Biên soạn sách giáo khoa cần phải khoa học và nghiêm túc hơn
Trước những ồn ào xung quanh sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1, bộ Cánh diều, các bên liên quan cần có những cách giải quyết thỏa đáng với mục tiêu cuối cùng là học sinh có SGK hoàn toàn là tiếng Việt trong sáng, phổ thông và ý nghĩa.
Học sinh lớp 1 học đánh vần tại một trường tiểu học ở TP.HCM – Ảnh: TỰ TRUNG
Đó là khẳng định của TS Giáp Văn Dương, chuyên gia giáo dục. Trao đổi với Tuổi Trẻ về hướng xử lý, ông Dương nhận định:
- Theo tôi, với nhóm tác giả, cần tiếp thu các ý kiến, nhận xét của giới chuyên môn và xã hội để sửa chữa những sai sót cho lần tái bản kế tiếp.
Với nhà quản lý, cần đưa ra những hướng dẫn về cách khắc phục sai sót trong sách giáo khoa (SGK) cho các trường, đồng thời tổ chức lấy ý kiến chuyên gia, hoặc thẩm định lại, để giúp các tác giả điều chỉnh nội dung chưa phù hợp của bộ sách.
Còn với nhà trường, cần theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. Với các trường công thì việc chọn SGK không thể tự quyết được, nên thay đổi SGK không phải là việc dễ, trừ phi có hướng dẫn cụ thể của ngành giáo dục.
Vì thế tôi có thể dự đoán rằng các trường sẽ cứ “dùng dằng mà đi” với bộ SGK đến hết năm học, sau đó sẽ tính tiếp.
* Là người từng học tập, nghiên cứu, giảng dạy ở nước ngoài, ông nhận xét gì về SGK ở các nước trên thế giới, nhất là các nước phát triển?
- Tôi có trải nghiệm trực tiếp về SGK bậc phổ thông của Anh và Singapore. Hai nước này đều có nhiều bộ SGK cùng lưu hành nhưng cách sử dụng SGK cũng rất khác nhau. Ở Anh, khi con tôi học tiểu học tôi không thấy SGK xuất hiện trong cặp của con, vì các bài học là do thầy cô thiết kế dựa trên chương trình quốc gia và tham khảo các bộ sách hiện hành.
Vì thế học sinh chỉ có phiếu học tập, phiếu bài tập kẹp thành tập, thay vì cả bộ SGK như ở Việt Nam. Tuy nhiên, ở các khối lớp cao hơn thì học sinh có sử dụng SGK, giáo trình. Bậc học càng cao thì SGK, giáo trình ngày càng trở nên quan trọng với học sinh.
Riêng tại Singapore cách dùng SGK khá giống ở Việt Nam. Mỗi học sinh đều có một bộ SGK chính thức. Đây là bộ SGK được nhà trường chọn trong số vài chục bộ được cấp phép lưu hành. Việc viết và phát hành SGK là công việc của các tác giả và các nhà xuất bản.
Bộ Giáo dục Singapore chỉ thẩm định và cấp phép lưu hành có thời hạn cho các bộ SGK.
Năm nay chúng ta có nhiều bộ SGK thay vì chỉ một bộ. Đó là một bước tiến lớn. Về nguyên tắc, nhiều bộ SGK sẽ tốt hơn một bộ SGK. Vì thế không nên vì một số sai sót mà lùi lại với một bộ SGK như trước.
* Để có những bộ SGK tốt cho học sinh Việt Nam, theo ông, quy trình làm sách nên như thế nào, những ai tham gia?
- Kinh nghiệm cá nhân tôi cho thấy bước đầu tiên và quan trọng nhất khi làm SGK là chọn được một tổng công trình sư có tư tưởng giáo dục rõ ràng và thuyết phục, có đủ tâm huyết với giáo dục, trăn trở với sự phát triển của đất nước, với tương lai của thế hệ trẻ và có đủ năng lực để triển khai công việc làm tổng chỉ huy việc biên soạn SGK.
Tổng công trình sư phải là một nhà giáo dục, thay vì một nhà giáo giỏi. Người đó sẽ đóng vai trò như người thiết kế và đảm bảo chất lượng chung của toàn bộ SGK, liên thông từ lớp 1 đến lớp 12, trong sự đồng bộ của tất cả các môn học khác nhau.
Video đang HOT
Thực tế cho thấy một nghìn thợ xây giỏi tập hợp lại cũng không thể thiết kế và chỉ huy xây dựng được một tòa nhà hiện đại. Tương tự như vậy, một nghìn nhà giáo giỏi tập hợp lại cũng không thể tạo ra một bộ SGK tốt, nếu không có một tổng công trình sư dẫn dắt.
Nhưng nhà giáo thì rất nhiều, còn nhà giáo dục rất hiếm. Nhà giáo dục tâm huyết với sự phát triển của đất nước, trăn trở với số phận của thế hệ trẻ lại càng hiếm. Đó là cái khó trong việc chọn tổng công trình sư cho việc biên soạn SGK. Tuy khó nhưng không thể không làm, nếu muốn có một bộ SGK tốt.
Sau khi đã chọn được tổng công trình sư, người này tập hợp đội ngũ, xác lập được triết lý giáo dục để làm định hướng, thiết lập bộ giá trị cốt lõi để làm khung tham chiếu, lựa chọn phương pháp giáo dục chủ đạo để truyền tải nội dung và cân bằng mối quan tâm của các bên liên quan đến bộ sách như giáo viên – học sinh, phụ huynh, nhà xuất bản, nhà quản lý, đặt trong một tầm nhìn khoảng 30 năm về sự phát triển của quốc gia và của thời đại.
Người tổng công trình sư này cũng đồng thời là người đào tạo và truyền cảm hứng cho toàn bộ nhóm viết SGK, sao cho tất cả các thành viên thấm nhuần tư tưởng và định hướng giáo dục của mình và của chương trình quốc gia, kiểm tra và giám sát tổng thể quá trình biên soạn sách, sao cho đảm bảo được chất lượng của bộ SGK, không chỉ theo yêu cầu của chương trình quốc gia mà còn hiện thực hóa được tư tưởng giáo dục của nhóm tác giả và đặc trưng riêng của từng môn học.
Đó là bước đầu tiên, cũng là bước quan trọng nhất, trong quy trình biên soạn ra một bộ SGK có chất lượng.
Giáo viên khối lớp 1 cùng ban giám hiệu Trường tiểu học Kỳ Đồng, Q.3, TP.HCM thảo luận cho SGK mới – Ảnh: NHƯ HÙNG
* Bộ GD-ĐT đang tiến hành làm SGK lớp 2 trở lên. Theo ông, bài học kinh nghiệm gì cần rút ra từ sự cố SGK tiếng Việt lớp 1, bộ Cánh diều?
- Với Bộ GD-ĐT, bài học quan trọng nhất là thẩm định SGK cần phải làm bài bản, khoa học và minh bạch hơn. Cụ thể, bản thảo của các bộ SGK cần được công bố rộng rãi để lấy ý kiến góp ý, bên cạnh phần góp ý của hội đồng thẩm định.
Với bộ SGK năm nay, bản thảo được bảo mật nên ngoài các tác giả và hội đồng thẩm định thì không ai biết nội dung SGK thế nào. Đến khi in ấn xong rồi, SGK cũng không được phát hành sớm tại nhà sách như các năm trước nên phụ huynh muốn mua cũng không được. Các chuyên gia cũng phải rất khó khăn mới có được sách biếu tặng để tham khảo và lựa chọn.
Có lẽ là vì các bộ SGK lớp 1 năm nay phải cạnh tranh nhau nên nội dung cần bảo mật? Nếu đúng vậy thì đây là một chi tiết rất dở, cần khắc phục bằng cách Bộ GD-ĐT chỉ đạo tất cả các bộ SGK cần công bố cùng một ngày để đảm bảo công bằng và lấy ý kiến nhận xét của giới chuyên môn và xã hội.
Còn về phía các tác giả, tôi cho rằng quy trình tổ chức biên soạn SGK cần phải khoa học và nghiêm túc hơn nữa. Nếu không, những sai sót đáng tiếc là không tránh khỏi.
Giúp trẻ hình thành tư duy phản biện
Với phụ huynh, nếu những người có điều kiện và đủ năng lực dạy con có thể mua thêm một bộ SGK khác để cho con tham khảo thêm, hầu chỉ ra cho con thấy: “À, cùng một nội dung mà có nhiều cách viết khác nhau”.
Khi đó các sai lầm của một bộ SGK nào đó sẽ được pha loãng, đồng thời giúp trẻ hình thành tư duy phản biện khi tham chiếu nhiều bộ SGK khác nhau.
TS GIÁP VĂN DƯƠNG
Bĩnh tĩnh trước "sạn" sách giáo khoa: Phản biện chứ không thoá mạ
Thay vì hoảng loạn hay chửi bới thay cho phản biện trước "sạn" trong sách giáo khoa, nhiều người chủ động "tự" nhặt sạn. Và đặc biệt, họ chọn góp ý chứ không ném đá, thoá mạ.
Trong những ngày qua, từ những phát hiện "sạn" trong sách Tiếng Việt lớp 1, cụ thể là của bộ sách Cánh Diều, mạng xã hội bị "đốt nóng" về chủ đề này.
Từ những phát hiện, góp ý, phản biện, không ít phản hồi đã đi quá đà khi chuyển sang trạng thái chửi bới, miệt thị, châm biếm. Kể cả những thông tin chưa rõ ràng, cũng được đưa lên để mổ xẻ, bôi nhọ, tấn công.
Bên cạnh đó, có thể ở số ít, một số người bình tĩnh, chọn cho mình trạng thái tích cực trước một vấn đề.
Chủ động "nhặt" sạn
Chị Trần Thu Hảo, có con học lớp 1 ở Q.8, TPHCM cho biết, trường con chị học sách Tiếng Việt bộ Cánh Diều.
Khi thấy sách có nhiều sạn trong việc dùng từ ngữ chưa phù hợp, rồi tính giáo dục trong các câu chuyện... chị cũng rất băn khoăn.
Đặc biệt là rất khó chịu khi trong sách rất nhiều từ ngữ, câu cú rời rạc, lủng củng, cụt lủn, có những câu, đoạn đọc "trẹo" cả lưỡi, chưa nói đến tính giáo dục trong các đoạn văn..
Nhưng chị không quá lo lắng, hoảng loạn đến mức sợ con mình ảnh hưởng đạo đức này nọ.
Chị bày tỏ, thay vì dùng năng lượng để lo lắng, chửi bới, chị cùng con "nhặt sạn". Khi học, đọc, thấy từ nào chưa hợp lý, chị sẽ chỉ cho con, để chọn những từ hay hơn, đặt câu lại sao cho "mượt" hơn.
"Tôi cũng nói với con, sách giáo khoa (SGK) do con người làm nên, cũng có thể viết chưa đúng, viết chưa hay. Để con có tư duy, chủ động trước ngôn ngữ, trước mọi văn bản, trước mọi vấn đề trong cuộc sống", chị Hảo nói.
Khi dùng sách để dạy trẻ, bất cứ cuốn sách nào thì phụ huynh, giáo viên (GV) cũng cần ở thế chủ động, linh hoạt, không thể chăm chăm theo sách.
Tuy nhiên, chị thừa nhận, không phải phụ huynh nào cũng có thể kèm con. Nên việc làm sách, nhất là SGK sao cho "sạch", chỉnh chu là trách nhiệm của các nhà chuyên môn, quản lý.
Một giáo viên ở quận Tân Bình chia sẻ, khi dạy học, nếu thấy từ ngữ, đoạn nào trong sách chưa phù hợp, GV sẽ chủ động thay thế, điều chỉnh.
Họ không nhất thiết phải dùng câu, đoạn trong sách để dạy cho trẻ, họ hoàn toàn có thể thay bằng những câu, đoạn khác, đảm bảo chương trình.
Nhiều phụ huynh, giáo viên chủ động "nhạt" sạn khi dùng sách giáo khoa để dạy trẻ
Nhưng với GV đây rõ ràng cũng là việc cực chẳng đã. Trọng tâm của hoạt động giáo dục lớp 1 là dạy cho các em từng con chữ, tập nề nếp, làm quen trường lớp... Không dùng tư liệu trong SGK, GV lại phải mất thêm thời gian, công sức mày mò.
Như ý kiến của một giảng viên tại ĐH Sư phạm Hà Nội, nếu SGK chuẩn mực thì GV đỡ được rất nhiều thời gian và công sức, cũng như gạo đã được xay xát kĩ, trước khi nấu cơm không cần nhặt lại thóc. Đó là chưa nói tới năng lực của một bộ phận GV hiện nay chưa tốt.
Phản biện chứ không buông lời độc ác
Chị Lê Hồng Diệu, có hai con học tiểu học ở Bình Thạnh, TPHCM cho biết, chị đọc sách cho con từ bé. Khi biết chữ, các con tự đọc, mỗi năm cả trăm cuốn dày mỏng.
Vậy nên, bản thân chị không quá kỳ vọng, tập trung vào vài cuốn SGK.
"Con tôi học ngoài SGK nhiều hơn. Thế giới ngoài kia có bao nhiêu thứ để học, bao nhiêu sách hay để đọc. Nếu chỉ chăm chăm vào vài cuốn SGK, nói thật, con tôi sẽ bỏ phí nhiều thông tin, kiến thức bổ ích ngoài cuộc sống", chị nói.
Thế nhưng, những ngày qua, ngoài đọc những lời góp ý, phản biện, chị cũng "run rẩy" trước làn sóng chửi bới, thoá mạ trên mạng xã hội liên quan đến SGK.
Học sinh lớp 1, TPHCM trong tiết học tiếng Việt
"Ai cũng khoe trước đây mình được học những cuốn sách ngôn ngữ tiếng Việt trong sáng, có tính giáo dục, nhân văn. Nhưng chính họ lại buông những ném đá, chửi bới, tấn công... rất độc ác. Sao họ không dùng những từ ngữ nhân văn, đẹp đẽ để góp ý, phản biện?", người mẹ bộc bạch.
Trước làn sóng "ném đá" đi quá đà về tranh cãi SGK những ngày qua, dường như ai ai cũng có thể trở thành nhà giáo dục, nhiều GV đã chọn cách rút lui.
"Dư luận góp ý, phản biện là cần thiết nhưng đi quá đà thành đả kích, tấn công, chửi bới... thì thật đáng sợ. Tôi không tham các diễn đàn tranh cãi nữa, lui về dành năng lượng để làm việc", cô Nguyễn Quỳnh Hương, giáo viên tiểu học ở TPHCM chia sẻ.
TS Dương Minh Thành, Trường ĐH Sư phạm TPHCM nêu quan điểm, về lâu dài, SGK sẽ trở thành một tài liệu tham khảo chính trong nhà trường nhưng không phải là duy nhất. GV có thể tham khảo một lúc nhiều bộ sách khác nhau để soạn được giáo án tốt nhất có thể cho mỗi bài học, phù hợp với lớp học của mình.
"Một hệ quả tốt đẹp do nhiều bộ sách mang lại là các giáo án cũng sẽ tốt lên hằng ngày nhờ liên tục cải tiến trong sự đa chiều về quan điểm. Sau đó, các bộ sách lại cập nhật, điều chỉnh thay đổi và sẽ tốt dần lên.
Nếu như trước đây thì điều này là khó vì phải đợi vài mươi năm nhưng giờ thì có thể tốt hơn sau mỗi năm", ông Thành cho hay.
Do đó quyết định một chương trình nhiều bộ SGK, theo ông là một quyết định mang tính cách mạng, phá vỡ thế độc tôn, độc quyền và độc đạo.
Các nhà xuất bản và tác giả đều luôn muốn sản phẩm của mình tốt hơn và ngày càng hoàn thiện, nên sau mỗi giai đoạn, họ sẽ luôn cầu thị lắng nghe góp ý từ phía nhà trường, phụ huynh, cộng đồng xã hội.
Để được lắng nghe thấu đáo, cầu thị thì các phân tích dẫn ra cần sự chân thành, kiên nhẫn và mang tính xây dựng.
Trước những tranh luận quá đà về SGK, TS Dương Minh Thành chia sẻ, khi ta quen sử dụng từ ngữ ác độc với người khác thì đã không biết rằng sự ác độc đã xâm chiếm lấy ta.
"Ai cũng khoe trước đây mình được học những cuốn sách ngôn ngữ tiếng Việt trong sáng, có tính giáo dục, nhân văn. Nhưng chính họ lại buông những ném đá, chửi bới, thoá mạ rất khủng khiếp", chị Lê Hồng Diệu, ở Bình Thạnh, TPHCM.
Nhiều 'sạn' trong sách giáo khoa lớp 1 của Cánh diều Cử tri mang cả sách giáo khoa đến "méc" đại biểu Quốc hội về những lỗi trong sách khó thể chấp nhận được. Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên cả nước triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 (gọi là chương trình giáo dục phổ thông mới) đối với lớp 1. Thay vì chỉ có một bộ sách như trước,...