Bít tết Lục Nguyên: Món Tây theo kiểu Hoa
Bít tết, cái tên thân thuộc chỉ nghe qua thôi cũng đã nghĩ đến món bò khoái khẩu mà người Sài Gòn ai cũng ít nhất một lần thử qua. Chữ “bít tết” có lẽ là cách phát âm trại ra từ chữ “ beefsteak” (tiếng Anh) hoặc “bifteck” (tiếng Pháp). Tôi nghiên về giả thiết thứ hai nhiều hơn, vì người Pháp trong những năm đô hộ Việt Nam đã mang theo nhiều món ăn độc đáo mà trong đó có bánh mì và pâté, hai món ăn quen thuộc đến mức đôi khi tôi nghĩ nếu thiếu nó ẩm thực Việt Nam sẽ chẳng còn thú vị gì nữa.
Phần bít tết bò, trứng, mì spaghetti độc đáo của Lục Nguyên
Hình ảnh quen thuộc của bít tết Sài Gòn là miếng bò nóng hỏi, xôi xèo xèo nằm trên cái dĩa gang hình con bò. Bò bít tết ngon ở Sài Gòn có thể kể đến Nam Sơn, Hoa Quả Sơn (trước là Hỏa Diệm Sơn), hay là khu hẻm đối diện đại học Bách Khoa mà bạn tôi hay gọi đùa là “bít tết Bách Khoa”. Cách dọn miếng bò trên dĩa gang đó hình như là một đặc trưng của đồ Tây nấu theo kiểu Hoa mà tôi thấy nhiều ở Singapore và Malaysia. Và tôi cũng nghĩ đến giả thiết, liệu món bít tết người Sài Gòn thưởng thức từ bao năm nay có nguồn gốc từ người Hoa đến sinh sống tại đây chăng?
Xin nói qua một chút về món bít tết kiểu Hoa mà những năm ở Singapore tôi được thưởng thức qua. Người Singapore gọi chung những món ăn Tây nấu theo kiểu Hoa là “Hainanese Western food”, tức là đồ Tây nấu theo kiểu của người Hải Nam. Tại sao lại là người Hải Nam, mà lại là ở Singapore? Chuyện là, những năm người Anh đô hộ Singapore (từ đầu thế kỷ 18) có rất nhiều viên chức cũng như binh lính đóng quân tại đây. Nhu cầu tuyển dụng đội ngũ phục vụ cũng phát sinh, từ lái xe, lau công, khuân vác cho đến đầu bếp. Người Hải Nam với tố chất khéo léo và chịu khó được tuyển chọn khá nhiều cho vị trí đầu bếp. Công việc suông sẻ, họ kêu gọi thêm họ hàng từ Hải Nam sang cho những đợt tuyển dụng mới, dần dần hình thành một cộng đồng người Hoa chuyên nấu ăn cho người Anh. Những sáng tạo trong cách nấu nướng, cũng như áp dụng một số bí quyết của người Hoa vào những món ăn “rặt Tây” như bít tết, sườn heo nướng, mì spaghetti… tạo ra một dòng sản phẩm riêng mà người Singapore quen goi là “đồ Tây nấu theo kiểu Hải Nam”.
Ngày nay, cho dù người Anh đã về nước từ những năm 60 của thế kỷ trước thì những món Tây kiểu này vẫn được yêu thích ở đảo quốc nhỏ bé và năng động này. Bạn có thể thử ăn ở Han’s hay Jack’s Place, hai chuỗi nhà hàng Singapore tương đối thành công chuyên bán những món ăn theo trường phái này. Thời gian ở Singapore tôi có dịp dọc ngang khắp nơi cũng như thưởng thức gần như đầy đủ menu đồ Tây theo kiểu Hải Nam. Mà cũng khó gọi đó là đồ Tây nữa. Từ gia vị, cách nêm nếm cho đến nấu nướng hình như đã dịch chuyển hẳn sang của người Hoa. Thưởng thức những món Tây kiểu Hải Nam cũng là cái thú của người Singapore, mang lại cho họ những hoài niệm thú vị về một giai đoạn lịch sử đáng nhớ.
Dĩa mì spaghetti sốt bò bằm với cách nêm nếm và trình bày khác biệt so với nguyên bản
Lục Nguyên là một nhà hàng mới mở khoảng 10 năm trở lại đây. Chi nhánh đầu tiên nằm ở đường Trần Hưng Đạo khúc gần Đại Thế Giới, còn chi nhánh thứ hai thì gần ngã tư Cách Mạng Tháng 8 – Nguyễn Thị Minh Khai. Món bít tết ăn cùng trứng ốp la và mì spaghetti được ưa chuộng nhất tại đây. Miếng bò bề ngoài khá săn nhưng cắt ra lại rất mềm mà không bị bở. Và phần sốt tiêu đen rưới lên phía trên mới là nét độc đáo nhất: vị sốt tiêu không quá nồng, không quá ngọt, nhưng khi kết hợp cùng thịt bò và mì, trứng lại ngon lạ lùng. Thích nhất là hầu như rất ít dầu, trong khi đa phần các quán khác ở Sài Gòn lại ngập ngụa như “ép” khách gọi thêm bánh mì.
Mì spaghetti sốt bò bằm cũng là một món ngon khác mà bạn nên thử qua. Không như nguyên bản ta thường thấy, món mì ở đây được nêm nếm theo và trình bày theo một cách khác: phần thịt bò bằm khi xào lên hầu như không còn thấy màu đỏ quen thuộc của cà chua, cũng không qua đậm đặc, mà lại nằm đều trên dĩa mì. Vị sốt cà ẩn sau trong lớp thịt bò bằm chứ không nằm trong sốt cà như ta hay thấy. Một biến thể khá thú vị, gần gủi với các món nui xào, mì xào thường thấy ở Sài Gòn.
Đã từng thử qua món bít tết ở nhiều nơi, tôi vẫn thấy phiên bản “Hải Nam” tại Singapore tương đối gần gủi nhất với cách ăn ở Sài Gòn. Phải chăng đây là một món ngon khác mà người Hải Nam đã mang đến Sài Gòn, bên cạnh món cơm gà trứ danh? Cũng nên thử qua để cảm nhận sự giao thoa thú vị giữa hai trường phái ẩm thực Âu – Á này.
Bít tết Lục Nguyên
CN1: 109 Trần Hưng Đạo, phường 06, quận 05
CN2: 127 Cách Mạng Tháng 8, phường 05, quận 03
Mở cửa: sáng từ 7h đến 1h30 trưa, chiều từ 4h đến 10h tối
Giá: Bít tết bò trứng mì spaghetti (71.000đ/phần), mì spaghetti sốt bò bằm (63.000đ/dĩa)
Theo SGAT
Video đang HOT
5 món bánh mì độc đáo của Sài Gòn
Bánh mì vốn dĩ được xem như một món ăn đặc trưng của phương Tây. Nhưng khi du nhập vào Sài Gòn đã có vô số những biến thể thú vị như bánh mì bì, bánh mì thịt nướng, bánh mì ăn với xíu mại...
1. Bánh mì ốp la - thịt nguội Hòa Mã
Cửa hàng bánh mì thịt nguội mang tên Hoà Mã (tên một làng ở ngoại ô Hà Nội) ra đời năm 1958 tại số 511 Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu, quận 03). Sau đó hai năm, tiệm dời về số 53 Cao Thắng gần đó cho đến nay.
Ban đầu, tiệm cũng bán bánh mì riêng, thịt nguội riêng, ăn tại chỗ hoặc mang về. Nhưng người mua thường là công nhân viên chức hay là sinh viên học sinh vốn không có nhiều thời gian vào buổi sáng để nhẩn nha ngồi ăn ở tiệm. Thế là Hoà Mã làm ổ bánh mì vừa đủ cho suất ăn sáng dài hơn gang tay, nhét thịt, chả lụa và pa-tê vào giữa để người mua tiện mang theo vào nơi làm việc hay lớp học.
Món ngon và đặc trưng nhất của bánh mì Hòa Mã là một phần ốp la dùng kèm với đủ thứ thịt nguội. Hai trứng gà được chiên lên, lòng đỏ để sống sống, thêm vài lát hành tây cho thơm, rồi nào là jambon, chả các loại, ba rọi muối, xúc xích.... Rắc tí muối tiêu lên bề mặt, nêm chút nước tương, thêm tí tương ớt... là ra một phần ốp la thập cẩm mà có lẽ phải kêu thêm 1, 2 ổ bánh mì ăn thêm nữa mới đủ. Và sẽ cũng rất thiếu sót khi không nhắc đến món đồ chua của Hòa Mã, là thứ giúp ta bớt ngán khi phải ăn khá nhiều thịt. Đồ chua của Hòa Mã không thái sợi như thường thấy ở các tiệm bánh mì khác mà lại là lát to đặc trưng. Vị củ cải trắng, dưa leo, cà rốt quyện lại làm cho món ăn như ngon hơn rất nhiều.
Địa chỉ: 51 Cao Thắng, phường 05, quận 03
Mở cửa: từ 6h sáng đến 10h trưa
Giá: Ốp la bánh mì (42,000/phần), thịt nguội thập cẩm (42,000/phần), bánh mì thập cẩm (24,000/ổ)
Phần bánh mì ốp la thịt nguội đặc trưng của Hòa Mã
Thực khách đã quen với những bàn ăn nhỏ dọc theo con hẻm 51 Cao Thắng suốt 50 năm qua
2. Bánh mì bì hẻm 150 Nguyễn Trãi (quận 01)
Xe bánh mì nhỏ trong hẻm Nguyễn Trãi này đã thành danh hơn 20 năm nay với món bánh mì bì. Có thể nói vào đầu những năm 90, đây là một trong những xe bánh mì bì đầu tiên và nổi tiếng bậc nhất ở Sài Gòn. Nhiều năm sau đó các xe bánh mì thịt mới bắt đầu phục vụ thêm món bánh mì ăn kèm với bì và nước mắm này.
Cách ăn bánh mì bì cũng tương tự với... cơm tấm, tức là quết mỡ hành lên dọc ổ bánh mì, cho bì cùng các loại đồ chua, dưa leo, ngò rồi chan nước mắm lên. Cách trộn bì ở đây khá đặc biệt với phần thịt nạc được để riêng rất "chất lượng". Đó là chưa kể lớp mỡ hành thơm dịu làm "nền" để hương vị đậm đà của nước mắm cùng lớp bì và đồ chua hòa quyện cùng nhau.
Địa chỉ: Đầu hẻm 150 Nguyễn Trãi, phường Bến Thành, quận 01
Mở cửa: từ 6h sáng đến 11h trưa
Giá: Bánh mì bì (15.000đ/ổ)
Xe bánh mì hẻm 150 Nguyễn Trãi lúc nào cũng tấp nập thực khách
Ổ bánh mì bì ngon bậc nhất Sài Gòn
3. Bánh mì xíu mại khô trên đường Nguyễn Thị Minh Khai
Xíu mại khô là một món ăn sáng phổ biến của cộng đồng người Hoa gốc Quảng. Món ăn này thường thấy trong các trà quán, cùng một thực đơn với há cảo, bánh củ cải, bánh hẹ.... với cách ăn khô thông dụng.
Tuy nhiên xe bánh mì nhỏ trên đường Nguyễn Thị Minh Khai này lại bán xíu mại, há cảo ăn kèm với bánh mì. Ổ bánh mì ở đây cũng rất khác biệt: chỉ bao gồm một lớp tương ớt nhẹ (rất ít cay), một chút hỗn hợp tương và giấm, rồi mới kẹp chung với xíu mại và há cảo, chứ hoàn toàn không có đồ chua hay dưa leo như thường thấy. Nhưng cũng nhờ vậy mà vị béo béo, nóng sốt của há cảo, xíu mại mới thật sự hòa quyện cùng ổ bánh mì nóng giòn.
Xe bánh mì này đã mở gần 15 năm ở đầu hẻm 358 Nguyễn Thị Minh Khai (quận 03). Ngoài ra ở đây còn bán thêm các món ăn sáng kiểu Hoa khác như bánh bao, bánh ca dé, bánh xếp kiểu Hoa...
Địa chỉ: Đầu hẻm 358 Nguyễn Thị Minh Khai, phường 05, quận 03
Mở cửa: từ 5h30 sáng đến 11h trưa
Giá: Bánh mì xíu mại (15.000đ/ổ)
Khay hấp xíu mại, há cảo nóng hổi. Có thể ăn với bánh mì hoặc ăn riêng với nước chấm
Ổ bánh mì ở đây cũng rất khác biệt: chỉ bao gồm tương ớt, một chút hỗn hợp tương và giấm, rồi mới kẹp chung với xíu mại và há cảo, chứ hoàn toàn không có đồ chua hay dưa leo như thường thấy
4. Bánh mì thịt nướng hẻm 37 Nguyễn Trãi (quận 01)
Đã 5 năm kể từ khi trang mạng concierge.com của tạp chí du lịch Mỹ Condé Nast Traveler vinh danh bánh mì thịt nướng hẻm 37 Nguyễn Trãi (quận 01) là một trong 12 món ăn đường phố ngon nhất thế giới, xe bánh mì của chị Gái vẫn nườm nượp khách hàng trong lẫn ngoài nước.
Cứ vào 5h chiều hàng ngày, kể cả cuối tuần, xe bánh mì của chị Gái đẩy ra vỉa hè trước hẻm 37 Nguyễn Trãi ở quận 1 (gần bùng binh Phù Đổng Thiên Vương). Trước đó, từ khoảng 3h chiều, thịt được nướng sẵn một phần khi xe còn đậu trong hẻm. Xe vừa đẩy ra thì khách đã đứng xếp hàng chờ mua.
Cắn một miếng bánh mì là bạn đã cảm nhận đầy đủ hương vị của Sài Gòn, món ăn pha trộn giữa ẩm thực Pháp và Việt. Chiếc bánh mì giòn là văn hóa Pháp, nhưng toàn bộ nhân ở trong gồm những miếng thịt nướng, lát dưa leo giòn tan, đồ chua, ngò và nước tương thơm phức thì đích thị là văn hóa Việt.
Địa chỉ: Đầu hẻm 37 Nguyễn Trãi, phường Bến Thành, quận 01
Mở cửa: từ 5h chiều đến 7h30 tối
Giá: Bánh mì thịt nướng (15.000đ/ổ)
Xe bánh mì thịt nướng đầu hẻm 37 Nguyễn Trãi lúc nào cũng tấp nập thực khách xếp hàng chờ mua
Trang mạng concierge.com của tạp chí du lịch Mỹ Condé Nast Traveler vinh danh bánh mì thịt nướng hẻm 37 Nguyễn Trãi (quận 01) là một trong 12 món ăn đường phố ngon nhất thế giới
5. Bánh mì xíu mại kiểu Đà Lạt trên đường Cống Quỳnh (quận 01)
Xíu mại nước cũng là một món ăn xuất phát từ menu điểm tâm của người Hoa. Tuy nhiên khi du nhập vào Việt Nam đã có biến đổi ít nhiều. Khi thì ăn với bánh căn như ở Phan Thiết, cũng có lúc làmón chính trong dĩa cơm tấm Sài Gòn... Ở phiên bản Đà Lạt, kích cỡ viên xíu mại được thu nhỏ lại. Thành phần có thêm nhiều mỡ, tiêu đen để tăng vị nồng. Một chén xíu mại nóng hổi được dọn ra, để tăng phần đậm đà bạn có thể thêm vào ớt xay. Một cách ăn đầy thi vị của thành phố ngàn hoa.
Xe bánh mì xíu mại theo kiểu Đà Lạt này chỉ bán vào buổi chiều tối trước con hẻm 189 Cống Quỳnh (quận 01). Nếu không tiện ăn xíu mại chén, bạn có thể mua bánh mì ổ mang về. Quán còn có bán thêm bánh beo chén cũng khá ngon.
Địa chỉ: Đầu hẻm 189 Cống Quỳnh, phường Nguyễn Cư Trinh, quận 01
Mở cửa: từ 3h chiều đến 7h30 tối
Giá: Bánh mì xíu mại chén (15.000đ/phần), bánh mì xíu mại ổ (12.000đ/ổ)
Một chén xíu mại Đà Lạt nóng hổi được dọn ra, để tăng phần đậm đà bạn có thể thêm vào ớt xay
Xe bánh mì này nằm ở đầu hẻm 189 Cống Quỳnh (quận 01)
5 món trên chưa tuy phải là đầy đủ nhất trong danh sách những món bánh mì độc đáo của Sài Gòn, nhưng cũng là tiêu biểu cho nhiều phong cách ẩm thực xoay quanh ổ bánh mì - vốn là một phần của văn hóa Pháp. Một sự hội tụ thú vị, và có lẽ chỉ xảy ra ở Sài Gòn.
Theo SGAT
Hòa Mã: Ký ức bánh mì Sài Gòn Hòa Mã của tôi từ những ngày học cấp một hay là bây giờ, của một thanh niên đã xấp xỉ ba mươi, hình như cũng chẳng thay đổi là mấy. Vẫn không gian cũ kỹ và ọp ẹp đó, vẫn cái tủ bánh mì nhỏ mà ngày xưa tôi hay đứng cạnh ba, hay cái bảng hiệu cùng với font chữ như...