Bỏ biên chế suốt đời, giáo viên làm gì để không bị đào thải?
Giáo viên vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ là điều kiện tiên quyết để gắn bó lâu dài với nghề.
Từ ngày 01/7/2020, giáo viên trúng tuyển viên chức đều phải ký hợp đồng làm việc xác định thời hạn với khoảng thời gian từ đủ 12 tháng đến 60 tháng.
Như vậy, khi Luật Viên chức sửa đổi có hiệu lực, giáo viên được tuyển dụng mới sẽ không còn là viên chức suốt đời. Điều này khiến sinh viên ngành sư phạm và giáo viên hợp đồng không khỏi lo lắng.
Vậy giáo viên cần phải làm gì để có thể trụ được lâu dài với nghề?
Chúng tôi nhận thấy, giáo viên ngoài việc yêu nghề, có tâm với nghề, thì điều kiện tiên quyết để gắn bó lâu dài với nghề là phải vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ.
Thời gian gần đây, ngành giáo dục yêu cầu giáo viên đổi mới về phương pháp dạy học để chuẩn bị cho việc thay sách giáo khoa.
Có thể thấy rằng, đa phần giáo viên trẻ đã thích ứng rất nhanh với việc này. Thế nhưng, còn nhiều giáo viên vẫn dạy theo phương pháp truyền thống do chưa kịp thích ứng hoặc ngại đổi mới.
Điều đó khiến học sinh giảm hứng thú trong học tập, kéo theo chất lượng dạy và học cũng bị giảm sút.
Thực ra, phương pháp nào cũng đều có những ưu nhược, nhưng nếu giáo viên không thay đổi cách dạy thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi tiếp cận với chương trình mới.
Bỏ biên chế suốt đời, giáo viên làm gì để không bị đào thải? (Ảnh minh họa: Baodongnai.com.vn)
Video đang HOT
Chương trình mới thiết kế nội dung bài học theo định hướng phát triển năng lực học sinh.
Theo từ điển tiếng Việt, “năng lực” là khả năng, điều kiện chủ quan hoặc tự nhiên sẵn có để thực hiện một hoạt động nào đó.
Hoặc, “năng lực” là khả năng huy động tổng hợp các kiến thức, kỹ năng để thực hiện thành công một loại công việc trong một bối cảnh nhất định.
Dạy học phát triển phẩm chất, năng lực người học được xem như một nội dung giáo dục, một phương pháp giáo dục như phương pháp dạy học nêu vấn đề, phương pháp dạy học phát huy tính tích cực của học sinh.
Điểm khác nhau giữa các phương pháp là ở chỗ dạy học phát triển phẩm chất, năng lực người học có yêu cầu cao hơn, mức độ khó hơn , đòi hỏi người dạy phải có phẩm chất, năng lực giảng dạy nói chung cao hơn trước đây.
Điều quan trọng hơn cả là nếu so sánh với các quan niệm dạy học trước đây, việc dạy học phát triển phẩm chất, năng lực sẽ làm cho việc dạy và việc học được tiếp cận gần hơn, sát hơn với mục tiêu hình thành và phát triển nhân cách con người.
Để có thể dạy học theo hướng này, giáo viên phải nắm thật chắc cấu trúc giáo án dạy học phát huy năng lực.
Giáo án năng lực là giáo án nêu lên các hoạt động (công việc) mà giáo viên tổ chức cho học sinh thực hiện để tìm ra nội dung cần học, qua đó mà biết cách học.
Muốn vậy, giáo viên cần tập trung vào mục tiêu hình thành và phát triển năng lực, học sinh thực hiện các hoạt động để tự tìm ra kiến thức, hiểu biết phù hợp với mình và qua đó biết cách học và biết tự học.
Ngoài ra, giáo viên cần hiểu một số phương pháp dạy học tích cực như: dạy học theo dự án, dạy theo chuyên đề/chủ đề, dạy tích hợp, dạy theo STEM… để cụ thể hóa giáo án năng lực.
Đáng lưu ý, giáo viên sử dụng thành thạo công nghệ thông tin trong dạy học là một lợi thế rất lớn trong bối cảnh ngày nay.
Và khi giáo viên đã vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ thì lãnh đạo nhà trường sẽ ghi nhận năng lực chuyên môn của giáo viên.
Cùng với đó, học sinh, phụ huynh, đồng nghiệp và kể cả dư luận xã hội của địa phương đó cũng sẽ tín nhiệm cho giáo viên.
Ngược lại, năng lực giảng dạy không đảm bảo thì giáo viên phải nghiêm túc nhìn nhận lại bản thân để có một hướng đi khác phù hợp hơn cho công việc.
Làm được điều này, chắc chắn không ai có thể chấm dứt hợp đồng với giáo viên sau 5 năm dài giảng dạy.
Thỉnh thoảng trường này, kia có những tiêu cực, khuất tất, đó là điều khó tránh khỏi. Thế nhưng, bất cứ một trường học nào cũng đặt nhiệm vụ chuyên môn lên hàng đầu. Bởi chuyên môn là bộ mặt, thậm chí là sự sống còn của nhà trường.
Nếu lãnh đạo chọn những giáo viên không đủ tâm, không đủ tầm thì chắc chắn bản thân họ sẽ chịu hậu quả và phải chịu trách nhiệm với cấp trên.
Cho nên, giáo viên vững vàng về chuyên môn, nghiệp vụ thì sẽ yên tâm công tác mà không phải lo nghĩ đến chế độ viên chức suốt đời hay hợp đồng làm việc có thời hạn.
Cao Nguyên
Theo giaoduc
Giáo viên Sóc Sơn tiếp tục sốc nặng: 51 người trượt tuyển dụng vòng 1
Trong số 256 giáo viên hợp đồng tại huyện Sóc Sơn, Hà Nội từ 5 năm cho đến gần 30 năm, có 172 giáo viên tham gia dự thi tuyển viên chức giáo dục năm 2019 của thành phố.
UBND huyện Sóc Sơn vừa có báo cáo kết quả thi vòng 1, kế hoạch tổ chức thi vòng 2 kỳ thi tuyển dụng viên chức giáo dục năm 2019.
Theo đó, ngày 20,21/10/2019, Hội đồng tuyển dụng huyện Sóc Sơn, Hà Nội, trung tâm công nghệ thông tin thuộc sở Thông tin truyền thông đã tổ chức cho thí sinh thi trắc nghiệm trên máy tính bài thi môn Ngoại ngữ và Kiến thức chung.
Kết quả thi cho thấy có 1.580 thí sinh đăng ký dự thi. Số thí sinh dự thi chính thức là 1342, số thí sinh bỏ thi là 238. Số thí sinh trúng tuyển vòng 1 là 936/575 chỉ tiêu. (trong đó THCS là 430/179 chỉ tiêu, Tiểu học là 350/242 chỉ tiêu. Mầm non là 156/154 chỉ tiêu.
Như vậy, so với chỉ tiêu đăng ký ban đầu là 685, nếu tuyển đủ số thí sinh tại 575 chỉ tiêu tuyển dụng sau vòng 1, huyện thiếu 110 chỉ tiêu. Trong đó THCS thiếu 18 chỉ tiêu, tiểu học thiếu 40 chỉ tiêu, Mầm non thiếu 52 chỉ tiêu.
Có những bộ môn không còn thí sinh như môn Thể dục trường THCS Tân Minh B và trường THCS Minh Phú, môn Âm nhạc trường THCS Bắc Phú, THCS Xuân Thu, THCS Minh Phú, THCS Minh Trí.
Về số 256 giáo viên hợp đồng trong kỳ thi tuyển, đã có 241 người đăng ký dự thi, nhưng số người tham gia vòng 1 chỉ là 172 người, bỏ thi vòng 1 là 69 người, trúng tuyển là 121 người. Trong đó THCS là 84 người, Tiểu học là 37 người. Có 51 người trượt vòng 1.
UBND huyện Sóc Sơn cũng cho biết vòng 2 dự kiến thi (viết chuyên ngành) vào ngày 17/11/2019 với thời gian thi 180 phút.
Trước đó, vào tháng 3/2019, khi Hà Nội có quyết định tuyển dụng viên chức giáo dục, 256 giáo viên hợp đồng của huyện Sóc Sơn có thời gian giảng dạy từ 5 năm đến gần 30 năm đã có đơn kiến nghị gửi các cấp quản lý về việc yêu cầu được tuyển dụng đặc cách.
Tuy nhiên, cuối cùng, Hà Nội vẫn quyết định chọn phương án thi tuyển hoặc xét tuyển viên chức giáo dục năm 2019 dù có ý kiến của Bộ Chính trị cũng như Bộ Nội vụ về việc xem xét tuyển dụng đặc cách cho giáo viên hợp đồng.
Lý do mà UBND huyện Sóc Sơn đưa ra là toàn bộ 256 giáo viên hợp đồng của Sóc Sơn không đủ điều kiện để xét tuyển đặc cách theo quy định hiện hành (do đều là giáo viên hợp đồng tại các trường công lập. Trong khi đó, quy định đặc cách chỉ áp dụng với cơ sở giáo dục công lập tự chủ).
Tính đến ngày thi tuyển vòng 1, Sóc Sơn chính thức có 84 giáo viên không tham gia thi tuyển, trong đó có 15 giáo viên không nộp đơn và 69 giáo viên bỏ thi.
Theo Tiền phong
Muốn thầy cô hạnh phúc, ban giám hiệu cần thay đổi Tâm thế vui, thoải mái, dạy học sẽ tốt, bỏ sức chăm lo cho học sinh cũng chẳng tiếc công. Một khi bị áp lực, mọi bực dọc sẽ trút lên đầu những học sinh vô tội. Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động "Trường học hạnh phúc", với thông điệp, thầy cô giáo thay đổi để hướng đến một môi trường...