Bỏ biên chế giáo viên có vội vàng?
Những ngày gần đây, dư luận xã hội có nhiều ý kiến trái chiều trước thông tin Bộ GD&ĐT sẽ thí điểm bỏ biên chế giáo viên.
Nhiều ý kiến của các chuyên gia giáo dục cho rằng, việc bỏ biên chế thay thế bằng hợp đồng lao động sẽ tạo ra cơ chế mở. Việc “có ra, có vào” tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, là cơ sở để giáo viên luôn luôn nỗ lực, không chểnh mảng trong công việc.
Trên thực tế, hiện nay, một bộ phận giáo viên yếu kém về chuyên môn, trì trệ, không chịu khó học hỏi, đổi mới áp dụng các phương pháp dạy học mới, lại không thực sự tâm huyết với nghề. Họ lên lớp dạy cho có mà vẫn nhận đủ lương như những giáo viên giỏi và trách nhiệm khác.
Những giáo viên như vậy thường nghĩ đã vào được biên chế rồi thì yên tâm, chỉ cần làm việc cầm chừng, miễn là dạy đủ công, không ai đuổi ra khỏi ngành được.
Nay thí điểm bỏ biên chế bằng việc ký hợp đồng sẽ buộc giáo viên phải luôn nỗ lực, cố gắng thay đổi cách dạy học, khẳng định chất lượng học sinh. Họ không được phép chểnh mảng để được ký hợp đồng vào những năm tiếp theo.
Cô Hoàng Thị Tuyết, nguyên giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, Đại học Sư phạm TP.HCM, cho biết khi làm hợp đồng, hầu như giáo viên phải phấn đấu trong suốt quá trình để làm sao bảo đảm đúng theo hợp đồng. Những người biên chế gần như không có sự ràng buộc cụ thể, rằng vị trí người đó làm là gì, những công việc cần làm, kết quả phải đạt…
“Tôi nghĩ những thay đổi này có tính tích cực. Quan trọng là làm sao mọi người hiểu sự thay đổi này về cơ bản không có gì khác so với biên chế. Đối với giáo viên, mỗi giai đoạn, chặng đường phấn đấu rất rõ. Vì vậy, hợp đồng sẽ tốt hơn cho giáo viên, tránh tình trạng hiện nay người càng giỏi, năng động làm nhiều việc thì bị gọi là làm nhiều việc”, cô Tuyết nêu quan điểm.
Bên cạnh những ý kiến ủng hộ, không ít ý kiến băn khoăn về hiện tượng lạm quyền, lợi ích nhóm. Bởi nếu giao cho các trường tự chủ trong việc nhận và sa thải giáo viên theo hợp đồng, hiệu trưởng sẽ có quyền rất lớn. Liệu có dẫn tới tình trạng hiệu trưởng lạm quyền quyết định mọi vấn đề của trường mà không có giáo viên nào dám có ý kiến hay không.
Video đang HOT
Ảnh minh họa: Việt Hùng.
Khi ký hợp đồng, giáo viên sẽ là người lao động còn hiệu trưởng là ông chủ. Rất nhiều tình huống có thể xảy ra với các thầy cô giáo mà không phải lúc nào cũng tích cực như lương không cố định, có thể bị sa thải nếu có ý kiến khác với hiệu trưởng…
PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, phân tích: “Chuyện xin vào hợp đồng, xin vào biên chế hiện nay, quyền lực của hiệu trưởng cũng đã rất lớn và cũng có nhiều cái rất tiêu cực. Bây giờ giao cho hiệu trưởng như vậy, quyền hành của họ rất lớn. Phải có một cơ chế kiềm chế và kiểm soát lại, phải có hội đồng nhà trường thật mạnh. Nó giống như hội đồng quản trị phải thông qua, chứ không phải một mình quyết định được”.
Hiện nay, một số nơi đã thuê hiệu trưởng. Do đó, nếu bỏ biên chế, hiệu trưởng cũng phải không trong biên chế như giáo viên và phải ký hợp lao động với một đơn vị chủ quản của trường đó.
Từ phân tích này, PGS.TS Phạm Tất Dong, Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, cho rằng việc bỏ biên chế giáo viên, Bộ GD&ĐT cần phải tính toán kỹ và đưa ra lộ trình cụ thể, không thể nói là bỏ ngay.
Nếu bỏ thì phải tính đến chính sách đãi ngộ đối với giáo viên ở những vùng khó khăn, miền núi biển đảo như thế nào? Cơ chế chính sách như thế nào để đảm bảo lương và cuộc sống của họ, nhất là trong điều kiện hiện nay lương giáo viên còn thấp? Nếu lương chưa tăng mà áp dụng việc xóa biên chế, liệu còn mấy ai yêu nghề, mấy ai chịu đến những nơi khó khăn để dạy.
PGS.TS Phạm Tất Dong nói: “Liệu những vùng khó khăn lương, phụ cấp có thể khác nhiều như thế nào trong hợp đồng được thỏa thuận? Chắc chắn làm hợp đồng thì ở miền núi khó mà giữ được giáo viên. Vấn đề đặt ra là có người thật giỏi nhưng đến tuổi nghỉ rồi còn ký hợp đồng với họ không. Vấn đề này, bộ trưởng GD&ĐT phải bàn với bên lao động, nội vụ và tài chính. Hiện, chưa có những quy định, những cơ chế, chính sách cụ thể mà thực hiện ngay, tôi sợ hơi vội”.
Theo Thu Hiền / VOV
Bộ trưởng GD&ĐT: Thí điểm xóa bỏ viên chức ở trường có thương hiệu
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lý giải về lâu dài, việc chuyển sang chế độ hợp đồng với giáo viên là điều cần thiết để cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng đội ngũ.
Trước nhiều ý kiến trái chiều trong chủ trương thí điểm bỏ biên chế giáo viên, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng xuân Nhạ cho biết thời gian qua việc tự chủ chỉ được bàn đến nhiều ở giáo dục đại học, chưa đề cập ở giáo dục phổ thông.
Từ băn khoăn này, khi xây dựng nghị định tự chủ các đơn vị sự nghiệp công lập ngành giáo dục, Bộ GD&ĐT đã phải tách thành hai, một nghị định cho giáo dục đại học và một nghị định dành cho giáo dục phổ thông. Ở giáo dục phổ thông, tự chủ chính là phân cấp, phân quyền cho các cơ sở giáo dục, bao gồm tự chủ về nhiệm vụ và tự chủ về nhân sự.
Về nhiệm vụ, các trường đã được phân quyền rồi nhưng thực tế chưa chủ động. Nếu không phân cấp cho các trường mạnh hơn nữa, vai trò chủ động của nhà trường và tính linh hoạt của thầy cô giáo chắc chắn sẽ mờ nhạt và khó tránh khỏi việc các cấp quản lý như sở, phòng can thiệp vào nhiệm vụ chuyên môn cũng như nhiều hoạt động khác của trường.
Về tổ chức bộ máy và nhân sự, đây là vấn đề thiếu tự chủ nhất hiện nay ở các nhà trường. Các trường mới là nơi có nhu cầu tuyển dụng, biết rõ số lượng giáo viên thừa thiếu nhưng lại bị động trong khâu tuyển dụng.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: Bộ GD&ĐT.
Việc tuyển dụng thường do UBND huyện hay sở GD&ĐT đảm nhiệm theo kế hoạch biên chế chung, thậm chí tuyển gộp rồi phân về cho các trường. Điều đó dẫn đến hiện tượng vênh về chuyên môn, thừa thiếu cục bộ, gây ra khó khăn cho các trường.
Theo Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, nâng cao chất lượng giáo dục phải bắt đầu từ đội ngũ giáo viên, muốn thu hút và giữ chân được thầy cô giỏi cần có chế độ đãi ngộ lớn. Chúng ta cứ giữ mãi định biên như hiện nay sẽ khó tạo ra động lực cho những người tâm huyết và lâu dài khó tạo được đột phá cho quá trình đổi mới giáo dục.
"Đã tới lúc phải đẩy mạnh tiến trình cho các trường tự chủ trong việc tuyển dụng giáo viên, đánh giá cán bộ, tiến tới thí điểm chế độ hợp đồng lao động đối với giáo viên. Mọi thay đổi hay đổi mới của ngành đều phải hướng tới mục đích tốt hơn hiện tại. Vấn đề sâu xa chúng ta đang giải quyết là thu nhập, môi trường làm việc, tạo động lực tinh thần cho giáo viên để họ thấy lao động của mình được coi trọng xứng đáng", ông Nhạ khẳng định.
Theo Bộ trưởng GD&ĐT, để xóa bỏ được quan niệm về biên chế với sự ổn định lâu dài trong đội ngũ giáo viên không phải việc có thể làm được ngay. Nhưng điều này tạo ra một lối suy nghĩ khác, đó là coi năng lực, trình độ là yếu tố quan trọng nhất. Giáo viên tự tin vào năng lực làm việc để khẳng định dù không dạy ở trường này có thể dạy ở trường khác, tạo ra thị trường lao động thực sự, trong đó chất lượng là thước đo hàng đầu. Năng lực của giáo viên được thể hiện qua thu nhập.
Bước đầu, sự thay đổi này sẽ có tác động nhiều chiều đến đội ngũ giáo viên, sẽ có người đồng thuận, ý kiến băn khoăn, thậm chí là phản đối. Nhưng về lâu dài, việc chuyển sang chế độ hợp đồng đối với giáo viên là cần thiết để từng bước cải thiện thu nhập, nâng cao chất lượng đội ngũ gắn liền quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục.
Người đứng đầu ngành giáo dục khẳng định đây là vấn đề có thể tác động đến hơn một triệu thầy cô giáo. Vì vậy, bộ sẽ nghiên cứu kỹ, từng bước thí điểm để có lộ trình hài hòa chứ không phải cùng lúc toàn ngành chuyển từ công chức, viên chức sang chế độ hợp đồng.
Bộ GD&ĐT sẽ thí điểm ở những nơi có điều kiện như một số trường phổ thông có thương hiệu. Hiện tại, việc này trong giai đoạn xem xét, tính toán của ngành.
Theo Zing