BlackBerry ‘chết’ nhưng vẫn sống trong lòng nhiều người chơi điện thoại
Cộng đồng những người chơi BlackBerry vốn tĩnh lặng bỗng dưng được nhắc nhiều trong thời gian gần đây, cho thấy sản phẩm BlackBerry dù có thành cục gạch vẫn được nhiều người yêu mến.
Một cộng đồng người chơi tử tế
Cộng đồng người chơi BlackBerry tại Việt Nam vốn yên lặng bỗng dưng hoang mang trong vài ngày gần đây do hãng BlackBerry tuyên bố dừng hỗ trợ dịch vụ kể từ 4/1 (máy chạy Android không bị ảnh hưởng). Nhiều thông tin cho hay dòng máy này sẽ trở thành “cục gạch” song cho tới hiện tại, những dịch vụ cơ bản như nghe gọi, email cá nhân vẫn sử dụng bình thường tại Việt Nam.
Mẫu BlackBerry Passport lịch lãm một thời vẫn được nhiều người yêu thích và lưu giữ.
Dù chiếc điện thoại cuối cùng của BlackBerry sản xuất cách đây đã gần 4 năm nhưng vẫn có những cộng đồng nhỏ những người chơi BlackBerry tại Việt Nam còn tồn tại. Vẫn có những bài viết rải rác trên các hội nhóm về dòng điện thoại nức tiếng một thời. Đặc biệt, trên một nhóm buôn bán BlackBerry cũ, hàng ngày vẫn có vài bài đăng mua bán, trao đổi, vẫn có sản phẩm được giao dịch.
Anh Cường Phạm, một người chuyên sửa chữa và mua bán BlackBerry tại TP.HCM, cho hay mỗi ngày anh vẫn có thể bán ra được 7-8 máy (dù tin tức gần đây khiến lượng mua bán giảm hẳn).
Anh Anh Tuấn, một người chơi khác ở Cần Thơ, cho hay anh vẫn giữ một số mẫu BlackBerry làm kỷ niệm, lâu lâu mua bán trao đổi với mọi người.
“Mình vẫn sử dụng BlackBerry song song với điện thoại chính, vì dòng BlackBerry đơn giản, an toàn”, anh Tuấn tâm sự.
Trong khi đó, chị Thuỳ Trang – một người chơi BlackBerry lâu năm – cho rằng, dù nhiều người chơi đã chuyển sang các dòng máy khác nhưng ai cũng giữ một chiếc BlackBerry “để anh em gặp nhau còn có câu vô đề, thậm chí có lúc chỉ dùng nó để nhận ra nhau giữa đám đông”.
Anh Trần Mạnh Hiệp, đồng sáng lập diễn đàn Tinh Tế – một thời gian dài chơi BlackBerry, nhận xét cộng đồng chơi BlackBerry hiện nay vẫn tồn tại, dù số lượng ngày một ít đi.
Video đang HOT
“BlackBerry được yêu mến vì kiểu dáng mạnh mẽ, nam tính. Dù hiện nay nhiều người chuyển sang xài điện thoại khác nhưng tình yêu không thay đổi được”, anh Hiệp phân tích. “Nhóm người yêu thích BlackBerry thường tử tế, lịch thiệp. Họ yêu chân phương, không khoe mẽ, hiếm khi lên mạng chửi nhau như một số cộng đồng khác”, anh Hiệp nói thêm.
Rất nhiều người chơi từng gắn bó với kiểu dáng khác biệt của BlackBerry, thích hàng phím vật lý bấm rất đã tay và hiệu quả. “BlackBerry vẫn sống trong lòng mọi người, bởi nó là một phần của lịch sử phát triển smartphone. Ngay trong thời đại của nó, nó là số 1 về nhiều mặt, đặc biệt bàn phím và bảo mật. Nên mọi người vẫn sẽ nhớ về BlackBerry như một ký ức đẹp”, anh Bùi An – quản lý diễn đàn HDVietnam phân tích.
Vì sao BlackBerry “chết”?
Theo anh Trần Mạnh Hiệp, trên thực tế BlackBerry đã “chết” từ rất lâu, vào thời điểm mà hãng chuyển sang sử dụng hệ điều hành Android. Thêm nữa, BlackBerry cũng dừng bán điện thoại mới được vài ba năm.
“Điện thoại BlackBerry đúng như người ta trải nghiệm thì không còn lâu lắm rồi. BlackBerry xài Android thì không còn là BlackBerry nữa”, người đồng sáng lập diễn đàn công nghệ lớn nhất hiện nay bày tỏ.
BlackBerry đã thay đổi bằng cách làm điện thoại màn hình cảm ứng, giữ lại phím QWERTY, chạy Android, nhưng vẫn không trụ được.
Như nhiều ý kiến đã phân tích trước đây, anh Bùi An cho rằng BlackBerry quá chậm thay đổi, quá tự tin vào chất lượng sản phẩm của mình cũng như hệ điều hành của họ.
“Trong thị trường cạnh tranh với iPhone, Android và cả máy Windows Phone lúc đó, BlackBerry hầu như không tạo ra được nhiều sáng tạo mới khiến người dùng không có lý do gì để lựa chọn”, anh Bùi An lý giải.
Việc chuyển sang Android trong những năm sau đó của BlackBerry được xem là bước đi chữa cháy, nhưng mọi chuyện đã quá muộn màng. Giống như ông lớn Nokia cũng đã chậm chân khiến cho hào quang một thời cũng vụt tắt.
“Tóm lại, BlackBerry phải rời cuộc chơi do chậm thay đổi, hệ điều hành không phát triển với ứng dụng yếu và thiếu. Cùng với đó là sản phẩm có giá khá cao, không đáp ứng được những nhu cầu mới của người dùng về công nghệ”, anh Bùi An nhận định.
Trong khi đó, chị Thuỳ Trang cho rằng ngành công nghiệp smartphone thay đổi diễn ra quá đáng sợ, nhưng những người tạo ra BlackBerry lại bình chân như vại, khiến cho sản phẩm không đáp ứng được nhu cầu sử dụng và phát triển.
Song song đó, hệ điều hành của hãng không “mở”, không theo kịp trào lưu mạng xã hội, và số lượng ứng dụng không đáp ứng được nhu cầu.
Những hạn chế đó buộc BlackBerry phải dừng cuộc chơi phần cứng và đi theo con đường phát triển giải pháp di động.
Dù thừa nhận BlackBerry đã thất bại song những người chơi BlackBerry đến hiện tại như chị Trang không cho rằng BlackBerry đã “chết”.
“BlackBerry đã, đang, và sẽ là tượng đài trong lòng mình. BlackBerry là thanh xuân rực rỡ mình từng có, là công việc, là bạn bè, từng có khi là tình yêu. Và nó ở yên đó, ngự trị cùng thanh xuân của mình”, chị Trang tâm sự.
Điện thoại BlackBerry vẫn sử dụng được tại Việt Nam, nhưng người mua vẫn hoang mang
Người mua có giảm sút vì thông tin điện thoại BlackBerry trở thành "cục gạch", song các điện thoại này hiện vẫn sử dụng bình thường tại Việt Nam.
Theo thông tin trên truyền thông, những điện thoại BlackBerry chạy hệ điều hành của hãng sẽ ngưng hoạt động kể từ ngày 4/1/2022 (điện thoại BlackBerry chạy Android không bị ảnh hưởng). Tuy nhiên tới thời điểm viết bài này, tất cả điện thoại BlackBerry hiện vẫn hoạt động bình thường tại Việt Nam, song người mua vẫn hoang mang, lượng mua bán giảm sút.
Chiều 4/1, điện thoại BlackBerry vẫn nhận sóng và nghe gọi bình thường tại Việt Nam.
Trước thông tin điện thoại BlackBerry có thể trở thành "cục gạch" sau ngày 4/1/2022, giới mua bán điện thoại nhãn này đang rất hoang mang.
Anh Cường Phạm, một người chuyên sửa chữa và bán điện thoại BlackBerry tại TP.HCM, cho hay trong vài ngày gần đây, số lượng người mua giảm gần một nửa so với ngày thường.
"Hầu hết mọi người rất hoang mang trước thông tin điện thoại BlackBerry sẽ không còn sử dụng được nữa", anh Cường nói với PV .
Dù vậy, anh Cường vẫn tin rằng nếu điện thoại BlackBerry bị ngưng một số tính năng như thông báo của hãng, thì việc nghe gọi, nhắn tin vẫn không bị ảnh hưởng.
"Hãng chỉ có thể can thiệp phần mềm, riêng việc gọi điện hay nhắn tin lại phụ thuộc nhà mạng Việt Nam nên tôi cho rằng điện thoại sẽ không bị ảnh hưởng", anh Cường suy đoán.
Nói với PV , Anh Tuấn (Cần Thơ), thậm chí cho rằng việc BlackBerry ngưng dịch vụ để biến điện thoại thành "cục gạch" hầu như không khả thi. Vì điện thoại không phải khai báo với máy chủ của hãng, do đó việc có sử dụng được hay không phụ thuộc nhiều vào nhà mạng Việt Nam hơn là phía BlackBerry.
Dù vậy, những thông tin từ phía BlackBerry khiến giới mua bán tại Việt Nam không khỏi bối rối. Theo anh Cường, phải chờ đến ngày mai 5/1 thì mọi việc mới có thể sáng tỏ hơn.
Cho đến hiện nay, chủ nhân tất cả các điện thoại BlackBerry mà PV có liên hệ hỏi đều cho biết điện thoại vẫn sử dụng bình thường các tính năng nghe gọi và các dịch vụ của BlackBerry.
Chị Thuỳ Trang, một người đam mê BlackBerry tại TP.HCM, đã thử nghiệm gắn SIM tất cả các nhà mạng Việt Nam vào một số điện thoại BlackBerry của chị. Các máy vẫn hoạt động hoàn hảo, ít nhất ở việc nhận sóng nhà mạng.
Theo tìm hiểu của PV , BlackBerry thông báo trên trang của hãng như sau: các dịch vụ kế thừa dành cho Hệ điều hành BlackBerry 7.1 trở về trước, phần mềm BlackBerry 10, BlackBerry PlayBook OS 2.1 và các phiên bản trước đó, sẽ không còn khả dụng sau ngày 4/1/2022. Kể từ ngày này, các thiết bị chạy các dịch vụ và phần mềm kế thừa này thông qua nhà cung cấp dịch vụ hoặc kết nối Wi-Fi sẽ không còn hoạt động đáng tin cậy nữa, bao gồm dữ liệu, cuộc gọi điện thoại, SMS và chức năng 911 (cuộc gọi khẩn cấp).
Trên thực tế, thông báo nói trên được đưa ra hồi tháng 9 năm 2020 nhằm giúp người dùng BlackBerry có thời gian chuẩn bị.
Theo thông báo này, có thể hiểu rằng các dịch vụ do BlackBerry cung cấp sẽ không còn khả dụng, riêng kết nối Wi-Fi hay mạng di động sẽ không còn đáng tin cậy. Hãng không nhắc đến việc chiếc điện thoại sẽ thành "cục gạch".
Anh Anh Tuấn đồng ý với quan điểm này, và cho rằng có thể BlackBerry đang đề cập đến việc ngưng hỗ trợ, ngưng cập nhật phần mềm, cắt các dịch vụ độc quyền của hãng, chứ không nói sẽ biến điện thoại thành "cục chặn giấy" - cách gọi những chiếc điện thoại không còn chức năng nghe gọi.
Theo chị Thuỳ Trang, trên thực tế người dùng BlackBerry tại Việt Nam đang thưa thớt dần. Nhóm còn lại hiện nay vẫn yêu quý BlackBerry, và chấp nhận sử dụng hạn chế một số tính năng của điện thoại. Do đó, nếu điện thoại chỉ mất đi một số dịch vụ của BlackBerry nhưng vẫn còn lại tính năng nghe gọi thì hầu như việc này không ảnh hưởng nhiều đến thú chơi hiện tại của người dùng điện thoại này.
Có một thương hiệu điện thoại vàng son sẽ "chấm hết" vào ngày 4/1/2022 Theo thông báo chính thức từ phía nhà sản xuất, các thiết bị BlackBerry cũ sẽ mất chức năng nhắn tin, gọi điện và truy cập dữ liệu vào năm 2022. Giờ đây, thế giới công nghệ lại chứng kiến sự ra đi của "vị vua một thời" được yêu mến: BlackBerry. Mặc dù đây không phải là lần đầu tiên xuất hiện...