Biên soạn SGK ở ta không bình thường
(PL)- Ở các nước, bộ giáo dục không giành “quyền” biên soạn, xuất bản cũng như không can thiệp vào việc biên soạn SGK của tư nhân.
“Để tư nhân tự soạn sách giáo khoa (SGK), những SGK như vậy được sàng lọc qua thời gian bằng cơ chế thị trường. Có nghĩa là những cuốn sách nào làm hay và được giáo viên chọn lựa thì nó trường tồn và được các nhà xuất bản khác tái bản nhiều lần, trở thành những cuốn SGK kinh điển, có thể giữ đến 5-10 năm tùy theo từng cuốn sách. Ở đây không hề có định chế nhà nước can thiệp vào việc làm SGK”. Đó là quan điểm của GS Nguyễn Đăng Hưng,GS danh dự của ĐH Liège, nguyên Chủ nhiệm các chương trình cao học Bỉ và Việt, Tổng Biên tập tạp chí khoa học APJCEN, khi đề cập đến việc biên soạn SGK ở nước ta.
. Phóng viên: Thưa ông, việc tranh cãi trong biên soạn SGK ở nước ta đang nhận được sự quan tâm của công chúng. Là người có thời gian hoạt động giáo dục ở nước ngoài nhiều năm, ông có thể chia sẻ kinh nghiệm cách làm này ở các nước?
GS Nguyễn Đăng Hưng: Ở Việt Nam, việc biên soạn SGK được xem là rất đặc biệt, còn ở các nước khác thì rất bình thường. Tôi lấy ví dụ như ở Bỉ, SGK được tự do xuất bản, tư nhân cũng có thể xuất bản SGK. Bộ Giáo dục chỉ đưa ra khung về chương trình học của từng lớp, từng năm nhưng không đụng chạm đến SGK. Bộ Giáo dục của Bỉ cũng không lấy “quyền” để xuất bản SGK, cũng không áp đặt quy trình này quy trình kia khi biên soạn, mà để cho các tác giả, các nhà khoa học, nhà xuất bản tư nhân làm chuyện này.
Video đang HOT
Thầy và trò sẽ có nhiều lựa chọn hơn khi có nhiều bộ SGK để tham khảo. Ảnh: HTD
. Có ý kiến cho rằng nếu thả nổi SGK như vậy sẽ khó kiểm soát về chất lượng?
Đó là một quan điểm cố hữu gây ra sai lầm. Vấn đề kiểm soát để có chất lượng là sai lầm. Bởi muốn kiểm soát anh phải có trình độ hơn người ta, nếu trình độ kém hơn người viết thì không thể biết sai lầm của người ta. Nói đến vấn đề kiểm soát hay thẩm định, anh phải nói rõ vấn đề anh chọn nhân sự nào, nhân sự có độc lập không, phải là những người được xã hội thừa nhận là có tài về lĩnh vực đó không. Nếu anh chọn những người đi kiểm định là những người gây nên tiêu cực, cái hay không khuyến khích mà cái không hay lại được dung túng… Cứ để cho thị trường, cho người dân, những nhà giáo tâm huyết viết. Chỉ như vậy chúng ta mới có tác phẩm hay, tác phẩm chính xác và trường tồn. Ai làm sai, làm dở thì sẽ bị thị trường đào thải. Các nhà xuất bản biết sách đó không hay thì người ta không xuất bản nữa. Ở các nước khác như Pháp, Mỹ người ta cũng làm thế; chỉ có Việt Nam cùng với Trung Quốc là để cho Bộ Giáo dục tự ra SGK và tự bán để trở thành một nguồn lợi kinh tế.
. Vậy theo cá nhân ông, nguồn lợi kinh tế là lý do để Bộ GD&ĐT giữ quyền biên soạn và in SGK?
Đúng vậy, vì nguồn lợi kinh tế đó mà họ rất bảo thủ. Họ muốn giữ SGK và đưa ra cách làm theo kiểu của họ. Chỉ khi qua sử dụng mới phát hiện ra những sai sót, những sai lầm vớ vẩn mà thời gian qua dư luận đã lên tiếng và càng sửa sai càng sai thêm.
. Sai sót đó do đâu, thưa ông?
Vì những người biên soạn SGK này làm theo “đơn đặt hàng” từ Bộ GD&ĐT. Ở họ có thể thừa kiến thức nhưng thiếu tâm huyết như chính những nhà giáo tự mình biên soạn SGK đứng tên mình. Bởi vậy ở các nước người ta không can thiệp vào việc biên soạn SGK là vì vậy. Họ có quan điểm rất rõ ràng về chuyện này và cho rằng việc bộ giáo dục nước họ nếu giành lấy việc biên soạn SGK thì đây là sự dung túng cho một nhóm lợi ích. Cho nên giải pháp đổi mới biên soạn SGK phải nói rõ điểm này, nhấn đúng “điểm huyệt” này, nếu không thì không thay đổi gì cả.
Để các tác giả sáng tạo, linh hoạt
Theo tôi, Bộ GD&ĐT chỉ nên thực hiện giám sát, điều hành về mặt pháp lý thôi, không cần thiết phải can thiệp quá sâu vào quá trình biên soạn bằng “quy trình biên soạn” gây nặng nề và tốn kém. Cái chính là Bộ phải xây dựng được một chương trình khung thật chi tiết và cặn kẽ, từ tổng thể chương trình đến từng môn học. Trong đó đề cập rất rõ về yêu cầu, mục đích, phương pháp, nội dung, giới hạn mức độ kiến thức trong từng khối lớp, yêu cầu từng môn… Còn lại, hãy để cho các tác giả dựa vào đó để thoải mái viết sách một cách sáng tạo, toàn tâm, toàn ý, linh hoạt thực hiện theo quy trình nào đó của riêng họ, miễn là họ cho ra được các sản phẩm có chất lượng và bám sát chương trình khung là được. Tất nhiên khi đã có một chương trình khung thì không tác giả hay nhà xuất bản nào lại dại dột viết không đúng chương trình đó cả. Hãy để bản thân mỗi tác giả cũng phải tự chịu trách nhiệm với sản phẩm của mình trước công chúng. Chúng ta hãy quan niệm một bộ SGK là một cách thể hiện chương trình, nhiều bộ SGK là nhiều cách thể hiện. Nhiều bộ SGK thì sẽ có cạnh tranh và bổ sung cho nhau, tạo ra nhiều nguồn tham khảo tốt cho giáo viên lựa chọn.
TS NGUYỄN CAM (ĐH Sư phạm TP.HCM), thành viên ban soạn thảo Tài liệu dạy học Toán 6 của TP.HCM, sử dụng từ năm học 2014-2015
Khuyến khích nhiều bộ SGK với cách thể hiện khác nhau Đối với SGK, quan trọng nhất là chất lượng, cách thể hiện và tính hấp dẫn chứ không phải quy trình làm ra cuốn sách đó. Nếu như chỉ có một bộ sách sử dụng thống nhất thì mới áp dụng một quy trình để đảm bảo tính thống nhất, chặt chẽ và chính xác. Đằng này chúng ta đã đồng ý chủ trương một chương trình nhiều bộ SGK thì chúng ta phải chấp nhận các bộ sách ra đời bằng nhiều cách thức và thể hiện khác nhau. Dĩ nhiên, nhà xuất bản hay tác giả nào muốn tham gia viết SGK thì phải đọc kỹ càng chương trình khung và tự lên kế hoạch thực hiện cho mình rồi. Nếu có quy trình chẳng khác nào lại ép họ vào khuôn mẫu, rồi cho ra những sản phẩm khuôn mẫu. Chúng tôi luôn tâm niệm rằng SGK chỉ là phương tiện hỗ trợ giảng dạy, giáo viên đừng xem SGK là thứ gì đó ghê gớm quá. Giáo viên giỏi là họ phải biết tham khảo rất nhiều sách, cộng với kinh nghiệm và hiểu biết của họ để có thể soạn ra được bài giảng phù hợp để truyền tải tốt nhất đến học sinh. Đó mới là giảng dạy chứ không phải đọc cho các em chép lại nội dung của một cuốn sách nào đó. Mục đích của việc có nhiều SGK cũng là như thế. Phó hiệu trưởng một trường THPT tại TP.HCM (không muốn nêu tên)
Theo PL