Biến đổi khí hậu: Mỹ ghi nhận mùa Đông ấm nhất trong lịch sử
Theo các dữ liệu theo dõi, mùa Đông năm 2024 là mùa Đông ấm nhất trong lịch sử nước Mỹ và đây được xem là dấu hiệu mới nhất cho thấy thế giới đang bước vào một kỷ nguyên chưa từng có do hậu quả của khủng hoảng khí hậu.
Mưa và tuyết rơi tại Quảng trường Thời đại ở New York, Mỹ, ngày 6/1/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Cơ quan Giám sát Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ cho biết nhiệt độ trung bình tại 48 bang thuộc lục địa nước này trong giai đoạn từ tháng 12/2023 đến tháng 2/2024 là 3,1 độ C – mức nhiệt cao kỷ lục kể từ năm 1890.
Nhiệt độ này cao hơn 3 độ C so với nền nhiệt trung bình của Mỹ trong thế kỷ 20. Mùa Đông ấm thứ hai tại Mỹ đến vào năm 2016, với nhiệt độ trung bình là 2,67 độ C, trong khi mùa Đông lạnh nhất được ghi nhận vào năm 1979, với mức nhiệt trung bình -3 độ C.
Tám bang trên khắp vùng Thượng Trung Tây, Great Lakes và Đông Bắc nước Mỹ đã trải qua một mùa Đông ấm nhất trong lịch sử, trong đó một phần nguyên nhân là do hình thái thời tiết El Nino.
Thời tiết ấm áp kéo dài đã khiến độ bao phủ băng trên khắp Great Lakes giảm dần và đạt mức thấp lịch sử là 2,7% vào ngày 11/2 vừa qua – thời điểm mà độ bao phủ băng thường đạt đỉnh.
Video đang HOT
Tình trạng thiếu băng sẽ ảnh hưởng đến nhiều khía cạnh cuộc sống, từ các hoạt động kinh doanh dựa vào những môn thể thao ngoài trời, cho đến các loài cá sử dụng băng để tự bảo vệ mình trong mùa sinh sản trước những kẻ săn mồi.
Ngoài ra, tình trạng thiếu băng cũng khiến bờ biển dễ bị xói mòn hơn, làm tăng nguy cơ gây thiệt hại cho cơ sở hạ tầng ven biển.
Trong một thông báo ngày 7/3, Thống đốc bang Minnesota – ông Tim Walz cho biết bang này đã giải ngân nguồn tài trợ của liên bang dành cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng do lượng tuyết giảm, như các công ty sản xuất đồ trượt tuyết, đi bộ trên tuyết hay các địa điểm tổ chức những lễ hội mùa Đông.
Nắng nóng kéo dài suốt tháng 2 vừa qua tại Mỹ. Dữ liệu cho thấy nhiệt độ trung bình tại lục địa Mỹ, không bao gồm Hawaii, Alaska và các vùng lãnh thổ ngoài khơi, là 5,06 độ C trong tháng này – và là tháng Hai ấm thứ 3 trong lịch sử khu vực này.
Tháng Hai vừa qua cũng là tháng khô hạn nghiêm trọng thứ 3 trong lịch sử nước Mỹ. Mặc dù vậy, trong khi một số vùng trải qua hạn hán, các hình thái khí hậu bất thường lại mang mưa lớn và tuyết đến nhiều vùng ở miền Tây, gây ra gió mạnh, lũ lụt, lở đất và mất điện ở nhiều khu vực thuộc bang California.
Greenland mất 30 triệu tấn băng mỗi giờ vì khủng hoảng khí hậu
Một nghiên cứu tiết lộ tảng băng ở Greenland đang mất trung bình 30 triệu tấn băng mỗi giờ do khủng hoảng khí hậu, nhiều hơn 20% so với suy đoán trước đây.
Theo trang The Guardian (Anh), nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Nature đã sử dụng các kỹ thuật trí tuệ nhân tạo để lập bản đồ hơn 235.000 vị trí cuối cùng của nhiều sông băng trong khoảng thời gian 38 năm. Kết quả cho thấy dải băng Greenland đã mất đi khoảng 5.000 km2 diện tích ở rìa tảng băng kể từ năm 1985, tương đương với 1 nghìn tỷ tấn băng từ năm 1985 đến năm 2022.
Bản cập nhật gần đây nhất từ dự án đối chiếu tất cả các phép đo khác về băng ở Greenland cho thấy 221 tỷ tấn băng đã bị mất đi mỗi năm kể từ năm 2003. Nghiên cứu mới cũng chỉ ra rằng mỗi năm, Greenland mất đi 43 tỷ tấn băng, khiến tổng lượng băng bị mất đi trung bình khoảng 30 triệu tấn mỗi giờ.
Một số nhà khoa học lo ngại nguồn nước ngọt đổ vào phía bắc Đại Tây Dương này có thể đồng nghĩa với việc dòng hải lưu bị suy giảm, được gọi là hoàn lưu đảo ngược kinh tuyến Đại Tây Dương (Amoc), để lại những hậu quả nặng nề cho nhân loại.
Việc mất đi lượng băng lớn ở Greenland do nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức kỷ lục trong nhiều thập kỷ.Các kỹ thuật được sử dụng cho đến nay, chẳng hạn đo chiều cao của tảng băng hoặc trọng lượng băng thông qua dữ liệu trọng lực, rất hữu ích trong việc xác định lượng băng bị mất đi ở đại dương và khiến mực nước biển dâng cao.
Tuy nhiên, các nhà khoa học không thể giải thích được sự thu hẹp của các dòng sông băng vốn nằm chủ yếu dưới mực nước biển trong các vịnh hẹp quanh đảo.
Tiến sĩ Chad Greene, nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Sức đẩy Phản lực của Nasa ở Mỹ, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết: "Những thay đổi xung quanh Greenland là rất lớn và chúng đang diễn ra ở khắp mọi nơi. Hầu hết tất cả các sông băng đều đã tan chảy trong vài thập kỷ qua. Nếu băng tan khiến nước ngọt đổ xuống phía bắc Đại Tây Dương, thì hiện tượng Amoc sẽ suy yếu".
Amoc được biết là đang ở mức yếu nhất trong 1.600 năm. Năm 2021, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra các dấu hiệu cảnh báo về điểm giới hạn trong biến đổi khí hậu. Một nghiên cứu gần đây cho thấy hệ thống hải lưu Amoc có nguy cơ sụp đổ ngay sau năm 2025 trong trường hợp xấu nhất. Một phần đáng kể của dải băng Greenland cũng được các nhà khoa học cho là sắp đạt đến điểm giới hạn của sự tan chảy không thể đảo ngược, với lượng băng tương đương với suy đoán mực nước biển dâng cao 1 - 2 mét.
Các nhà khoa học cho biết: Có một số lo ngại rằng bất kỳ nguồn nước ngọt nào cũng có thể đóng vai trò là 'điểm giới hạn', có thể khiến dòng hải lưu Đại Tây Dương sụp đổ phá vỡ các hình thái thời tiết, hệ sinh thái và an ninh lương thực toàn cầu. Tuy nhiên, hiện nay nước ngọt từ sông băng ở Greenland không được đưa vào các mô hình hải dương học. Dòng nước ngọt ít đậm đặc hơn đổ vào biển cũng làm chậm quá trình thông thường của nước mặn nặng hơn ,chìm xuống vùng cực và thúc đẩy sự sụp đổ của hệ thống hải lưu Amoc.
Giáo sư Tim Lenton, tại Đại học Exeter, Vương quốc Anh, không tham gia nghiên cứu, cho biết lượng nước ngọt tràn vào phía bắc Đại Tây Dương là một mối lo ngại, đặc biệt đối với sự hình thành vùng nước sâu ở Biển Labrador và Irminger trong dòng hải lưu cận cực. Các bằng chứng khác cho thấy đây là những khu vực dễ bị rơi vào trạng thái sụp đổ nhất.
"Điều đó sẽ giống như sự sụp đổ một phần của Amoc, nhưng diễn ra nhanh hơn và có tác động sâu sắc đến Vương quốc Anh, Tây Âu, một phần Bắc Mỹ và khu vực Sahel, nơi gió mùa Tây Phi có thể bị gián đoạn nghiêm trọng".
Tiến sĩ Greene cho rằng việc phát hiện lượng băng mất đi rất quan trọng trong việc tính toán sự mất cân bằng năng lượng của Trái Đất - nghĩa là Trái đất đang hấp thụ thêm bao nhiêu nhiệt từ Mặt Trời do phát thải khí nhà kính do con người gây ra.
"Cần rất nhiều năng lượng để làm tan chảy 1 nghìn tỷ tấn băng. Vì vậy, nếu chúng ta muốn có các mô hình cân bằng năng lượng thật chính xác cho Trái Đất thì điều này phải được tính đến", ông nói.
LHQ thông qua nghị quyết triệu tập hội nghị cấp cao giải quyết mối đe dọa do nước biển dâng Theo phóng viên TTXVN tại New York, ngày 16/1, tại trụ sở của Liên hợp quốc (LHQ) ở New York, Đại hội đồng (ĐHĐ) LHQ đã thông qua một nghị quyết về việc triệu tập hội nghị cấp cao, bàn cách giải quyết các mối đe dọa hiện hữu do nước biển dâng. Toàn cảnh phiên họp ĐHĐ LHQ ngày 12/12/2023. Ảnh: AFP/TTXVN...