Bình Định thưởng 5 triệu đồng cho học sinh đoạt HCĐ Olympic Hóa học quốc tế
Sáng 21/7, UBND tỉnh Bình Định, Sở GD-ĐT Bình Định đã tổ chức lễ đón và trao bằng khen cho em Võ Duy Việt – HS lớp 12, trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Bình Định), vừa giành huy chương đồng trong kỳ thi Olympic Hóa học năm 2011 diễn ra tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Trước đó UBND tỉnh Bình Định đã trao 20 triệu đồng để Việt đi dự cuộc thi này.
Em Võ Duy Việt và thầy Phạm Quang Bắc – người đồng hành cùng Việt trong kỳ thi lần này.
Được biết, trong suốt 3 năm học cấp ba, Việt đều là học sinh giỏi. Em đã đoạt nhiều danh hiệu: 2 giải nhì môn Hóa học kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2009-2010, huy chương vàng Olympic quốc gia năm lớp11. Bây giờ là tấm huy chương đồng trong kỳ thi Olympic Hóa học quốc tế tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Có mặt ở sân bay Phù Cát (Bình Định) để đón Võ Duy Việt từ Hà Nội trở về Bình Định, cô Đoàn Thị Minh Quang – mẹ của Việt xúc động nói: “Việt được tham dự kỳ thi quốc tế thì gia đình đã rất tự hào. Nay nghe tin con được giải tôi thật sự rất vui vì Việt không chỉ đem tự hào cho gia đình, nhà trường mà cho cả tỉnh”.
Video đang HOT
Võ Duy Việt chụp ảnh cùng mẹ trong lễ đón Việt sáng ngày 21/7.
Theo Dân Trí
Chủ nhân HCB Olympic Vật lý quốc tế: "Em thừa nhận là em mê học"
Không chỉ bố mẹ mà nga chính bản thân em Hoàng Lê Phương, học sinh THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng, cũng thừa nhận mình "rất mê học". Tấm huy chương bạc Olympic Vật lý quốc tế lần thứ 42 với Phương cũng là thành quả của một niềm đam mê: mê học.
"Nói say mê học là chưa đủ"
Gặp gỡ em Hoàng Lê Phương, học sinh THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) vừa đoạt Huy chương Bạc (HCB) Olympic Vật lý quốc tế lần thứ 42 tại Thái Lan, khi chúng tôi hỏi "có bao giờ bố mẹ ép Phương học quá nhiều?", chị Nguyễn Lê Mỹ, mẹ Phương, nói luôn: "Phương phải nói là ham học bẩm sinh, từ nhỏ đã mê học. Nói say mê học chưa đủ mà phải nói là đam mê".
Mẹ Phương kể: Ba Phương, hiện là giảng viên ĐH Bách khoa Đà Nẵng, đi học Tiến sĩ ở nước ngoài 7 - 8 năm trời, từ khi Phương còn học tiểu học cho đến khi sắp hoàn tất chương trình THPT, nhưng ngoài việc chú tâm chăm lo sức khỏe cho con, chị hầu như không phải nhắc nhở con lo học bài.
Lê Phương cùng gia đình. Bố mẹ Phương hầu như chưa bao giờ phải nhắc nhở em việc học.
Nói về chuyện học của Phương, mẹ em tắc lưỡi lắc đầu về tính mê học của con: "Nhiều khi học ở nhà ngoại, cả nhà bên ngoài ồn ào chuyện trò suốt hàng mấy tiếng đồng hồ, ở trong phòng học, Phương cứ im lặng miệt mài với sách vở. Có khi thấy Phương học cả buổi trời, tôi vào trông chừng, thấy lưng áo con ướt đẫm mồ hôi, trời thì nóng hầm hập, mà Phương cũng không màng đến chuyện bật máy quạt điều hòa nhiệt độ. Hễ "lậm" vào bài tập nào chưa tìm ra hướng giải quyết là thôi, chỉ biết có vấn đề của bài học, không còn biết gì nữa".
Không chỉ người nhà mà chính Phương cũng thật lòng: "Em thừa nhận là em mê học". Hỏi Phương: "Có bao giờ em thấy bài vở ở trường nhiều quá mức gây áp lực không?", Phương cười hiền: "Dạ chưa". Cậu học trò lớp chuyên Lý đáp tiếp lời: "Tại vì em mê học. Cũng giống như mê chơi vậy. Đã mê rồi thì không biết chán, nên em chưa bao giờ thấy bài vở quá tải mà chỉ thấy chưa đủ. Làm được dạng bài tập này, em lại sưu tầm thêm các dạng bài tập khác".
Là học sinh chuyên Lý, tất nhiên Phương dành nhiều thời gian cho môn học em đam mê nhất. Nhưng điểm Văn của Phương luôn đạt trên 8,0 và ở lớp chuyên Lý của Phương chỉ có khoảng 4-5 bạn học cùng đạt điểm số đó ở môn Văn. Phương chia sẻ: "Em thích các tác phẩm văn học, đặc biệt là văn học nước ngoài. Học Văn cũng là một cách em thư giãn giữa những giờ làm bài tập của các môn học tự nhiên".
Là học sinh chuyên Lý, từ năm những năm cấp THCS, Phương đã đoạt nhiều giải thưởng HS giỏi Vật lý cấp TP, cấp quốc gia và mới nhất, HCB cấp quốc tế. Song suốt 12 năm học phổ thông, em luôn giữ vững danh hiệu học sinh giỏi toàn diện.
"Có công mài sắt, có ngày nên kim"
Tấm Huy chương Bạc Olympic Vật lý Quốc tế với Phương không phải là phần thưởng từ trên trời rơi xuống mà là một quả ngọt của cả một quá trình học không nản làm, đúng như câu "có công mài sắt, có ngày nên kim". Bí quyết "mài sắt" của Phương là tự học, học thầy ở trường, học bạn trên các diễn đàn chuyên môn Vật lý, mượn sách thầy, "lùng" thêm sách tham khảo, tìm và tải tài liệu qua Internet...
Trước kỳ thi Olympic Vật lý Quốc tế lần thứ 42 diễn ra tại Thái Lan khoảng 2 tháng, Phương đã tham gia kỳ thi cấp khu vực châu Á- Thái Bình Dương, nhưng em chưa đoạt được Huy chương. Điều này, theo Phương trải lòng, "khiến em khá căng thẳng trước khi bước vào kỳ thi Olympic quốc tế dù em không dám quá kỳ vọng"
Hiểu lòng con, TS Hoàng Phương Hoa - ba Phương tâm sự: "Học sinh tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc tế hiện nay không được tuyển thẳng vào đại học mà các em cần phải có huy chương mới được. Ngày Phương học lớp 11, chưa được vào đội tuyển Vật lý chính thức tranh tài cấp quốc gia của trường mà chỉ nằm trong đội dự bị. Lúc đó, nói thật, làm bố mẹ, chúng tôi hơi nản và lo cho con đường theo chuyên môn mà con đã chọn. Vì ai cũng hiểu, "sẩy" là hụt mất một năm đại học. Trong khi đường đến tri thức thì có nhiều ngã. Nhưng chúng tôi không dám bày tỏ làm con thêm lo khi chọn ngã khó mà không nản lòng".
Không nản lòng, từ giải Nhì HS giỏi Vật lý cấp TP các năm học lớp 10, 11; đến năm lớp 12, Phương lập "cú đúp" giải Nhất cấp TP và cấp quốc gia. Không nản lòng với các bài tập môn Vật lý suốt nhiều năm, Phương đã "thấy vơi hẳn căng thẳng" khi đối diện với đề thi cấp quốc tế dù, tất nhiên, rất khó, nhưng "không mấy bất ngờ". Phương đã bình tĩnh, tự tin làm bài và cầm chắc trong tay tấm HCB Olympic Vật lý đẳng cấp quốc tế.
Đằng sau những nỗ lực không ngừng của cậu học trò chuyên Lý, là gia đình, và một người nữa, Phương cho là "hết sức khó tính" nhưng lại nhắc đến với lòng đầy trân trọng. "Em chưa từng nghĩ đến việc tôn ai làm thần tượng. Nhưng nếu có một người mà em nghĩ là thần tượng thì đó là thầy em, thầy Ngô Ngọc Thủy. Thầy không chỉ dạy rất giỏi mà còn người không ngừng thổi lửa đam mê môn Vật lý luôn tràn đầy trong thầy đến học trò".
Lê Phương và thầy giáo Ngô Ngọc Thủy.
Chị Mỹ, mẹ Phương cảm kích: "Từ các thầy đã hướng Phương theo chuyên môn Vật lý khi phát hiện khả năng của Phương từ những năm cấp THCS, đến thầy Thủy, người "nghiêm khắc như cha" với học trò, gia đình không biết nói lời nào để tri ân các thầy cho trọn vẹn".
Nhiều vấn đề chuyên môn Vật lý đã được nhận định là lý thuyết, nhưng Phương thấy "cần coi lại và nghiên cứu thêm". Gặp những lúc như vậy, em sẽ trao đổi với thầy và các bạn học. Đam mê với môn Vật lý với Phương bây giờ đã và sẽ không ngừng. Và với Phương: "Huy chương là quả ngọt tiếp sức em tiếp tục theo đuổi những bài tập Vật lý cần có đáp án". Cậu học trò xuất sắc của 12A3 THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) dự định trong tương lai sẽ theo học, nghiên cứu chuyên ngành liên quan Vật lý.
Theo Dân Trí
Thi Olympic là sân chơi, "trường đời" mới lớn "Tất nhiên các em đi thi mọi người đều mong được giải cao. Nhưng Olympic là sân chơi để HS thể hiện khả năng của bản thân nên có được huy chương đã là đáng mừng. Quan trọng là các em được trang bị nền tảng tốt để tự tin bước vào đời". 4 thành viên trong đoàn dự thi Olympic Hóa học...