Bỏ 2 năm sự nghiệp, học thạc sĩ để mong ‘nhảy cóc’ mức lương
Nhiều người đang có xu hướng theo học thạc sĩ từ sớm, đánh đổi tiền bạc, thời gian và nhiều chi phí cơ hội khác.
Xu hướng học thạc sĩ đang trẻ hóa. Ảnh: Sdsclub.
Tốt nghiệp cử nhân đại học cùng với kinh nghiệm làm việc từ khi là sinh viên năm thứ 2, Quỳnh Như (24 tuổi) có công việc với mức lương ổn định trong ngành truyền thông. Hiện tại, cô làm trợ lý sản xuất ở một công ty về kỹ xảo điện ảnh.
Trước đây, khi nói về chuyện học thạc sĩ, Quỳnh Như lắc đầu. Cô nhận định ngành truyền thông chỉ cần kinh nghiệm làm việc và “học thạc sĩ không quá quan trọng”.
Thế nhưng, mọi suy nghĩ của Như đã thay đổi từ sau khi nghe lời tư vấn của một giảng viên: “Trong ngành truyền thông, bằng cử nhân đại học không quan trọng nên bằng thạc sĩ sẽ có giá trị nhiều hơn”.
Các chuyên gia nhận định độ tuổi học thạc sĩ đang có xu hướng trẻ hóa và ngày càng nhiều người cân nhắc theo học thạc sĩ, nhưng khuyến cáo rằng người học nên xác định rõ ràng mục tiêu nghề nghiệp, cũng như cân nhắc điều kiện của bản thân.
Mong muốn có tiếng nói hơn trong công việc
Đi làm trong ngành truyền thông từ sớm, Quỳnh Như nhận thấy những sinh viên được đào tạo ở đại học đôi khi không đủ sức cạnh tranh với các ứng viên tay ngang đã có kinh nghiệm làm việc. Tuy nhiên, theo Như, nếu sở hữu tấm bằng thạc sĩ, sức cạnh tranh của bản thân sẽ tăng hơn nhiều trong thị trường lao động.
Đối với Quỳnh Như, việc sở hữu tấm bằng thạc sĩ (ở nước ngoài) giúp bản thân có tiếng nói hơn trong công việc. Cô cho rằng bằng cử nhân đại học khó có thể giúp cô thuyết phục mọi người khi muốn đưa ra lời khuyên và định hướng.
Quỳnh Như thích làm phim và muốn tìm hiểu sâu hơn về nghệ thuật truyền thông. Cô hy vọng kiến thức được học tại chương trình thạc sĩ sẽ giúp bản thân thay đổi về tư duy làm phim. Vì vậy, Như chọn theo học chương trình đào tạo thạc sĩ Nghệ thuật truyền thông ở ĐH Bangkok (Thái Lan) vào tháng 5 năm sau. Cuối năm nay, Như sẽ thi chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS để hoàn tất hồ sơ đăng ký học.
Khác với Quỳnh Như, ý định học thạc sĩ của Trần Nguyễn Quỳnh Giang (22 tuổi) lại sớm hơn – từ khi còn là sinh viên năm thứ 4. Theo Giang, học thạc sĩ là cột mốc quan trọng để cô chứng minh năng lực bản thân với gia đình và xã hội sau khi đã có tấm bằng cử nhân.
Quỳnh Giang đang làm việc trong lĩnh vực truyền thông cho một trường đại học ở TP.HCM. Sắp tới, cô sẽ theo học chương trình đào tạo thạc sĩ Báo chí tại ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM).
“Tôi là cử nhân ngành Báo chí. Công việc hiện tại của tôi cũng liên quan đến viết lách, lấy tin, biên tập… Vì vậy, tôi nghĩ học lên thạc sĩ sẽ giúp mình có kiến thức chuyên sâu hơn để hỗ trợ cho công việc. Khi học thạc sĩ, tôi còn có thể gặp gỡ nhiều người để xây dựng mối quan hệ”, Quỳnh Giang nói.
Đầu tư thời gian, tiền bạc
Video đang HOT
Để chuẩn bị cho quá trình học chương trình đào tạo thạc sĩ Nghệ thuật truyền thông ở ĐH Bangkok (Thái Lan) vào năm sau, Quỳnh Như xác định từ bỏ công việc trợ lý sản xuất ở công ty về kỹ xảo điện ảnh.
Công việc này đang mang về cho cô mức thu nhập ổn định là hơn 22 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, Quỳnh Như còn phải đối diện với việc mất đi cơ hội thăng tiến khi đi học thạc sĩ ở nước ngoài.
Trước quyết định của Như, gia đình và bạn bè xung quanh khuyên cô cân nhắc vì học thạc sĩ sẽ tốn nhiều thời gian. Bố mẹ cũng phải hỗ trợ một phần kinh phí học tập khi cô không thể duy trì công việc hiện tại. Quỳnh Như dự đoán bản thân sẽ phải chi khoảng 400 triệu đồng (bao gồm cả học phí và chi phí sinh hoạt) cho 2 năm học thạc sĩ ở ĐH Bangkok.
“Tôi biết, hoàn thành 2 năm học, trở về nước phải bắt đầu lại. Tôi sợ lúc đó mình sẽ ‘ngán’. Tuy nhiên, tôi vẫn chấp nhận đánh đổi 2 năm học thạc sĩ để quay về và bắt đầu ở vị trí cao hơn trong công việc. Vì vậy, tôi đã thuyết phục gia đình đồng ý quyết định này hơn một năm qua”, Quỳnh Như nói.
Thúy An vừa tốt nghiệp ĐH Kinh tế TP.HCM. Ảnh: NVCC.
May mắn hơn Quỳnh Như, Lê Nguyễn Thúy An (22 tuổi) được gia đình ủng hộ việc học chương trình đào tạo thạc sĩ, ngay sau khi cô tốt nghiệp cử nhân ngành Kinh doanh quốc tế ở ĐH Kinh tế TP.HCM.
Gia đình hỗ trợ về học phí, vì vậy, Thúy An không quá đắn đo khi quyết định theo học chương trình đào tạo thạc sĩ Tài chính hướng ứng dụng ở ĐH Kinh tế TP.HCM vào năm sau. Cô quan tâm nhiều hơn đến việc tập trung đầu tư thời gian và công sức để học tập hiệu quả.
Thúy An mong muốn chương trình học thạc sĩ giúp bản thân củng cố, hiểu rõ hơn về kiến thức tài chính và các kiến thức liên quan đến quản trị, marketing, xuất nhập khẩu. Cô dự định chuyển hướng làm chuyên viên – chuyên gia trong lĩnh vực tài chính ứng dụng; sau đó, nghiêm túc suy nghĩ đến việc mở công ty và kinh doanh.
Tương tự Thúy An, Quỳnh Như, Quỳnh Giang, hiện nay, không ít người chấp nhận bỏ thời gian, tiền bạc, thậm chí từ bỏ công việc tốt để học lên thạc sĩ. Chia sẻ với Zing, TS Nguyễn Quốc Anh – Phó hiệu trưởng ĐH Công nghệ TP.HCM – đánh giá những học viên cao học đều xác định rõ động cơ học tập phù hợp với nhu cầu của bản thân. Họ muốn nâng cao trình độ và bằng cấp để giúp công việc tốt hơn hoặc tăng cơ hội thăng tiến.
“Trước đây, nhiều bạn chọn học thạc sĩ sau khi đã đi làm một thời gian để có tài chính đầu tư cho việc học. Ngày nay, gia đình của các bạn đã hỗ trợ về học phí, họ cũng không quá khó khăn để lo cho các bạn học tiếp”, ông Quốc Anh nói thêm.
Theo quan sát của TS Nguyễn Quốc Anh, việc học thạc sĩ đang dễ tiếp cận hơn. Điều này thể hiện ở số lượng học viên có nhu cầu đăng ký chương trình đào tạo thạc sĩ ngày càng tăng. Độ tuổi học viên cũng có xu hướng trẻ hóa trong vài năm trở lại đây.
Tuy nhiên, ông nhận định chương trình đào tạo thạc sĩ đòi hỏi người học nỗ lực nhiều để nghiên cứu chuyên sâu, vì vậy, học viên cần sắp xếp thời gian, công việc, sinh hoạt cá nhân và hoàn cảnh gia đình nếu muốn tham gia học tập.
Áp lực đè lên các 'siêu nhân' vừa làm, vừa học thạc sĩ
Lượng kiến thức lớn, không có thời gian nghỉ ngơi vào cuối tuần là những áp lực mà nhiều người gặp phải khi lựa chọn vừa đi làm, vừa học chương trình thạc sĩ.
Nhiều người gặp áp lực vì vừa đi làm vừa theo học chương trình thạc sĩ. Ảnh: Pexels.
Vào năm ngày trong tuần, Phạm Khánh Toàn (23 tuổi) làm nhân viên thuế ở Bạc Liêu. Mỗi cuối tuần, Toàn lại lên TP.HCM để tham gia chương trình thạc sỹ Kinh tế tài chính công ở Đại học Kinh tế TP.HCM. Giai đoạn đầu của hành trình này như ác mộng vì Toàn không thể cân bằng giữa việc học và đi làm.
"Vừa học, vừa đi làm rất nặng, thời gian đầu tôi loay hoay mãi vì không biết cân bằng sao cho hợp lý", Toàn nói
Trong khi đó, Kim Anh (24 tuổi) vẫn nhớ những ngày đầu của con đường vừa đi học, vừa đi làm.
"Thời điểm đó, các ngày trong tuần tôi đều đi làm. Thứ 7, chủ nhật, tôi lại đến trường học thạc sĩ cả ngày. Buổi sáng từ 8h đến gần 12h. Buổi chiều từ 13h30 đến 17h30. Đã có lúc tôi hối hận vì lựa chọn chương trình học này, nhưng tôi tự an ủi bản thân rằng 2 năm sẽ trôi qua nhanh để cố gắng hơn", Kim Anh nói.
Có người bảo lưu vì quá stress
Kim Anh đang làm tư vấn truyền thông cho một dự án phát triển của tổ chức phi chính phủ. Năm 2020, cô tốt nghiệp cử nhân ngành Quan hệ Công chúng. Sau khi đi làm nửa năm, cô chọn theo học chương trình đào tạo thạc sĩ chuyên ngành Quan hệ Quốc tế ở Học viện Báo chí Tuyên truyền với học phí gần 50 triệu đồng/2 năm học.
Theo Kim Anh, bằng thạc sĩ có nhiều lợi thế để ứng tuyển vào vị trí tư vấn truyền thông cho các dự án phát triển. Cô nhận định thị trường lao động của ngành này phần lớn ưu tiên các ứng viên có bằng thạc sĩ hoặc có số năm kinh nghiệm làm việc lớn.
"Sở hữu bằng thạc sĩ, mức lương của tôi có thể cao hơn một chút so với thị trường chung. Tôi thấy xã hội ngày càng phân hóa hơn về bằng cấp. Ngày xưa, số người sở hữu bằng thạc sĩ hiếm lắm nhưng giờ đã phổ biến hơn nhiều và nó đã trở thành một trong những tiêu chí để công ty lựa chọn ứng viên", Kim Anh nói.
Ở lớp thạc sĩ Quan hệ công chúng của Kim Anh, phần lớn học viên có nhu cầu học tập vì muốn phục vụ tốt hơn trong công việc. Trong đó, 50% học viên có độ tuổi từ 24 đến 26 tuổi.
Kim Anh đang theo học chương trình thạc sĩ Quan hệ công chúng.
Sau nửa năm đi làm, khi học thạc sĩ, Kim Anh gặp nhiều khó khăn vì không thể quay về guồng học tập như ngày xưa. Thời gian đầu, cô mất 1 đến 2 tháng để thích nghi với lịch học và làm việc dày đặc.
"Trong tuần, có một số buổi tối tôi phải làm bài tập nhóm. Đến giai đoạn cuối - viết luận văn - một vài hôm tôi xin nghỉ làm hoặc tranh thủ thời gian nghỉ trưa để đi đến trường nộp giấy tờ, tiểu luận. Vì quá stress khi vừa học, vừa làm, hai người bạn của tôi đã quyết định bảo lưu", Kim Anh nói.
Trong khi đó, Khánh Toàn đang làm việc ở Cục thuế tỉnh Bạc Liêu. Để có cơ hội thăng tiến trong công việc và cải thiện tài chính, tăng hệ số lương lên một bậc, anh đã chọn học thạc sĩ.
"Tôi nghĩ trong thị trường lao động có mặt bằng chung là bằng cử nhân đại học thì việc sở hữu bằng thạc sĩ sẽ giúp bản thân nhỉnh hơn về trình độ và kiến thức. Qua đó, tôi có thêm lợi thế cạnh tranh trong công việc", Toàn nói.
Chương trình thạc sĩ Kinh tế tài chính công của anh có học phí từ 15 đến 16 triệu đồng/học kỳ.
"Vừa ra trường nên kiến thức thực tiễn về công việc của tôi khá thấp. Chương trình học lại giảng dạy nhiều về các kiến thức thực tiễn nên tôi phải dành thời gian để tự tìm hiểu ở nhà", Toàn nói.
Cân nhắc kỹ trước khi lựa chọn
Hiện tại, Kim Anh không còn học trên lớp. Cô đang dành thời gian để làm luận văn tốt nghiệp. Dự kiến, vào tháng 12 năm nay, Kim Anh sẽ tốt nghiệp chương trình đào tạo thạc sĩ ngành Quan hệ công chúng.
"Hai năm vừa qua, tôi thấy chương trình thạc sĩ này khá tốt, tuy nhiên, một số môn học còn lặp lại kiến thức ở trình độ đại học. Tôi nghĩ nếu muốn tìm hiểu sâu hơn, bản thân phải học chương trình tiến sĩ", Kim Anh nói.
Phạm Khánh Toàn đang học chương trình thạc sĩ Kinh tế tài chính công.
Trải qua một năm học thạc sĩ, Khánh Toàn đã cân bằng được việc học và làm. Mỗi tuần, anh sẽ lên thời gian biểu cho bản thân và ghi chú các deadline (hạn nộp) của từng môn.
Toàn cho biết trong quá trình học thạc sĩ, người học phải thực hiện nhiều bài tập. Tuy nhiên, hạn nộp các bài tập được kéo dài nên anh có thể phân bố mỗi ngày làm một ít.
Theo Khánh Toàn, nhiều người trẻ đang có xu hướng học thạc sĩ ngay khi tốt nghiệp cử nhân đại học. Tuy nhiên, sinh viên không nên chạy theo đám đông để học chương trình đào tạo này nếu không cần thiết.
"Hiện tại, vẫn có nhiều ngành nghề không yêu cầu bằng thạc sĩ. Các bạn nên hoạch định rõ 'đường đi' của bản thân để học xong có thể tận dụng tối ưu giá trị của tấm bằng này", Toàn nói.
Đồng quan điểm, Kim Anh cho rằng người học chỉ nên đăng ký chương trình đào tạo thạc sĩ khi thật sự cần và xác định rõ lợi ích của việc học đối với định hướng công việc của bản thân.
"Học thạc sĩ yêu cầu mỗi người phải đầu tư nhiều thời gian, tiền bạc và công sức. Nếu chỉ học theo xu hướng, không xác định rõ lợi ích của việc học thì rất lãng phí", Kim Anh nói.
Kim Anh cũng chia sẻ thêm đối với những sinh viên mới tốt nghiệp cử nhân đã lựa chọn theo học thạc sĩ thì cần chắc chắn về định hướng công việc.
"Trước đây, tôi từng có tâm lý chọn học thạc sĩ ngay khi tốt nghiệp cử nhân để làm cái cớ trốn tránh bước vào thị trường lao động hoặc làm khoảng nghỉ. Nhưng sau đó, tôi đã suy nghĩ lại. Tôi chọn đi học thạc sĩ khi đã đi làm và quyết định gắn bó lâu dài với công việc hiện tại. Nếu các bạn chưa xác định mình muốn gì thì đừng vội chọn học thạc sĩ", Kim Anh nói.
Thành thạo tiếng Anh vẫn bị 'sốc' ngôn ngữ khi đi du học Từng đặt chân đến nhiều quốc gia theo diện học bổng, Huy Hoàng vẫn bị 'sốc' ngôn ngữ khi du học Úc. Nguyễn Hữu Huy Hoàng (sinh năm 1996, quê Ninh Thuận) đang học thạc sĩ chuyên ngành Khoa học và quản lý thủy sản tại trường đại học James Cook ở Úc (trường đại học Top 1 thế giới về ngành sinh...