Bình Định: Thầy cô băng rừng, lội suối nỗ lực gieo chữ cho học sinh nghèo
Cách trung tâm huyện Vân Canh (Bình Định) chừng 10km đường chim bay, điểm trường mầm non, tiểu học của Canh Giao là một trong hai điểm trường khó khăn nhất của huyện này. Cuộc sống khó khăn, giao thông trắc trở nhưng thầy cô giáo luôn nỗ lực “cắm bản” gieo chữ cho học sinh nghèo nơi đây.
Bình Định: Chuyện “gieo chữ” ở vùng đất khó
Khiêng xe vượt suối “gieo chữ”
Từ thị trấn Vân Canh (Bình Định) phải đi ngược lên xã Đa Lộc, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) mới có con đường mòn trắc trở dẫn vào làng Canh Giao. Tính từ xã Đa Lộc, đường vào Canh Giao chừng 10km, băng qua 3 con suối, 4 con dốc nhỏ, chúng tôi mất cả giờ đồng hồ mới đến ngôi làng nằm tách biệt giữa núi rừng.
Đường đến làng Canh Giao trắc trở, gian nan đối với những giáo viên “cắm bản”.
Dẫn chúng tôi đến điểm trường ở Canh Giao, anh Nguyễn Tá Quan, cán bộ Phòng GD&ĐT huyện Vân Canh chia sẻ: “Đường như này là dễ rồi, chứ gặp hôm mưa thì đường vào làng cực khổ lắm. Nhất là vào mùa mưa, nếu mưa lớn đường vào làng bị chia cắt, cô lập luôn”.
Tôi đã từng đến Canh Giao nên biết. Vậy nên dễ như anh Quan nói là con đường mòn rộng thêm đôi chút, suối mùa khô vơi nước hơn, đoạn sâu nhất qua đầu gối, chứ ngày mưa lớn nước ngang ngực, có khi qua đầu người, chẳng ai dám qua lại.
Cô Lê Thị Thu Lợi, Hiệu trưởng Trường tiểu học Canh Hiệp, tiếp lời: “Mùa này vô Canh Giao đường đi khỏe hơn rồi, những ngày mưa thì cực khổ lắm. Vì vậy, chuyện thầy cô muốn vào “cắm bản” thì băng rừng, lội suối là chuyện bình thường. Có hôm nước lớn, điện thoại không liên lạc được, giáo viên trong trường lo lắng, anh chị em dẫn nhau lên đến đầu con suối mà chỉ đứng ngóng vô làng. Nước sâu ngập lút cả đầu người, không cách nào qua lại được”.
Để đến Canh Giao dạy học, giáo viên phải vượt qua 3 con suối, 4 con dốc.
Thầy Trần Ngọc Huy, giáo viên dạy tại điểm trường Canh Giao, chia sẻ: “Bình thường, giáo viên 2 tuần về 1 lần nhưng gặp hôm mưa gió nếu đang ở trong làng thì phải ở lại làng luôn. Còn đầu tuần lên dạy phải đợi ở suối, chờ người trong làng ra đu dây, cõng xe qua suối”.
4 lần ngã xe bị thương nhưng không bỏ cuộc
Một điều đặc biệt, trò chuyện với chúng tôi, các thầy cô giáo ở điểm trường Canh Giao không lúc nào kể về nỗi khổ cực. Điều mà các thầy cô chia sẻ là niềm vui khi học trò vùng núi được đến trường, được học chữ.
Thầy cô giáo miệt mài với việc gieo chữ ở vùng khó.
“Nếu mình không lên đây, học sinh mầm non, tiểu học phải xuống xuôi học. Ở đây, bố mẹ các em đều vất vả, suốt ngày lên nương, lên rẫy, ai đưa đón các em. Trong khi đó, phần đường đi lại cách trở, phần thì các em còn nhỏ… nếu không có trường, học trò Canh Giao sẽ khổ”, cô giáo mầm non Bùi Minh Huyền chia sẻ.
Khi hỏi về những khó khăn, gian khổ khi dạy học ở vùng khó, cô Huyền cười: “Chúng tôi khổ 1 thì các em ở trong vùng khổ 10. Chúng tôi vui vì các em được đến trường học con chữ…”.
Trong câu chuyện, cô Huyền không 1 lần nhắc đến nhọc nhằn, vất vả. Song, chỉ có câu chuyện sau 4 lần té ngã, bị thương, cô không tự đi xe máy vào làng nên chồng cô phải đưa đón vợ hàng tuần. Hai con nhỏ thì ở nhà ngóng mẹ và nhiều lần hỏi cha “ Sao hôm nay mẹ không về”… thì chúng tôi hiểu hơn về sự gian nan của những giáo viên “cắm bản” ở vùng đất khó.
Nhiều năm giảng dạy tại Canh Giao, thầy giáo Phạm Minh Hiệp chia sẻ: “Khổ gì đâu, đầu tuần gói ghém lương thực, ba lô quần áo, sổ sách, cuối tuần về xuôi. Chúng tôi như dân dã chiến, trang phục khi nào kiểu “2 trong 1″, băng qua hết suối, sửa soạn lại là chỉn chu ngay thôi”.
Thầy Hiệp cũng chia sẻ, dù vật chất thiếu thốn, song người làng Canh Giao hết sức quý mến thầy, cô giáo. Họ có mớ gạo mới cũng đem cho, có nhúm rau rừng, con cá suối lúc nào để dành cho thầy, cô giáo. Hôm nào nước lớn, người trong làng ra tận suối lớn đón thầy cô dưới xuôi lên.
Em Nguyễn Thị Phương Trà (lớp 5, điểm trường Canh Giao) cho biết: “Đi học vui lắm, chúng em vừa biết chữ vừa được vui chơi cùng thầy cô giáo. Mỗi dịp cuối tuần thầy cô về xuôi chúng em buồn lắm, thấy thiếu vắng”.
Dù vất vả nhưng các thầy cô “gieo chữ” ở vùng đất khó chẳng hề than khổ.
Ông Phạm Minh Chấn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Vân Canh, cho biết: “Điểm trường tại làng Canh Giao còn rất khó khăn. Do vậy, để động viên giáo viên “cắm bản”, dạy tốt, học tốt, Phòng GD&ĐT huyện, ngành chức năng huyện rất quan tâm. Quan trọng hơn, hiểu những thiệt thòi của học trò miền núi nên thầy, cô giáo ngoài dạy chữ, còn mang cả tâm tình của mình đến với những nơi còn khó khăn như Canh Giao”.
Trưởng làng Nguyễn Văn Thanh cho biết: “Làng đã có học sinh học tới Đại học hệ cử tuyển. Năm học 2018 – 2019 có 6 em học bán trú tại huyện, tỉnh; con em trong độ tuổi đi học đều được đến trường. Tất cả là nhờ các thầy, cô giáo dạy dỗ mà nên”.
Doãn Công
Theo Dân trí
Hà Tĩnh: Nhóm cô giáo đi xin xe đạp cũ về sửa lại tặng cho học sinh nghèo
Sau những lần đi từ thiện, thấy cuộc sống của các học trò vùng núi còn nhiều khó khăn, đặc biệt việc một em học sinh không có xe đạp tới trường phải đi đường tắt lội qua cống bị nước cuốn trôi. Một nhóm cô giáo ở thành phố Hà Tĩnh đã quyết tâm đi xin từng chiếc xe đạp cũ về sửa lại để tặng cho học sinh nghèo.
Nhóm cô giáo trên gồm 7 người đều là những Tổng phụ trách Đội ở các trường tiểu học ở thành phố Hà Tĩnh, sau nhiều lần thống nhất, các cô đã lấy tên nhóm là "Khăn Hồng".
Các cô giáo trong nhóm "Khăn Hồng" lên kế hoạch xin xe đạp cũ về tặng học sinh nghèo.
Cô Đậu Thị An, giáo viên Trường Tiểu học Đại Nài (người sáng lập ra nhóm) cho biết, hàng năm các giáo viên ở thành phố Hà Tĩnh thường có 1 - 2 lần đi làm công tác thiện nguyện ở vùng sâu vùng xa, trong những chuyến đi các cô dần dần kết nối với nhau rồi đi chung và thành lập nhóm.
"Những năm trước chúng tôi thường lên các xã Hương Lâm, Hương Liên (thuộc vùng sâu vùng xa của huyện miền núi Hương Khê) để trao quà cho các em học sinh. Khi đến trao quà, thấy quần áo của các em học sinh cũ và cáu bẩn, chúng tôi đã gom lại đem về thành phố giặt tẩy lại rồi gửi lên cho các em" - cô An nói về hoạt động thiện nguyện của nhóm.
Cũng theo cô An, trong những lần đi làm công tác từ thiện ở huyện Hương Khê, thấy nhiều em học sinh phải đi bộ 3-4km để tới trường, đặc biệt cách đây khoảng 3, sự việc một em học sinh vì không có xe đạp đi học phải đi đường tắt lội qua cống bị nước cuốn trôi đã khiến nhiều người đau lòng, từ đó cô và những giáo viên khác trong nhóm luôn suy nghĩ phải làm được điều gì cho những em học sinh nghèo không có xe tới trường.
Sau khi xin được một số xe, các cô đã mang đến tiệm sửa xe của anh Đậu Viết Trí để sửa chữa.
"Sau nhiều lần nung nấu quyết tâm nhưng vì điều kiện kinh tế và bận công tác nên chúng tôi vẫn chưa tìm ra cách nào để giúp các cháu cả. Cách đây 1 tháng, khi đến nhà người bạn chơi chúng tôi thấy chiếc xe đạp cũ, nhiều bộ phận còn tốt nhưng lại bị bỏ ở góc nhà không sử dụng đến. Ngay lúc đó, ý tưởng xin xe đạp cũ về sửa lại tặng cho các học sinh của chúng tôi bắt đầu hình thành" - cô An kể.
Để thực hiện ý tưởng đó, các giáo viên trong nhóm đã hỏi bạn bè, người thân, thậm chí còn đăng lên Facebook để xin những chiếc xe đạp cũ mà người ta không sử dụng đến. Sau đó, mang tất cả những chiếc xe trên ra tiệm sửa xe của anh Đậu Viết Trí để sửa chữa.
Được biết, sau gần một tháng kêu gọi, nhóm đã vận động được 14 chiếc xe đạp cũ. Dự kiến số xe đạp cũ trên sẽ được các cô giáo đưa lên vùng núi Hương Khê và Vũ Quang để trao tặng cho các em học sinh.
Những chiếc xe cũ sau khi được sửa lại trông khá chắc chắn.
"Biết việc làm tốt của các cô giáo nên tôi không lấy tiền công sửa chữa, thậm chí những linh kiện thay thế tôi còn lên danh sách rồi đi lấy với giá sỉ, ngoài ra còn sàng lọc thêm một số đồ cũ để phục vụ việc sửa chữa" - anh Trí nói.
Cô Lê Thị Vân Anh (Trường Tiểu học Nguyễn Du, TP Hà Tĩnh) cho biết, hầu như trong mọi hoạt động thiện nguyện của nhóm các cô đều tự bỏ kinh phí của mình, thỉnh thoảng có vận động các giáo viên trong trường nhưng số tiền vận động chỉ ở mức không quá 20 nghìn đồng/người.
"Kinh phí để mua các linh kiện mới nhờ thợ thay vào xe đạp cũ lần này cũng từ những đồng tiết kiệm hàng tháng của các thành viên trong nhóm. Chúng tôi rất muốn có xe mới và thật nhiều xe để tặng cho các em học sinh nghèo nhưng chúng tôi là giáo viên, đồng lương có hạn, nên chỉ giúp được phần nhỏ trong số rất nhiều học sinh đang cần những chiếc xe đạp để đi học. Nếu được, chúng tôi mong muốn có nhiều nhà hảo tâm cùng đồng hành, để nhiều học sinh có được niềm vui" - cô Vân Anh chia sẻ.
Tiến Hiệp
Theo Dân trí
Câu chuyện đầu năm: Người thầy nghèo và bảy đứa con nuôi Cuộc sống hiện đại sung túc, với mỗi chúng ta một bữa tiệc đầm ấm vào đầu năm là điều dễ làm, tuy nhiên đó lại là ước muốn xa xỉ của nhiều người. Trong đó, có người thầy giáo rời bỏ phố thị 13 năm để ở lại vùng núi xa xôi huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang lặng lẽ gieo chữ...