Bình luận “Chúng tôi áp lực kinh khủng vì sợ rủi ro xảy ra kiểu Sơn La, Hòa Bình”
Cách thức thi THPT quốc gia như hiện nay tiềm ẩn rủi ro cao vì những “kiểu” Hòa Bình, Sơn La… có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Những ý kiến này đã được đưa ra tại hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế và mô hình đánh giá để công nhận tốt nghiệp THPT cho Việt Nam” do Viện Đo lường đánh giá phát triển giáo dục tổ chức ngày 23/4.
Thi tốt nghiệp chỉ nên phục vụ 2 mục đích
Đánh giá về cách thức tổ chức kỳ thi quốc gia, TS Nguyễn Văn Trào, Hiệu trưởng Trường ĐH Hà Nội, cho biết bản thân ông hoàn toàn đồng ý với việc vẫn phải tiếp tục tổ chức kỳ thi này, bởi “không thi sẽ không học”.
Nhưng kỳ thi tốt nghiệp chỉ nên đặt ra hai mục đích chính: một là để xét công nhận tốt nghiệp THPT và hai là để có cơ sở dữ liệu đánh giá “ sức khỏe” giáo dục phổ thông hiện nay đang ở đâu so với các nước khác trên thế giới.
Xu hướng công nhận tốt nghiệp THPT trên thế giới
Tuy nhiên, theo ông Trào, nếu xét mục tiêu để công nhận tốt nghiệp, mặc dù hằng năm đã phải chi rất nhiều tỉ đồng, kèm theo đó là tổn hao về tâm lý, trí tuệ của toàn xã hội, nhưng rồi cuối cùng chỉ để tìm ra vài phần trăm trượt tốt nghiệp.
“Điều này liệu có đáng không?”, ông Trào đặt câu hỏi.
Ông Trào cho rằng có nhiều ý kiến nói không thể không thi vì cần phải dựa vào cơ sở dữ liệu đó để đánh giá trình độ, năng lực của sinh viên khi học ở bậc THPT như thế nào,nhưng hoàn toàn có thể tính đến cách khác.
“Các quốc gia khác không tổ chức thi để công nhận tốt nghiệp nhưng người ta vẫn có công cụ và hình thức khác để xem năng lực học sinh phổ thông ở thứ hạng bao nhiêu so với chuẩn chung của thế giới”, ông dẫn chứng.
Còn bà Nguyễn Phương Nga, Viện trưởng Viện Đo lường đánh giá chất lượng giáo dục, nhìn nhận để trả lời câu hỏi “Việc có 97,57% học sinh đỗ tốt nghiệp liệu đã đánh giá sát năng lực của học sinh hay không” thực sự rất khó trả lời.
“Tính đến nay chưa có đánh giá nào thật lớn, thật sâu trên diện rộng về việc những học sinh đỗ đại học học lực ra sao, điểm tốt nghiệp phổ thông và điểm học đại học có vênh nhau nhiều không?
Ngoài ra cũng chưa có đánh giá nào cho thấy những học sinh không tốt nghiệp thì vào đời có thành công hay không. Thực tế chưa có nghiên cứu nào khẳng định về vấn đề này vì đòi hỏi thời gian, công sức khá lớn”, bà Nga nói.
Tuy nhiên, đánh giá về kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia như hiện nay, theo bà chi phí còn quá lớn và áp lực cũng rất lớn vì chỉ có một lần thi duy nhất.
“Vì thế phải thay đổi. Một ngày không thể thay đổi được, nhưng cố gắng đến năm 2024 sẽ không còn áp lực nữa”, bà Nga nói.
Phân quyền với địa phương là “quá nặng, áp lực kinh khủng”
Ông Trần Trung Dũng, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Tĩnh, đánh giá từ những thực tiễn cửa các kỳ thi vừa qua cho thấy, Bộ đã rất cố gắng để có được những cải tiến.
Năm 2018 vừa qua cũng có những đổi mới khá triệt để nhưng theo ông vẫn còn một số hạn chế.
“Đầu tiên phải kể đến chi phí công. Những năm gần đây, ngân sách địa phương chi cho kỳ thi này tăng lên đến 39% so với trước kia, đặc biệt là trong năm 2017 và 2018.
Ngoài ra, chúng tôi cũng rất băn khoăn việc phân luồng hướng nghiệp. Với cách thi như thế này, tỉnh không thể phân luồng được, bởi học sinh đăng ký hết vào đại học không trường này thì trường khác”, ông Dũng nói.
Ông Trần Trung Dũng, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Tĩnh cho rằng, việc phân quyền với địa phương là “quá nặng, áp lực kinh khủng”
Bên cạnh đó, ông Dũng khẳng định, việc phân quyền quản lý trong kỳ thi như hiện nay không hợp lý và chứa đựng rất nhiều rủi ro.
“Bộ thì lo các Sở làm thế nào, tôi là giám đốc Sở thì lại lo không biết các điểm thi làm thế nào. Phải nói là kỳ thi này tiềm ẩn rủi ro rất cao.
Trong khi Bộ thì lo những điểm thi ở miền Nam, ở Tây Bắc, còn tôi lại lo những điểm thi cách Sở 50 – 70 km, không biết đêm hôm ra sao, từ bảo quản đề, bảo quản bài.
Mỗi lần như thế lại… lên một cơn đau tim vì vô cùng nguy hiểm. Mỗi lần Bộ cải tiến để tăng cường kỳ thi tốt hơn thì dưới Sở GD-ĐT như tôi lại phải lo rất nhiều việc khác kèm theo”, ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, việc phân quyền cho các địa phương như hiện nay là “quá nặng, áp lực kinh khủng”, bởi những kiểu như Hòa Bình, Sơn La… có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
“Tôi đã từng khẳng định với lãnh đạo tỉnh là tôi kiên quyết không làm chứ không phải tôi không làm được”, ông Dũng thẳng thắn nói.
Nguyên nhân dẫn tới áp lực như vậy, theo ông Dũng, là từ kỳ thi “2 trong 1″. Do vậy, ông đề nghị cần phải làm rõ “việc của ai thì người đó làm”.
“Để công nhận tốt nghiệp thì trách nhiệm của địa phương mà đại diện là Sở GD-ĐT phải làm. Còn việc tuyển sinh là việc của trường đại học thì trường đại học phải làm. Chứ không phải như hiện nay, chúng tôi đang được giao làm thay quá nhiều”, ông Dũng nhấn mạnh.
Thúy Nga
Theo vietnamnet
Các thủ khoa của 3 kỳ thi THPT quốc gia đến từ đâu?
Kỳ thi THPT quốc gia, với 2 mục đích xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, bắt đầu từ năm 2015. Năm 2018, số thủ khoa và thí sinh điểm cao đến từ Sơn La, Hòa Bình tăng đột biến.
Người dân Sơn La bức xúc cho thí sinh trượt oan vì 'con quan' gian lận. Nhiều người dân, cán bộ về hưu tại Sơn La bức xúc vì hành vi gian lận điểm thi của một số cá nhân để lại tai tiếng cho cả địa phương.
Tháng 7/2018, Bộ GD&ĐT công bố điểm thi THPT quốc gia làm căn cứ xét tốt nghiệp và xét tuyển đại học, cao đẳng. So với các năm trước, số thủ khoa đến từ Sơn La, Hòa Bình xuất hiện trên truyền thông nhiều hơn hẳn.
Thậm chí, thí sinh có điểm cao nhất kỳ thi THPT quốc gia 2018, với tổng điểm 6 môn là 54,35, ở cụm thi Sơn La, số báo danh 14001330.
Thí sinh có số báo danh 23000223 đến từ Hòa Bình xếp thứ ba danh sách này, với điểm số Lịch sử 9,75; Toán; Tiếng Anh 9,2; Ngữ văn 9.
Vị trí thứ tư là thí sinh Sơn La khác, mang số báo danh 14001557, tổng điểm 51,2 (Toán và Tiếng Anh là 9,8; Ngữ văn 9,75; Địa lý 8,25).
10 thí sinh có điểm thi 6 môn cao nhất kỳ thi THPT quốc gia 2018 khi gian lận thi cử ở Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La chưa bị phát hiện. Theo đó, người có điểm cao nhất thi ở cụm Sơn La. Thí sinh có điểm cao thứ ba đến từ Hòa Bình và thứ tư lại là... Sơn La.
Năm 2018: Nhiều thủ khoa đến từ Hòa Bình, Sơn La
Trong danh sách 11 thí sinh đạt điểm cao nhất toàn quốc do Bộ GD&ĐT thống kê ở thời điểm gian lận điểm thi chưa được phát hiện, 3 thí sinh đến từ Hà Giang. Một thí sinh Sơn La có điểm cao nhất nước.
Sau khi có kết quả xét tuyển vào đại học, thống kê chưa đầy đủ cho thấy thủ khoa nhiều trường đến từ "vùng gian lận điểm thi" Hòa Bình, Sơn La hay nơi bị nghi ngờ là Lạng Sơn.
Theo đó, thủ khoa khối A0 Học viện An ninh Nhân dân đến từ Lạng Sơn, có tổng điểm 28,5 (Toán 9,2; Vật lý 9,5 và Hóa học 9,8). Thủ khoa khối C03 là một thí sinh ở Hòa Bình với 29,25 điểm.
Tại Học viện Cảnh sát Nhân dân, xét theo tổ hợp C03, thủ khoa chính là nữ sinh có điểm thi THPT quốc gia cao nhất nước (số báo danh 14001330 nêu trên), với tổng 28,6 điểm.
Nữ sinh này có tên trong danh sách 44 người được nâng điểm ở Sơn La, và bị tụt 11 điểm môn Toán, Tiếng Anh sau khi chấm thẩm định. Tuy nhiên, sau đó, nữ sinh vẫn đủ điểm trúng tuyển Đại học Luật Hà Nội, khi chọn khối C00 xét tuyển (tổ hợp này không liên quan những môn bị hạ điểm).
Xét theo tổ hợp A01, thủ khoa của Học viện Cảnh sát Nhân dân năm 2018 là thí sinh đến từ Thanh Hóa với tổng 28,3 điểm. Thủ khoa của tổ hợp B00 quê Điện Biên với tổng 27,45 điểm. Ở tổ hợp D01, người có điểm cao nhất đến từ Tuyên Quang, với 3 môn đạt 27,85.
Trong số 489 sinh viên trúng tuyển Học viện Kỹ thuật Quân sự năm ngoái, 2 thí sinh đến từ Sơn La, đều nằm trong danh sách 44 người được nâng điểm. Trong đó, sinh viên M.V.T. có điểm thi môn Toán là 9,4, Vật lý 9,5 và Ngoại ngữ 9, cao nhất Học viện Kỹ thuật Quân sự. Sau chấm thẩm định, điểm thực của sinh viên này là Toán 4 điểm, Vật lý 3, Ngoại ngữ 2,2. So với điểm thực, T được nâng tới 18,7 điểm.
Ông Nguyễn Hữu Tú, Phó hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội, thông tin trong số 3 thí sinh có điểm cao nhất trường, một em đến từ Sơn La (28,4 điểm). Sau khi chấm thẩm định, sinh viên trên bị hạ điểm và đã bị đình chỉ học.
Thủ khoa ĐH Sư phạm Hà Nội là cựu học sinh trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ (Hòa Bình), trúng tuyển với điểm Ngữ văn 8,75; Lịch sử 9,25 và Địa lý 9,75. Nữ sinh được nâng điểm là con của lái xe Sở GD&ĐT Hòa Bình, đã viết đơn xin nghỉ học trước khi nhà trường xử lý kỷ luật.
Bên cạnh đó, á khoa của trường thi ở cụm Sơn La, được nâng 3 điểm ở tổ hợp C00. Sau khi chấm thẩm định, nữ sinh vẫn đủ điểm trúng tuyển, hiện theo học tại trường.
Theo dữ liệu điểm thi do Bộ GD&ĐT công bố ở thời điểm chưa phát hiện gian lận thi cử năm 2018, số lượng thí sinh đạt điểm từ 27 trở lên ở tổ hợp A0 và A1 của Hòa Bình tương đương Hà Nội và nhiều hơn hẳn so với TP.HCM và Nam Định. Ảnh: Nguyễn Sương.
Năm 2017: Thí sinh dân tộc có điểm cao nhất Hòa Bình
Năm 2017, đề thi THPT quốc gia được đánh giá dễ và xuất hiện "mưa điểm 10". Trong số 13 thí sinh cả nước đạt 30 điểm ở 3 môn xét tuyển đại học, Thanh Hóa dẫn đầu số lượng thủ khoa với 3 em. Hà Nội và TP.HCM về nhì khi cùng có 2 thủ khoa. Các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đắk Lắk, Vĩnh Long và Đà Nẵng có một thủ khoa 30 điểm.
Xét tuyển vào các trường, nữ thủ khoa khối A1 của Học viện Cảnh sát Nhân dân là Đường Thị Thanh Mai, đến từ Quảng Ninh.Nguyễn Trung Duy Anh (TP.HCM) lựa chọn ĐH Y - Dược TP.HCM. Thủ khoa Hồ Phi Khánh (Nghệ An) vào ĐH Y Hà Nội.
Trong số những thí sinh trên, nhiều em đến từ các trường chuyên nổi tiếng như Phạm Hữu Triết (chuyên Toán, Phổ thông Năng khiếu, ĐH Quốc gia TP.HCM); Nguyễn Quang Dũng (học sinh lớp Toán 1, THPT Chuyên Hà Tĩnh); Hoàng Huy Thông (lớp 12 chuyên Toán, THPT Chuyên Nguyễn Du, Đắk Lắk); Đào Ngọc Minh Huy (THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng).
Đặc biệt, trong năm 2017, thí sinh Đ.N.T., dân tộc Mường, có điểm thi Văn 8,75; Giáo dục Công dân 9,5; Anh 9,6, hai môn Sử và Địa đạt điểm 10. Đây là học sinh dân tộc có điểm cao nhất kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 của tỉnh Hòa Bình.
Kết quả điều tra của cơ quan công an năm 2019 cho thấy T. là thí sinh duy nhất được nâng điểm ở 5 môn.
Số liệu thống kê sau chấm thẩm định của Bộ GD&ĐT cho thấy nhiều thí sinh Sơn La, Hòa Bình được nâng điểm thi năm 2018 nộp hồ sơ vào các trường khối công an. Ảnh: Quyên Quyên.
Năm 2016: Thủ khoa, á khoa khối C ở Lạng Sơn, thi trường công an
Nhiều thủ khoa của năm 2016 đến từ các miền đất học nổi tiếng như Nghệ An, Nam Định.
Cụ thể, thủ khoa khối A là thí sinh Trần Quỳnh Trang - cựu học sinh trường THPT chuyên Phan Bội Châu - có điểm khối A cao nhất (29,4). Trần Quỳnh Trang là thủ khoa của ĐH Dược Hà Nội.
Thủ khoa khối B là Nguyễn Tiến Dũng cũng thi tại cụm thi ĐH Vinh, Nghệ An đạt 29,15 điểm. Nam sinh nhập học ĐH Y Hà Nội.
Thủ khoa khối A1 là Trần Trung Dũng (THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nam Định), nộp hồ sơ vào Học viện An ninh Nhân dân.
Tại Lạng Sơn, thí sinh là thủ khoa khối C 30 điểm - Nguyễn Thị Kim Ngân - chọn Học viện An ninh Nhân dân, ngành Điều tra Trinh sát.
Tôn Thị Nhung (Lạng Sơn) dự thi THPT quốc gia với tổng điểm 3 môn khối C đạt 28,25. Em này trở thành á khoa khối C cả nước, kém thủ khoa 0,25 điểm, và cũng thi vào Học viện An ninh Nhân dân.
Gian lận điểm thi tại Sơn La có thể dẫn đến hậu quả khôn lường. Vụ gian lận ở Hà Giang khiến dư luận bàng hoàng về số bài thi được nâng điểm. Tuy nhiên, sai phạm điểm thi ở Sơn La được cho là nghiêm trọng và phức tạp hơn vì sửa trên bài thi.
Vụ án nâng điểm thi THPT quốc gia 2018 được cho là gian lận thi cử lớn nhất từ trước đến nay. 222 thí sinh được nâng điểm ở Hà Giang (114), Sơn La (44), Hòa Bình (64). Trong đó, những thí sinh ở Hà Giang được trả lại điểm thật trước khi xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.
Các cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với 16 bị can về các tội danh khác nhau. Trong đó, Sơn La 8 người, Hòa Bình 3 và Hà Giang 5.
Với 108 thí sinh liên quan gian lận ở Sơn La, Hòa Bình, Bộ GD&ĐT công bố kết quả chấm thẩm định khi các em đã trúng tuyển vào nhiều trường đại học công an, quân đội, sư phạm, y, kinh tế... Thậm chí, một số em còn đỗ thủ khoa các trường đại học lớn ở Hà Nội.
Sau khi rà soát, nhiều trường đã cho thôi học sinh viên liên quan gian lận thi cử. Bộ Công an đã trả 53 sinh viên về Sơn La, Hòa Bình. Một số trường hợp khác vẫn được học, dù được nâng điểm, vì không có căn cứ xử lý.
Theo Zing
Trường đại học vẫn lúng túng xử lý thí sinh được nâng điểm Trong tổng số 222 thí sinh được nâng điểm thi tại 3 địa phương, hiện một số thí sinh Sơn La và Hòa Bình đã bị buộc thôi học, song số khác vẫn đang tiếp tục học đại học. Đối với các thí sinh trong diện sau khi chấm thẩm định trả về điểm thật vẫn đủ điểm chuẩn trúng tuyển, Bộ trưởng...