Biểu đồ chỉ ra sự bất thường “khủng khiếp” điểm thi môn Toán của Hà Giang
Nếu theo xu hướng của cả nước, Hà Giang chỉ có 7 thí sinh ở ngưỡng điểm 8.6 đến 9.6 môn thi Toán THPT quốc gia, nhưng trong thực tế con số thí sinh đạt điểm này là 72, tức cao gấp 10 lần so với cả nước. Điểm số cao ở Hà Giang vượt quá cao so với kỳ vọng thực tế – đến mức khó tin.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, GS Nguyễn Văn Tuấn Viện Garvan (Australia) cho biết, ông may mắn được cung cấp toàn bộ số liệu điểm thi của mỗi thí sinh cho mỗi môn thi trên cả nước, trong đó có tỉnh Hà Giang. Đây là dữ liệu cực kỳ quý, vì dựa vào dữ liệu này, có thể trả lời cụ thể các câu hỏi.
GS Nguyễn Văn Tuấn
Về việc dư luận, công chúng ngạc nhiên và đặt câu hỏi về kỳ thi THPT quốc gia liên quan đến điểm thi ở Hà Giang, theo ông Tuấn là hợp lý. Xét trên số liệu thực tế thì kết quả rất đáng nghi ngờ. Cho dù không thể nói có việc sửa điểm hay gì đó nhưng điểm số môn Toán của Hà Giang rất khác biệt so với quy luật chung của toàn quốc, sự khác biệt này không phải là ngẫu nhiên mà đó là sự bất thường. Rất có thể sự khác biệt này là do sự can thiệp của con người.
Theo GS Nguyễn Văn Tuấn, để xác minh điều này không khó, xác minh các thí sinh có điểm bất thường mà biểu đồ thể hiện ra một cách dễ dàng rồi xem qua lực học của các em trước đây hoặc cho các em ấy thi lại. Số lượng chỉ vài chục em, việc này hoàn toàn có thể thực hiện được.
Biểu đồ này cho thấy phân bố điểm của Hà Giang (màu hồng) và của cả nước (màu xanh). Có hai điểm chính có thể rút ra từ hình này: (a) Điểm trung vị của Hà Giang là khoảng 3.2, thấp hơn điểm của toàn quốc (trung vị khoảng 5.0); (b) Phân bố điểm của Hà Giang có vẻ bất thường ở điểm từ 8 đến 10. Chú ý đường biểu diễn của Hà Giang “nhô lên” trong khi đáng lí ra phải smooth như cả nước.
Video đang HOT
Để kiểm tra kĩ hơn chỗ “nhô lên” đó, cần phải phân tích so sánh giữa phân bố điểm thực tế của Hà Giang và điểm của cả nước.. Ví dụ, chú ý cột số 4 (Ha Giang), ở điểm 9, nếu theo phân bố quốc gia thì chúng ta kì vọng Hà Giang có 1 em đạt điểm này. Thế nhưng trong thực tế, Hà Giang có đến 20 em đạt điểm 9 (cột 3).
Nếu phân bố điểm thi của Hà Giang tương đương với phân bố của cả nước, thì cột thứ 5 sẽ gần bằng 0. Nhưng chúng ta thấy trong thực tế thì không phải vậy, và vài chỗ lệch thể hiện rất rõ sau đây:
- Ở điểm thấp (từ 1 đến 3.6), số thí sinh Hà Giang cao hơn so với giá trị kì vọng
- Nhưng ở điểm cao hơn (từ 4.0 đến 7.8) thì số thí sinh Hà Giang thấp hơn giá trị kì vọng của cả nước
- Nhưng điều thú vị nhất là ở điểm cao ‘top’ (từ 8.6 đến 9.6) số thí sinh Hà Giang cao hơn so với phân bố cả nước. Nếu theo xu hướng của cả nước, Hà Giang chỉ có 7 thí sinh ở ngưỡng điểm 8.6 đến 9.6, nhưng trong thực tế con số thí sinh đạt điểm này là 72, tức cao gấp ~10 lần so với cả nước.
Biểu đồ này có mục đích nhận dạng cụ thể thí sinh nào có điểm cao bất thường. GS Tuấn tìm mối liên hệ giữa môn Toán và các môn khác; sau đó dựa vào điểm của các môn khác tính giá trị kì vọng điểm môn toán cho mỗi em sau đó mình so sánh điểm kì vọng và điểm thực tế. Nếu điểm thực tế cao gấp 4 độ lệch chuẩn kì vọng là bất thường. Tại sao 4? Vì 4 độ lệch chuẩn là 99.99%, nên nếu cao hơn con số này thì xem như là “quá cỡ” (khó tin).
Đường màu đỏ là giá trị kỳ vọng (đáng lý là phải vậy). Chỉ cần 1 cá nhân là đã phải nghi ngờ, và ở đây là khoảng 20 em trên đường màu đỏ, vượt xa kỳ vọng có thể xem là bất bình thường, đặc biệt có một thí sinh “ngồi” riêng ở vị trí rất xa các bạn khác. Đây là những con số phải nghi ngờ ngay.
Có trên 950 thí sinh điểm 0 môn Toán là bất thường
GS Nguyễn Văn Tuấn phân tích, môn Toán có 50 câu, mỗi câu có 4 lựa chọn. Do đó, xác suất sai cho mỗi câu hỏi là 3/4. Xác suất một thí sinh sai tất cả 50 câu phải là p = (3/4)^50 = 0.0000005663 (giả định độc lập). Nhưng ở đây, chúng ta có n=917484 thí sinh. Gọi x là số thí sinh có điểm 0, lí thuyết phân bố nhị phân cho biết giá trị trung bình của x là mean(x) = np = 0.51 và độ lệch chuẩn sd = sqrt(n*p*(1-p)) = 0.72.
Dùng hai tham số này để mô phỏng thì chúng ta có thể tính xác suất có 951 thí sinh có điểm 0: 1-pnorm(951, mean=0.51, sd=0.72) kết quả là 0. Một cách khác là giá trị kì vọng trong số 1 triệu thí sinh thi, thì tối đa chỉ có 3 thí sinh với điểm 0 môn toán. Nhưng trong thực tế, kì thi này ghi nhận có đến 951 thí sinh có điểm 0. Và, đó là điều bất thường.
Hoài Nam
Theo Dân trí
Quy trình chặt chẽ, điểm thi Hà Giang bất thường do đâu?
Quy trình tổ chức thi, chấm thi THPT quốc gia năm nay của Bộ GD-ĐT được đánh giá rất chặt chẽ, vậy vụ điểm thi bất thường ở Hà Giang là do đâu?
Thí sinh tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2018 tại Nghệ An - Ảnh: DOÃN HOÀ
GS Đỗ Đức Thái - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, đặt nghi vấn có tiêu cực ở khâu chấm thi.
Ông nói: "Một kết quả thi quá cao, hơn hẳn so với mặt bằng chung của cả nước, trong khi điều đó lại xuất hiện ở một tỉnh có điều kiện khó khăn, chất lượng GD thấp hơn nhiều tỉnh, thành khác thì chắc chắn có dấu hiệu bất thường. Vì thế theo tôi, đây là việc rất cần phải tổ chức hậu kiểm.
Và nếu đặt một giả thuyết có tiêu cực thì theo tôi, chắc chắn nó sẽ nằm ở khâu chấm thi trắc nghiệm. Vì nếu có chuyện lộ đề thi ở khâu in sao, vận chuyển thì phạm vi ảnh hưởng sẽ lớn hơn nhiều một tỉnh. Khâu coi thi thì cũng sẽ khó có thể thực hiện được hành vi gian lận này.
Nhìn vào điểm thi bất thường ở Hà Giang, tôi thấy rất có thể tiêu cực đã được thực hiện rất tinh vi và phải có vài trò của người có trách nhiệm ở khâu này thì mới làm được.
Một việc đơn giản nhất mà người ta có thể làm là rút bài thi ra, đối chiếu với đáp án để làm lại (tẩy phương án thí sinh điền sai, tô phương án đúng bằng bút chì).
Với suy đoán này, tôi nghĩ Bộ GD-ĐT và các cơ quan chức năng nếu muốn làm rõ thì có thể làm sáng tỏ sự thật".
Thầy Hà Xuân Nhâm - hiệu trưởng Trường THPT Phan Huy Chú, Hà Nội, cũng cho biết: "Là người nhiều năm tham gia kỳ thi, tham gia chấm thi và năm nay là thành viên của hội đồng chấm thi trắc nghiệm kỳ thi THPT quốc gia, tôi thấy quy trình của Bộ GD-ĐT đề ra rất chặt chẽ.
Nếu các hội đồng làm đúng quy định, nếu đa số các thành viên trong hội đồng làm đúng quy định thì sẽ rất khó xảy ra tiêu cực ở khâu chấm thi trắc nghiệm.
Đơn cử như việc bóc tem túi bài thi, các khâu trong việc xử lý chấm thi cho tới khi ra kết quả báo cáo về Bộ GD-ĐT đều có chứng kiến của nhiều thành phần, trong đó có thanh tra, có cán bộ an ninh.
Nhưng khi tiêu cực đã xảy ra thì tôi nghĩ chắc chắn phải có sự thông đồng trong hội đồng thi, trong tổ chấm thi. Một hay hai người muốn tiêu cực cũng khó có thể xoay xở với một quy trình như vậy.
Còn về kết quả điểm thi của Hà Giang, cá nhân tôi thấy không phải hoài nghi mà hiển nhiên là bất thường. Và với đề thi trắc nghiệm các môn tự nhiên năm nay khó hơn, một phòng thi có 24 mã đề, việc gian lận trong khâu coi thi không thể thực hiện với nhiều thí sinh như vậy được. Nên điểm yếu nằm ở khâu chấm thi thì dễ hiểu hơn".
Hà Giang có đến 36 thí sinh có điểm thi khối A1 đạt từ 27 điểm trở lên, trong khi cả nước chỉ có 76 thí sinh có mức điểm này (chiếm 47,37% cả nước). Đáng nói là số thí sinh cả nước gấp 170 lần Hà Giang, với 925.000 thí sinh, trong khi Hà Giang chỉ có 5.500 thí sinh. Một con số khác được một số chuyên gia dẫn chứng trên các diễn đàn là điểm thi môn vật lý của Hà Giang: có đến 65 thí sinh đạt mức điểm từ 9 trở lên.
Theo tuoitre.vn
Điểm thi "cao bất thường" ở Hà Giang: Muốn làm trong sạch giáo dục, cần mời công an vào cuộc "Lật lại quy trình để tìm ra thủ phạm trong thi trắc nghiệm là vô cùng khó khăn. Tôi cho rằng, đã có một nhóm nào đó trong hội đồng chấm thi thông đồng với nhau trong khâu quét bài thi của thí sinh trước khi đưa vào máy chấm. Vì vậy, nếu quyết tâm, muốn làm trong sạch nền giáo dục, Bộ...