Bộ ba Ấn Độ – Hàn Quốc – Mỹ với địa bàn chiến lược
Mỹ và Ấn Độ đã công bố Sáng kiến Mỹ – Ấn Độ về công nghệ quan trọng và mới nổi (iCET) vào tháng 1/2023.Tiếp sau đó là Đối thoại công nghệ quan trọng và mới nổi thế hệ tiếp theo Mỹ – Hàn Quốc vào tháng 12/2023.
Là một sáng kiến tiếp nối 2 sáng kiến trên, 3 nước đã tổ chức đối thoại công nghệ 3 bên đầu tiên tại Seoul vào tháng 3/2024.
Ấn Độ, Hàn Quốc và Mỹ đã có thể củng cố hợp tác 3 bên trong nhiều lĩnh vực, bao gồm an ninh kinh tế, khả năng chống chịu của chuỗi cung ứng và các công nghệ mới nổi trong khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương rộng lớn hơn.
Hợp tác quân sự
Có nhiều cơ hội cho động lực hợp tác 3 bên này thúc đẩy sự đổi mới, tăng cường các liên minh và quan hệ đối tác chiến lược, cũng như mang lại lợi ích cho từng nước, ngay cả khi có một số thách thức nhất định. Hợp tác quốc phòng 3 bên này cũng phù hợp với các mục tiêu chiến lược ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương nhằm tăng cường sự hợp tác giữa các bên cùng chí hướng trong khu vực.
Trực thăng tấn công AH-64E Apache trong biên chế quân đội Ấn Độ.
Tháng 2/2022, Mỹ đã công bố Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường an ninh và duy trì một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Để đạt được điều này, Mỹ ủng hộ một “Ấn Độ mạnh mẽ” và Hàn Quốc là các đối tác và đồng minh chủ chốt trong việc hiện thực hóa tầm nhìn khu vực này. Tương tự, Ấn Độ ủng hộ khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, rộng mở và dựa trên luật lệ thông qua Tầm nhìn về an ninh và tăng trưởng cho tất cả trong khu vực (SAGAR). Hàn Quốc tái khẳng định về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, hòa bình và thịnh vượng thông qua Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Cùng lúc đó, sự trỗi dậy của Ấn Độ với tư cách là một nước nhập khẩu thiết bị quân sự quan trọng (chiếm 9,8% tổng lượng nhập khẩu vũ khí toàn cầu) cho phép các nước xuất khẩu lớn như Hàn Quốc và Mỹ thu được lợi ích kinh tế và phát triển hơn nữa ngành công nghiệp quốc phòng của họ, thúc đẩy tăng trưởng và thịnh vượng. Điều này làm tăng khả năng tương tác giữa các lực lượng vũ trang của họ và đa dạng hóa nguồn cung cấp vũ khí của Ấn Độ khỏi Nga, vốn vẫn đóng vai trò chủ đạo.
Những diễn biến gần đây đã minh họa cho sự hợp tác nhanh chóng trong phát triển công nghiệp và công nghệ quốc phòng. Sau khi Mỹ và Ấn Độ khởi động Sáng kiến công nghệ và thương mại quốc phòng Mỹ – Ấn (DTTI) vào năm 2012, Mỹ đã công nhận Ấn Độ là Đối tác quốc phòng chính (MDP) vào năm 2016. Tiếp theo, Hệ sinh thái tăng tốc quốc phòng Ấn – Mỹ (INDUS-X) được đề xuất và Thỏa thuận An ninh cung ứng (SOSA) được ký kết vào năm 2024. Với việc Hàn Quốc cũng đã kỹ thỏa thuận SOSA với Mỹ vào năm 2023, sẽ có nhiều cơ hội hợp tác 3 bên hơn về mặt quân sự.
Mỹ đã trở thành nhà cung cấp quốc phòng quan trọng cho Ấn Độ, cung cấp các hệ thống vũ khí tiên tiến như trực thăng tấn công Apache, máy bay vận tải C-17 Globemaster, máy bay tuần tra hàng hải P-8I và trực thăng MH-60R Seahawk. Hàn Quốc cũng đã nổi lên như một đối tác quốc phòng chính của Ấn Độ, đơn cử, Ấn Độ đã mua 100 pháo tự hành K9 Vajra-T, một biến thể của K9 Thunder do Hàn Quốc thiết kế và phát triển. Hoạt động xuất khẩu thành công này đã dẫn đến Lộ trình hợp tác công nghiệp quốc phòng vào năm 2019 để cùng phát triển các hệ thống phòng thủ trên bộ và trên biển, tạo nền tảng cho hợp tác quân sự mạnh mẽ hơn và mang lại lợi ích kinh tế cho tất cả các bên liên quan. Hợp tác quân sự và an ninh 3 bên Ấn Độ – Hàn Quốc – Mỹ không chỉ quan trọng mà còn có ý nghĩa chiến lược. Tuy nhiên, sức mạnh tổng hợp này còn mở rộng sang lĩnh vực khác nữa.
Đối tác năng lượng xanh
Video đang HOT
Cuộc đối thoại công nghệ 3 bên đầu tiên giữa Mỹ, Ấn Độ và Hàn Quốc, được tổ chức tại Seoul, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong việc tăng cường hợp tác về các công nghệ quan trọng và mới nổi cho quá trình chuyển đổi xanh. Cuộc đối thoại nhấn mạnh vào các lĩnh vực hợp tác không thể thiếu đối với tăng trưởng kinh tế và an ninh, trong đó trọng tâm là năng lượng sạch và khoáng sản quan trọng. Quan hệ đối tác này phù hợp với xu hướng toàn cầu hướng tới các giải pháp năng lượng xanh, đặc biệt tập trung vào việc xây dựng chuỗi cung ứng công nghệ có khả năng chống chịu.
Pháo tự hành K9 Vajra-T của quân đội Ấn Độ, biến thể của K9 Thunder do Hàn Quốc thiết kế và phát triển.
Trong lĩnh vực năng lượng sạch, Mỹ, Ấn Độ và Hàn Quốc đã xác định một số lĩnh vực chính để hợp tác, bao gồm phát triển vật liệu tiên tiến cho công nghệ năng lượng tái tạo và khai thác chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng, thiết yếu để sản xuất pin, tấm pin mặt trời và turbin gió. Hàn Quốc đã tăng cường đầu tư vào công nghệ xanh thông qua Thỏa thuận xanh mới, tập trung vào quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, xây dựng cơ sở hạ tầng thân thiện với môi trường và phát triển xe điện (EV). Thông qua hợp tác với Mỹ và Ấn Độ, Hàn Quốc đã tìm cách tăng cường đầu tư chung vào công nghệ sản xuất hydro sạch và khử carbon.
Là một phần của chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương rộng lớn hơn, các quốc gia nhóm Bộ Tứ – Ấn Độ, Mỹ, Nhật Bản và Australia – đã tham gia các cuộc thảo luận để thúc đẩy quan hệ đối tác năng lượng sạch. Nhóm này đã tạo điều kiện thuận lợi thực hiện các khoản đầu tư xuyên quốc gia vào các dự án năng lượng mặt trời và chuỗi cung ứng đối với các khoáng sản quan trọng cần thiết cho năng lượng tái tạo. Hàn Quốc và Ấn Độ cũng đã hợp tác trong các sáng kiến về năng lượng mặt trời, theo đó các công ty Hàn Quốc đầu tư vào nhà máy điện mặt trời trên khắp Ấn Độ. Sự hợp tác này dự kiến sẽ mở rộng, đặc biệt là trong bối cảnh cuộc đối thoại 3 bên chú trọng năng lượng xanh trong các cuộc thảo luận.
Sự hợp tác này cũng phù hợp với sự tập trung ngày càng tăng trên toàn cầu vào việc phi carbon hóa và hành động vì khí hậu, vì cả 3 nước đều hướng đến mục tiêu tận dụng các công nghệ năng lượng sạch và khoáng sản quan trọng để nâng cao năng lực năng lượng tái tạo của mình. Bằng cách thúc đẩy quan hệ đối tác trong các lĩnh vực như năng lượng mặt trời, sản xuất hydro và chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng, cuộc đối thoại 3 bên giải quyết cả những thách thức về môi trường và nhu cầu về hệ sinh thái công nghệ an toàn. Cuộc đối thoại cũng nhấn mạnh thêm tầm quan trọng ngày càng tăng của hợp tác đa phương ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đặc biệt là khi các nước này tìm cách cân bằng sự phụ thuộc vào các chuỗi cung ứng chủ chốt hiện tại. Sáng kiến này không chỉ hỗ trợ đổi mới mà còn định vị các nước này là những bên đóng vai trò chủ chốt trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng xanh toàn cầu.
Công nghệ mới nổi và đổi mới
Sự hợp tác 3 bên không chỉ có thể làm sáng tỏ hợp tác quân sự và quá trình chuyển đổi xanh mà còn làm nổi bật các công nghệ và sự đổi mới của chúng. Ngành công nghiệp bán dẫn là một trong những lĩnh vực quan trọng cần hợp tác giữa Mỹ, Hàn Quốc và Ấn Độ, nhằm mục đích tăng cường khả năng chống chịu của chuỗi cung ứng, tăng cường nghiên cứu và phát triển chip tiên tiến. Tiềm năng này là đặc biệt to lớn vì sự phân chia chuyên môn trong toàn bộ chuỗi giá trị của ngành công nghiệp bán dẫn.
Lính Mỹ và Ấn Độ chào nhau trong cuộc diễn tập Yudh Abhyas – cứu trợ thảm họa và nhân đạo – tại Tapovan, Uttarakhand, Ấn Độ, năm 2022
Mỹ nổi tiếng với chuyên môn về thiết kế chip và nghiên cứu chất bán dẫn tiên tiến. Các công ty như Intel, AMD và Qualcomm đều đi đầu trong việc phát triển cấu trúc chip mới và bộ xử lý trí tuệ nhân tạo (AI), dẫn đầu về sở hữu trí tuệ bán dẫn. Mặt khác, Hàn Quốc là trung tâm sản xuất chất bán dẫn với 2 nhà sản xuất thiết bị tích hợp, Samsung và SK Hynix, thống trị lĩnh vực sản xuất chip tiên tiến.
Với lực lượng kỹ sư có trình độ và tay nghề cao dồi dào, Ấn Độ có thể đóng vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị này. Trong khi Mỹ và Hàn Quốc thiếu hụt nhân tài về chip do thiếu hụt lực lượng lao động, Ấn Độ có thể trở thành trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D) của ngành công nghiệp bán dẫn. Nhiều công ty đa quốc gia, bao gồm Texas Instruments và Qualcomm, đã thành lập các trung tâm thiết kế và nghiên cứu, phát triển tại Ấn Độ. Do đó, sự hợp tác của 3 nước sẽ cho phép họ hợp tác trên toàn bộ chuỗi giá trị bán dẫn – từ R&D và thiết kế (Mỹ và Ấn Độ) đến sản xuất (Hàn Quốc), trong đó vai trò của Ấn Độ đặc biệt quan trọng và đầy hứa hẹn.
Các nhà sản xuất chip tư nhân của Hàn Quốc và Mỹ đang nỗ lực hợp tác với Ấn Độ như một phần trong nỗ lực 3 bên rộng lớn hơn. Thông qua chương trình “Bán dẫn Ấn Độ” và nhiều ưu đãi, Chính phủ Ấn Độ đang thu hút đầu tư từ Samsung và SK Hynix của Hàn Quốc, cũng như các công ty Mỹ như Intel và Micron. Trong khi đó, các công ty Hàn Quốc đang đầu tư mạnh vào các bang của Mỹ như Texas và Indiana sau khi Mỹ thông qua Đạo luật CHIPS và khoa học. Động lực 3 bên này có tiềm năng mở rộng từ sản xuất chip sang các công nghệ mới nổi tinh vi khác, bao gồm không gian, trí tuệ nhân tạo, mạng viễn thông 6G, công nghệ sinh học và điện toán lượng tử.
Những thách thức
Hợp tác 3 bên kiểu này vẫn có những hạn chế, bởi việc 3 nước có các cách tiếp cận khác nhau đối với Trung Quốc, và đó là những thách thức không dễ vượt qua.
Mỹ tập trung vào cạnh tranh chiến lược và quan điểm coi Trung Quốc là đối thủ chính của trật tự quốc tế, họ có thể xem bộ 3 Ấn Độ – Hàn Quốc – Mỹ là một thế lực nhỏ khác trong chiến lược mạng lưới của Washington. Quan điểm của Mỹ về Trung Quốc có thể được minh họa trong Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của chính quyền Tổng thống Joe Biden và Thông báo về quy định được đề xuất (NPRM) cấm bán và nhập khẩu ô tô kết nối sử dụng công nghệ từ Trung Quốc và Nga.
Về phần mình, Hàn Quốc không muốn tham gia các khối dường như nhắm vào Trung Quốc, đơn giản bởi mối quan hệ kinh tế đáng kể của họ và Trung Quốc đã có “tiền lệ trả đũa” về kinh tế sau khi Hàn Quốc triển khai Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) năm 2016. Trong khi đó, Ấn Độ đang phòng ngừa rủi ro, tránh liên kết chính thức với bất kỳ khối cường quốc nào. Mặc dù phải đối mặt với các tranh chấp biên giới và sự cạnh tranh chiến lược, Ấn Độ vẫn cố gắng duy trì mối quan hệ kinh tế với Trung Quốc, thể hiện qua khối lượng thương mại Trung – Ấn vượt qua khối lượng thương mại Mỹ – Ấn.
Mỹ có thể đóng vai trò thúc đẩy Ấn Độ và Hàn Quốc xích lại gần nhau nhờ quản lý nhà nước đối với kinh tế của nước này ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương bằng cách tận dụng các mối quan hệ và mâu thuẫn đan xen, song cơ bản không thể có sự cưỡng ép.
Mặc dù hiện tại còn nhiều luồng quan điểm, song quan hệ 3 bên Ấn Độ – Hàn Quốc – Mỹ mang đến một cơ hội “độc nhất vô nhị” để tăng cường hợp tác an ninh hàng hải ở Ấn Độ Dương, một khu vực quan trọng đối với thương mại toàn cầu và sự ổn định chiến lược. Khi tầm quan trọng về địa chính trị và kinh tế của Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương ngày càng tăng, việc bảo vệ các tuyến giao thông đường biển quan trọng (SLOC) và giải quyết các mối đe dọa như cướp biển, đánh bắt cá bất hợp pháp và các hoạt động bất hợp pháp khác sẽ trở thành ưu tiên của cả 3 bên. Nằm ở trung tâm của Ấn Độ Dương, Ấn Độ đóng vai trò then chốt trong việc đảm bảo an toàn và ổn định hàng hải, trong khi Mỹ và Hàn Quốc có các năng lực hải quân tiên tiến và chuyên môn chiến lược.
Bằng cách hợp tác với nhau, các nước này có thể tăng cường tuần tra phối hợp, chia sẻ thông tin tình báo và cải thiện các nỗ lực xây dựng năng lực nhận thức về lĩnh vực hàng hải (MDA), đảm bảo rằng Ấn Độ Dương vẫn là không gian tự do, rộng mở và an toàn cho thương mại quốc tế.
Phản ứng của Nhật Bản trước sự thống trị chuỗi cung ứng đất hiếm của Trung Quốc
Bài học từ Nhật Bản, bao gồm đầu tư vào nhà sản xuất thay thế, tích trữ tài nguyên, và phát triển công nghệ thay thế, là kim chỉ nam cho các quốc gia khác khi họ tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong bối cảnh chuyển đổi năng lượng xanh.
Đất hiếm có vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp ô tô. Ảnh: THX/TTXVN
Theo Ben Bowie, Tổng giám đốc của TMP Public và là chuyên gia về quản lý rủi ro chính trị và xã hội, trước khi sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng của Trung Quốc trở thành vấn đề toàn cầu, Nhật Bản đã đối mặt với thách thức này hơn một thập kỷ trước.
Kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc điều chỉnh chiến lược chuỗi cung ứng trước lệnh cấm xuất khẩu nguyên tố đất hiếm (REE) từ Trung Quốc vào năm 2010 đã cung cấp những bài học quý giá. Khi các quốc gia khác, đặc biệt là trong bối cảnh chuyển đổi năng lượng xanh, đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc, họ có thể học hỏi từ những thành công và sai lầm của Nhật Bản.
Tranh chấp năm 2010 và bước ngoặt của Nhật Bản
Năm 2010, một cuộc tranh chấp lãnh thổ giữa Nhật Bản và Trung Quốc dẫn đến việc Trung Quốc thực hiện lệnh cấm xuất khẩu các nguyên tố đất hiếm (REE) sang Nhật Bản. Dù lệnh cấm chỉ kéo dài hai tháng, nó đã đánh thức Nhật Bản về mức độ phụ thuộc quá lớn vào nguồn cung từ Trung Quốc. REE, là những khoáng sản quan trọng trong nhiều ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghệ cao và năng lượng xanh, đã trở thành tâm điểm trong chiến lược chuỗi cung ứng của Nhật Bản kể từ đó.
Từ kinh nghiệm đau thương đó, Nhật Bản đã thực hiện nhiều biện pháp để đa dạng hóa nguồn cung khoáng sản, đầu tư vào các nhà sản xuất và chế biến thay thế, tăng cường tích trữ và thúc đẩy các giải pháp công nghệ thay thế.
Cụ thể, sau lệnh cấm năm 2010, Nhật Bản đã nhanh chóng đầu tư vào các nhà sản xuất và chế biến khoáng sản bên ngoài Trung Quốc. Một ví dụ điển hình là Lynas, một công ty có trụ sở tại Australia, đã trở thành một nhà cung cấp REE quan trọng nhờ sự hỗ trợ của các công ty và nhà đầu tư Nhật Bản. Điều này giúp Nhật Bản giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc, đồng thời tạo ra nguồn cung khoáng sản ổn định từ các đối tác đáng tin cậy.
Tuy nhiên, dù đã giảm được sự phụ thuộc vào nguồn cung khoáng sản thô từ Trung Quốc, Nhật Bản vẫn phải đối mặt với thực tế là Trung Quốc chiếm gần 90% hoạt động chế biến REE toàn cầu. Điều này nhấn mạnh rằng, việc chỉ tập trung vào nguồn cung nguyên liệu là chưa đủ, mà cần có một chiến lược toàn diện hơn để đảm bảo sự bền vững của chuỗi cung ứng.
Tích trữ khoáng sản
Một trong những biện pháp quan trọng mà Nhật Bản đã thực hiện ngay sau lệnh cấm là tích trữ khoáng sản quan trọng. Tuy nhiên, kinh nghiệm này cũng chỉ ra những rủi ro khi thực hiện không đúng cách. Sau lệnh cấm vận của Trung Quốc, các công ty Nhật Bản đã vội vã tích trữ đất hiếm, dẫn đến tình trạng bong bóng giá kéo dài hơn một năm. Dù vậy, việc tích trữ vẫn được xem là một biện pháp quan trọng để đối phó với những biến động ngắn hạn trong chuỗi cung ứng.
Một số quốc gia khác cũng đã bắt đầu áp dụng biện pháp tích trữ tương tự, như Mỹ và Hàn Quốc. Tuy nhiên, việc này sẽ hiệu quả hơn khi các quốc gia hợp tác để tạo ra kho dự trữ chung, giảm thiểu rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.
Cùng với đó, Nhật Bản đã đầu tư vào nghiên cứu và phát triển các công nghệ sử dụng ít REE hơn hoặc thay thế chúng bằng các vật liệu khác. Một ví dụ là trong ngành công nghiệp ô tô, các nhà sản xuất Nhật Bản đã hướng đến các công nghệ như xe chạy bằng hydro, nhằm giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng REE từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, chiến lược này cũng có nhược điểm. Trong khi Nhật Bản phát triển công nghệ hydro, các đối thủ cạnh tranh, đặc biệt là Trung Quốc, đã tập trung vào xe điện (EV). Kết quả là, Trung Quốc đang dần chiếm lĩnh thị trường xe điện toàn cầu, để lại Nhật Bản ở thế yếu trong cuộc cạnh tranh.
Một trong những chiến lược lâu dài của Nhật Bản là thúc đẩy tái chế REE và các khoáng sản quan trọng khác. Tuy nhiên, quá trình này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là khi tái chế REE chưa thể được thương mại hóa rộng rãi trước thập kỷ 2030. Nhật Bản cũng đang gặp phải các rào cản về công nghệ và giá cả trong việc mở rộng quy mô tái chế các vật liệu khác như lithium và coban.
Kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc đối phó với sự thống trị chuỗi cung ứng của Trung Quốc đưa ra nhiều bài học quan trọng cho các quốc gia khác. Việc đầu tư vào các nhà sản xuất thay thế, tích trữ khoáng sản, và phát triển công nghệ thay thế là những phản ứng cần thiết để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận rằng Trung Quốc sẽ vẫn đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng khoáng sản toàn cầu trong tương lai gần.
Điều quan trọng là phải cân bằng giữa việc giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc và tiếp tục hợp tác với quốc gia này. Như Nhật Bản đã chứng minh, sự hợp tác toàn cầu, đặc biệt là thông qua các liên minh như Đối tác An ninh Khoáng sản (MSP), có thể giúp giảm thiểu rủi ro và xây dựng chuỗi cung ứng khoáng sản bền vững cho tương lai.
Hoạt động gián điệp "thân thiện" giữa các nước đồng minh và Mỹ Sự quan tâm về công việc của các đồng minh và thông tin mà họ thu thập được về các nước thứ ba luôn luôn tồn tại và vẫn như xưa, chiếm một trong những vị trí hàng đầu trong hoạt động gián điệp của nhiều nước. Ví dụ, trong một báo cáo của mình, trung tâm phản gián quốc gia Mỹ nhận...