tập của 5 học kỳ bậc THPT (trừ học kỳ 2 lớp 12) với học sinh đã tốt nghiệp, có điểm trung bình các môn thuộc tổ hợp xét tuyển từ 6 trở lên…
Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP. HCM cũng bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển phương thức này từ 1/3. Theo ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông, ở đợt đầu tiên này trường nhận hồ sơ đến hết ngày 25/4 và dự kiến xét tuyển khoảng 40% chỉ tiêu (tương đương 1.400 TS). TS nộp hồ sơ cần có điểm trung bình cộng các môn theo tổ hợp xét tuyển của năm lớp 10, 11 và học kỳ 1 lớp 12 đạt từ 18 trở lên.
Nhận sớm để làm gì?
ThS Phạm Thái Sơn cho rằng những thí sinh đăng ký xét tuyển trong đợt đầu luôn có cơ hội rộng mở trong chặng đua vào đại học. Chỉ tiêu xét tuyển bằng học bạ của trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP. HCM là 1.400 chỉ tiêu. Trường có phân chỉ tiêu cho riêng đợt xét tuyển học bạ đầu là 840 chỉ tiêu cho 34 ngành đào tạo. Có thể nói đây là đợt xét tuyển học bạ có quy mô lớn nhất của trường.
Thí sinh chọn đăng ký xét tuyển bằng điểm học bạ ngày càng tăng trong những năm qua.
Theo ông Sơn, các trường mở đợt xét tuyển sớm bởi đến nay, thí sinh lớp 12 đã có điểm trung bình học kỳ I. Các bạn đã có thể tham gia xét tuyển theo phương thức xét điểm trung bình 5 học kỳ THPT (không tính học kỳ II lớp 12) hoặc tổng điểm trung bình 3 học kỳ tốt nhất của bậc THPT (thí sinh được chọn điểm trung bình học kỳ tốt nhất mỗi năm học).
Trong khi đó, ThS Phạm Doãn Nguyên, Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh, trường ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM giải thích, số thí sinh chọn đăng ký xét tuyển bằng điểm học bạ ngày càng tăng trong những năm qua.
Đa số các trường đại học hiện nay đều dành khá nhiều chỉ tiêu cho xét tuyển học bạ, bên cạnh việc xét tuyển dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT, kỳ thi đánh giá năng lực. Bởi đây là phương có nhiều ưu điểm như giảm áp lực thi cử, giúp thí sinh lựa chọn được ngành học, trường phù hợp, tăng cơ hội trúng tuyển của mình
Vì vậy, thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển học bạ THPT sớm sẽ có nhiều lợi thế vì thường ở đợt đầu chỉ tiêu các ngành còn nhiều, điểm trúng tuyển không quá cao nên dễ trúng tuyển hơn những đợt sau.
“Trên thực tế, sinh viên trúng tuyển theo bất cứ phương thức nào thì khi học cũng học chung với nhau, chương trình đào tạo như nhau, hưởng thụ các dịch vụ hỗ trợ sinh viên, giá trị bằng cấp như nhau. Thí sinh xét tuyển dựa vào học bạ THPT nên xác định ngành, trường mình yêu thích, chọn hình thức xét tuyển hoặc tổ hợp môn có mức điểm cao nhất đăng ký xét tuyển sớm để được ưu tiên, khi đăng ký xét tuyển”, ông Nguyên nói.
Lãnh đạo các trường đại học nhận hồ sơ xét tuyển từ ngày 1/3, khi Bộ chưa ban hành Quy chế Tuyển sinh đại học chính quy năm 2021 nói rằng, Luật Giáo dục Đại học trao quyền tự chủ tuyển sinh cho các trường. Do đó, việc các trường nhận hồ sơ xét tuyển từ ngày 1/3 là không sai.
Vì sao nhiều trường chưa cho sinh viên học tập trung?
Dù UBND TP. HCM đã có quyết định cho phép sinh viên quay lại trường học từ 1/3 nhưng sáng nay, nhiều trường đại học vẫn cho sinh viên học online, chưa tổ chức học tập trung.
Cụ thể, trường ĐH Nguyễn Tất Thành ban hành thông báo, các lớp học phần đã triển khai học trực tuyến sẽ tiếp tục dạy đến hết ngày 7/3. Từ ngày 8/3, tất cả các lớp sẽ quay trở lại học tập trung bình thường theo kế hoạch học kỳ 2 năm học. Chỉ riêng các lớp học phần đặc thù như: Thực hành, thí nghiệm, thực tập tốt nghiệp, khóa luận tốt nghiệp, đồ án... sẽ tổ chức dạy và học từ 1/3.
Không ít trường cũng chọn hình thức giãn cách thời gian quay trở lại trường học tập trung theo từng đối tượng sinh viên.
Sáng nay, nhiều trường đại học vẫn cho sinh viên học online, chưa tổ chức học tập trung.
Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP. HCM cũng tỏ ra thận trọng nên chưa tổ chức cho sinh viên học tập trung tại trường. PGS. TS Nguyễn Xuân Hoàn, Hiệu trưởng trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP. HCM cho biết, sinh viên của trường đến từ Hải Dương, Hải Phòng là khá đông, chỉ riêng Hải Dương là 655 em nên tập trung học từ đầu tháng Ba tới là chưa ổn nên trường quyết định phần học lý thuyết sẽ tiếp tục học online đến hết tháng Ba; với phần thực hành, nếu từ nay đến giữa tháng Ba tình hình ổn hơn thì mới tập trung sinh viên để học thực hành.
ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP. HCM cho biết, đối với các học phần lý thuyết, trường sẽ cho sinh viên tiếp tục học online đến hết tháng Ba để đảm bảo an toàn. Riêng các lớp thực hành, trường dự kiến sẽ học trở lại từ 8/3 vì số lượng sinh viên trong lớp thực hành ít, tối đa không quá 24 bạn nên dễ kiểm soát và thực hiện các biện pháp an toàn phòng chống dịch.
Trường ĐH Tôn Đức Thắng tiếp tục học tập trên nền tảng công nghệ số từ ngày 1/3 đến 7/3 đối với tất cả nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên, học sinh. Người học sẽ trở lại học tập trung tại trường từ ngày 8/3 theo thời khóa biểu.
Các trường ĐH Kinh tế - Luật, trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP. HCM) chọn thời gian cho sinh viên quay trở lại trường học tập trung từ 8/3.
Ba trường đại học nhận hồ sơ xét tuyển học bạ từ 1/3 Nhiều trường ĐH nhận hồ sơ xét tuyển theo phương thức xét điểm học bạ từ ngày 1/3. Với cách thức này các trường chỉ tính điểm của 5 học kỳ (lớp 10, 11 và học kỳ I năm 12) hoặc tính điểm 3 môn của tổ hợp xét tuyển. Ảnh minh họa Ông Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh...