Bộ Chính trị ra Chỉ thị về phổ cập giáo dục mầm non
Bộ Chính trị vừa ban hành Chỉ thị số 10-CT/TW về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn.
Xin trân trọng giới thiệu toàn văn Chỉ thị:
Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo; đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị quan trọng chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai các nhiệm vụ cụ thể nhằm thực hiện chủ trương giáo dục là quốc sách hàng đầu. Bộ Chính trị (khoá VIII) đã ban hành Chỉ thị về phổ cập giáo dục trung học cơ sở (số 61-CT/TW, ngày 28-12-2000).
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Chỉ thị này đã được cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương tổ chức quán triệt và triển khai nghiêm túc, rộng khắp với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, tạo được sự chuyển biến nhận thức về vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân trong việc phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Năm 2010, cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở; công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học tiếp tục thu được những kết quả quan trọng; cơ sở vật chất được củng cố và phát triển; công tác xã hội hóa giáo dục đã đạt được những tiến bộ nhất định.
Tuy nhiên, một số cấp ủy đảng và chính quyền nhận thức chưa đầy đủ về vị trí và tầm quan trọng của công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ cho người lớn. Giáo dục mầm non chất lượng còn thấp và chưa được đầu tư thỏa đáng; chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở ở nhiều nơi còn hạn chế, chưa thật vững chắc, nhiều xã ở vùng sâu, vùng xa chưa đạt chuẩn, tỉ lệ lưu ban và bỏ học còn lớn. Số người lớn mù chữ và tái mù chữ còn nhiều ở đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa.
Các trường phổ thông dân tộc nội trú và bán trú dân nuôi chưa được quan tâm đúng mức. Chủ trương phân luồng sau trung học cơ sở chưa được thực hiện nghiêm túc, tỉ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở đi học nghề rất thấp. Công tác xã hội hóa giáo dục chưa đạt kết quả như mong muốn. Cơ sở vật chất, trường, lớp học ở nhiều địa phương còn nhiều yếu kém. Để khắc phục những hạn chế, khuyết điểm và phát huy kết quả đã đạt được trong công tác phổ cập giáo dục, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể nhân dân cần quán triệt sâu sắc quan điểm chỉ đạo và thực hiện tốt những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp dưới đây:
1- Quan điểm chỉ đạo
Phổ cập giáo dục là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhằm tạo nền tảng dân trí vững chắc để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần thực hiện thành công một trong ba khâu đột phá trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020.
Chăm lo giáo dục cho toàn dân, xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ của các cấp, các ngành, các đoàn thể, của mọi gia đình và toàn xã hội. Tiếp tục đẩy mạnh huy động mọi nguồn lực cho giáo dục, trong đó Nhà nước đóng vai trò chủ đạo. Kiên trì thực hiện chủ trương phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, tạo chuyển biến tích cực trong việc điều chỉnh hợp lý cơ cấu và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xã hội.
Video đang HOT
2- Mục tiêu
- Mục tiêu tổng quát
Nâng cao trình độ dân trí một cách toàn diện, mở rộng giáo dục mầm non, hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và trung học cơ sở với chất lượng và hiệu quả ngày càng cao, tiến tới phổ cập giáo dục trung học ở những nơi có điều kiện; cơ bản xóa mù chữ và ngăn chặn tái mù chữ ở người lớn; đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở đi đôi với phát triển mạnh và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp và giáo dục phổ thông gắn với dạy nghề nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của đất nước.
- Mục tiêu cụ thể
Năm 2015, huy động 80% trẻ từ 3 đến 5 tuổi vào học mẫu giáo; phấn đấu cả nước hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.
Năm 2020, huy động được 99,7% trẻ 6 tuổi vào học lớp 1, tỉ lệ lưu ban và bỏ học ở tiểu học dưới 0,5%. 100% đơn vị cấp tỉnh, 100% đơn vị cấp huyện và 99,5% đơn vị cấp xã phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi theo quy định của Chính phủ. Tỉ lệ trẻ hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6 đạt 99,8%; tỉ lệ lưu ban và bỏ học ở bậc trung học cơ sở dưới 1%; phấn đấu có ít nhất 30% học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở đi học nghề, xóa mù chữ cho 1 triệu người từ 36 tuổi đến hết tuổi lao động.
3- Một số nhiệm vụ và giải pháp
3.1- Bổ sung và hoàn thiện chính sách và bảo đảm các điều kiện cần thiết hỗ trợ bậc mầm non phát triển bền vững; nâng dần tỉ lệ huy động trẻ từ 3 đến 5 tuổi được học mẫu giáo, thực hiện chăm sóc, giáo dục 2 buổi/ngày; hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi vào năm 2015.
3.2- Tiếp tục củng cố vững chắc và phát triển kết quả phổ cập giáo dục đã đạt được; hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở và phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi ở những huyện, xã chưa đạt chuẩn; từng bước tiến hành phổ cập giáo dục trung học ở những nơi có điều kiện theo quy định của Chính phủ.
3.3- Nhà nước tăng cường hỗ trợ giúp các địa phương đẩy mạnh công tác xóa mù chữ cho những người trong độ tuổi lao động, giảm tỉ lệ người tái mù chữ ở người lớn, nhất là Tây Nguyên, đồng bằng Sông Cửu Long và miền núi phía Bắc, người lao động tự do ở các tỉnh, thành phố lớn.
3.4- Triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt việc phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở theo hướng tăng nhanh tỉ lệ học sinh vào học ở các trường trung cấp chuyên nghiệp, trung cấp nghề. Tăng cường đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất trang thiết bị dạy và học nghề; hỗ trợ các trung tâm giáo dục thường xuyên dạy bổ túc văn hóa trung học phổ thông gắn với dạy nghề; có cơ chế khuyến khích các cơ sở tuyển dụng học sinh sau trung học cơ sở qua đào tạo nghề; tạo điều kiện thuận lợi để học sinh được học liên thông lên các cấp học cao hơn.
3.5- Tập trung nguồn lực phát triển giáo dục, nâng cao chất lượng và hiệu quả phổ cập giáo dục ở những vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Có những giải pháp tích cực để nâng cao trình độ tiếng Việt, giảm tỉ lệ lưu ban và bỏ học đối với học sinh ở những vùng khó khăn, đặc biệt là học sinh người dân tộc thiểu số.
3.6- Tiếp tục nâng cao năng lực và chất lượng đào tạo của các trường sư phạm; đổi mới chính sách thu hút học sinh giỏi vào các trường sư phạm nhằm bảo đảm đủ số lượng và không ngừng nâng cao chất lượng, bảo đảm chuẩn hóa về trình độ đội ngũ giáo viên.
3.7- Hoàn thiện chế độ, chính sách đãi ngộ đối với giáo viên nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Hoàn thiện chính sách thu hút giáo viên công tác tại vùng đặc biệt khó khăn và giáo viên dạy bổ túc văn hóa trung học phổ thông cho cơ sở dạy nghề và các trung tâm giáo dục thường xuyên.
3.8- Huy động mọi nguồn lực trong xã hội để phát triển mạng lưới trường lớp, nâng cấp cơ sở vật chất, bổ sung đồ dùng, thiết bị dạy và học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, phục vụ thiết thực công tác phổ cập giáo dục. Thực hiện tốt chương trình đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo nghề; đồng thời tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước cho công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục.
3.9- Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, hiệu lực quản lý nhà nước đối với công tác phổ cập giáo dục. Làm tốt công tác tuyên truyền vận động, kịp thời biểu dương người tốt, việc tốt và những địa phương làm tốt công tác phổ cập giáo dục; phối hợp liên ngành, phát huy kết quả hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị, tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa công tác phổ cập giáo dục. Thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát để bảo đảm nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục.
4- Tổ chức thực hiện Các tỉnh ủy, thành ủy, các ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương và các cấp ủy đảng có trách nhiệm lãnh đạo tổ chức quán triệt, xây dựng các chương trình và kế hoạch cụ thể thực hiện Chỉ thị này.
Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo việc thể chế hóa về mặt Nhà nước các giải pháp xây dựng và triển khai Đề án thực hiện Chỉ thị gắn với việc thực hiện chủ trương “Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam”. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể, các tổ chức chính trị-xã hội xây dựng chương trình và kế hoạch động viên nhân dân tích cực, chủ động thực hiện chương trình phổ cập giáo dục.
Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng, Ban cán sự đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội giúp Bộ Chính trị hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các bộ, ngành và địa phương thực hiện Chỉ thị, định kỳ báo cáo Bộ Chính trị tình hình thực hiện Chỉ thị.
Chỉ thị này phổ biến đến các chi bộ để thực hiện.
Theo TTXVN/Vietnam
Hà Nội có trên 1.000 trẻ tự kỷ đang học cấp tiểu học
Sáng 15/12, Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức hội thảo "Giáo dục hòa nhập cho trẻ tự kỷ". Hội thảo nhằm tìm ra cách thức tiến hành giáo dục hòa nhập cho trẻ tự kỷ ở địa bàn thủ đô được tốt hơn trong thời gian tới.
Theo thống kê của Phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT Hà Nội) năm học 2011-2012, hiện nay ở thủ đô có 1.021 trẻ tự kỷ đang học cấp tiểu học. Tại hội thảo ông Phạm Xuân Tiến - Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học chia sẻ: "Dạy trẻ vốn là một công việc đầy khó nhọc, nhưng dạy trẻ tự kỷ còn lại khó nhọc hơn nhiều, bởi vì công việc này đòi hỏi người thực hiện không chỉ có chuyên môn vững vàng, mà còn phải lòng thương yêu cao cả và tinh thần trách nhiệm và quan trọng hơn nữa là cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các nhà chuyên môn, các bậc phụ huynh, các cơ quan ban ngành, đoàn thể, các tổ chức trong và ngoài nước, những người quan thực sự quan tâm đến tương lai và cuộc đời của trẻ em tự kỷ. Trong tình hình hiện nay, do kinh nghiệm còn ít, do điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn nên việc thực hiện công tác giáo dục hòa nhập cho trẻ tự kỷ cấp tiểu học trên địa bàn Hà Nội chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn".
Theo Th.s Nguyễn Thị Thanh, cán bộ giảng viên trường CĐ Sư phạm Trung ương, hiện nay có ba mô hình đào tạo dành cho trẻ tự kỷ: mô hình giảng dạy chuyên biệt, môt hình giảng dạy bán hòa nhập và mô hình giảng dạy hòa nhập. Tuy nhiên theo thời gian nghiên cứu thì mô hình hiệu quả hơn cả chính là giáo dục hòa nhập.
Th.s Thanh cũng cho rằng, trẻ tự kỷ là những trẻ bị mắc một tổ hợp những khiếm khuyết về thần kinh dẫn đến trẻ gặp những khó khăn về mặt giao tiếp, xã hội và hành vi. Mức độ tự kỷ ở mỗi trẻ mắc phải có sự khác nhau từ nhẹ đến nặng và thời điểm triệu chứng thể hiện cũng khác nhau. Tuy nhiên tất cả trẻ tự kỷ đều có một điểm chung giống nhau là khó khăn về giao tiếp và tương tác xã hội. Chính vì thế khi trẻ tự kỷ hòa nhập vào giáo dục cộng đồng sẽ tạo ra sự tương tác cần thiết nhưng cũng hết sức chú ý trong giao tiếp.
"Có lần tôi đến thăm một trường học một em chạy ra nói: "Lớp em có một bạn bị tự kỷ", nghe xong câu nói này em HS tự kỷ luôn lảng tránh không muốn giao tiếp với tôi nữa..." - Th.s Thanh nêu dẫn chứng.
Theo đánh giá của các cán bộ, giáo viên tham gia hội thảo thì con số hơn 1.000 trẻ tự kỷ học ở bậc tiểu học chưa phải là con số thực tế. Bởi không ít HS có biểu hiện tự kỷ hoặc khuyết tật về trí tuệ nhưng các bậc phụ huynh vẫn chưa dám đối mặt, chưa thừa nhận. Trong khi đó việc giáo dục trẻ tự kỷ cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình, nếu thiếu sự phối hợp chắc chắn hiệu quả sẽ không cao.
Dưới góc độ nghiên cứu, PGS.TS Lê Văn Tạc (Viện khoa học Giáo dục Việt Nam) nhấn mạnh: "Đối với trẻ tự kỷ nếu được hòa nhập và dìu dắt một cách khoa học thì các em có thể học tập và trưởng thành như trẻ bình thường khác".
Cũng tại hội thảo sáng nay, một số mô hình giáo dục hòa nhập trẻ tự kỷ cấp tiểu học hiệu quả ở quận Cầu Giấy cũng được chia sẻ để đánh giá và rút kinh nghiệm...
"Chúng tôi mong muốn sau hội thảo này sẽ tìm ra được cách thức hợp lý nhất dành cho nhà trường, giáo viên, phụ huynh... để triển khai công tác giáo dục hòa nhập cho trẻ tự kỷ" - Trưởng phòng giáo dục tiểu học Phạm Xuân Tiến bày tỏ.
Ở Việt Nam, hội chứng tự kỷ mới được chẩn đoán gần 10 năm trước nhưng đã phát triển rất nhanh. Năm 2003, bệnh viện Nhi đồng I chỉ điều trị 2 trẻ, đến năm 2007 là 170 trẻ, năm 2008 là 350 trẻ. Còn tại bệnh viện Nhi Trung ương, số lượng trẻ tự kỷ cũng tăng theo từng năm: năm 2007 là 405 trẻ, năm 2008 là 963 trẻ và năm 2009 là 1.752 trẻ. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn rất nhiều trẻ tự kỷ chưa được đến khám và can thiệp kịp thời.
Theo DT
7 đề án phát triển sư phạm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận vừa có quyết định phê duyệt chương trình phát triển ngành sư phạm và các trường sư phạm từ năm 2011 đến năm 2020 qua 7 đề án khác nhau. Bộ trưởng cho rằng, bên cạnh những thành tựu cơ bản thì các trường sư phạm vẫn còn một số yếu kém, bất cập như xây...