Bình Dương: Trường học chưa mở, trẻ em mướt mồ hôi luyện chữ ở phòng trọ
Đến thời điểm này, các trường học vẫn chưa mở lại, giáo viên không có việc làm. Trẻ em vất vả học tập, vạ vật ở các dãy trọ nhỏ hẹp. Phụ huynh đến nhà máy sản xuất không an tâm khi bỏ mặc con ở nhà.
Đây là một nhà trọ trên đường XC7, P.Mỹ Phước, TX.Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Những công nhân lao động đã vào nhà máy làm việc, chỉ còn lại trẻ em trong các dãy trọ. Học sinh kê tạm bàn ghế và học ở hành lang dãy trọ.
Bà Bùi Thị Hà (50 tuổi, quê Bình Định) chưa thể đi làm, phải ở nhà trọ trông con gái và 2 cháu ngoại. Bà Hà cho biết, cháu trai Nguyễn Chí Thành học lớp 2, còn con gái và cháu gái thì ở tuổi mầm non.
Hai cháu bé tuổi mẫu giáo thì chỉ chơi loanh quanh trong phòng trọ. Trong khi đó em Nguyễn Chí Thành học online. Bà Hà cho biết, đường truyền internet không ổn định nên việc học tập của cháu thường xuyên bị gián đoạn. “Tôi lớn tuổi rồi, không rành điện thoại, mỗi lần nghẽn mạng thì cháu lại ngưng học, tôi chỉ có thể nhắc nhở, còn 2 bé mầm non thì các cháu chỉ chơi, gần như không có học tập, rèn luyện gì”- bà Hà chia sẻ.
Video đang HOT
Cũng ở trên đường XC7, P.Mỹ Phước, TX.Bến Cát, gia đình công nhân Bùi Văn Biện (34 tuổi) khóa cửa căn ki ốt cho 2 con ở nhà để đi làm. Anh Biện nhờ chủ trọ thi thoảng ghé qua kiểm tra các cháu học tập.
“Vợ làm công nhân may quần áo, còn tôi làm công nhân kỹ thuật trong công ty may túi xách. Khi được đi các cơ sở để kiểm tra hàng hóa, tôi tranh thủ ít phút về xem các cháu học tập ra sao. Con học thường hay rớt mạng, nếu không vào lại được thì các cháu ngồi chơi cả buổi. Bỏ 2 con nhỏ ở nhà trọ đi làm tôi rất lo lắng, nhưng nếu không đi làm thì không có tiền để trang trải” – anh Biện cho biết.
Còn đây là không gian một phòng trọ ở P.Thuận Giao, TP.Thuận An. Anh Trần Trung Kiên (35 tuổi, quê Sóc Trăng) chưa thể để làm ở nhà trông 2 con nhỏ. “Vợ tôi thì đã vào công ty làm việc, còn tôi do ảnh hưởng của dịch bệnh chưa thể đi làm. Trường học, nhà trẻ chưa mở lại nên tôi trông 2 con. Thời gian tới chắc phải đi gửi các cháu ở các điểm giữ trẻ tư nhân để đi làm”- anh Kiên chia sẻ.
Còn đây là không gian một nhà trọ ẩm thấp ở P.Phú Chánh, TX.Tân Uyên. Em Nguyễn Thành Phi (8 tuổi) chơi một mình ở hành lang lối đi trong lúc nghỉ học online.
Trong không gian nhà trọ ẩm thấp, Phi ngồi tập viết mướt mồ hôi. Mong muốn của Phi lúc này được đến trường học cùng bạn bè và thầy cô. Vì lý do đơn giản “Ở lớp học vui hơn, ở nhà buồn lắm” -Phi nói
Gian nan tìm nơi gửi trẻ
Tại TP Hồ Chí Minh, qua gần sáu tháng giãn cách xã hội đã khiến nhiều gia đình có con nhỏ ở lứa tuổi mầm non không biết gửi con vào đâu để thu xếp đi làm trở lại.
Việc làm của phụ huynh bị ảnh hưởng, trẻ thụ động vì thiếu môi trường vui chơi, giáo viên mầm non mất việc là những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đang rất cần được ngành giáo dục sớm có giải pháp khắc phục.
Các trẻ Trường mầm non Phan Văn Cội 2, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh trong giờ học (Ảnh chụp trước khi dịch Covid-19 bùng phát). Ảnh: NGUYỄN NAM
Ước muốn có chỗ trông trẻ
Nhìn đứa con nhỏ chập chững đi, cất tiếng bi bô, chị Nguyễn Thị Trang, ngụ tại khu nhà trọ thuộc khu phố 8, phường Đông Hưng Thuận, quận 12 ước muốn có chỗ trông trẻ để đi làm trở lại. Trang cho hay, con gái đã được 20 tháng tuổi, đó cũng là khoảng thời gian chị ở nhà nghỉ thai sản, rồi nghỉ việc hẳn để trông con, sau đó dịch bệnh ập đến. Giờ đây, chị trông ngóng được đi làm từng ngày. Khi thành phố dần ổn định trở lại, chủ xưởng may nơi chồng chị làm việc có nhu cầu tuyển dụng lao động thời vụ, Trang lại không biết gửi con ở đâu để đi làm trong tình cảnh 5 tháng qua, chồng chị cũng thất nghiệp, không có tiền, nợ nần chồng chất.
Giống như Trang, anh Nguyễn Văn Thiên, ngụ phường Linh Đông, TP Thủ Đức cũng cần tìm chỗ giữ trẻ có camera để tiện theo dõi và yên tâm đi làm. Sau khi đăng trên Facebook, tin tìm người giữ trẻ của anh Thiên lập tức được một số cư dân của phường phản hồi nhận trông, nhưng mức giá khá cao, lại không có camera giám sát. Thực tế nhu cầu tìm chỗ gửi trẻ, đặc biệt là trẻ lứa tuổi mầm non ở TP Hồ Chí Minh thật sự cấp bách sau một thời gian dài giãn cách xã hội. Để tìm được một chỗ gửi trẻ hết sức nan giải, thậm chí bế tắc do tình hình dịch bệnh chưa biết khi nào được kiểm soát hoàn toàn và thành phố cũng chưa có kế hoạch, giải pháp để trẻ mầm non quay lại trường.
Vì vậy, hầu hết cha mẹ phải "phân vai" trông con, thậm chí có người phải nghỉ làm. Cũng có trường hợp bấm bụng gửi con ở các điểm trông giữ trẻ tự phát hay gửi hàng xóm như chị Lê Thị Thu Hương, ngụ tại phường Linh Xuân, TP Thủ Đức, chị may mắn gửi được hai con ở nhà cô giáo trường mầm non trước đây từng dạy hai cháu để vợ chồng đi làm. Hay vợ chồng anh Lê Công Ngôn, công nhân Khu chế xuất Linh Trung 1, gửi con cho một người nhận giữ trẻ ở khu nhà trọ với giá 3 triệu đồng/tháng. Để yên tâm hơn, vợ chồng anh Ngôn nấu sẵn thức ăn cho con gửi người giữ trẻ, hết ca làm chiều vợ chồng anh thu xếp đón con về nhà.
Cần tính toán lộ trình mở cửa
Từ khi trường đóng cửa từ ngày 10/5 đến nay, cô Nguyễn Thị Bích Hạnh, Hiệu trưởng Trường mầm non Mây Hồng, phường Linh Đông, TP Thủ Đức lo lắng từng ngày vì dịch bệnh kéo dài nhưng chưa có thông tin được hoạt động lại. Trường có 11 lớp, gồm nhóm nhà trẻ và mẫu giáo với 20 giáo viên. Cô Hạnh cho biết, nhiều phụ huynh đã gọi điện hỏi liệu trường có thể linh hoạt tổ chức giữ trẻ với số lượng hạn chế, nhưng nhà trường vẫn phải tuân thủ các quy định của thành phố.
Theo cô Hạnh, đối chiếu Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch Covid-19 đối với các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn TP Hồ Chí Minh (Bộ tiêu chí), với các giáo viên đã tiêm đủ hai mũi vắc-xin thì thành phố nên có lộ trình cho trẻ đi học trở lại theo từng nhóm tuổi. Chẳng hạn, như đợt dịch năm 2020, nhóm trẻ 4, 5 tuổi đi học trước, sau đó, đến nhóm tuổi nhỏ hơn để đánh giá từng bước việc trẻ thích nghi khi trở lại trường học và khả năng tuân thủ phòng dịch của các trường mầm non.
Trong khi đó, để sẵn sàng đón trẻ trở lại trường học, những ngày qua, Trường mầm non Thành Mỹ Lợi (TP Thủ Đức) đang tất bật tiến hành các công việc tiêu độc, sát khuẩn, dọn dẹp vệ sinh phòng học, dụng cụ học tập, khuôn viên nhà trường. Cô Đoàn Thị Thu Ngân, Hiệu trưởng cho biết: "Căn cứ vào 10 tiêu chí thành phần của Bộ tiêu chí, nhà trường đã triển khai đến tất cả giáo viên, nhân viên của trường nghiêm túc thực hiện. Đối chiếu với các tiêu chí thành phần mà Bộ tiêu chí quy định thì nhà trường đều đạt. Với sự chuẩn bị này, nếu TP Hồ Chí Minh và ngành giáo dục cho các trường mầm non ở "vùng xanh" mở cửa trở lại, Trường mầm non Thành Mỹ Lợi sẵn sàng đón các cháu đi học trở lại".
Tại quận Bình Tân, nơi có số dân đông nhất thành phố, trong đó, rất nhiều người lao động làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp nên nhu cầu gửi con nhỏ để đi làm luôn cấp thiết. Theo Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, Lê Thị Ngọc Dung, thành phố đang tổ chức tiêm vắc-xin cho trẻ từ 12-17 tuổi để các em có điều kiện sớm quay lại trường học. Trong khi đó, trẻ dưới 12 tuổi, nhất là trẻ mầm non là độ tuổi hiếu động, rất cần môi trường học tập và vui chơi thì chưa có phương án cho đi học trở lại nên việc tiêm vắc-xin cho lứa tuổi này cần được ngành giáo dục và chính quyền thành phố sớm tính đến.
Được biết, năm học 2021 - 2022, số trẻ bậc mầm non toàn thành phố tăng thêm 5.140 trẻ, nâng tổng số trẻ lên gần 340 nghìn trẻ. TP Hồ Chí Minh có hơn 1.390 cơ sở mầm non, số trường công lập là 475, còn lại là trường ngoài công lập. Trưởng phòng Giáo dục mầm non, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh Lương Thị Hồng Điệp cho hay: "Căn cứ theo Bộ tiêu chí, các trường mầm non công lập và ngoài công lập đang khẩn trương đánh giá lại các công đoạn, từ đó đối chiếu với các tiêu chí thành phần để điều chỉnh.
Các địa phương cũng đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục mầm non khẩn trương thực hiện theo Bộ tiêu chí". Bà Điệp thừa nhận, thời gian qua những người có con nhỏ gặp khó khăn, khi họ quay lại nhà máy, văn phòng làm việc mà không có nơi trông trẻ. Tuy vậy, tất cả vẫn phải đợi quyết định của UBND thành phố Hồ Chí Minh mới xác định được thời điểm mở cửa trường mầm non.
Để chuẩn bị cho học sinh trở lại trường học, mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có tờ trình gửi UBND thành phố dự thảo kế hoạch tổ chức học tập trực tiếp tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố, trong đó có giáo dục mầm non. Sở Giáo dục và Đào tạo đề xuất, đối với các địa bàn được xác định ở cấp độ 1 và cấp độ 2 (nguy cơ thấp và trung bình) cho tổ chức dạy học trực tiếp, không tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài nhà trường. Đối với các địa bàn được xác định ở cấp 3 (nguy cơ cao), tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp với dạy học trực tuyến, trên truyền hình, không tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài lớp học. Các địa bàn được xác định ở cấp độ 4 (nguy cơ rất cao) vẫn tổ chức hình thức dạy học trực tuyến.
Bình Dương: 196 học sinh thi tốt nghiệp THPT đợt 2 Theo Sở GD&ĐT tỉnh Bình Dương, kết quả test nhanh kháng nguyên Covid-19 cho HS trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP. Dĩ An) có 1 HS dương tính với Covid-19. Cán bộ y tế thực hiện test nhanh Covid-19 cho các thí sinh tại Bình Dương. Để bảo đảm an toàn sức khỏe cho...