Bloomberg: Nhân dân tệ là đồng tiền yếu nhất châu Á
Nhân dân tệ đã giảm hơn 9% so với USD trong 6 tháng qua, trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ – Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Bloomberg đưa tin NDT tiếp tục giảm giá sau khi Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) thiết lập tỷ giá tham chiếu thấp hơn dự kiến. Trong phiên giao dịch cuối tuần, NDT có thời điểm giảm tới 0,53% về còn 6,9250 NDT đổi 1 USD.
Đồng tiền này đã giảm hơn 9% so với USD chỉ trong 6 tháng qua, nằm trong số những đồng tiền yếu nhất châu Á. Tỷ giá tham chiếu được PBOC đưa ra ngày thứ Sáu là 6,9120, yếu hơn mức dự báo 6,9051 trước đó của Bloomberg. Ngưỡng tâm lý 7 đang tiến đến gần. Nhiều nhà môi giới chứng khoán lớn, như Bank of America Merrill Lynch nhận định NDT sẽ tiếp tục đi xuống trong những tháng tới.
Trong bối cảnh Mỹ chuẩn bị công bố báo cáo chính sách tiền tệ định kỳ của các đối tác thương mại vào tuần tới, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin mới đây đã được các cố vấn báo cáo Trung Quốc không có ý định thao túng đồng NDT. Tuy nhiên ông từ chối bình luận, khẳng định muốn đảm bảo đồng NDT sẽ không được sử dụng như một công cụ của chiến tranh tiền tệ.
Căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới dường như không ảnh hưởng lớn tới trao đổi thương mại của Trung Quốc. Số liệu mới công bố cho thấy kim ngạch xuất khẩu của nước này trong tháng 9 tăng 14,5% so với cùng kỳ, trong khi nhập khẩu tăng 14,3%, mang về khoản thặng dư thương mại 32 tỷ USD.
Shanghai Composite Index, chỉ số chứng khoán chính của Trung Quốc, đã giảm tới 21% từ đầu năm, với nhiều trở lực như chiến tranh thương mại, kinh tế tăng trưởng chậm lại hay chính sách phá giá đồng nội tệ. Sau khi giảm kỷ lục trong phiên thứ Năm kể từ 2016, SCI có thời điểm giảm tới 1,8% trong phiên thứ Sáu, trước khi hồi phục vào cuối phiên. Trong khi đó, Shenzhen Composite Index cũng mất 10% trong tuần này.
Trong vài tháng qua, Mỹ và Trung Quốc liên tục áp đặt thuế nhập khẩu đáp trả lẫn nhau, khiến thị trường tài chính thế giới nhiều phen chao đảo. Giới đầu tư lo ngại cuộc chiến thương mại sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến làn sóng đầu tư và thương mại toàn cầu.
Tại cuộc họp thường niên giữa các nhà lãnh đạo ngân hàng trung ương và bộ trường tài chính vừa diễn ra ở Indonesia, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) bà Christine Lagarde cho biết, đà tăng của đồng USD là nguyên nhân chính dẫn tới sự suy giảm của đồng NDT.
“Chúng tôi ủng hộ động thái của Trung Quốc hướng đến chính sách tiền tệ linh hoạt”, tổng giám đốc IMF bày tỏ quan điểm, đồng thời khẳng định IMF khuyến khích Bắc Kinh đi theo con đường này.
Video đang HOT
Tổng thống Trump từng nhiều lần cáo buộc Trung Quốc cố tình thao túng đồng NDT nhằm bù đắp thiệt hại do các lệnh áp thuế từ Mỹ. Bắc Kinh đã lên tiếng phủ nhận cáo buộc này.
Võ Quyền
Theo nhadautu.vn
Trung Quốc và thời cơ vàng để trở thành đồng tiền chính của châu Á?
Những hướng đi mới của Washington nhắm vào việc thắt chặt nguồn cung đô la Mỹ cho Trung Quốc có thể là cơ hội vàng cho đồng nhân dân tệ lên ngôi tại châu Á.
Đồng nhân dân tệ sẽ đánh bại đồng đô la Mỹ tại châu Á sau chiến tranh thương mại? - Ảnh: SCMP
Hướng đi mới của chiến tranh thương mại Trung - Mỹ
Sau nhiều tháng liên tiếp đưa ra các động thái tấn công ngành xuất khẩu của Trung Quốc, Tổng thống Donald Trump hiện nay đã bắt đầu muốn thu hẹp thâm hụt thương mại song phương của Mỹ với Trung Quốc, theo Bloomberg.
Điều này cho thấy Bắc Kinh chiếm một vai trò quan trọng trong nền kinh tế Mỹ. Khoản thặng dư thương mại hàng hóa trị giá 375 tỷ USD do Trung Quốc giao thương với Mỹ trong năm 2017 là con số áp đảo so với tổng tài khoản vãng lai ước tính 165 tỷ USD của xứ cờ hoa với phần còn lại của thế giới.
Nói cách khác, Trung Quốc cần đồng đô la Mỹ để thanh toán cho tất cả các công nghệ nước ngoài, hoàn thiện thủ tục kinh doanh từ các nước khác và tất cả các mặt hàng năng lượng then chốt, bao gồm 9 triệu thùng dầu nhập khẩu mỗi ngày từ phần còn lại của thế giới. Họ buộc phải bán hàng cho Mỹ.
Với chính quyền Tổng thống Trump hiện đang nhắm đến việc thắt chặt nguồn cung cấp đồng đô la Mỹ cho Trung Quốc, Bắc Kinh buộc phải phản ứng trước mối đe dọa và trong lịch sử, người Trung Quốc chưa bao giờ thất bại khi phải đối phó với tình huống tương tự.
Những giải pháp tình thế của Trung Quốc
Theo các chuyên gia kinh tế, Trung Quốc hiện nay có hai giải pháp tình thế cho sự thâm hụt nguồn dự trữ đồng đô la Mỹ. Để bù đắp lại những giao dịch thất bại và khoản thuế đắt đỏ với Washington, Trung Quốc có thể mở rộng đáng kể ngành nhập khẩu với các nước còn lại trên thế giới hoặc đơn giản và lâu dài hơn, củng cố sức mạnh của đồng nhân dân tệ để biến nó thành phương tiện thanh toán thay thế cho đồng đô la Mỹ.
Bắc Kinh sẽ không tuân thủ các yêu cầu của những giám đốc ở Washington - những người đang mong muốn giảm hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp của Trung Quốc. Chiến lược "Made in China 2025" của chính phủ do Chủ tịch Tập Cận Bình dẫn đầu có vai trò quan trọng trong việc khẳng định vị thế địa chính trị không dễ dàng để lung lay. Bởi vậy, những động thái mới nhất của Bắc Kinh cho thấy họ đã lựa chọn giải pháp thứ hai: tăng trữ lượng vàng để giữ giá đồng nhân dân tệ.
Và trong khi chính sách dài hạn của Mỹ là giảm sự phụ thuộc của Bắc Kinh trong ngành nhập khẩu các thiết bị công nghệ cao như bộ vi xử lý, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc vẫn chủ yếu dựa vào ngành xuất khẩu hàng hóa. Yếu tố này càng tăng tính cấp thiết của việc tìm một đồng tiền khác thay thế đô la Mỹ.
Với một kho dự trữ ngoại hối trị giá 3,1 nghìn tỷ USD, phần lớn bằng đô la Mỹ, Trung Quốc tạm thời vẫn có thể tiếp tục chi trả cho hàng nhập khẩu bằng cách giảm lượng dự trữ ngoại tệ tích lũy.
Nhưng với chính sách của Washington, khả năng về một cuộc chiến tranh lạnh 20 năm sẽ phá vỡ vĩnh viễn chuỗi cung ứng toàn cầu chạy từ Trung Quốc sang Mỹ. Thiếu một động thái dứt khoát, việc Trung Quốc phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ trong thương mại quốc tế ngày càng đến gần.
Một điểm then chốt khác là khi Trung Quốc muốn thoát khỏi ảnh hưởng của Mỹ trong lĩnh vực tiền tệ, chính sách Bắc Kinh quản lý đồng nhân dân tệ hiện nay đang bộc lộ nhiều hạn chế.
Tiềm năng và hạn chế của đồng nhân dân tệ
Lịch sử các quốc gia khác trên thế giới, ngay cả tại châu Á, trong nhiều năm vẫn chưa chấp nhận thanh toán bằng đồng nhân dân tệ một cách rộng rãi. Nguyên nhân có thể là đồng nhân dân tệ đã không hoàn toàn được tự do chuyển đổi và sử dụng do hệ thống kiểm soát của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc.
Trên hết, các đối tác thương mại của Trung Quốc vẫn luôn nghi ngờ về giá trị của đồng nhân dân tệ. Trung Quốc từng thao túng tỷ giá hối đoái của nhân dân tệ để tăng giá trị cho ngành sản xuất nội địa và giảm thuế cho các mặt hàng xuất khẩu. Cuộc đại suy thoái vào cuối năm 1993 hẳn vẫn là cơn ác mộng với nhiều nhà đầu tư. Bắc Kinh đã giảm 33% giá đồng NDT so với đồng đô la Mỹ - một động thái được nhiều người coi là nguyên nhân chính của cuộc khủng hoảng tiền tệ châu Á ba năm sau đó.
Từ năm 2017, Trung Quốc bắt đầu thúc đẩy NDT như một loại tiền tệ thương mại ổn định, cho phép giao dịch ra nước ngoài và mở rộng phạm vi tài sản nhân dân tệ người nước ngoài có thể đầu tư.
Nhưng Bắc Kinh vẫn phải đối mặt với những nghi ngờ, đặc biệt là về độ tin cậy của chính sách tỷ giá hối đoái. Gần đây, chính quyền Trung Quốc đã tìm ra một giải pháp cho vấn đề này: vàng.
Biểu đồ giao dịch vàng và đồng nhân dân tệ từ năm 2015 - 2018 - Ảnh: SCMP
Những quốc gia châu Á khác thời gian gần đây đã bị ảnh hưởng xấu bởi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung có thể hy vọng vào đồng nhân dân tệ được định giá bằng vàng như một hướng đi mới. Trong ngắn hạn, khi chính quyền Mỹ phá vỡ các chuỗi cung ứng và hạn chế cung cấp đô la Mỹ cho thị trường quốc tế do thâm hụt thương mại, ngày càng nhiều chuyên gia dự đoán rằng đó sẽ là nhân dân tệ - thay vì đô la Mỹ - trở thành mỏ neo cho lĩnh vực tiền tệ ở châu Á.
Trong hơn 18 tháng qua, đồng NDT đã trở nên có nhiều biến động hơn so với đô la Mỹ nhưng thị trường vàng Trung Quốc lại ổn định hơn. Điều này cho thấy các nhà hoạch định chính sách tiền tệ Trung Quốc có thể không còn quản lý tỷ giá hối đoái mà thay vào đó, đang bắt đầu kết nối giá trị của đồng nhân dân tệ so với vàng.
Nếu xu hướng này trở thành hiện thực, Trung Quốc sẽ còn phải đi một chặng đường dài để thiết lập một khu vực tiền tệ mới dựa trên đồng nhân dân tệ và hướng tới việc khẳng định vị thế cũng như quyền lực kinh tế chủ đạo trong châu lục.
Thu Phương (Theo SCMP)
Vì sao nhà đầu tư nước ngoài bán ròng mạnh mẽ trở lại? Nhà đầu tư nước ngoài đã quay trở lại bán ròng liên tiếp gần đây trên thị trường chứng khoán, góp phần tạo ra áp lực đẩy các chỉ số chìm sâu trong những ngày gần đây. Yếu tố nào đã thúc đẩy khối ngoại đảo chiều xu hướng giao dịch? Quay lại bán ròng và ảnh hưởng tiêu cực lên thị trường...