Big Tech kiểm soát thị trường cloud Việt và những chuyện ‘không ở trên mây’
Hiện 80% thị phần cloud Việt lại đang nằm trong tay các gã khổng lồ công nghệ nước ngoài, làm dấy lên những lo ngại về chủ quyền trên không gian mạng.
Mảnh đất màu mỡ của kỷ nguyên số và quyền năng ‘ đáng suy ngẫm ‘ trong tay Big Tech
Báo cáo hồi tháng 8 của Synergy Research Group cho biết cơ sở hạ tầng điện toán đám mây toàn cầu có trị giá tới 203 tỷ USD trong 12 tháng, kết thúc vào tháng 6/2022. Chỉ riêng trong quý 2 vừa qua, chi tiêu toàn cầu cho cloud đã tăng lên 55 tỷ USD. Trong giai đoạn 1 năm trước đó, con số này chỉ khoảng 130 tỷ USD.
John Dinsdale, Trưởng nhóm phân tích tại Synergy Research Group, nhấn mạnh: “Sự tăng trưởng cơ bản trong lĩnh vực điện toán đám mây thực sự là một con số vô cùng ấn tượng, kéo theo sự tăng tốc rõ rệt trong việc phát triển các trung tâm dữ liệu siêu cấp mới cũng như mức chi tiêu cho phần cứng và phần mềm của các trung tâm dữ liệu đó. Chúng tôi dự báo tăng trưởng sẽ diễn ra trên quy mô toàn cầu”.
Khi nói tới các Big Tech, người ta vẫn tập trung nhiều vào quyền riêng tư và bảo mật thông tin cá nhân. Trong khi đó, chúng ta lại hiếm khi thảo luận về sự kiểm soát mà các doanh nghiệp này có trên phần lớn Internet.
Không chỉ có hạ tầng, các dịch vụ điện toán đám mây còn bao gồm Market Place, nơi có các phần mềm, ứng dụng riêng biệt do các bên thứ 3 phát triển đáp ứng nhu cầu của mọi đối tượng khách hàng. Việc trả thuê bao theo tháng, quý hoặc năm khiến các doanh nghiệp không phải bỏ quá nhiều tiền đầu tư cơ sở hạ tầng hay duy trì đội ngũ IT đông đảo và tốn kém.
Chính những đặc điểm này khiến dịch vụ điện toán đám mây trở nên phù hợp một cách đặc biệt với các SME và start up, vốn gặp trở lại lớn về năng lực và ngân sách dành cho công nghệ thông tin. Trong khi đó, việc đa dạng các ứng dụng trong một hệ sinh thái điện toán đám mây giúp đáp ứng mọi nhu cầu của các doanh nghiệp lớn.
Ngoài ra, với điện toán đám mây, việc duy trì công việc có thể diễn ra mọi lúc, mọi nơi, miễn là có Internet. Doanh số dành cho điện toán đám mây tăng với tốc độ 30%/năm chính là bằng chứng rõ rệt nhất về tiềm năng to lớn của lĩnh vực này.
Những số liệu thống kê cho thấy bức tranh toàn cảnh về sự bùng nổ của cloud trong kỷ nguyên số. Thế nhưng, có một sự thực không phải ai cũng biết là 4 công ty lớn nhất trong lĩnh vực này lại chiếm lĩnh tới 70% thị phần toàn cầu. Trong đó, Amazon chiếm tới 34% thị phần, Azure của Micorsoft xếp ở vị trí thứ 2 với 21%, Google Cloud chiếm 10% còn Alibaba Cloud chiếm 5%.
Video đang HOT
Theo trang PCmag, khi nói tới các Big Tech, người ta vẫn tập trung nhiều vào quyền riêng tư và bảo mật thông tin cá nhân. Trong khi đó, chúng ta lại hiếm khi thảo luận về sự kiểm soát mà các doanh nghiệp này có trên phần lớn Internet. Mọi dữ liệu chúng ta dùng miễn phí hàng ngày đều được lưu trữ trên cloud. Cái giá cho sự miễn phí là chúng ta có thể mất quyền truy cập vào dữ liệu của chính mình khi Big Tech đưa ra hạn chế.
Đảm bảo chủ quyền của người Việt trên không gian mạng
Mất quyền truy cập dữ liệu không phải câu chuyện “trên mây” mà có thể gây thiệt hại cho doanh nghiệp trong các tranh chấp kinh tế, thậm chí là thiệt hại cho các quốc gia khi xảy ra tranh chấp địa chính trị khi quyền quyết định nằm trong tay nước ngoài.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh dữ liệu cũng quan trọng như đất đai đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp Việt sử dụng hạ tầng đám mây trong nước để đảm bảo chủ quyền của người Việt với thông tin.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các hạ tầng điện toán đám mây Make in Vietnam và đặt ra yêu cầu các hạ tầng của người Việt phải có đầy đủ các dịch vụ, từ hạ tầng tính toán, lưu trữ, nền tảng số và phầm mềm đến công nghệ được phục vụ dưới dạng dịch vụ.
Viettel Cloud, hệ sinh thái điện toán đám mây đầu tiên của Việt Nam, có thể đáp ứng toàn bộ các yêu cầu đó. Thực tế, các dịch vụ cloud không phải sản phẩm mới của Tập đoàn Viettel. Các đơn vị, Tổng công ty của Viettel đã tạo ra các giải pháp, ứng dụng công nghệ trên nền tảng điện toán đám mây từ năm 2017-2018 nhưng chỉ phục vụ từng yêu cầu riêng biệt.
Chính thức tập hợp các “ốc đảo” này lại thành một hệ sinh thái, Viettel Cloud đánh dấu sự tham gia mạnh mẽ của một doanh nghiệp công nghệ lớn nhất Việt Nam vào lĩnh vực điện toán đám mây. Hệ sinh thái cloud này giúp tăng khả năng cạnh tranh của Viettel với các gã khổng lồ công nghệ toàn cầu trên chính sân nhà, cũng như đảm bảo chủ quyền của người Việt với dữ liệu Việt.
“Tuy nhiên, Viettel Cloud sẽ không chỉ cạnh tranh bằng niềm tự hào dân tộc. Với những ứng dụng được ‘may đo’ theo nhu cầu của người Việt, phù hợp các quy định pháp lý, đáp ứng yêu cầu của cơ quan quản lý, Chính quyền, doanh nghiệp và người dân hoàn toàn có thể vững tin với những gì Viettel Cloud mang lại cho mục tiêu chuyển đổi số sâu, rộng”, đại diện Viettel khẳng định.
Ở chiều ngược lại, việc các cơ quan quản lý, doanh nghiệp Việt sử dụng nền tảng điện toán đám mây Việt chính là sự đảm bảo cho quyền tiếp cận dữ liệu, vốn được coi là tài sản quý báu nhất trong kỷ nguyên số. Các doanh nghiệp Việt cũng hoàn toàn không lo lắng bị “xử ép” hay mất quyền truy cập thông tin của chính mình.
Viettel Cloud: Giành lại thị phần từ những 'gã khổng lồ' công nghệ toàn cầu tại sân nhà
Được phát triển trên quy mô lớn, hệ sinh thái Viettel Cloud trở thành bước ngoặt quan trọng trong việc xây dựng hạ tầng số 'Make in Vietnam' của Tập đoàn Viettel, đồng thời cũng là bước tiến trong cuộc cạnh tranh với những 'khổng lồ' công nghệ ngay trên 'sân nhà'.
Giám đốc Công nghệ Viettel Cloud Lê Quang Hiếu chia sẻ về hệ sinh thái điện toán đám mây mà Viettel mới ra mắt - Ảnh: VGP/HM
Thành quả tất yếu của tiến trình phát triển
Chia sẻ về hệ sinh thái điện toán đám mây mà Viettel mới ra mắt, Giám đốc Công nghệ Viettel Cloud Lê Quang Hiếu cho biết, thị trường cloud Việt Nam hiện nay chủ yếu nằm trong tay các doanh nghiệp công nghệ nước ngoài. Tuy nhiên, việc dữ liệu của người dân, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý nhà nước của Việt Nam nằm ngoài lãnh thổ tiềm ẩn những rủi ro lớn, nên việc đảm bảo chủ quyền trên không gian mạng là điều bắt buộc.
10 năm trước, viễn thông và các dịch vụ liên quan tới viễn thông truyền thống là động lực tăng trưởng chính của Viettel. Tuy nhiên, cùng với sự bùng nổ của số hóa và công nghệ, Viettel nhận thấy tầm quan trọng của việc tìm một tương lai mới, một không gian mới để phát triển hơn. Đó cũng là lúc Viettel đưa ra triết lý, sứ mệnh là tiên phong kiến tạo xã hội số.
Tuy nhiên, để kiến tạo xã hội số thì điều đầu tiên cần có là hạ tầng số. Giống với hạ tầng viễn thông, vốn là nền móng cho một giai đoạn phát triển rực rỡ, hạ tầng số cũng sẽ đóng vai trò thiết yếu cho một tương lai bùng nổ. Trong hạ tầng số, điện toán đám mây chính là yếu tố quyết định.
"Nghị quyết đại hội Đảng Tập đoàn Viettel đã đưa ra chủ trương, chiến lược là tiên phong kiến tạo xã hội số. Hệ sinh thái cloud là một trong 4 trụ để kiến tạo lên xã hội số ấy. Từ hạ tầng số, chúng tôi sẽ tiến tới nền tảng số, dịch vụ số và những thứ khác để tiến tới thay đổi toàn diện, từ mặt con người, dịch vụ và đến 2030 sẽ có xã hội số", Giám đốc Công nghệ Viettel Cloud chia sẻ.
Việc chuyển đổi số còn là nhiệm vụ quan trọng của Viettel. Việt Nam đã có Luật An ninh mạng, trong đó yêu cầu toàn bộ dữ liệu của Việt Nam phải được lưu trữ và xử lý tại chính Việt Nam.
Từ sứ mệnh của Tập đoàn, cùng với tầm nhìn chiến lược của bộ, ban ngành, Chính phủ nhằm đảm bảo chủ quyền trên không gian mạng, Viettel đã chính thức cho ra mắt hệ sinh thái Viettel Cloud. Hệ sinh thái này đóng gói những ứng dụng đã phát huy tốt vai trò trong các yêu cầu nội bộ của Tập đoàn, cung cấp cho toàn bộ người dân, doanh nghiệp và các cơ quan quản lý Việt Nam có thể sử dụng.
Tập hợp các 'ốc đảo' thành hệ sinh thái
Trên thực tế, các dịch vụ cloud không phải sản phẩm mới của Viettel. Xét về bản chất, các đơn vị, tổng công ty của Viettel đã triển khai các giải pháp, ứng dụng công nghệ dựa trên điện toán đám mây từ những năm 2017-2018. Tuy nhiên, đó chỉ là các sản phẩm sử dụng nội bộ, phục vụ nhu cầu riêng của từng đơn vị.
Cụ thể, dịch vụ điện toán đám mây của Viettel Telecom dành cho khối khách hàng cá nhân, hộ gia đình, khách hàng nhỏ. Viettel Solutions dành cho khách hàng là doanh nghiệp lớn, các cơ quan quản lý. Dịch vụ của Viettel Post là giao vận, còn Viettel Cyber Sercurity thì chuyên hỗ trợ trong lĩnh vực an ninh mạng.
"Thay vì chia thành các 'ốc đảo' mà mỗi đơn vị, tổng công ty phải loay hoay phát triển, hiện nay, tất cả được quy tụ dưới hệ sinh thái Viettel Cloud. Với hạ tầng dùng chung, tối ưu nguồn lực về mặt chi phí, Viettel sẽ cung cấp dịch vụ tốt hơn, nhanh hơn, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của khách hàng, đặc biệt là các khách hàng ngoài Viettel", ông Lê Quang Hiếu cho biết.
Trong số các doanh nghiệp Việt, hạ tầng điện toán đám mây do Viettel IDC cung cấp đã chiếm vị trí số 1 về thị phần. Tuy nhiên, với một hệ sinh thái cloud do chính Tập đoàn Viettel dẫn đầu, cuộc chơi sẽ lớn hơn, quy mô hơn và công nghệ Việt cũng sẽ có khả năng cạnh tranh mạnh mẽ hơn với các "gã khổng lồ" công nghệ toàn cầu trên chính sân nhà.
Giành lại thị phần trên thị trường điện toán đám mây Việt
Bản thân ông Hiếu cũng cho rằng, hệ sinh thái cloud của Viettel vẫn còn khoảng cách so với công nghệ mà các gã khổng lồ toàn cầu cung cấp. Tuy nhiên, Viettel Cloud cũng có những lợi thế đặc biệt.
Đó là, việc các ứng dụng được đóng gói, chạy trên cùng một hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dùng là khối bộ, ban, ngành, khối doanh nghiệp và cả hộ gia đình.
Bên cạnh đó, việc sở hữu hạ tầng viễn thông hàng đầu khu vực của Viettel giúp bảo đảm kết nối của khách hàng diễn ra liên tục, nhanh chóng và không chịu tác động từ các sự kiện như đứt cáp quang biển quốc tế. Ngoài ra, các ứng dụng này đều đã được "may đo" theo nhu cầu của chính các khách hàng Việt.
Lấy ví dụ một khách hàng doanh nghiệp muốn có những ứng dụng liên quan tới xuất hóa đơn, với hệ sinh thái Viettel Cloud, khách hàng chỉ cần lên trang, chọn và click thì ngay lập tức sẽ có ứng dụng về hóa đơn điện tử tuân theo những quy định của Thông tư 78 của Bộ Tài chính. Nếu Google hay Amazon muốn làm điều tương tự, họ sẽ phải mất nhiều thời gian để xin cấp phép.
Về mặt an ninh, các tiêu chuẩn của Việt Nam khác so với trên thế giới. Tiêu chuẩn quốc tế đã khá cao, nhưng khi về Việt Nam, chúng ta đặt ra thêm các yêu cầu về tiêu chuẩn bảo mật. Ở Việt Nam, Viettel đã đạt chứng nhận bảo mật an toàn thông tin cấp độ 4 dành cho Chính phủ và Viettel có thể phục vụ khối khách hàng bộ, ban, ngành, các cơ quan Nhà nước.
Hiện tại, 80% thị phần điện toán đám mây ở Việt Nam đang nằm trong tay các doanh nghiệp nước ngoài. Điều đó cũng đồng nghĩa dữ liệu người dân, của doanh nghiệp Việt được lưu trên các hạ tầng bên ngoài lãnh thổ. Từ thực tế đó, Viettel đặt thách thức cho chính mình trong việc triển khai hạ tầng quy mô đủ lớn, cùng với các chiến lược để bình dân hóa dịch vụ điện toán đám mây để người dân, doanh nghiệp sẵn sàng chuyển dữ liệu từ nước ngoài về. Còn khối nhà nước tăng cường chuyển đổi số với sản phẩm công nghệ "Make in Vietnam".
"Tôi mong các cơ quan quản lý có nhiều hỗ trợ hơn nữa về mặt chủ trương để Viettel có thể đẩy mạnh hơn nữa mảng dịch vụ điện toán đám mây phục vụ chính nhu cầu của khách hàng Việt", Giám đốc Công nghệ Viettel Cloud Lê Quang Hiếu chia sẻ.
Viettel ra mắt hệ sinh thái Viettel Cloud góp phần kiến tạo hạ tầng số Việt Nam Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) vừa ra mắt hệ sinh thái Viettel Cloud, khẳng định là nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây lớn nhất Việt Nam. Viettel ra mắt hệ sinh thái Viettel Cloud góp phần kiến tạo hạ tầng số Việt Nam. Ảnh Đức Thọ Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội...