Biên soạn sách giáo khoa – bàn chuyện độc quyền
Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hồng Sơn trả lời đại biểu tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 6, HĐND sáng 6.12 về biên soạn sách giáo khoa rằng, sau khi biên soạn xong, bộ sách sẽ được trình lên Bộ GD-ĐT để bộ phê duyệt trước rồi mới thực hiện, tất nhiên phải hoàn tất trước khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.
Hãy xã hội hóa biên soạn và xuất bản sách giáo khoa – Ảnh: nguồn internet
Sau khi bộ phê duyệt, sở sẽ thực hiện dạy thực nghiệm bộ sách này vào năm 2019 để đánh giá, rút kinh nghiệm và chỉnh sửa trước khi ban hành chính thức.
Nghe qua thấy hay, bởi vì có thêm một bộ sách giáo khoa, xóa bỏ độc quyền sách giáo khoa như mong ước của thầy cô, phụ huynh và học sinh. Nhưng nghĩ lại thấy không ổn.
Như vậy, nếu Hà Nội, Huế, Đà Nẵng cũng xuất bản một bộ và áp đặt các trường trên địa bàn sử dụng thì cũng là ông Nhà nước độc quyền, nhưng thay vì ông Trung ương, thì nay là ông địa phương. Và theo mô hình mới này là sách giáo khoa được phân theo địa giới hành chính.
Xóa bỏ độc quyền biên soạn và xuất bản sách giáo khoa tất nhiên phải làm, nhưng xin thưa, đừng chuyển từ độc quyền ở chỗ này sang độc quyền chỗ khác, cuối cùng rồi cũng là ông độc quyền. Phụ huynh học sinh phải mua sản phẩm bắt buộc, không phải tự do lựa chọn. Lâu nay, Bộ GD-ĐT độc quyền, nay Sở GD-ĐT TP.HCM tổ chức thực hiện biên soạn và xuất bản một bộ sách giáo khoa, rồi áp đặt các trường trên địa bàn thành phố sử dụng bộ sách đó, thì cũng chẳng khác gì độc quyền.
Đã quyết tâm phá độc quyền là phá luôn, Bộ GD-ĐT có chủ trương và chính sách cho phép mọi cá nhân, tổ chức có quyền biên soạn sách giáo khoa, trên cơ sở chương trình khung của Bộ ban hành. Sở GD-ĐT TP.HCM hoặc bất cứ Sở GD-ĐT của địa phương nào cũng có thể tổ chức biên soạn một bộ sách giáo khoa, nhưng không được bắt buộc các trường phải mua.
Hãy xã hội hóa biên soạn và xuất bản sách giáo khoa, các cá nhân và tổ chức khác cũng có quyền biên soạn sách giáo khoa và phát hành toàn quốc, cạnh tranh bình đẳng, công bằng. Bộ sách nào có chất lượng về nội dung, hình thức và giá thành hợp lý, sẽ được các trường, phụ huynh và học sinh lựa chọn.
Đến bây giờ mà còn có ý kiến muốn độc quyền sách giáo khoa, cho rằng tự do biên soạn sách giáo khoa là “nhạy cảm” thì quá lạc hậu.
Video đang HOT
Chỉ có một lực cản duy nhất đối với việc xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, đó là lợi ích nhóm. Nói thẳng vậy đi.
Theo Một Thế Giới
Không thể lạc quan về một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa
Theo nghiên cứu sinh Nguyễn Quốc Vương, nếu quy định một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa, việc thực hiện không tốt sẽ xảy ra tiêu cực.
ảnh minh họa
Thông tin năm 2019 TP.HCM sẽ ra mắt bộ sách giáo khoa riêng nhận được sự quan tâm của dư luận. TS Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT, cho biết sắp tới, dự thảo Luật Giáo dục Đại học sẽ đề cập một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa.
Trao đổi với Báo về vấn đề này, ông Nguyễn Quốc Vương - nghiên cứu sinh về giáo dục lịch sử tại ĐH Kanazawa, Nhật Bản - cho rằng vai trò của Bộ GD&ĐT là đưa ra quy chế minh bạch, khoa học, công khai. Quy chế không tốt, không khoa học sẽ xảy ra tiêu cực.
Không có chuyện địa phương nào viết sách cho địa phương đó
- Ông đánh giá như thế nào về chủ trương một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa?
- Một chương trình nhiều sách giáo khoa là chủ trương đúng để dân chủ hóa nền giáo dục và tạo ra môi trường thuận lợi cho các trường, giáo viên chủ động nội dung dạy học phù hợp tình hình thực tiễn.
Tuy nhiên, bản chất của cơ chế này là tạo ra hành lang pháp lý cho việc các tác giả, nhà xuất bản có quyền biên soạn, đăng ký thẩm định sách của mình trở thành sách giáo khoa và các trường, giáo viên có quyền lựa chọn sách chứ không phải chuyện "địa phương nào viết sách cho địa phương đó". Nếu hiểu như vậy sẽ phản tác dụng vì thực chất nó không khác gì cơ chế cũ.
Cơ quan hành chính giáo dục không nên trực tiếp tổ chức, biên soạn và phát hành sách giáo khoa. Ngay cả Bộ GD&ĐT, giai đoạn đầu có thể biên soạn một bộ sách với tính chất tạo ra bước đệm để chuẩn bị thì cũng cần công bố rõ ràng sẽ làm trong mấy năm để thực hiện hoàn toàn cơ chế nói trên.
- Ông kỳ vọng chủ trương này sẽ thay đổi giáo dục nước nhà như thế nào?
- Nhìn vào tình hình hiện tại, tôi chưa thấy Bộ GD&ĐT công bố quy chế biên soạn sách giáo khoa theo cơ chế một chương trình nhiều bộ sách, cũng như quy trình thẩm định, tiêu chuẩn thẩm định công khai... Tôi không thể có ý nghĩ lạc quan.
Để thực hiện tốt cơ chế một chương trình nhiều sách giáo khoa, vai trò của Bộ GD&ĐT trong việc đề ra quy chế và thẩm định rất quan trọng. Nó là công việc thiết yếu, thường xuyên.
Nếu thực hiện tốt cơ chế này, nó sẽ tạo ra môi trường thuận lợi để thực tiễn giáo dục ở địa phương phát triển.
- Hiện tại, Bộ GD&ĐT chưa đưa ra được chương trình các môn học. Theo quan điểm của ông, các bộ sách giáo khoa cần bắt buộc theo khung chương trình này hay nên tự do sáng tạo?
- Về nguyên tắc, sách giáo khoa được biên soạn dựa trên chương trình môn học đã được thông qua. Nếu chưa có chương trình mà biên soạn sách, dư luận sẽ đặt ra câu hỏi người soạn căn cứ vào đâu, thẩm định thì lấy gì làm căn cứ.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa các sách giáo khoa chỉ là sự rập khuôn cứng nhắc chương trình. Chương trình chỉ là những phác thảo chung, cơ bản nhất. Việc thể hiện thành nội dung cụ thể và phương thức thể hiện nó sẽ tùy thuộc từng nhóm tác giả. Chẳng hạn, Nhật Bản dựa trên một chương trình nhưng mỗi nhà xuất bản sẽ có sáng tạo riêng trong bộ sách của mình.
Nếu quy chế không tốt sẽ xảy ra tiêu cực
- Nhiều người lo lắng khi thực hiện chủ trương này có thể xảy ra tình trạng "trăm hoa đua nở", các trường khó lựa chọn sách phù hợp. Có tình trạng địa phương nào sẽ bị ép dùng sách của sở đó?
- Như tôi đã nói ở trên, quy chế minh bạch, khoa học, công khai là linh hồn của cơ chế một chương trình nhiều sách giáo khoa. Vai trò của Bộ GD&ĐT nằm ở đó. Quy chế không tốt, không khoa học sẽ xảy ra tiêu cực. Chẳng hạn, sự móc ngoặc giữa nhà xuất bản với người có trách nhiệm thẩm định, giữa những người có trách nhiệm chọn sách với đơn vị phát hành để "ăn chia"...
Minh bạch, công khai hóa, giám sát lẫn nhau sẽ là phương thức hữu hiệu để ngăn ngừa điều này. Tiếc rằng hiện nay vẫn chưa thấy Bộ GD&ĐT công bố công khai quy chế nhận bản thảo, thẩm định và công bố kết quả...
- Ở Nhật Bản, cơ chế một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa được thực hiện như thế nào?
- Nhật Bản trước năm 1945 thực hiện cơ chế "quốc định", nghĩa là cả nước dùng chung một bộ sách giáo khoa do Bộ Giáo dục ban hành. Nhưng từ năm 1947, họ chuyển sang dùng cơ chế "kiểm định". Bộ Giáo dục sẽ là cơ quan thẩm định các bản thảo được đăng ký và quyết định xem bản thảo nào đủ tiêu chuẩn là sách giáo khoa. Các cuốn đạt yêu cầu được công nhận là sách giáo khoa sau đó sẽ được công bố công khai cho các địa phương và trường lựa chọn.
Toàn bộ quy chế, quy trình đăng ký, thẩm định, công bố kết quả, khiếu nại, sửa chữa, tái thẩm định... đều được công khai hóa cho xã hội theo dõi, giám sát. Vì vậy, trên thực tế, nước Nhật không dùng ngân sách để làm sách giáo khoa. Chuyện biên soạn sách giáo khoa là công việc của các tác giả và nhà xuất bản, Bộ Giáo dục chỉ thẩm định và công bố kết quả mà thôi.
Ở giai đoạn đầu tiên, khoảng 2-3 năm sau 1947, khi cơ chế mới được thực hiện, Bộ Giáo dục Nhật cũng biên soạn các sách giáo khoa nhất định để đáp ứng yêu cầu cần có sách giáo khoa gấp. Sau đó, họ nhanh chóng chuyển vai trò này cho các nhà xuất bản.
Hiện tại, mỗi môn học ở Nhật có tới cả chục nhà xuất bản cùng làm sách giáo khoa. Ví dụ, môn Xã hội ở bậc tiểu học, 8 nhà xuất bản cùng làm sách và được công nhận. Tất nhiên, thị phần của các nhà xuất bản khác nhau, tùy thuộc uy tín, truyền thống và chất lượng sách của các nhà xuất bản đó. Việc cạnh tranh lành mạnh giữa các nhà xuất bản đã giúp cho sách của họ ngày càng tốt hơn cả về hình thức và nội dung.
Theo Zing
Tranh luận về đề xuất loại tác phẩm Chí Phèo khỏi sách giáo khoa Theo nghiên cứu sinh Sóng Hiền (ĐH Newcastle, Australia), tác phẩm Chí Phèo có thể tác động tiêu cực tới học sinh nên đề xuất bỏ khỏi sách giáo khoa. Nhà văn nào khai sinh nhân vật Chí Phèo? Đề xuất của nghiên cứu sinh Nguyễn Sóng Hiền (Đại học Newcastle, Australia) về việc loại tác phẩm Chí Phèo của nhà văn Nam...