Biến thể Delta, di cư, dự luật cơ sở hạ tầng Trăm mối lo trong tuần tệ nhất của Tổng thống Biden
Chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang đối diện với hàng loạt vấn đề, mà nổi bật nhất là việc biến thể Delta bùng phát mạnh khiến số ca mắc COVID-19 ở Mỹ tăng vọt trở lại.
Biến thể Delta
Tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại California, Mỹ ngày 16/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo kênh CNN, Mỹ đang có trung bình trên 85.000 ca mắc COVID-19/ngày, tăng mạnh so với con số 23.000 ca mắc cách đây mới ba tuần. Mặc dù Nhà Trắng ngày 2/8 cho biết đã đạt mốc 70% dân số được tiêm ít nhất một liều vaccine COVID-19, nhưng lại muộn hơn một tháng so với mục tiêu mà ông Biden đặt ra là ngày 4/7.
Tiến sĩ Rochelle Walensky, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, cho biết trong 7 ngày qua, số ca mắc trung bình mỗi ngày tại Mỹ đã tăng hơn 40% so với tuần trước.
Trong khi đó, Điều phối viên ứng phó với COVID-19 của Nhà Trắng Jeff Zient cho biết khoảng 33% tổng số các ca mắc COVID-19 của Mỹ được báo cáo trong tuần trước là từ 2 bang Florida và Texas. Đáng chú ý, các trường hợp mắc bệnh đang gia tăng ở các khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp của hai bang này.
Số bệnh nhân nhập viện do COVID-19 đã tăng lên mức được ghi nhận vào mùa Đông năm 2020. Theo dữ liệu mới từ Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ, đã có 50.625 bệnh nhân mắc COVID-19 đã phải nhập viện vào ngày 2/8, nhiều hơn gấp 3 lần so với mức được ghi nhận 1 tháng trước. Đáng chú ý, Trung tâm Hồi sức tích cực của bệnh viện lớn nhất tại bang Louisiana đang quá tải.
Tổng thống Joe Biden. Ảnh: Reuters
Khuyến nghị về khẩu trang của CDC cũng khiến ông Biden phải bận tâm khi người đã tiêm vaccine cũng phải đeo khẩu trang trong không gian kín nếu sống ở những khu vực có nhiều ca mắc. Theo CDC, ngay cả người đã tiêm vaccine cũng có thể làm lây virus cho người khác.
Khi xuất hiện trong phòng họp mới đây, ông Biden đã phải đeo lại chiếc khẩu trang lần đầu tiên trong nhiều tuần qua. Theo kênh CNN, ông Biden không giấu sự thất vọng khi phải dùng lại khẩu trang – biểu tượng gây tranh cãi nhất trong thời kỳ đại dịch ở Mỹ.
Bùng phát ca mắc mới do biến thể Delta đã khiến Tổng thống Biden phải nghĩ lại về cách tiếp cận với đại dịch, chỉ ba tuần sau khi ông tuyên bố với nước Mỹ là COVID-19 không còn kiểm soát cuộc sống của người Mỹ nữa.
Chính sách cấm trục xuất người thuê nhà
Người biểu tình tuần hành ở Boston phản đối tình trạng trục xuất người thuê nhà. Ảnh: AP
Video đang HOT
Trong khi đó, một điều khiến ông Biden đau đầu nữa là các biện pháp của Chính phủ Mỹ hỗ trợ người thuê nhà trong giai đoạn dịch COVID-19 đã hết hiệu lực vào ngày 1/8, có nguy cơ đẩy hàng triệu người vào cảnh vô gia cư.
Chính quyền Mỹ chịu sức ép phải gấp rút giải ngân hàng tỷ USD trong gói hỗ trợ thuê nhà đang chậm triển khai. Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ đến giờ vẫn chưa đạt được đồng thuận về việc gia hạn các biện pháp này.
Lệnh tạm hoãn trục xuất đối với người thuê nhà không có tiền thanh toán được thực thi theo khuyến nghị của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ đưa ra tháng 9/2020. Biện pháp này nhằm ngăn chặn nguy cơ hàng triệu người Mỹ rơi vào cảnh không có chỗ ở do mất việc và không có khả năng chi trả tiền thuê nhà cũng như sinh hoạt phí.
Chính sách này đã khiến các bên đổ lỗi cho nhau. Đảng Dân chủ đã đề xuất kéo dài chương trình này tới giữa tháng 10, nhưng phe Cộng hòa vẫn lưỡng lự, dẫn đến việc các nhà lập pháp tại Hạ viện Mỹ đã nghỉ họp từ ngày 31/7 và bước vào kỳ nghỉ hè mà không đưa ra quyết định nào về vấn đề này.
Phe Dân chủ cho biết không có thời gian để điều chỉnh vấn đề và kêu gọi Tổng thống Biden hành động. Trong khi đó, Nhà Trắng cho biết mình không có quyền gia hạn chính sách trên. CNN cho rằng tình trạng này lộ ra sự chia rẽ hiếm hoi giữa Tổng thống Biden và các thành viên đảng Dân chủ.
Đến nay mới chỉ có 3 tỷ USD đến tay các hộ gia đình trong gói viện trợ trị giá 25 tỷ USD được triển khai kể từ tháng 2.
Vấn đề người di cư
Gia đình người di cư Brazil di chuyển vào Mỹ từ khe hở tường biên giới với Mexico. Ảnh: AP
Chính phủ của ông Biden cũng đối mặt với sức ép kiện tụng pháp lý từ các tổ chức ủng hộ người di cư.
Theo hãng tin AP, số trẻ không có người giám hộ đi cùng mà giới chức di cư Mỹ tìm thấy ở biên giới Mexico đã tăng lên mức cao kỷ lục trong tháng 7 và số trẻ đi cùng gia đình cũng ở mức cao thứ hai.
Cụ thể, phía Mỹ đã phải tiếp nhận trên 19.000 trẻ di cư không có người giám hộ đi cùng trong tháng 7, vượt mức cao kỷ lục 18.877 trẻ trong tháng 3. Số trẻ đi cùng gia đình trong tháng 7 là khoảng 80.000.
Những con số trên được đưa ra trong bối cảnh nhiều tổ chức ủng hộ người di cư đã nối lại cuộc chiến pháp lý để khiến chính quyền Mỹ không có thẩm quyền trục xuất các gia đình tại biên giới dựa trên lý do ngăn chặn COVID-19 lây lan.
Ngày 2/8, CDC đã gia hạn quyền khẩn cấp trục xuất các gia đình di cư tại biên giới. Bộ An ninh Nội địa sẽ tiếp tục thực thi lệnh cấm tị nạn với người lớn đi một mình và các gia đình, bất chấp áp lực từ các tổ chức ủng hộ người di cư.
Liên minh Tự do Dân sự Mỹ và các tổ chức khác cho biết họ sẽ không đàm phán dàn xếp vấn đề này với chính quyền của ông Biden mà nối lại cuộc chiến pháp lý ở Washington.
Neela Chakravartula, luật sư tại Trung tâm Nghiên cứu Người tị nạn và Giới, cho biết: “Chúng tôi thất vọng sâu sắc khi chính quyền ông Biden không giữ lời hứa về đối xử công bằng, nhân văn với các gia đình muốn tìm tới nơi an toàn, khiến chúng tôi không còn lựa chọn nào khác ngoài nối lại cuộc chiến pháp lý”.
Các tổ chức ủng hộ người nhập cư cho biết 7 tháng chờ đợi chính phủ Mỹ có động thái giải quyết vấn đề là quá đủ.
Ngay cả diều được coi là chiến thắng với ông Biden cũng không suôn sẻ khi có nhiều vấn đề liên quan dự luật cơ sở hạ tầng. Việc thượng nghị sĩ Lindsey Graham mắc COVID-19 và tiếp xúc với một nhóm thượng nghị sĩ hồi cuối tuần có thể khiến quá trình thông qua dự luật bị trì hoãn tại Thượng viện.
Ngay cả khi dự luật được thông qua tại Thượng viện như dự kiến, thì một số nhân vật theo đường lối tự do ở Hạ viện đã công khai bất mãn với một số điều trong dự luật.
Đáp lại những chỉ trích về dự luật, Tổng thống Biden viết trên Twitter ngày 3/8: “Dự luật cơ sở hạ tầng lưỡng đảng sẽ trao cho người lao động cơ hội ngàn vàng một lần nữa. Chúng ta không thể không thực hiện”.
Tỷ lệ ủng hộ ông Biden
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 28/7/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Mặc dù đa số người dân Mỹ vẫn ủng hộ ông Biden, phần lớn nhờ cách ông và chính quyền xử lý đại dịch COVID-19, nhưng tỷ lệ ủng hộ đã bắt đầu giảm ở mức độ nào đó.
Theo khảo sát hồi tháng 4 của Đại học Monmouth, 54% số người được hỏi ủng hộ Tổng thống Biden, còn 41% không ủng hộ. Trong khảo sát gần đây nhất của đại học này công bố cuối tháng 7, tỷ lệ ủng hộ chỉ còn 48% và không ủng hộ là 44%.
Trong tương lai, hoặc ít nhất vài tuần tới, không ai biết tỷ lệ ủng hộ dành cho ông Biden sẽ thế nào. Giống như phần lớn thời gian trong 6 tháng đầu nhiệm kỳ, gần như mọi thứ đều phục thuộc vào COVID-19. Liệu biến thể Delta có tiếp tục tàn phá các cộng đồng chưa tiêm chủng? Liệu ca tử vong vì COVID-19 có tăng lên? Liệu tỷ lệ tiêm chủng tăng gần đây có kéo dài? Liệu chính quyền có nhất quán trong thông điệp về đeo khẩu trang trở lại?
Câu trả lời cho những câu hỏi trên sẽ xác định tỷ lệ ủng hộ ông Biden và chính quyền suy giảm hiện nay chỉ là tạm thời hay là khởi đầu của quá trình suy giảm ngày càng sâu sau đó.
Biến thể Delta lây lan chóng mắt, Mỹ tính siết biện pháp phòng dịch
Tổng thống Biden cho biết rất có thể Mỹ sẽ áp dụng các hướng dẫn và hạn chế phòng dịch mới để đối phó với sự gia tăng các ca mắc COVID-19.
Tại Nhà Trắng hôm 30/7, khi được hỏi về khả năng các cơ quan y tế đưa ra khuyến nghị hoặc biện pháp hạn chế mới hay không, ông Biden đáp "rất có thể".
Tuy nhiên, ông không nêu rõ các biện pháp nào có thể được thực hiện.
Giới chức liên bang Mỹ, các quan chức địa phương và các doanh nghiệp gần đây tăng cường các biện pháp phòng dịch trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tại Mỹ tăng mạnh do sự lây lan của biến thể Delta. Hiện số ca mắc biến thể này chiếm hơn 80% ca nhiễm mới tại Mỹ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. (Ảnh: Guardian)
Cùng với các biện pháp chống dịch, Mỹ cũng tìm cách đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng đang có dấu hiệu chững lại.
"Tôi hy vọng mọi người đã bắt đầu nhận ra tiêm chủng thiết yếu như thế nào", ông Biden cho hay.
Sau một thời gian dài kêu gọi người dân tiêm chủng, Mỹ bắt đầu tính tới biện pháp mạnh hơn để buộc các đối tượng chưa tiêm chủng đi chích ngừa.
Theo đó, quy định mới yêu cầu hàng triệu nhân viên chính phủ liên bang bắt buộc phải tiêm vaccine COVID-19. Ngoài ra, giới chức Mỹ yêu cầu những người từ chối tiêm chủng phải xét nghiệm thường xuyên, giữ khoảng cách, đeo khẩu trang và hạn chế đi lại.
Trong một thông báo đưa ra trong tuần, các cơ quan y tế Mỹ khuyến cáo người dân Mỹ, ngay cả những người đã được tiêm chủng, đeo khẩu trang ở không gian kín tại các khu vực có tỷ lệ lây nhiễm cao.
Mỹ hiện vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới với hơn 34 triệu ca bệnh và gần 620.000 người thiệt mạng.
Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), gần 70% người Mỹ đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine nhưng tỷ lệ khác nhau giữa các tiểu bang. Các bang miền Nam và miền Tây đang bùng phát dịch có tỷ lệ tiêm thấp hơn nhiều so với tỷ lệ chung.
Tổng thống Joe Biden nhận định về đàm phán chiến lược cấp cao Mỹ - Nga Ngày 31/7, Tổng thống Mỹ Joe Biden bày tỏ hy vọng về cuộc đàm phán ổn định chiến lược hạt nhân giữa nước này với Nga. Tổng thống Mỹ Joe Biden trong một bài phát biểu tại Washington, DC. Ảnh: AFP/TTXVN Theo hãng tin TASS của Nga, phát biểu với báo giới tại Nhà Trắng về quan điểm của mình đối với vòng...